Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1299/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CÔNG BỐ HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN CÔNG VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam” với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và tại các đơn vị trong lĩnh vực công; nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công, kịp thời, đầy đủ và được quốc tế thừa nhận. Xác định các cơ sở để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước, thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước của Kho bạc nhà nước.

Thúc đẩy sự hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công với khu vực và thế giới, góp phần nâng cao tính minh bạch và có thể so sánh được của các thông tin tài chính.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán (CMKT) công Việt Nam trên cơ sở Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công phải đảm bảo các yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam; là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

- Việc nghiên cứu, xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam gắn với việc triển khai đề án xây dựng mô hình lập báo cáo tài chính nhà nước; làm cơ sở, nền tảng cho hệ thống cơ chế, chính sách tài chính Nhà nước với hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật chứng khoán... đã và đang được cải cách phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

- Việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ ban hành hệ thống chế độ kế toán hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Đối tượng áp dụng

Đối với các đơn vị kế toán, đối tượng áp dụng của Đề án là tất cả các đơn vị trong lĩnh vực công, trừ doanh nghiệp nhà nước có hoạt động sản xuất kinh doanh; đơn vị sự nghiệp mang tính chất kinh doanh, tổ chức đơn vị khác không sử dụng kinh phí NSNN mà Nhà nước không phải chịu trách nhiệm về tài sản, công nợ khi đơn vị đó thanh lý, phá sản, giải thể.

Đối với các cơ sở đào tạo và hội nghề nghiệp, đối tượng áp dụng của Đề án là các trường đại học, học viện và các tổ chức nghề nghiệp trong việc phối hợp nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ triển khai áp dụng chuẩn mực kế toán công của Việt Nam.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng áp dụng của Đề án là Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành, đào tạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam.

2. Lộ trình áp dụng

Từ năm 2019 đến năm 2024, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án để đảm bảo ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo từng giai đoạn.

a) Giai đoạn 1 (2019):

Xây dựng và ban hành Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Thời gian thực hiện: Đến trước tháng 9/2019

Thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Thời gian thực hiện: Đến trước tháng 12/2019

b) Giai đoạn 2 (2020-2024): Nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố các CMKT công Việt Nam theo lộ trình sau:

Đợt 1: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2020:

Đợt 2: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2021 đến tháng 12/2021

Đợt 3: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2022 đến tháng 12/2022

Đợt 4: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2023

Các đợt còn lại: Thời gian thực hiện từ tháng 01/2024

Sau khi ban hành được 21 chuẩn mực (4 đợt), Bộ Tài chính sẽ tổng kết, đánh giá và lựa chọn các chuẩn mực còn lại trong các giai đoạn tiếp theo phù hợp với cơ chế, chính sách trong khu vực công được sửa đổi, bổ sung đồng bộ, phù hợp với với các nguyên tắc của chuẩn mực. Trường hợp cơ chế tài chính, ngân sách không điều chỉnh phù hợp, cần xác định rõ các nội dung không áp dụng theo chuẩn mực kế toán công quốc tế. Trong các đợt còn lại sẽ ban hành các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi có đủ điều kiện để giải quyết sự khác biệt phù hợp với kinh tế Việt Nam.

3. Giải pháp thực hiện đề án

a) Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Chuẩn mực kế toán công Việt Nam (trong năm 2019)

Ban soạn thảo chuẩn mực kế toán công Việt Nam gồm đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo, các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính. Ban soạn thảo chuẩn mực kế toán công do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng Ban, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán làm phó trưởng ban thường trực. Số lượng thành viên Ban soạn thảo do Bộ Tài chính quyết định.

Tổ biên tập chuẩn mực kế toán do Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán làm Tổ trưởng; các phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán làm Tổ phó; Thành viên Tổ biên tập bao gồm cán bộ Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán và đại diện các Bộ, ngành, trường đại học, hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo và các đơn vị hành chính, sự nghiệp, số lượng thành viên tổ biên tập do Trưởng ban soạn thảo quyết định.

b) Xây dựng và công bố chuẩn mực

- Dịch chuẩn mực kế toán công quốc tế ra tiếng Việt;

- Nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực;

- Ban hành, công bố chuẩn mực, hình thức công bố:

+ Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành và công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo các đợt nghiên cứu, xây dựng nêu trong Đề án.

+ Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán theo từng lĩnh vực căn cứ chuẩn mực kế toán công và cơ chế tài chính, ngân sách hiện hành.

c) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản trong lĩnh vực tài chính, kế toán

d) Triển khai chuẩn mực kế toán công Việt Nam

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm của các đơn vị

a) Bộ Tài chính

- Phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam;

- Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập chuẩn mực kế toán công Việt Nam, huy động nhân lực và quy định cơ chế và tổ chức hoạt động của Ban soạn thảo, tổ biên tập phục vụ việc nghiên cứu và triển khai công bố chuẩn mực kế toán công theo lộ trình đã nêu tại Mục 2.3 của Đề án;

- Ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành và công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam (theo các đợt nghiên cứu, xây dựng nêu trong Đề án) và Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán hiện hành của từng lĩnh vực phù hợp với các chuẩn mực kế toán công đã được ban hành theo lộ trình, đảm bảo nhất quán giữa cơ chế tài chính, ngân sách và chuẩn mực kế toán;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến việc công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam;

- Chủ trì thực hiện tổng kết, đánh giá về khả năng thực hiện thực tế của các đối tượng áp dụng trong từng giai đoạn để có hướng dẫn thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi của Đề án;

- Xây dựng và bố trí dự toán cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai thực hiện Đề án.

b) Các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW

- Có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình nghiên cứu và công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam;

- Chủ động tổ chức các hoạt động triển khai theo lĩnh vực quản lý, đề xuất các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo tính khả thi và tổ chức thực hiện các hoạt động có liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán công Việt Nam được công bố.

c) Các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp

Các cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Đề án xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

d) Các cơ sở đào tạo

Các cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo về kế toán xây dựng giáo trình và phương pháp giảng dạy phù hợp để tổ chức các hoạt động đào tạo CMKT công Việt Nam.

đ) Các hội nghề nghiệp

Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền, hỗ trợ các đơn vị và hội viên trong quá trình công bố, ban hành và triển khai áp dụng CMKT công Việt Nam.

2. Kinh phí thực hiện Đề án:

a) Từ nguồn chi thường xuyên thuộc NSNN

Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên cho các hoạt động của Ban soạn thảo và Tổ biên tập chuẩn mực kế toán công Việt Nam và các hoạt động thường xuyên khác theo quy định của Pháp luật.

b) Từ nguồn tài trợ

Kinh phí từ các nhà tài trợ trong nước và quốc tế được sử dụng cho các hoạt động có liên quan theo thỏa thuận với nhà tài trợ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán kiểm toán; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Chánh văn phòng Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, QLKT (20 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn