Đổi CCCD gắn chíp, đăng ký thường trú, tạm trú
Ngày gửi: 13/01/2021 lúc 06:42:13
Tên đầy đủ: Nguyen Van Chau
Số điện thoại: 0903288xxx
Email: nguyenvandaixxx@gmail.com
Câu hỏi:
Xin được tư vấn giúp! Cho em hỏi ngày chính thức đổi CCCD gắn chíp theo quy định của pháp luật và thủ tục cấp đổi như thế nào với CMND 9 số đã hết hạn. Trường hợp gia đình ở nhà thuê mà chủ nhà không cho đăng ký thường trú hay tạm trú thì phải làm sao? Nếu chứng minh chỗ ở hợp pháp thì như thế nào?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/04/2014 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Cư trú;
Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Nội dung tư vấn
2.1. Về cấp đổi CCCD gắp chíp và thủ tục cấp đổi
Ngày 04/12/2020, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân (CCCD). Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.
Hiện nay, chưa có văn bản chính thức về việc cấp đổi CCCD gắn chip. Tuy nhiên, nếu dự thảo nêu trên được thông qua, thủ tục đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chíp được quy định tại Điều 13 Dự thảo như sau:
“Điều 13. Thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch sang thẻ Căn cước công dân có gắn chíp và xác nhận số Chứng minh nhân dân
Khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch sang thẻ Căn cước công dân có gắn chíp thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành như sau:
1. Đối với Chứng minh nhân dân 9 số:
a) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng Chứng minh nhân dân chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân. Khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
b) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.”
2.2. Về đăng ký thường trú, tạm trú khi ở nhà thuê
2.2.1. Về đăng ký thường trú
Điều 21 Luật cư trú 2006 quy định:
“Điều 21. Thủ tục đăng ký thường trú
1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
2.2.2. Về đăng ký tạm trú
Điều 30, Luật cư trú 2006 quy định:
“Điều 30. Đăng ký tạm trú
1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
2. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
3. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
4. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.
Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.
Việc điều chỉnh thay đổi về sổ tạm trú được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật này. Sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.
5. Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ sáu tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xoá tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú.”
Khoản 1, Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
“Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”
Theo các quy định trên, nếu không khai báo tạm trú, cả người thuê và người cho thuê đều bị phạt.
2.3. Tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp bao gồm:
“Điều 6. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp
1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
- Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã). Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý băng văn bản;
c) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo về việc công dân có chỗ ở thuộc trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều 26 của Luật Cư trú;
d) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
a) Một trong những giấy tờ, tài liệu quy định tại Khoản 1 Điều này, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điểm a Khoản này.”
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691