Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1764/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

- Căn cứ Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

- Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII;

- Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013;

- Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;

- Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017;

- Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019;

- Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;

- Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn;

- Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 ngày 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Căn cứ Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

- Căn cứ Quyết định số 1916/QĐ-TLĐ ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII về việc Ban hành Quy chế làm việc của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII

- Căn cứ các văn bản quy định của pháp luật hiện hành khác có liên quan;

- Theo đề nghị của Ban Tài chính Tổng Liên đoàn,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung các Điều 7, 16, 19, 21 của Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn; thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn.

1. Khoản 5 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn tài chính công đoàn đầu tư tài chính, cấp vốn điều lệ; vay vốn, huy động vốn:

a) Thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn:

- Phê duyệt chủ trương đầu tư tài chính (trừ tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng).

- Phê duyệt đề án cấp vốn (không bao gồm cấp kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên) cho đơn vị sự nghiệp và công ty TNHH Một thành viên.

- Cấp vốn cho đơn vị sự nghiệp và công ty TNHH Một thành viên trực thuộc Tổng Liên đoàn.

- Phê duyệt chủ trương vay vốn, huy động vốn thực hiện đầu tư của đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên trực thuộc Tổng Liên đoàn.

b) Thẩm quyền của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương:

- Xây dựng phương án đầu tư tài chính từ nguồn tài chính công đoàn của đơn vị trình Tổng Liên đoàn phê duyệt (trừ tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng).

- Thẩm định đề án cấp vốn (không bao gồm cấp kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên) cho đơn vị sự nghiệp và công ty TNHH Một thành viên trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương trình Tổng Liên đoàn phê duyệt.

- Cấp vốn cho đơn vị sự nghiệp và công ty TNHH Một thành viên trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương sau khi được Tổng Liên đoàn phê duyệt.

- Phê duyệt chủ trương vay vốn, huy động vốn thực hiện đầu tư của đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên trực thuộc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương.

* Đối với Ban Công đoàn Quốc phòng không có Ban Thường vụ thì thẩm quyền do Thủ trưởng đơn vị quyết định.

c) Thẩm quyền của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn: Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên được vay vốn, huy động vốn thực hiện đầu tư trên cơ sở được Tổng Liên đoàn phê duyệt chủ trương.”

2. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 16. Thẩm quyền quyết định, phê duyệt dự toán, quyết toán dự án đầu tư công (có cấu phần xây dựng, không có cấu phần xây dựng); mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ; sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết

1. Thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn:

1.1. Dự án đầu tư công:

a) Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước:

- Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm.

- Phê duyệt: chủ trương đầu tư dự án; dự án; kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án; quyết toán dự án hoàn thành.

b) Sử dụng nguồn tài chính công đoàn; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật; các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác:

- Phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

- Phê duyệt: chủ trương đầu tư dự án; dự án; kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, quyết toán dự án hoàn thành.

c. Sử dụng nguồn vốn hỗn hợp (nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, tài chính công đoàn).

Căn cứ vào tỷ lệ vốn đầu tư đối với dự án cụ thể thì thực hiện theo thỏa thuận giữa các cấp có thẩm quyền để xác định cơ quan quyết định đầu tư dự án.

1.2. Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác:

Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

1.3. Mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên:

a) Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước:

- Lập kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Phân bổ dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ hàng năm.

- Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

b) Sử dụng nguồn tài chính công đoàn; quỹ phát triển tại đơn vị sự nghiệp công lập:

Phê duyệt kế hoạch trung hạn; phê duyệt dự toán, quyết toán hàng năm.

1.4. Sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết; mua sắm, thanh lý xe ô tô, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp:

- Phê duyệt chủ trương; đề án sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp thuộc các cấp công đoàn theo quy định của pháp luật.

- Phê duyệt chủ trương mua sắm xe ô tô, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; thanh lý xe ô tô, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cấp công đoàn, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp công đoàn theo quy định của pháp luật.

2. Thẩm quyền của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương; đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế là chủ đầu tư:

2.1. Dự án đầu tư công:

a) Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước:

- Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm và trình Tổng Liên đoàn xem xét.

- Thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước được phân bổ, giao hàng năm.

- Trình Tổng Liên đoàn xem xét, phê duyệt: chủ trương đầu tư dự án; dự án; kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án; quyết toán dự án hoàn thành.

- Thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

b) Sử dụng nguồn tài chính công đoàn; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật; các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác:

- Thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được Tổng Liên đoàn giao.

- Trình Tổng Liên đoàn xem xét, phê duyệt: chủ trương đầu tư dự án; dự án; kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, quyết toán dự án hoàn thành.

- Thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

c) Sử dụng nguồn vốn hỗn hợp (nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, tài chính công đoàn):

Thực hiện dự án theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2.2. Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác:

Thực hiện dự án theo quyết định của Tổng Liên đoàn và quy định của pháp luật.

2.3. Mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên:

a) Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước:

- Lập kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và trình Tổng Liên đoàn xem xét.

- Thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ hàng năm theo số phân bổ, dự toán được duyệt.

- Trình Tổng Liên đoàn kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trình quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.

b) Sử dụng nguồn tài chính công đoàn; quỹ phát triển tại đơn vị sự nghiệp công lập:

- Thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ hàng năm theo dự toán được duyệt.

- Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phê duyệt quyết toán tài chính hàng năm của các đơn vị trực thuộc trực tiếp.

2.4. Sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết; mua sắm, thanh lý xe ô tô, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp:

- Lập, thẩm định hồ sơ; trình Tổng Liên đoàn chủ trương, đề án sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Lập, thẩm định hồ sơ; trình Tổng Liên đoàn về việc mua sắm, thanh lý xe ô tô, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

3. Cấp quyết định đầu tư, mua sắm tài sản, quyết định việc thanh lý tài sản.”

3. Khoản 3 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phân cấp thu kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở đối với các đơn vị thuộc đối tượng thực hiện Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 về quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.”

4. Khoản 1 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 21. Phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn cơ sở

1. Công đoàn cơ sở được sử dụng 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn. Phần kinh phí công đoàn phân phối cho công đoàn cơ sở theo hướng mỗi năm tăng 1% để đạt mức 75% đến năm 2025.

Phần đoàn phí công đoàn thu tăng thêm so với quy định tại Điều 23 Quyết định này và nguồn thu khác được để lại 100% cho công đoàn cơ sở sử dụng.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung các Điều 8, 10, 12, 15 của Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ ngày 24/10/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp của công đoàn.

1. Điểm a Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Sử dụng nguồn tài chính.

a) Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản.

Việc thực hiện dự án đầu tư công (có cấu phần xây dựng, không có cấu phần xây dựng); mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ; sử dụng tài sản cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị phải tuân thủ trình tự, thủ tục và quy định tại Khoản 1, 2 Điều 1 Quyết định số 1764/QĐ-TLĐ ngày 28 tháng 12 năm 2020.

Đối với đơn vị có cơ chế đặc thù do pháp luật quy định thì thực hiện theo cơ chế đó.”

2. Khoản 3 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Phân phối kết quả tài chính trong năm

a) Chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (sau khi nộp thuế và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước) được phân phối như sau:

- Trích tối thiểu 15% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

- Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do nhà nước quy định.

- Trích lập Quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi tối đa không quá hai tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị.

- Trích lập các quỹ khác theo quy định của pháp luật.

- Chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi trích các quỹ trên (nếu có) được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi bằng hoặc nhỏ hơn 1 lần quỹ tiền lương ngạch bậc, chức vụ thực hiện trong năm, đơn vị được quyết định trích lập các quỹ theo trình tự: Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Quỹ khen thưởng, phúc lợi; Quỹ khác.

b) Mức trích cụ thể vào các quỹ theo quy định trên và sử dụng các quỹ do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị. Nội dung chi các quỹ theo Điểm b, Khoản 3 Điều 8 Quy định này".

3. Điểm c Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Nội dung được vận dụng.

c) Quản lý doanh thu, chi phí, phân phối lợi nhuận, thực hiện chế độ kế toán, quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp và quy chế quản lý tài chính Công ty TNHH MTV công đoàn của Tổng Liên đoàn.”

4. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 15. Cơ chế khoán quỹ lương đối với đơn vị sự nghiệp công đoàn.

Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu được khoán quỹ lương tính trên doanh thu cho đơn vị sự nghiệp công đoàn tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị được vận dụng cơ chế tài chính như Công ty TNHH MTV công đoàn. Đơn vị sự nghiệp đề nghị mức khoán, Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu quyết định mức khoán.

Đơn vị sự nghiệp được khoán quỹ lương xây dựng phương án trả lương trình Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu phê duyệt để thực hiện.”

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung các Điều 8, 9, 16 của Quyết định 1912/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về việc ban hành Quy chế quản lý vốn của Công đoàn đầu tư tài chính, hoạt động kinh tế.

1. Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2.3. Thẩm quyền quyết định sử dụng tài chính công đoàn mua cổ phần ưu đãi.

- Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương trình Tổng Liên đoàn phê duyệt mua cổ phần ưu đãi.

- Tổng Liên đoàn phê duyệt mua cổ phần ưu đãi và mua cổ phần không ưu đãi.”

2. Bỏ Điều 9. Sử dụng tài chính công đoàn cho vay

3. Điểm 2.2 Khoản 2 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2.2. Đối với các đơn vị sự nghiệp Công đoàn: Lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh tế và đầu tư tài chính được trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật.”

Điều 4. Điều khoản thi hành

- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

- Các Điều, Khoản khác thuộc Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016; Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ ngày 24/10/2016; Quyết định số 1912/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 giữ nguyên hiệu lực thi hành.

- Các nội dung nộp nghĩa vụ áp dụng từ niên độ tài chính 2020.

- Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Các đ/c UV ĐCT TLĐ;
- Lưu: VT, TC.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Khang