THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2147/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2010 |
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA CHỐNG THẤT THOÁT, THẤT THU NƯỚC SẠCH ĐẾN NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Huy động và tập trung các nguồn lực cho hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân từ 30% năm 2009 xuống dưới 15% vào năm 2025, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn như sau:
- Đến năm 2015: tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân là 25%.
- Đến năm 2020: tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân là 18%.
- Đến năm 2025: tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân là 15%.
2. Các hoạt động chính của Chương trình.
a) Hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng:
Nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc cấp nước phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, xác định vai trò trách nhiệm của mình trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ hệ thống cấp nước vì lợi ích chung của toàn xã hội.
b) Hoạt động nâng cao năng lực chính quyền địa phương:
Nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác phát triển cấp nước, sử dụng nước và bảo vệ hệ thống cấp nước, nguồn nước. Phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn.
c) Nâng cao năng lực quản lý cho đơn vị cấp nước:
- Về tổ chức quản lý:
+ Sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý, giám sát, bảo trì và giao trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận trong đơn vị cấp nước. Thành lập bộ phận chi tiết chống thất thoát, thất thu nước sạch tại các đơn vị cấp nước, đặc biệt tại các đô thị có tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch cao.
+ Xây dựng và quản lý hệ thống ghi thu khoa học, phù hợp và bảo đảm chính xác, nhằm hạn chế gian lận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch.
+ Lập lý lịch mạng lưới đường ống, đồng hồ đo nước, sử dụng việc quản lý mạng và đồng hồ nước bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin địa lý (GIS).
+ Lập kế hoạch năm năm và hàng năm cho hoạt động kiểm tra, thay thế các tuyến ống và thiết bị trên mạng đường ống cấp nước.
- Về đào tạo nâng cao năng lực:
+ Tập huấn, đào tạo cán bộ, công nhân của đơn vị cấp nước các kiến thức mới về quản lý hệ thống cấp nước, hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch; sử dụng chương trình phần mềm phù hợp để quản lý hệ thống cấp nước.
+ Tổ chức hội thảo, hội nghị về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch của các đơn vị cấp nước.
d) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về chống thất thoát, thất thu nước bao gồm:
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá ngành nước và chế độ báo cáo phục vụ công tác quản lý, giám sát các hoạt động cấp nước.
- Xây dựng cơ chế khoán cho đơn vị cấp nước giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch và hưởng lợi nhuận từ kết quả này.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích đơn vị cấp nước và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cải tạo mạng lưới đường ống, quản lý mạng và chống thất thoát, thất thu nước sạch.
- Xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tài chính đối với các dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch.
- Xây dựng chế độ khen thưởng các cá nhân phát hiện và thông báo về các sự cố, điểm rò rỉ nước. Chế tài đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nước gian lận, không trả tiền, làm hư hỏng tuyến ống.
đ) Công tác chống thất thoát, thất thu nước sạch do kỹ thuật:
- Đánh giá thực trạng mạng lưới đường ống cũ, có kế hoạch đầu tư thay thế mạng lưới đường ống cũ không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đối với các đô thị lớn (đặc biệt đô thị từ loại II trở lên) có mạng lưới đường ống phức tạp cần tiến hành công tác phân vùng cấp nước nhằm kiểm soát thất thoát nước sạch.
- Giám sát chặt chẽ công tác lắp đặt các tuyến ống mới, thay thế các tuyến ống cũ, đặc biệt là các điểm đấu nối giữa ống cũ và ống mới, các điểm khởi thủy cấp nước cho các đối tượng tiêu thụ mới.
- Lắp đặt đồng hồ đạt tiêu chuẩn về chất lượng và đầy đủ về số lượng cho các đối tượng tiêu thụ. Đầu tư thay thế các đồng hồ cũ, định kỳ bảo dưỡng và kiểm định đồng hồ theo quy định.
- Đầu tư thiết bị phát hiện rò rỉ, các trang thiết bị máy móc cho công tác sửa chữa đường ống.
3. Kinh phí thực hiện Chương trình
Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, tín dụng đầu tư và các nguồn vốn khác cho các hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch, trong đó ưu tiên các đô thị lớn, các đơn vị cấp nước có tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch cao. Cơ cấu bố trí nguồn kinh phí bao gồm:
- Hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA không hoàn lại hoặc sử dụng các cấu phần không hoàn lại trong các khoản ODA vay hỗn hợp; các nguồn vốn huy động khác hoặc lồng ghép nội dung này với các chương trình, dự án khác.
- Hoạt động nâng cao năng lực đơn vị cấp nước và chính quyền địa phương sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ODA không hoàn lại hoặc sử dụng các cấu phần không hoàn lại trong các khoản ODA vay hỗn hợp; nguồn vốn của các đơn vị cấp nước và huy động khác. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động: Biên soạn tài liệu, giáo trình; đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo khoa học,…
- Hoạt động đầu tư cải tạo mạng đường ống, thay thế đồng hồ, mua sắm trang thiết bị… được đầu tư theo các dự án sử dụng từ các nguồn vốn ODA, vốn vay thương mại, tín dụng đầu tư, nguồn vốn của các đơn vị cấp nước và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác.
- Hoạt động quản lý Chương trình: kinh phí được bố trí trong nguồn dự toán chi ngân sách nhà nước giao cho các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng để thực hiện.
1. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước:
- Ban Chỉ đạo Chương trình được Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm các thành viên:
+ Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng Ban Chỉ đạo, một Thứ trưởng Bộ Xây dựng là Phó Trưởng ban;
+ Các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Ban Chỉ đạo Chương trình thực hiện các nhiệm vụ: chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm và năm năm thực hiện Chương trình; chỉ đạo thực hiện Chương trình; chỉ đạo và phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan đến Chương trình; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện Chương trình tại các địa phương.
2. Bộ Xây dựng:
- Bộ Xây dựng là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình.
- Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập các dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch và hướng dẫn triển khai thực hiện.
- Rà soát, tổng hợp danh mục các dự án cụ thể về nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực quản lý đơn vị cấp nước và dự án đầu tư chống thất thoát, thất thu nước sạch của các tỉnh.
- Trên cơ sở kế hoạch cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng lập kế hoạch hàng năm và năm năm thực hiện Chương trình, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách về chống thất thoát, thất thu nước sạch theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức triển khai; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình; đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả và định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố công bố công khai các số liệu, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý công trình cấp nước, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch của các đơn vị cấp nước, chỉ đạo xây dựng các chương trình truyền thông chống thất thoát, thất thu nước sạch trên các Website và các phương tiện thông tin đại chúng.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành nước; biên soạn giáo trình đào tạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình.
- Khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các công nghệ hiện đại, vật liệu mới trong việc quản lý, phát hiện thất thoát, thất thu nước sạch nói riêng và xây dựng, vận hành công trình cấp nước nói chung.
- Tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Bố trí vốn ngân sách cấp hàng năm, vận động thu hút nguồn vốn ODA cho các hoạt động thuộc Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xây dựng và hướng dẫn cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý mạng lưới đường ống chống thất thoát, thất thu nước sạch.
4. Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn cơ chế tài chính bảo đảm cho các hoạt động của Chương trình được triển khai có hiệu quả.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tài chính đối với các dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ liên quan xây dựng cơ chế khoán giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch và hưởng lợi nhuận từ kết quả này.
5. Hội Cấp thoát nước Việt Nam:
Hội Cấp thoát nước Việt Nam tham gia cùng với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan phổ biến, tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cho các đơn vị cấp nước trong hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch. Tổ chức đánh giá và tuyên dương các đơn vị đạt được các chỉ số tốt nhất về quản lý hệ thống cấp nước và chống thất thoát, thất thu nước sạch.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Trên cơ sở các cơ chế chính sách về chống thất thoát, thất thu nước sạch được ban hành, xây dựng các quy định cụ thể và hướng dẫn áp dụng phù hợp với địa phương.
- Xây dựng dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo triển khai thực hiện.
- Xây dựng và ban hành kế hoạch giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch hàng năm và 5 năm.
- Lập kế hoạch, kinh phí năm năm và hàng năm thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Xây dựng.
- Tổ chức và phối hợp với các tổ chức xã hội của Trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục cộng đồng các nội dung của chương trình.
- Huy động vốn đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo mạng, quản lý mạng theo hình thức xã hội hóa.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án trên địa bàn; đánh giá chất lượng, tiến độ, hiệu quả và định kỳ báo cáo Bộ Xây dựng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |