Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 1995

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 40-CP NGÀY 3 THÁNG 7 NĂM 1995 VỀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI BẰNG HÀNG HOÁ VÀ DỊCH VỤ THU NGOẠI TỆ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước tại Công văn số 1712-UB/TMDV ngày 31-5-1995,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.

Tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu trả nợ nước ngoài bao gồm cả dịch vụ thu ngoại tệ, là một phần không tách rời của kế hoạch trả nợ đã được Quốc hội thông qua trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm.

Điều 2.

Bộ Tài chính chủ trì cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương mại và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch trả nợ nước ngoài hàng năm, trên cơ sở khả năng thu, chi của Ngân sách, cán cân thương mại và quan hệ thương mại với từng nước. Kế hoạch này được tính toán cụ thể đối với từng nước (từng đối tượng riêng) và theo từng phương thức trả nợ bằng tiền, hàng, dịch vụ...

Điều 3.

Căn cứ kế hoạch trả nợ nước ngoài (phần trả bằng hàng hoá và dịch vụ) được phê duyệt, Bộ Tài chính thông báo cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương mại và các ngành có liên quan về hạn mức trả nợ cụ thể từng nước (từng đối tượng riêng). Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại và các ngành được giao nhiệm vụ thực hiện việc đàm phán, ký kết các thoả thuận liên quan với phía nước ngoài về hàng hoá xuất khẩu và dịch vụ trong hạn mức và phù hợp với kế hoạch xuất khẩu hàng năm.

Bộ Thương mại, các ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các hiệp định, văn kiện liên quan đã ký kết và gửi Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai kế hoạch trả nợ theo chức năng của mình.

Điều 4.

Hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu theo kế hoạch trả nợ của Chính phủ là hàng hoá và dịch vụ sản xuất thực hiện tại Việt Nam, được thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước, theo kết quả đấu thầu đối với từng ngành hàng, nhóm hàng, mặthàng xuất khẩu và dịch vụ.

Điều 5.

Căn cứ các thoả thuận đã ký với phía nước ngoài, Bộ Tài chính chủ trì cùng các ngành liên quan triển khai kế hoạch trả nợ theo phương thức đấu thầu, thực hiện đơn đặt hàng trả nợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 6.

Việc đấu thầu trả nợ được thực hiện theo Quy chế đấu thầu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành và được tổ chức thực hiện từng bước đối với một số nước, một số ngành hàng lớn chủ yếu; từ năm 1996 chuyển toàn bộ việc xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ trả nợ sang cơ chế đấu thầu.

Điều 7.

Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập Hội đồng đấu thầu Liên Bộ, phê duyệt Quy chế đầu thầu và chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng này để tổ chức đấu thầu hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu trả nợ đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Hội đồng do đại diện có thẩm quyền của Bộ Tài chính làm Chủ tịch và gồm các đại diện có thẩm quyền của Bộ Thương mại, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Ban Vật giá Chính phủ, Hội đồng Quản lý các Tổng công ty ngành hàng có liên quan tham gia. Bộ Tài chính được phép mời các thành phần khác tham gia Hội đồng khi xét thấy cần thiết.

Điều 8.

Đối với các nhóm hàng, mặt hàng chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế đấu thầu, giao Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Thương mại, Bộ quản lý ngành hàng và Bộ Tài chính lập và trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch phân bổ hạn mức trả nợ theo các nguyên tắc sau:

1. Tập trung phân bổ trực tiếp cho các Tổng công ty ngành hàng sản xuất kinh doanh theo ngành hàng của Trung ương và các địa phương có sản xuất tập trung; các doanh nghiệp sản xuất có hiệu quả và đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu.

2. Đối với hàng hoá chủ yếu là mua gom từ sản xuất trong dân, hợp tác xã và gia đình, tập trung phân bổ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh của Trung ương và địa phương theo ngành hàng.

3. Đối với những mặt hàng đã được sắp xếp xuất khẩu theo các đầu mối xuất khẩu đã được Bộ Thương mại công bố, chỉ tập trung phân bổ cho các đầu mối này, có tính đến ý kiến của các Hiệp hội sản xuất - kinh doanh theo ngành hàng.

4. Trường hợp phải thay đổi mặt hàng (trong nhóm hàng) trả nợ do phía nước ngoài đề nghị hoặc chấp nhận, giao Bộ Thương mại điều hành theo các nguyên tắc: tỷ giá thanh toán các mặt hàng thay thế không cao hơn tỷ giá thanh toán mặt hàng phải thay thế; phải phân bổ chủ yếu cho các doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh các mặt hàng thay thế.

Điều 9.

Các doanh nghiệp giao hàng trả nợ (trúng thầu hoặc được giao chỉ tiêu) thực hiện các thủ tục và cam kết thực hiện đơn đặt hàng của Nhà nước theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Các doanh nghiệp trúng thầu được trực tiếp xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu phần hàng trả nợ đã trúng thầu.

Các doanh nghiệp được phân bổ hạn mức trả nợ (những mặt hàng tạm thời chưa áp dụng cơ chế đấu thầu) được phép trực tiếp xuất khẩu, hoặc uỷ thác xuất khẩu qua các công ty đầu mối xuất khẩu (trường hợp các mặt hàng quy định qua đầu mối xuất khẩu), hoặc uỷ thác xuất khẩu qua bất cứ công ty kinh doanh xuất nhập khẩu nào (đối với các mặt hàng không quy định đầu mối xuất khẩu).

Điều 10.

Về nguyên tắc, không áp dụng bất cứ hình thức nào để trợ giá hoặc bù lỗ xuất khẩu đối với hàng hoá xuất khẩu và dịch vụ có thu ngoại tệ trả nợ; trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ xét, quyết định.

Nghiêm cấm việc nhập khẩu hàng hoặc mua hàng hoá không sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu trả nợ.

Điều 11.

Các doanh nghiệp được phép xuất khẩu mặt hàng trả nợ trúng thầu (hoặc mặt hàng được phân bổ) sang nước khác để thu các đồng ngoại tệ chuyển đổi, chuyển trả cho Ngân hàng nước chủ nợ, theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Điều 12.

Quy định trách nhiệm của các cơ quan Tài chính, Ngân hàng, Thương mại trong việc điều hành thực hiện kế hoạch trả nợ:

1. Ngân hàng Nhà nước: theo dõi kim ngạch trả nợ các doanh nghiệp đã thực hiện để quyết toán với Ngân hàng các nước chủ nợ vào tài khoản của Việt Nam; thông báo kịp thời cho Bộ Tài chính khi Ngân hàng các nước chủ nợ thông báo đã nhận được số tiền trả nợ đối với từng lô hàng đã giao; chỉ đạo Ngân hàng Ngoại thương trong việc làm thủ tục thanh toán đối ngoại để trừ nợ Nhà nước đối với phía nước ngoài.

2. Bộ Thương mại: Hướng dẫn các thông tin về hợp đồng, giá cả cho các doanh nghiệp Việt Nam, bảo đảm việc xuất khẩu trả nợ như xuất khẩu thương mại bình thường; thông báo các đối tác có liên quan trong, ngoài nước khi thực hiện kế hoạch trả nợ trong trường hợp cần thiết.

3. Bộ Tài chính: Thực hiện việc thanh toán kịp thời tiền hàng cho các doanh nghiệp đã giao hàng trả nợ hoặc có doanh thu dịch vụ trừ nợ nước ngoài của Nhà nước. Nếu thanh toán chậm từ một tháng trở lên, kể từ ngày có đầy đủ hồ sơ thanh toán nợ với nước ngoài theo quy định hiện hành thì phải trả theo lãi suất tiền vay Ngân hàng; đồng thời báo cáo rõ Thủ tướng Chính phủ lý do thanh toán chậm.

Hàng quý, Bộ Tài chính tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện kế hoạch trả nợ; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch trả nợ; trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Điều 13.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho Nghị định số 47-CP ngày 26-6-1993.

Điều 14.

Những nguyên tắc về quản lý xuất nhập khẩu không đề cập trong Nghị định này, thực hiện theo Nghị định số 33-CP ngày 19-4-1994 của Chính phủ.

Điều 15.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)