Hệ thống pháp luật
Loading content, please wait a moment ...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 125/1999/CT-BNN-KH

Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 1999 

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN NĂM 2000

Năm 1999, mặc dù phải đối phó với những diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết và ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ, nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ và chính quyền các cấp cùng với những nỗ lực to lớn của nhân dân, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo, khối lượng xuất khẩu tăng nhanh. Tuy vậy, năm 1999 cũng làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém trong cơ cấu kinh tế, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và trong hệ thống quản lý nhà nước của ngành, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Bước sang năm 2000, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phấn đấu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 3,5 - 4%, nhằm hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1996 - 2000, đạt thành tích tốt để đánh dấu năm cuối cùng của thiên niên kỷ và thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, góp phần chấm dứt sự giảm sút nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời tạo ra những chuyển biến mới tạo đà phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao nhanh năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn trong những năm tiếp theo.

Để đạt những mục tiêu nêu trên, thực hiện Chỉ thị số 17/1999/CT-TTg ngày 30/6/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2000, Bộ yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc tập trung làm tốt công tác xây dựng kế hoạch phát triển của ngành và đơn vị mình năm 2000. Trong quá trình xây dựng kế hoạch cần quán triệt một số yêu cầu như sau:

1. Về nông nghiệp:

- Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nông nghiệp là phải tiếp tục phát triển sản xuất, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và từng khu vực, đẩy mạnh thâm canh lúa trên cơ sở phát triển thủy lợi và áp dụng các giống mới có năng suất cao, có chất lượng phù hợp với yêu cầu của thị trường, mở rộng diện tích ngô lai và hoa màu khác.

- Việc phát triển cây công công nghiệp, cây ăn quả, rau, đậu...phải căn cứ trước hết vào yêu cầu của thị trường và lợi thế về đất đai, khí hậu...ở từng vùng. Hướng dẫn nông dân đẩy mạnh sản xuất các loại cây có thị trường và có thể cạnh tranh, nhất là các loại cây xuất khẩu có giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Cần khắc phục những hạn chế trong các khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

- Thực hiện các giải pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, bao gồm: hạ giá thành và nâng cao chất lượng thức ăn; cải thiện điều kiện thú y; nâng cao chất lượng giống; cải thiện điều kiện nuôi dưỡng; phát triển thị trường...

2. Về lâm nghiệp:

- Thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng. Làm tốt các khâu điều tra cơ bản; giao đất giao rừng; nghiên cứu khoa học; chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giống, vốn; đào tạo cán bộ; tăng cường bộ máy quản lý.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tự nhiên hiện có; ưu tiên bố trí vốn đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký với dân; ở những nơi có điều kiện, có chính sách để dân hưởng lợi trực tiếp từ rừng thay cho việc trả tiền từ ngân sách nhà nước.

- Ưu tiên phát triển khoanh nuôi, tái sịnh rừng phòng hộ, đặc dụng; tập trung trồng mới rừng phòng hộ ở các vùng ưu tiên, tránh phân tán, dàn trải.

- Có biện pháp hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và nông dân phát triển gây trồng rừng sản xuất.

3. Về sản xuất muối:

Đầu tư nâng cấp, tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng suất các đồng muối hiện có, xây dựng các đồng muối mới, phát triển chế biến muối đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của diêm dân.

4. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản:

- Có kế hoạch phát triển các ngành bảo quản chế biến nông lâm sản gắn với việc xây dựng các vùng nguyên liệu. Trước hết phải đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường và các nhà máy chế biến khác hiện có. Đổi mới công nghệ và trang thiết bị chế biến. Có biện pháp hỗ trợ cụ thể để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản.

- Năm 2000 phải có sự chuyển biến mạnh về bảo quản nông lâm sản, nhất là các mặt hàng tươi sống (rau, quả, thịt...), để nâng cao giá trị thương phẩm, tăng khả năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

5. Về thủy lợi:

- Về đê điều: đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ở đồng bằng sông Hồng (đặc biệt là đê Hà Nội) và Bắc khu 4 cũ, đảm bảo an toàn các hồ chưa nước lớn trong mùa mưa bão...thực hiện tốt chương trình nâng cấp, củng cố đê biển ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

- Về thủy nông: Ưu tiên thực hiện các dự án phục hồi nâng cấp các công trình thủy lợi; tăng cường và hiện đại hoá công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi. Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương.

- Tập trung đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hoàn thành trong năm, công trình vượt lũ, công trình dở dang đảm bảo an toàn trong mừa mưa lũ.

- Về xây dựng mới, phát triển các công trình tưới cho cà phê, chè, mía, rau quả, các công trình thủy lợi đa mục tiêu ở Trung du miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên, thực sự gắn phát triển thuỷ lợi với việc cung cấp nước sinh hoạt, xây dựng các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu an ninh quốc phòng; kết hợp các biện pháp thuỷ lợi và lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả của công trình.

6.Về phát triển nông thôn:

- Tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp khá và trung bình, xử lý hợp tác xã yếu kém, xây dựng hợp tác xã mới và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng; đổi mới nông lâm trường quốc doanh. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đồng thời sắp xếp lại và đầu tư hợp lý nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả; áp dụng các hình thức cho thuê hoặc khoán, bán doanh nghiệp, giải thể, phá sản các doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài.

- Sử dụng hợp lý sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế gồm cả kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là tín dụng đầu tư, để đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất.

- Thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo (định canh định cư, xây dựng vùng kinh tế mới và ổn định dân di cư tự do...), Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình hỗ trợ 1715 xã nghèo có nhiều khó khăn.

7. Phát triển khoa học công nghệ:

Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng của khoa học và công nghệ là góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 06 ngày 10/11/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII “về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn”, trong đó tập trung cho áp dụng các thành tựu công nghệ sinh học hiện đại, nghiên cứu và áp dụng giống mới để tạo khâu đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phát triển công nghệ chế biến, bảo quản...; tạo điều kiện để đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất các loại máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. Năm 2000 tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các dự án về giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, bao gồm: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chọn tạo và phổ biến giống mới. Ưu tiên phát triển giống các loại cây, con có ưu thế ở từng địa phương và giống cây, con có sản phẩm xuất khẩu.

- Lựa chọn và tăng cường đầu tư nâng cao năng lực của một số cơ sở đầu ngành phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ.

8. Phát triển nhân lực:

Đi đôi với việc tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo, chú trọng hơn tới công tác đào tạo cán bộ quản lý nhà nước thuộc ngành, cán bộ hợp tác xã, cán bộ và công nhân kỹ thuật... ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên cần chú trọng đào tạo cán bộ tại chỗ, cán bộ dân tộc ít người.

9. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành:

Bố trí đủ cán bộ, tăng cường phương tiện làm việc cho Sở, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường hệ thống các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, kiểm lâm, thú y, bảo vệ thực vật, quản lý thủy nông, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hệ thống kiểm tra chất lượng nông lâm sản, giống cây trồng vật nuôi, cây lâm nghiệp và vật tư nông nghiệp để đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra. Đẩy mạnh thực hiện phân cấp quản lý các doanh nghiệp và các hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành, xã hội hóa các loại dịch vụ công ích.

10. Tiếp tục hoàn thiện một bước các chính sách lớn có liên quan trực tiếp tới ngành, trước hết là về: đất đai, lao động, vốn và thị trường. Thực hiện các biện pháp phát triển thị trường nông sản trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh mẽ công tác xuất khẩu nông lâm sản, nhập khẩu đủ và kịp thời phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư nông nghiệp.

11. Những yêu cầu lớn về dự toán chi ngân sách và sử dụng tín dụng đầu tư ưu đãi của Nhà nước năm 2000.

- Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm cả vốn ngân sách và tín dụng đầu tư, cần rà soát bố trí sử dụng hợp lý để đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất, đáp ứng sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của ngành. Trong khi vẫn ưu tiên cao cho đầu tư phát triển thủy lợi, chú trọng dành phần vốn thoả đáng để thực hiện chương trình giống cây trồng vật nuôi, đầu tư tăng cường hệ thống nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo cán bộ, tăng cường các hệ thống quản lý ngành; tập trung đầu tư hoàn thành dứt điểm các hạng mục công trình để sớm đưa vào sử dụng, tránh đầu tư phân tán và kéo dài.

- Các địa phương bố trí sử dụng hợp lý khoản thu thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn theo cơ cấu và thứ tự ưu tiên phù hợp với điều kiện cụ thể và định hưóng của ngành.

- Dự toán chi sự nghiệp cần được xây dựng ở mức cần thiết, hợp lý, tiết kiệm, xoá bao cấp của ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp, không bố trí kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sự nghiệp khoa học, y tế, đào tạo của các Tổng công ty (trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

12. Tiến độ xây dựng kế hoạch:

Trong tháng 9 năm 1999 sẽ bố trí làm việc với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Tổng công ty và đơn vị trực thuộc để phối hợp kế hoạch, dự kiến phương án phân bổ dự toán ngân sách của gành (Bộ đã có Công văn số 2824 BNN/KH, ngày 6/8/1999 về hướng dẫn kế hoạch tổng hợp nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2000).

Bộ yêu cầu Giám đốc các Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các cơ quan đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này. Bộ gửi kèm theo Chỉ thị này biểu tóm tắt chỉ tiêu kế hoạch kinh tế của ngành năm 2000 để các địa phương vận dụng khi xây dựng kế hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn của địa phương./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 



Lê Huy Ngọ