Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 96/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN BỊ CHÔN GIẤU, BỊ CHÌM ĐẮM ĐƯỢC PHÁT HIỆN HOẶC TÌM THẤY THUỘC ĐẤT LIỀN, CÁC HẢI ĐẢO VÀ VÙNG BIỂN VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định việc xử lý đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm không thuộc phạm vi vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia mà do tổ chức, cá nhân Việt Nam phát hiện hoặc tìm thấy thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế về xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm mà Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không có quy định về xử lý tài sản bị chôn giấu, bì chìm đắm thì áp dụng theo quy định tại Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.  

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy.

3. Các đối tượng khác có liên quan đến xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là việc tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, chứng cứ về tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm chưa được khai quật, trục vớt.

2. Tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là việc tổ chức, cá nhân khai quật được, trục vớt được tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm theo nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

3. Ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là việc tổ chức, cá nhân không có thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nhưng tìm thấy tài sản trong quá trình sinh hoạt, sản xuất.

Điều 4. Nguyên tắc xử lý

1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ thông tin có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, không được tự khai quật, trục vớt. Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thì phải thông báo và giao nộp ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5, Điều 9 Nghị định này.

2. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin; quyết định xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.

3. Việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy được thực hiện công khai, đúng trình tự theo quy định tại Nghị định này.

4. Tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì quyền sở hữu thuộc về Nhà nước; tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc ngẫu nhiên tìm thấy tài sản đó được thưởng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

5. Tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia do tổ chức, cá nhân phát hiện thì tổ chức, cá nhân phát hiện được thưởng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản đó thì được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

6. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nếu không thông báo, không giao nộp tài sản được tìm thấy hoặc tự khai quật, trục vớt tài sản thì không được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này và bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN VÀ TỔ CHỨC THĂM DÒ, KHAI QUẬT, TRỤC VỚT TÀI SẢN BỊ CHÔN GIẤU, BỊ CHÌM ĐẮM

Điều 5. Tiếp nhận, xử lý thông tin về tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm

1. Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ các thông tin có liên quan với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đây:

a) Cơ quan quân sự nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thuộc khu vực quân sự;

b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan công an nơi gần nhất đối với tài sản bị chôn giấu không thuộc khu vực quân sự.

c) Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh nơi gần nhất đối với tài sản bị chìm đắm không thuộc khu vực quân sự.

Tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm chịu trách nhiệm về thông tin đã thông báo.

2. Cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin có trách nhiệm:

a) Lập biên bản có đầy đủ chữ ký của đại diện tổ chức, cá nhân đã thông báo thông tin và đại diện cơ quan tiếp nhận thông tin; tổ chức, cá nhân thông báo thông tin giữ một bản để làm cơ sở giải quyết quyền lợi về sau;

b) Kiểm tra tính chính xác của thông tin đã tiếp nhận;

c) Báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin đóng trụ sở;

d) Tổ chức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm; trường hợp tài sản bị chìm đắm ở vùng biển xa bờ thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phối hợp với các cơ quan thuộc lực lượng quốc phòng, an ninh, cơ quan quản lý hàng hải để thực hiện.

Riêng đối với tài sản chìm đắm ở nội thủy, lãnh hải thì trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày nhận được thông báo có tài sản chìm đắm, cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thông báo 03 (ba) lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng Trung ương hoặc địa phương để tìm chủ tài sản.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm;

b) Báo cáo cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 6 Nghị định này quyết định việc lập phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm;

c) Trường hợp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm không thuộc địa bàn quản lý thì thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.

Điều 6. Thẩm quyền giao và phê duyệt phương án thăm dò; phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm    

Việc giao cho tổ chức, cá nhân lập phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt và phê duyệt phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm do các cơ quan nhà nước sau đây quyết định:

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật.

2. Bộ Quốc phòng, đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia và tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm trong khu vực quân sự.

3. Bộ Giao thông vận tải, đối với tài sản chìm đắm làm cản trở hoạt động hàng hải, gây nguy hiểm cho tài nguyên biển; đe dọa tính mạng và sức khỏe con người hoặc gây ô nhiễm môi trường. Riêng đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm xây dựng phương án trục vớt trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt; trường hợp tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải là di sản văn hóa dưới nước hoặc liên quan đến quốc phòng, an ninh thì trước khi Cục Hảng hải Việt Nam phê duyệt, phương án trục vớt phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Bộ Quốc phòng.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, đối với các tài sản không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 7. Nội dung phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm

1. Phương án thăm dò tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Địa điểm tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm;

b) Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc;

c) Phương tiện và biện pháp thăm dò;

d) Biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thăm dò;

đ) Bàn giao kết quả thăm dò cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

e) Biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường; phòng, chống cháy, nổ;

g) Dự toán chi phí thăm dò;

h) Điều kiện để lựa chọn tổ chức, cá nhân tổ chức khai quật, trục vớt (trong trường hợp cần thiết).

2. Phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Căn cứ tổ chức việc khai quật, trục vớt;

b) Kết quả thực hiện phương án thăm dò tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm (nếu có);

c) Địa điểm tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm;

d) Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc;

đ) Phương tiện và biện pháp khai quật, trục vớt;

e) Biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình khai quật, trục vớt;

g) Biện pháp bảo quản tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy sau khi khai quật, trục vớt;

h) Bàn giao tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

i) Biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường; phòng, chống cháy, nổ;

k) Biện pháp bảo hiểm tổ chức, cá nhân tham gia khai quật, trục vớt;

l) Dự kiến kết quả sau khi khai quật, trục vớt;

m) Dự toán chi phí khai quật, trục vớt;

n) Điều kiện để lựa chọn tổ chức, cá nhân tổ chức khai quật, trục vớt (trong trường hợp cần thiết).

3. Tùy trường hợp cụ thể, việc lập và quyết định phương án thăm dò; lập và quyết định phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thực hiện độc lập hoặc thực hiện gắn liền với nhau.

Điều 8. Tổ chức thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm phải bảo đảm đủ các điều kiện sau đây:

a) Có chức năng thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản theo quy định của pháp luật;

b) Có kinh nghiệm trong hoạt động thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản;

c) Có đội ngũ nhân viên, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của hoạt động thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản phù hợp với quy mô của phương án thăm dò, khai quật, trục vớt đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trường hợp thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia và tài sản trong khu vực quân sự thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác tham gia nhưng phải có sự chủ trì của cơ quan, tổ chức của Việt Nam đối với từng dự án thăm dò, khai quật, trục vớt.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này quyết định việc giao cho tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thông qua các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; ưu tiên các tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện việc trục vớt tài sản chìm đắm tại nội thủy, lãnh hải Việt Nam theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hàng hải năm 2005. Trường hợp phương án trục vớt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt thì Cảng vụ hàng hải tổ chức trục vớt tài sản theo phương án được phê duyệt.

4. Việc thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được thực hiện theo đúng phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp trong quá trình thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm cần thiết phải điều chỉnh phương án đã được phê duyệt thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt phương án đó quyết định điều chỉnh phương án.

Chương 3.

XỬ LÝ TÀI SẢN BỊ CHÔN GIẤU, BỊ CHÌM ĐẮM ĐƯỢC TÌM THẤY

Điều 9. Tiếp nhận, quản lý và bảo quản tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy

1. Tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm hoặc tổ chức, cá nhân tổ chức khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm có trách nhiệm quản lý tài sản được tìm thấy và bàn giao cho cơ quan nhà nước quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này để bảo quản trong thời gian chờ xử lý theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trường hợp có đầy đủ cơ sở để xác định được loại tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thì tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện việc giao tài sản cho các cơ quan, đơn vị sau đây tiếp nhận, bảo quản:

a) Bảo tàng cấp tỉnh, đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật;

b) Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia và tài sản trong khu vực quân sự;

c) Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất, đối với tài sản bị chìm đắm làm cản trở hoặc gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, tài nguyên biển; đe dọa tính mạng và sức khỏe con người hoặc gây ô nhiễm môi trường được tìm thấy;

d) Sở Tài chính, đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy không thuộc phạm vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

3. Trường hợp không có đủ cơ sở để xác định được loại tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thì Sở Tài chính trực tiếp tiếp nhận, bảo quản. Nếu tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy nhỏ lẻ, có giá trị thấp (ước tính dưới 01 tỷ đồng) thì Sở Tài chính có thể ủy quyền việc tiếp nhận, bảo quản tài sản cho cơ quan tài chính cấp huyện.

4. Các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản tài sản quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này có thể thuê tổ chức có chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo quản tài sản.  

Điều 10. Xác định chủ sở hữu của tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy

1. Sở Tài chính có trách nhiệm lập danh mục tài sản, số lượng theo từng loại tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy; chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện giám định tài sản; xác định chủ sở hữu của tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Việc xác định chủ sở hữu của tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thực hiện theo quy định tại Điều 187, Điều 239 Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp đặc biệt theo yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc gia và bí mật quốc gia thì việc thông báo được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Trường hợp tài sản không có hoặc không xác định được chủ sở hữu thì tài sản đó được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Dân sự và được xử lý theo quy định tại Nghị định này.

Điều 11. Phương án xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy

1. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, bảo quản tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định này lập phương án xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy theo nguyên tắc sau:

a) Trả lại cho chủ sở hữu nếu xác định được chủ sở hữu hợp pháp;

b) Chuyển giao cho cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện lưu giữ, quản lý đối với các loại tài sản sau đây:

- Di tích lịch sử - văn hóa;

- Bảo vật quốc gia;

- Di vật, cổ vật là hiện vật độc bản hoặc có giá trị đặc biệt về văn hóa, khoa học, lịch sử theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

- Tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.

c) Tiêu hủy đối với các tài sản phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật;

d) Bán đấu giá theo quy định của pháp luật đối với các tài sản không thuộc quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

đ) Trả cho tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

2. Cơ quan nhà nước phê duyệt phương án thăm dò, phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm quy định tại Điều 6 Nghị định này đồng thời là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy.

Điều 12. Trả lại tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy cho chủ sở hữu hợp pháp

1. Trường hợp xác định được chủ sở hữu hợp pháp của tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận, bảo quản tài sản quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định này tổ chức trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp theo quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc trả lại tài sản được lập thành biên bản; chủ sở hữu tài sản phải thanh toán các khoản chi phí hợp lý có liên quan đến việc tìm kiếm, thăm dò, khai quật, trục vớt, bảo quản, tìm chủ sở hữu tài sản.

3. Trường hợp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản hoặc chủ sở hữu không thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này thì tài sản được tìm thấy được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật và xử lý theo quy định tại Nghị định này.

Điều 13. Chuyển giao tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy

1. Chuyển giao cho cơ quan nhà nước có chức năng quản lý di sản văn hóa đối với các loại tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy sau đây:

a) Di tích lịch sử - văn hóa;

b) Bảo vật quốc gia;

c) Di vật, cổ vật là hiện vật độc bản hoặc có giá trị đặc biệt về văn hóa, khoa học, lịch sử theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2. Chuyển giao cho cơ quan quân đội đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.

3. Việc chuyển giao tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy do cơ quan, đơn vị tiếp nhận, bảo quản tài sản quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Điều 14. Tiêu hủy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy

1. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, bảo quản tài sản quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định này chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện tiêu hủy các tài sản nêu tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định này theo quy định của pháp luật.

2. Việc tiêu hủy tài sản phải được lập thành biên bản gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Căn cứ thực hiện tiêu hủy tài sản;

b) Thời gian, địa điểm tiêu hủy tài sản;

c) Thành phần tham gia tiêu hủy tài sản;

d) Chủng loại, số lượng tài sản tiêu hủy;

đ) Hình thức tiêu hủy tài sản;

e) Các nội dung khác có liên quan.

Điều 15. Bán tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy

1. Việc bán tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy nêu tại điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

2. Tổ chức, cá nhân mua tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy là di vật, cổ vật khi mang ra nước ngoài phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy là di vật, cổ vật được bán đấu giá tại nước ngoài thì thực hiện như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bán đấu giá di vật, cổ vật tại nước ngoài;

b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép xuất khẩu di vật, cổ vật bán đấu giá tại nước ngoài theo quy định của pháp luật;

c) Thủ tục xuất khẩu di vật, cổ vật thực hiện theo quy định của pháp luật;

d) Cơ quan, đơn vị tiếp nhận, bảo quản tài sản quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định này lực chọn tổ chức có chức năng bán đấu giá Việt Nam hoặc nước ngoài để ủy thác bán đấu giá tài sản, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này phê duyệt; đảm bảo nguyên tắc hiệu quả, tiết kiệm; ưu tiên lựa chọn tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bán đấu giá các tài sản tương tự.

- Có phương án tổ chức bán đấu giá có hiệu quả;

- Có tỷ lệ (%) chi phí bán đấu giá thấp;

- Có phương án xử lý khả thi trong trường hợp di vật, cổ vật đã xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không bán được (cam kết mua lại, chịu chi phí vận chuyển số cổ vật, di vật không bán được về Việt Nam v.v…)

Trường hợp có nhiều tổ chức có chức năng bán đấu giá đăng ký tham gia thì việc lựa chọn tổ chức có chức năng bán đấu giá được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật.

đ) Hợp đồng ủy thác bán đấu giá:

Hợp đồng ủy thác bán đấu giá tài sản phải được lập theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, trường hợp pháp luật Việt Nam không quy định hoặc quy định khác với pháp luật quốc tế thì thực hiện theo pháp luật quốc tế; có cam kết cụ thể, chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các bên có liên quan; có quy định về giải quyết tranh chấp. Các công việc được ủy thác bao gồm: đóng gói, vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài, vận chuyển từ nơi bảo quản đến nơi bán đấu giá, mua bảo hiểm cho hiện vật mang đi bán đấu giá, bảo quản tài sản tại nước ngoài, quảng bá, tổ chức bán đấu giá, xử lý tài sản trong trường hợp không bán được.

Cơ quan được giao nhiệm vụ ký Hợp đồng ủy thác bán đấu giá chịu trách nhiệm về nội dung của Hợp đồng; trường hợp cần thiết có thể lấy ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp trước khi ký Hợp đồng.

e) Chi phí bán đấu giá:

Chi phí bán đấu giá (hoa hồng bán đấu giá) được khoán gọn theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản, bao gồm:

- Chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài, chi phí vận chuyển từ nơi bảo quản đến nơi bán đấu giá;

- Chi phí bảo hiểm cho hiện vật mang đi bán đấu giá;

- Chi phí thuê kho bãi để bảo quản hiện vật ở nước ngoài;

- Các khoản thuế, phí, lệ phí ở Việt Nam và ở nước ngoài (nếu có);

- Chi phí tuyên truyền, quảng bá; chi phí tổ chức bán đấu giá;

- Chi phí giải quyết tranh chấp (nếu có); các chi phí khác có liên quan tới việc vận chuyển, bán đấu giá tại nước ngoài.

Tỷ lệ phần trăm (%) chi phí bán đấu giá do các bên ký hợp đồng ủy thác bán đấu giá thỏa thuận, trên cơ sở tham khảo chi phí bán đấu giá (hoa hồng bán đấu giá) của các cuộc bán đấu giá đã thực hiện.

Chương 4.

XỬ LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI TÀI SẢN BỊ CHÔN GIẤU, BỊ CHÌM ĐẮM

Điều 16. Chi thưởng

1. Tổ chức, cá nhân được thưởng trong các trường hợp sau đây:

a) Ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia;

b) Phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy.

2. Mức tiền thưởng đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể như sau:

- Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%;

- Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%;

- Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%;

- Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%;

- Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%;

Giá trị của tài sản để trích thưởng được xác định sau khi trừ các khoản chi phí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 50% của các mức thưởng tương ứng quy định tại điểm a khoản này.

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 30% của các mức thưởng tương ứng quy định tại điểm a khoản này.

3. Mức tiền thưởng cụ thể do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với tài sản được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với tài sản được tìm thấy thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản được tìm thấy khác) quyết định, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng đối với mỗi gói thưởng.

4. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được chi thưởng và giá trị tài sản tìm thấy có giá trị đặc biệt thì các cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thưởng.

5. Bộ Tài chính hướng dẫn việc thành lập Hội đồng định giá, xác định giá trị tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy để làm căn cứ chi thưởng theo quy định tại Điều này.

Trường hợp không xác định được giá trị của tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này quyết định mức tiền thưởng cụ thể, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 17. Thanh toán phần giá trị của tài sản cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy

1. Tổ chức, cá nhân trong quá trình sinh hoạt, sản xuất mà ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản được tìm thấy như sau:

a) Nếu tài sản có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan thì xử lý theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định này;

b) Nếu tài sản có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan thì tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này quyết định mức được hưởng của tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm mà không thông báo, không giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5, Điều 9 Nghị định này thì không được thưởng, không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy và bị xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định này.

4. Tổ chức, cá nhân được thưởng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này thì không được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản theo quy định tại Điều này; tổ chức, cá nhân được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản theo quy định tại Điều này thì không được hưởng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

Điều 18. Các khoản chi phí

Các khoản chi phí liên quan đến việc thăm dò, khai quật, trục vớt xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm bao gồm:

1. Chi phí thăm dò, khai quật, trục vớt, giám định tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm. Trường hợp chi phí thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm theo phương án được duyệt được tính bằng hiện vật khai quật, trục vớt được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm quyết định việc thanh toán bằng hiện vật.

2. Chi phí vận chuyển, bảo quản tài sản được tìm thấy trong thời gian chưa có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Chi phí xử lý tài sản (chi phí thông báo tìm chủ sở hữu, chi phí chuyển giao tài sản, chi phí tiêu hủy tài sản, chi phí định giá, bán đấu giá tài sản).

4. Thuế, phí, lệ phí (nếu có).

5. Chi phí hợp lý khác có liên quan.

Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm thì được thanh toán chi phí vận chuyển, bảo quản tài sản theo quy định.

Điều 19. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí để thanh toán các khoản chi quy định tại các Điều 16, 17 và 18 Nghị định này được quy định như sau:

1. Đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp thì chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm chi trả các khoản chi có liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này.

2. Đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy được chuyển giao cho các cơ quan nhà nước có chức năng lưu giữ, quản lý thì cơ quan được giao lưu giữ, quản lý tài sản có trách nhiệm chi trả các khoản chi có liên quan từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật.

3. Đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy được tiêu hủy thì ngân sách nhà nước chi trả; tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy do cấp nào tổ chức xử lý thì ngân sách cấp đó chi trả.

4. Đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy được bán thì các khoản chi được sử dụng từ nguồn thu được do bán tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy. Trường hợp số tịền thu được do bán tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy không đủ bù đắp các khoản chi thì ngân sách nhà nước chi trả phần chênh lệch theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước.

5. Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải thì sau khi trục vớt và bán đấu giá tài sản, nếu số tiền thu được không đủ bù đắp chi phí và chủ sở hữu không có khả năng chi trả hoặc không xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm thì số tiền còn thiếu được sử dụng từ phí bảo đảm hàng hải để bù đắp chi phí thiếu hụt đó; nếu chi phí trục vớt tài sản chìm đắm vượt quá khả năng chi trả của nguồn thu phí bảo đảm hàng hải thì sẽ được ngân sách nhà nước cấp bổ sung.

6. Đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm nhưng chưa đủ điều kiện để khai quật, trục vớt thì ngân sách địa phương nơi có tài sản chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí để bảo vệ tài sản.

Điều 20. Quản lý nguồn thu

Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy, sau khi thanh toán các khoản chi quy định tại các Điều 16, 17 và 18 Nghị định này được nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 21. Hướng dẫn việc thanh toán chi phí, thưởng và phần giá trị của tài sản cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy

Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán các khoản chi phí, thưởng và phần giá trị của tài sản cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy quy định tại khoản 2 Điều 12, các Điều 16, 17 và 18 Nghị định này.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Xử lý đối với di vật, cổ vật được tìm thấy trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành

Đối với di vật, cổ vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phương án xử lý hoặc đã ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không áp dụng theo quy định của Nghị định này.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định này.

2. Cơ quan được giao quản lý, bảo quản, lưu giữ tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy có trách nhiệm:

a) Quản lý, lưu giữ tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy theo đúng quy định của pháp luật;

b) Bảo quản đầy đủ hồ sơ tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy theo chế độ quy định;

c) Lập sổ theo dõi tài sản.

3. Cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả xử lý cho cơ quan nhà nước đã phê duyệt phương án xử lý và cơ quan tài chính cùng cấp sau khi hoàn thành việc xử lý tài sản.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện Nghị định này;

b) Phối hợp với các Bộ: Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng thực hiện Nghị định này; kịp thời xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện;

c) Quyết định hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo thẩm quyền phương án xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc đấu thầu quy định tại khoản 3 Điều 8, điểm c khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

7. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2009.

2. Bãi bỏ các quy định về xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm tại các văn bản sau:

a) Điều 53, Điều 54 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;

b) Các Điều 12, 13, 14, 16 và 23 Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

3. Các nội dung về xử lý tài sản bị chìm đắm ở nội thủy, lãnh hải không quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định Nghị định số 18/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng