Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 85/2013/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngày 10 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp

1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức giám định tư pháp công lập; việc thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp: chính sách ưu đãi đối với Văn phòng giám định tư pháp: quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đối với hoạt động giám định tư pháp.”

2. Điểm b khoản 1 Điều 3 được sửa đổi như sau:

“b) Xây dựng quy trình, quy chuẩn giám định pháp y trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;”

3. Điểm b khoản 1 Điều 7 được sửa đổi như sau:

“b) Xây dựng quy trình, quy chuẩn giám định pháp y tâm thần trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;”

4. Điểm b khoản 1 Điều 9 được sửa đổi như sau:

”b) Xây dựng quy trình, quy chuẩn giám định kỹ thuật hình sự trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;”

5. Khoản 2 Điều 21 được sửa đổi như sau:

“2. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, Văn phòng giám định tư pháp phải có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.

Văn phòng giám định tư pháp phải gửi kèm theo báo cáo giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc thực hiện giám định đối với các trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đã tiếp nhận, nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ theo quy định của pháp luật, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động, đăng báo trung ương hoặc báo địa phương trong hai số liên tiếp về thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động đến Văn phòng giám định tư pháp và các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.”

6. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 23. Công nhận và đăng tải, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của hoạt động tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và gửi cho Bộ Tư pháp.

3. Trường hợp có sự thay đổi về thông tin liên quan đến người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã dược công nhận thì bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh danh sách và gửi cho Bộ Tư pháp.

4. Người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã dược lựa chọn, lập và công bố trước ngày 01 tháng 01 năm 2021, nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

5. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không còn có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp.”

7. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 26. Chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp

1. Giám định viên tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp.

Giám định viên tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần thuộc ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề.

2. Giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thường trực.”

8. Điểm d, điểm đ, điểm g khoản 1 Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về mã số hoặc chức danh nghề nghiệp đối với giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc các tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần trong ngành y tế; xây dựng chế độ phụ cấp thường trực đối với giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc các tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần thuộc ngành y tế.

Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu quy định hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chức danh giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc các tổ chức giám định tư pháp công lập trong Công an nhân dân theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc các tổ chức giám định tư pháp công lập trong Công an nhân dân;”

“đ) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra về hoạt động giám định pháp y trong ngành công an và quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra về hoạt động giám định kỹ thuật hình sự trong quân đội; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện việc kiểm tra về hoạt động giám định kỹ thuật hình sự trong cơ quan kiểm sát;”

“g) Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm rà soát, đăng tải danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ; hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh trong danh sách chung;”

9. Điểm b khoản 2 Điều 27 được sửa đổi như sau:

b) Rà soát, đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi danh sách cho Bộ Tư pháp.”

10. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

“1. Sở Tư pháp có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định của Văn phòng giám định tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;

b) Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp ở địa phương;

c) Phối hợp với Sở Y tế xây dựng đề án trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y;

d) Phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương;

đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp;

e) Phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc lựa chọn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương:

g) Hàng năm, chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp đánh giá về tổ chức, chất lượng hoạt động giám định tư pháp ở địa phương; đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các giải pháp để bảo đảm số lượng, chất lượng của đội ngũ người giám định tư pháp đáp ứng kịp thời, yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng ở địa phương;

h) Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền;

i) Báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương theo quy định của pháp luật về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước và quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.”

2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lựa chọn và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp;

b) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lựa chọn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương;

d) Lập dự toán kinh phí hoạt động cho tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc mình quản lý;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp ở địa phương:

c) Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tư pháp trong việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp: giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

g) Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;

h) Hàng năm, báo cáo bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn về giám định tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của mình ở địa phương; đồng thời gửi báo cáo về Sở Tư pháp để tổng hợp chung; thực hiện chế độ thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo quy định của pháp luật;

i) Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, h khoản 2 Điều này, Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn Trung tâm pháp y cấp tỉnh.

11. Bổ sung Điều 28a vào sau Điều 28 như sau:

Điều 28a. Cách thức thực hiện thủ tục hành chính về giám định tư pháp

Cá nhân, tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ trực tuyến hoặc trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và quy định của pháp luật có liên quan khi thực hiện thủ tục hành chính về giám định tư pháp.

12. Thay thế cụm từ “cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” tại khoản 2 Điều 17 bằng cụm từ “cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Điều 2. Bãi bỏ một số khoản tại Điều 29 của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp

Bãi bỏ khoản 3 và khoản 4 Điều 29.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng B
í thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, PL (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc