Doanh nghiệp có bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên?
Ngày gửi: 26/11/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Doanh nghiệp có bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên? Trường hợp không khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên bị phạt bao nhiêu tiền?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Khám sức khỏe định kỳ là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo khả năng lao động của người lao động. Tuy nhiên, pháp luật có buộc doanh nghiệp phải khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên của mình? Trong bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc giải đáp vướng mắc này.
1. Ý nghĩa của việc khám sức khỏe cho người lao động
Môi trường lao động là nơi tiềm ẩn bệnh tật nhiều nhất cho dù bạn làm ở đâu hay làm nghề gì đi chăng nữa. Theo một số khảo sát mới nhất về các trường hợp bệnh ung thư mới được phát hiện, đa phần đều có nguyên nhân xuất phát từ môi trường làm việc của họ như khói bụi, hóa chất công nghiệp,…
Bên cạnh đó, tỉ lệ mắc phải các bệnh về xương, khớp thoái hóa, tim mạch,… cũng gia tăng vì thói quen ngồi lâu một chỗ của dân văn phòng. Việc sử dụng máy tính nhiều cũng có ảnh hưởng đến mắt và thần kinh. Khám sức khỏe công ty là rất cần thiết bởi nó sẽ góp phần phát hiện bệnh sớm từ đó dễ dàng kiểm soát, người lao động sẽ hiểu được tình trạng sức khỏe của mình và có sự điều chỉnh về chế độ dinh dưỡng, làm việc nghỉ ngơi để có được sức khỏe tốt hơn.
Trong doanh nghiệp, mỗi người lao động đều nắm giữ một khâu khác nhau trong chuỗi sản xuất. Nếu người lao động không đảm bảo sức khỏe sẽ dẫn tới tình trạng nghỉ phép, nghỉ việc, làm trì trệ không chỉ một khâu người đó nắm giữ mà còn có tác động xấu đến cả dây chuyền công việc đang được tiến hành.
Bởi vậy, khám sức khỏe công ty sẽ không chỉ bảo vệ được sức khỏe của người lao động mà còn giúp ổn định lực lượng sản xuất cũng như kéo dài thời gian gắn bó giữ người lao động với doanh nghiệp.Sức khỏe là nguồn vốn quý giá nhất của mỗi người. Khi có sức khỏe tốt, người lao động sẽ tập trung vào công việc của mình hơn giúp duy trì và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, đối với những người hoạt động trí óc, sức khỏe tốt sẽ giúp cho hệ thần kinh làm việc hiệu quả hơn, đem lại nguồn ý tưởng dồi dào giúp hiệu quả công việc được tăng lên đáng kể.
Vậy nên có thể khẳng định rằng: khám sức khỏe công ty chính là hoạt động trực tiếp giúp nâng cao chất lượng nhân lực cho mỗi doanh nghiệp. Ngoài ra việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động còn góp phần giúp phát hiện và điều trị kịp thời giúp giảm được các chi phí y tế, chi phí bồi thường cho người lao động mắc bệnh, thu hút nhân sự, bởi việc chăm lo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên chính là cách để doanh nghiệp thể hiện sự tôn trọng với người lao động.
Vì vậy, trong số rất nhiều doanh nghiệp cùng đề xuất một mức lương chung, chắc chắn người lao động sẽ chọn doanh nghiệp biết quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên.Gia tăng đoàn kết nội bộ, tạo sự gắn bó giữa doanh nghiệp và công nhân viên. Lãnh đạo công ty hoặc chủ doanh nghiệp biết được tình hình sức khỏe nhân viên để có sự điều chỉnh công việc phù hợp. Khám sức khỏe doanh nghiệp chính là chiếc cầu nối để mọi người thông cảm và chia sẻ cho nhau.Bảo vệ sức khỏe định kỳ cho công nhân viên cũng là bảo vệ nguồn nhân lực của công ty, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.Nâng cao năng suất làm việc, giảm tai nạn lao động cũng như các bệnh nghề nghiệp.
2. Quy định của pháp luật về việc khám sức khỏe cho người lao động
Theo quy định tại Điều 21 của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về việc khám sức khỏe cho người lao động cụ thể như sau:
"1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ."
Theo quy định của pháp luật, khi tuyển dụng lao động, người sử dụng căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại công việc để tổ chức khám sức khỏe cho người lao động và bố trí công việc hợp lý. Ngoài ra, trong quá trình lao động người lao động còn được khám sức khỏe định kì theo chế độ quy định. Công tác khám sức khỏe không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp mà còn giúp người sử dụng lao động sắp xếp lao động phù hợp, phát huy khả năng làm việc của người lao động, hiệu quả sử dụng sức lao động.
Về vấn đề này, sự hợp tác của các y, bác sĩ rất cần thiết bởi họ là những người có chuyên môn, có khả năng khám, phát hiện và điều trị kịp thời các trường hợp người sử dụng lao động không đảm bảo, sức khỏe trong quá trình làm việc, hoặc đang mắc các bệnh nghề nghiệp.
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc khám sức khỏe cho người lao động, các văn bản pháp luật về bảo hộ lao động đã quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động về vấn đề này như sau: Khám sức khỏe định kì cho người lao động ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần. Riêng nhân viên nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản. Người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Về chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho nhân viên do Doanh nghiệp chi trả và hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ sức khỏe của nhân viên, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp; thông báo kết quả khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để nhân viên biết; hằng năm, báo cáo về việc quản lý sức khỏe nhân viên thuộc trách nhiệm quản lý cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thẩm quyền
3. Xử lý vi phạm hành chính về việc doanh nghiệp không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động
Theo Điều 21 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đông cụ thể như sau:
"1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi sau:
a) Không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp;
b) Không tham gia cấp cứu và khắc phục sự cố, tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhưng người lao động không muốn khám.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng giám định y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động."
Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này thì người sử dụng lao động phải có biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc trả cho người lao động khoản bồi dưỡng bằng hiện vật được quy thành tiền theo đúng mức quy định đối với hành vi không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật không đúng mức theo quy định cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại quy định tại khoản 8 Điều này.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691