
Nội dung văn bản đang được cập nhật, vui lòng tải file về để xem!
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: /202.../QH15 |
|
DỰ THẢO |
|
LUẬT
PHÒNG BỆNH
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Phòng bệnh.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Luật này quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm, các rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ khác; dinh dưỡng trong phòng bệnh và các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh.
2. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phòng bệnh là các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự phát sinh; ngăn chặn sự lây lan, tiến triển và giảm thiểu hậu quả của bệnh.
Hoạt động phòng bệnh bao gồm: phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; phòng, chống các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; triển khai các can thiệp dinh dưỡng, dinh dưỡng khẩn cấp, vệ sinh sức khỏe môi trường, y tế trường học, dự phòng thương tích và sơ cấp cứu thương tích tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người lao động, người cao tuổi, bà mẹ và trẻ em, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng bệnh.
2. Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
3. Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh.
4. Người mang mầm bệnh truyền nhiễm là người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh.
5. Người tiếp xúc là người có tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh và có khả năng mắc bệnh.
6. Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.
7. Giám sát bệnh truyền nhiễm là việc thu thập, phân tích, diễn giải và sử dụng thông tin một cách liên tục có hệ thống về tình hình bệnh truyền nhiễm để phòng, chống dịch bệnh.
8. Vắc xin là thuốc chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh.
9. Sinh phẩm phòng bệnh là sản phẩm có nguồn gốc sinh học được dùng để phòng bệnh, chữa bệnh và chẩn đoán bệnh cho người, bao gồm sinh phẩm được quy định tại Luật Dược và sinh phẩm chẩn đoán in vitro và chất có nguồn gốc sinh học có phân tử lượng thấp có thể phân lập thành những chất tinh khiết.
10. Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.
11. Kiểm dịch y tế là việc thực hiện các biện pháp y tế để phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập và lây truyền của bệnh truyền nhiễm qua khu vực cửa khẩu.
12. Sức khỏe tâm thần là trạng thái khỏe mạnh về mặt tinh thần giúp con người có thể đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống, nhận ra khả năng của mình, học tập, làm việc tốt, đóng góp tích cực cho cộng đồng của mình.
13. Rối loạn sức khỏe tâm thần là những vấn đề về tinh thần và cảm xúc mà một người mắc phải khiến họ gặp khó khăn trong suy nghĩ, cảm nhận, hành động hoặc tương tác với người khác và ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc và sinh hoạt trong cộng đồng.
14. Bệnh không lây nhiễm là các bệnh không lây, bệnh mạn tính, có xu hướng tiến triển trong thời gian dài và là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền, sinh lý, môi trường và hành vi.
15. Dinh dưỡng là quá trình cung cấp các chất dinh dưỡng cho tế bào để bảo đảm sự sống và phát triển của con người bao gồm ăn, uống, hấp thu, chuyển hóa và thải trừ.
16. Chế độ dinh dưỡng hợp lý là chế độ ăn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể để đạt được sức khỏe tối ưu.
Điều 3. Chính sách của Nhà nước về phòng bệnh
1. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động phòng bệnh và huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng bệnh.
2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho công tác phòng bệnh về cơ sở vật chất, bố trí đủ nhân lực đáp ứng các hoạt động phòng chống dịch bệnh chủ động, phòng chống bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng mở rộng toàn diện, dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh môi trường và sức khoẻ, cải thiện và kiểm soát ô nhiễm không khí.
3. Nhà nước có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ mọi người dân được chăm sóc dinh dưỡng hợp lý theo độ tuổi, ngành nghề, tình trạng sinh lý, sức khỏe; ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
4. Nhà nước có chính sách hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng bệnh.
5. Nhà nước có chính sách nhằm phát hiện sớm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ; phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm.
6. Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ tình nguyện chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng phù hợp với điều kiện địa phương và các nhóm dân cư .
7. Nhà nước khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội trong việc đưa tin, bài, tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông, phổ biến kiến thức về phòng bệnh.
8. Nhà nước khuyến khích cộng đồng, người bệnh, người nhà người bệnh chủ động, tích cực tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cập nhật kiến thức để phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, phát hiện các rối loạn sức khỏe tâm thần, tăng cường thể lực, dự phòng thương tích và sơ cấp cứu thương tích tại cộng đồng; chủ động thực hiện lối sống lành mạnh và chủ động tham gia các hoạt động khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ.
9. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh.
10. Nhà nước có chính sách về can thiệp dinh dưỡng cho các đối tượng, khu vực ưu tiên.
Điều 4. Nguyên tắc trong phòng bệnh
1. Lấy phòng bệnh chủ động là chính. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp hành chính, biện pháp khác trong việc triển khai hoạt động phòng bệnh.
2. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong việc triển khai hoạt động phòng bệnh; lồng ghép các hoạt động phòng bệnh vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
3. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.
4. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để và tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật trong hoạt động phòng bệnh.
5. Tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử trong phòng bệnh.
Điều 5. Nội dung quản lý nhà nước về phòng bệnh
1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng bệnh; quy định về chuyên môn kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong phòng bệnh.
2. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch về phòng bệnh.
3. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở phòng bệnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
4. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động phòng bệnh; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng bệnh.
5. Tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong phòng bệnh.
6. Xây dựng, vận hành, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin về phòng bệnh.
7. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng bệnh.
8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng bệnh; khen thưởng trong hoạt động phòng bệnh.
Điều 6. Cơ quan quản lý nhà nước về phòng bệnh
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng bệnh trong phạm vi cả nước.
2. Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác phòng bệnh trong phạm vi cả nước.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, quyền, nghĩa vụ của người dân trong phòng bệnh
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng bệnh; phối hợp chặt chẽ khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động phòng bệnh; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng bệnh.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng bệnh theo quy định của Luật này.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng bệnh
1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm thực hiện các hành vi dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
5. Phân biệt đối xử, kỳ thị và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
8. Cố ý làm ô nhiễm các nguồn nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân.
9. Tổ chức tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng không đủ điều kiện.
10. Tiếp cận trái phép, trộm cắp, dùng sai hoặc thay đổi mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cố ý phát tán tác nhân sinh học.
11. Sử dụng hình thức mê tín, dị đoan trong phòng bệnh.
Điều 9. Đối tượng, nội dung, yêu cầu và hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng bệnh
1. Đối tượng của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng bệnh bao gồm:
a) Mọi người đều được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng bệnh;
b) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, những người trong gia đình họ, người có nguy cơ cao và các đối tượng trong vùng có dịch, vùng có nguy cơ dịch được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
2. Nội dung thông tin, truyền thông bao gồm:
a) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
b) Vai trò, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thực hiện Luật phòng bệnh;
c) Chính sách về phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm các biện pháp chuyên môn y tế trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; chống dịch;
d) Chính sách về phòng, chống bệnh không lây nhiễm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm: dinh dưỡng trong phòng bệnh; kiểm soát các yếu tố nguy cơ môi trường, biến đổi đổi khí hậu tác động đến sức khỏe; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; dự phòng thương tích và sơ cấp cứu thương tích tại cộng đồng;
đ) Chính sách về quản lý sức khỏe và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng bệnh;
e) Chính sách về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng bệnh;
g) Các lĩnh vực y tế khác có liên quan đến công tác phòng bệnh.
3. Yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng bệnh:
a) Chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực, kịp thời, có tính lan tỏa, dễ tiếp cận, khuyến khích các nhóm đối tượng đích thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe.
b) Phù hợp với đối tượng, truyền thống văn hoá, dân tộc, đạo đức xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục tập quán.
c) Triển khai đồng bộ phù hợp với loại hình phòng bệnh, nhu cầu và đặc điểm các nhóm đối tượng đích, tình hình thực tế và điều kiện địa phương.
4. Hình thức thông tin, truyền thông:
a) Trực tiếp;
b) Gián tiếp thông qua các hình thức truyền thông, lồng ghép giữa truyền thông truyền thống và hiện đại.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 10. Trách nhiệm thông tin truyền thông về phòng bệnh
1. Cá nhân, gia đình, cộng đồng tích cực, chủ động tham gia, hưởng ứng các đợt thông tin, truyền thông về phòng bệnh.
2. Chính quyền các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các đơn vị, tổ dân phố, khu phố, khối phố, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, cộng đồng chủ động tham gia, ưu tiên nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thực hiện công tác thông tin, truyền thông phòng bệnh trên địa bàn quản lý.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác thông tin, truyền thông về phòng bệnh trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách.
Điều 11. Hợp tác quốc tế trong phòng bệnh
1. Nhà nước chủ động và tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng bệnh phù hợp với pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết tham gia.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, trao đổi và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phòng bệnh.
3. Khi có dịch xảy ra, căn cứ vào tác nhân, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, đào tạo; trao đổi mẫu bệnh phẩm, thông tin dịch, chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ, chuyên gia, thiết bị; hỗ trợ nguồn lực trong hoạt động phòng, chống dịch.
4. Trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực để chống dịch và phối hợp triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan theo Điều lệ Y tế quốc tế.
Điều 12. Hệ thống thông tin về phòng bệnh
1. Hệ thống thông tin về phòng bệnh bao gồm thông tin về bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng, dinh dưỡng, thương tích và các thông tin khác.
2. Việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin về phòng bệnh được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 13. Giám sát trong phòng bệnh
1. Đối tượng giám sát bệnh truyền nhiễm:
a) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm;
b) Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
c) Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.
2. Đối tượng giám sát bệnh không lây nhiễm:
a) Người mắc bệnh không lây nhiễm;
b) Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm.
3. Đối tượng giám sát trong dinh dưỡng:
a) Người mắc bệnh liên quan đến dinh dưỡng;
b) Theo tần suất đối với toàn bộ người dân và trẻ em dưới 6 tuổi;
c) Các yếu tố nguy cơ gây bệnh liên quan đến dinh dưỡng.
4. Đối tượng giám sát trong phòng, chống thương tích:
a) Người bị thương tích trong cộng đồng;
b) Các yếu tố nguy cơ dẫn đến thương tích trong cộng đồng.
5. Đối tượng giám sát trong quản lý các rối loạn sức khỏe tâm thần:
a) Người có nguy cơ mắc rối loạn sức khỏe tâm thần;
b) Người mắc rối loạn sức khỏe tâm thần;
c) Các yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc rối loạn sức khỏe tâm thần.
6. Giám sát trong phòng bệnh được thực hiện trên toàn bộ phạm vi địa bàn quản lý hành chính được phân công giám sát.
7. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết khoản 6 Điều này; quy định quy trình giám sát, tần suất giám sát, quản lý thông tin dữ liệu, nội dung giám sát, chế độ thông tin và báo cáo giám sát trong phòng bệnh.
PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Điều 14. Phân loại bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh truyền nhiễm
1. Bệnh truyền nhiễm được phân loại theo các nhóm bao gồm:
a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm;
b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
c) Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm.
2. Dịch bệnh truyền nhiễm được phân loại theo khả năng kiểm soát bao gồm:
a) Dịch bệnh truyền nhiễm trong khả năng kiểm soát;
b) Dịch bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng kiểm soát.
3. Các cấp độ dịch bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng kiểm soát bao gồm:
a) Cấp độ 1: dịch bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã;
b) Cấp độ 2: dịch bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh;
c) Cấp độ 3: dịch bệnh trong tình trạng khẩn cấp thực hiện theo pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng thủ dân sự.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chí xác định phân loại nhóm bệnh truyền nhiễm và phân loại dịch bệnh truyền nhiễm theo khả năng kiểm soát.
Điều 15. Các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh truyền nhiễm
1. Các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh truyền nhiễm trong khả năng kiểm soát bao gồm:
a) Giám sát bệnh truyền nhiễm;
b) Đánh giá nguy cơ, cảnh báo dịch bệnh; điều tra xác định dịch bệnh;
c) Thông tin, khai báo bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh truyền nhiễm;
d) Cách ly y tế;
đ) Kiểm dịch y tế;
e) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh;
g) Xét nghiệm;
h) Bảo đảm an toàn sinh học;
i) Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng;
k) Vệ sinh, khử khuẩn trong vùng có dịch và các biện pháp bảo vệ cá nhân;
l) Thử nghiệm, áp dụng phương pháp mới để phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
m) Thông báo dịch, hết dịch bệnh truyền nhiễm;
n) Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh truyền nhiễm khác.
2. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng kiểm soát bao gồm các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này và thực hiện các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng thủ dân sự.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, quy định tại các điểm b, c, g, i, k, l khoản 1 Điều này; nội dung, quy trình và thẩm quyền thông báo dịch, hết dịch bệnh truyền nhiễm tại điểm m khoản 1 Điều này.
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Quyền của người dân trong phòng bệnh:
a) Quyền được cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống và các quy định của pháp luật liên quan; được yêu cầu cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của bản thân liên quan đến bệnh truyền nhiễm.
b) Quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; được tiếp cận các dịch vụ y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh khi mắc bệnh truyền nhiễm; được bảo đảm an toàn về sức khỏe khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; được từ chối các biện pháp y tế không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc trái với đạo đức nghề nghiệp y tế.
c) Quyền được bảo đảm quyền riêng tư và không bị kỳ thị; được bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe liên quan đến bệnh truyền nhiễm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; không bị phân biệt đối xử, kỳ thị vì tình trạng bệnh tật.
d) Quyền được khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; được bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản do các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gây ra theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của người dân trong phòng bệnh:
a) Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo yêu cầu của cơ quan y tế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Khai báo kịp thời cho cơ sở y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện bản thân hoặc người khác bị mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm;
c) Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và kịp thời các thông tin dịch tễ và các thông tin khác có liên quan đến quá trình mắc bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan y tế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Thực hiện và tuân thủ đầy đủ các biện pháp chống dịch theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan y tế, cán bộ y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng chống dịch bệnh;
đ) Hợp tác với cơ quan y tế, cán bộ y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh;
e) Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân và những người xung quanh;
g) Không được che giấu, làm lây lan bệnh truyền nhiễm cho người khác;
h) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
3. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở phòng bệnh:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến thông tin liên quan đến phòng, chống bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm;
b) Được ưu tiên cung cấp trang thiết bị, vật tư y tế, nguồn lực cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh;
c) Thực hiện biện pháp cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm;
d) Tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở phòng bệnh;
đ) Theo dõi sức khỏe của nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
e) Thông tin, báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời về bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh cho cơ quan có thẩm quyền cấp trên;
g) Quyền và nghĩa vụ khác trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
4. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm:
a) Chấp hành các quy định, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống dịch bệnh;
b) Được bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn trong thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, đáp ứng dịch bệnh truyền nhiễm;
c) Tôn trọng các quyền của người có nguy cơ, người nghi ngờ hoặc có bệnh tật, mắc bệnh truyền nhiễm;
d) Cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan quản lý phòng bệnh, đáp ứng bệnh truyền nhiễm;
đ) Chịu trách nhiệm về các quyết định chuyên môn, nghiệp vụ và biện pháp phòng bệnh, đáp ứng bệnh truyền nhiễm khi triển khai thực hiện;
e) Tuyên truyền, vận động thành viên và cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;
g) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
1. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B phải được cách ly y tế.
2. Hình thức cách ly y tế bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong vùng có ca bệnh truyền nhiễm chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly y tế theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện yêu cầu cách ly y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Các khu vực cửa khẩu phải tiến hành kiểm dịch y tế.
2. Đối tượng phải kiểm dịch y tế bao gồm:
a) Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;
b) Phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam;
c) Hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam;
d) Thi thể, hài cốt, tro cốt, mẫu bệnh phẩm, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam.
3. Nội dung kiểm dịch y tế bao gồm thu thập và xử lý thông tin, khai báo y tế, giám sát y tế, kiểm tra y tế, xử lý y tế và áp dụng các biện pháp phòng bệnh, đáp ứng dịch bệnh truyền nhiễm lây truyền qua khu vực cửa khẩu.
4. Trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế.
a) Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam, chủ phương tiện hoặc người quản lý phương tiện, hàng hoá, thi thể, hài cốt, tro cốt quy định điểm d khoản 2 Điều này phải thực hiện việc khai báo y tế; chấp hành các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý y tế và nộp giá kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật;
b) Người nhập cảnh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cách ly y tế và áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm, khám, xét nghiệm và điều trị ban đầu theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền;
c) Tổ chức kiểm dịch y tế có trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung kiểm dịch y tế quy định tại khoản 3 Điều này và cấp chứng nhận kiểm dịch y tế;
d) Cơ quan chức năng tại cửa khẩu, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, người được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện quy định về kiểm dịch y tế theo quy định của Luật này và quy định của Chính phủ.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định biện pháp xử lý đối với trường hợp nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh đối với người và phương tiện vận tải; nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh đối với hàng hóa; vận chuyển qua biên giới đối với thi thể, hài cốt nhưng chưa hoàn thành việc kiểm dịch y tế; quy định về tổ chức kiểm dịch y tế.
Điều 19. Bảo đảm an toàn sinh học trong xét nghiệm phòng, chống bệnh truyền nhiễm
1. Cơ sở xét nghiệm phải đáp ứng các điều kiện hoạt động và yêu cầu về an toàn sinh học đồng thời phải được đánh giá, giám sát định kỳ. Việc tổ chức và vận hành phòng xét nghiệm phải tuân thủ các quy định về thực hành an toàn sinh học tương ứng với cấp độ phòng xét nghiệm, bao gồm thực hiện đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp kiểm soát nguy cơ phù hợp để bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình hoạt động.
2. Khi thực hiện thu thập, quản lý, sử dụng, tiêu hủy mẫu bệnh phẩm trong và ngoài cơ sở xét nghiệm, cơ sở xét nghiệm phải có các biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, môi trường và các biện pháp ngăn ngừa việc tiếp cận trái phép, thất thoát, lấy cắp, sử dụng sai, chuyển mục đích hoặc phát tán các tác nhân sinh học.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp chứng nhận cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học.
Điều 20. Đối tượng sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh
1. Mọi người có quyền sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh theo từng lứa tuổi, từng đối tượng trọn đời để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho cộng đồng.
2. Mọi người có quyền được bảo đảm công bằng trong tiếp cận sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Điều 21. Nguyên tắc sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh
1. Vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về dược.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc áp dụng các điều kiện theo quy định của pháp luật về dược đối với sinh phẩm phòng bệnh chẩn đoán in vitro và chất có nguồn gốc sinh học có phân tử lượng thấp có thể phân lập thành những chất tinh khiết.
2. Vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc.
3. Vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, thời gian, chủng loại, số lần sử dụng và quy trình kỹ thuật sử dụng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
1. Tiêm chủng là việc đưa vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh vào cơ thể con người để phòng, chống bệnh tật.
2. Tiêm chủng bắt buộc là tiêm chủng đối với các bệnh truyền nhiễm cho các đối tượng do Nhà nước quy định.
3. Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chiến dịch để chủ động phòng, chống dịch là hình thức tiêm chủng bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện và được miễn phí.
4. Tiêm chủng tự nguyện là tiêm chủng đối với các bệnh truyền nhiễm không nằm trong danh mục tiêm chủng bắt buộc.
5. Nhà nước tổ chức thực hiện tiêm chủng miễn phí để phòng các bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục tiêm chủng bắt buộc thông qua Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chiến dịch để chủ động phòng, chống dịch.
6. Cơ sở tiêm chủng ngoài Nhà nước được tiêm chủng các vắc xin để phòng các bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục tiêm chủng bắt buộc không thông qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
7. Việc tổ chức tiêm chủng đối với các bệnh thuộc danh mục tiêm chủng tự nguyện do cơ sở tiêm chủng Nhà nước và cơ sở tiêm chủng ngoài Nhà nước thực hiện.
8. Cơ sở tiêm chủng được thực hiện tiêm chủng khi đủ điều kiện.
9. Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 Điều này và quy định điều kiện, quy trình, trình tự, thủ tục để cơ sở tiêm chủng được thực hiện tiêm chủng.
10. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục các bệnh truyền nhiễm và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh.
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chiến dịch để chủ động phòng, chống dịch quy định tại khoản 5 Điều 20.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quản lý.
3. Cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm thực hiện việc tiêm chủng theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
4. Đối tượng thuộc diện tiêm chủng bắt buộc phải tham gia tiêm chủng và được bồi thường theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc bị tử vong.
5. Khi thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chiến dịch để chủ động phòng, chống dịch, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
6. Cơ sở tiêm chủng ngoài nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp đối tượng tiêm chủng tại cơ sở của mình theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; trong trường hợp cơ sở tiêm chủng ngoài Nhà nước được Nhà nước huy động tham gia Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chiến dịch để chủ động phòng, chống dịch thì Nhà nước thực hiện bồi thường.
7. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này và quy định cơ chế mua sắm vắc xin, tiếp nhận viện trợ, truyền thông tiêm chủng.
8. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong việc tổ chức tiêm chủng.
Điều 24. Thanh toán, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm
1. Các tiêu chí công nhận thanh toán, loại trừ bệnh truyền nhiễm lưu hành phù hợp với tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thủ tục và tiêu chí công nhận thanh toán, loại trừ bệnh truyền nhiễm lưu hành.
Chương III
PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM, CÁC RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ KHÁC
Điều 25. Phòng, chống yếu tố nguy cơ, giám sát phát hiện bệnh không lây nhiễm
1. Việc phòng, chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm được thực hiện thông qua các hoạt động bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực, phòng, chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm; quy trình, phương pháp sàng lọc phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm bao gồm ban hành hướng dẫn chuyên môn về phạm vi, đối tượng, thời điểm, tần suất và phương pháp thực hiện khám sàng lọc phát hiện sớm đối với từng bệnh không lây nhiễm.
Điều 26. Dự phòng cho người có nguy cơ cao, người tiền bệnh và quản lý, điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm
1. Người có nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm và người tiền bệnh phải được tư vấn, theo dõi, điều trị dự phòng để phòng bệnh không lây nhiễm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ sức khỏe.
2. Người mắc bệnh không lây nhiễm được tư vấn, quản lý, điều trị để kiểm soát các yếu tố nguy cơ tăng nặng.
3. Quản lý và điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
4. Các cơ sở phòng bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, tư vấn, theo dõi, điều trị dự phòng cho người có nguy cơ cao mắc bệnh, người tiền bệnh và người mắc bệnh không lây nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 27. Nguyên tắc phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần
1. Tôn trọng quyền con người và bảo vệ quyền tự do cá nhân của người mắc rối loạn tâm thần.
2. Bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử với người có rối loạn sức khỏe tâm thần.
3. Bảo đảm tính sẵn có của các dịch vụ dự phòng, khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị, quản lý và phục hồi chức năng trong chăm sóc sức khỏe tâm thần.
4. Áp dụng các phương pháp khoa học, tiên tiến trong việc phòng ngừa và điều trị các rối loạn tâm thần.
5. Tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan y tế, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và gia đình.
Điều 28. Nguy cơ và phát hiện sớm nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần
1. Nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần là tình trạng cá nhân có một hoặc nhiều yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội làm tăng khả năng xuất hiện các rối loạn tâm thần theo phân loại y khoa.
2. Cá nhân và gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần được khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm, theo dõi, hỗ trợ tâm lý - xã hội và điều trị phù hợp nhằm phòng ngừa diễn tiến thành rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc làm nặng mức độ bệnh lý tâm thần đã mắc.
3. Các cơ sở phòng bệnh có trách nhiệm:
a) Triển khai các hoạt động giám sát sức khỏe cộng đồng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ mắc rối loạn sức khỏe tâm thần;
b) Thực hiện sàng lọc khám sức khỏe tâm thần theo định kỳ đối với các đối tượng có nguy cơ cao mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết khoản 2, khoản 3 Điều này.
Điều 29. Quyền, trách của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần
1. Ngoài các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, người mắc rối loạn sức khỏe tâm thần và người có nguy cơ mắc rối loạn sức khỏe tâm thần có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Được điều trị và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần;
b) Được bảo vệ về sức khỏe và ưu tiên trong chăm sóc, điều trị y tế;
c) Người có hành vi gian dối, giả bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần để trục lợi, trốn tránh các nghĩa vụ pháp luật thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về bồi thường, hình sự, dân sự và pháp luật khác có liên quan.
2. Trách nhiệm của chính quyền địa phương:
a) Theo dõi, giám sát và tổ chức triển khai các biện pháp can thiệp y tế đối với người mắc và có nguy cơ mắc rối loạn sức khỏe tâm thần;
b) Chủ động bố trí kinh phí triển khai các công tác phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần tại địa phương.
3. Trách nhiệm của gia đình, người chăm sóc:
a) Tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người mắc rối loạn sức khỏe tâm thần;
b) Bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hình sự khi có hành vi hành hạ, ngược đãi, bức tử người mắc rối loạn sức khỏe tâm thần;
c) Người bệnh, người nhà của người bệnh mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần, người có nguy cơ cao mắc rối loạn sức khỏe tâm thần có trách nhiệm khai báo với cơ quan y tế cấp xã để nắm thông tin và hỗ trợ khi cần thiết.
4. Trách nhiệm của cơ sở phòng bệnh:
a) Thực hiện quy trình chuyên môn đối với công tác phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần tại cộng đồng;
b) Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm hướng dẫn người dân tự nhận biết các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần;
c) Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh và gia đình người bệnh.
4. Trách nhiệm của xã hội:
a) Giảm kỳ thị phân biệt đối xử;
b) Tuyên truyền phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
Điều 30. Phòng bệnh trong cơ sở giáo dục
1. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm triển khai thực hiện công tác y tế trường học cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên (gọi tắt là người học) thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm người học được chăm sóc sức khoẻ toàn diện cả thể chất và tinh thần, bao gồm: kiểm tra sức khỏe đầu năm học và khám sức khỏe định kỳ; phòng chống dịch bệnh, dự phòng thương tích; bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu; bảo đảm an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp; vệ sinh môi trường; kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tật học đường; tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe và các hoạt động khác.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 31. Phòng bệnh trong cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt
1. Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân của con người) phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
2. Mọi người được quyền sử dụng nước sạch để chủ động phòng chống dịch bệnh.
3. Đơn vị cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt có trách nhiệm cung cấp và bảo đảm chất lượng nước sạch theo quy định.
4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của các đơn vị cấp nước, đơn vị sử dụng nước và nước do tổ chức, cá nhân tự khai thác.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về cấp nước, bảo đảm cung cấp đầy đủ đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân trên địa bàn.
6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 và khoản 5 Điều này.
7. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết khoản 1 và khoản 3 Điều này; hướng dẫn sử dụng nước tự khai thác để phục vụ cho mục đích sinh hoạt bảo đảm chất lượng, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
DINH DƯỠNG TRONG PHÒNG BỆNH
Điều 32. Dinh dưỡng trong phòng bệnh
1. Dinh dưỡng trong phòng bệnh là dinh dưỡng trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; dinh dưỡng trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm; dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời, theo đối tượng, theo vùng; dinh dưỡng nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực của người Việt Nam; dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp.
2. Người dân được bảo đảm dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp.
3. Hoạt động dinh dưỡng trong phòng bệnh phải được thực hiện trong suốt vòng đời theo từng lứa tuổi, từng đối tượng trên cơ sở đánh giá tình trạng dinh dưỡng và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị và tháp dinh dưỡng.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ dinh dưỡng theo từng độ tuổi, đối tượng, tình trạng sức khỏe để sinh sống, học tập, lao động, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh.
Điều 33. Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú
1. Phụ nữ có thai khi đi khám thai định kỳ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý từ lúc mang thai đến lúc trẻ được 2 tuổi (dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời).
2. Phụ nữ có thai sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa được bổ sung trực tiếp vi chất dinh dưỡng để phòng, chống suy dinh dưỡng bào thai.
3. Nhà nước có chính sách khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
4. Chính phủ quy định chi tiết nội dung các khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết nội dung khoản 1 Điều này.
Điều 34. Dinh dưỡng cho trẻ em và dinh dưỡng học đường
1. Trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính và thấp còi tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa được hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng tại cộng đồng.
2. Trẻ em dưới 6 tuổi được theo dõi tăng trưởng, sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và được bổ sung trực tiếp vi chất dinh dưỡng phù hợp với đối tượng và lứa tuổi của trẻ.
3. Học sinh các cấp học được bảo đảm dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường theo từng nhóm tuổi. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 35. Dinh dưỡng cho người lao động và người cao tuổi
1. Người lao động được khám và tư vấn dinh dưỡng lồng ghép trong khám sức khỏe định kỳ.
2. Người cao tuổi được theo dõi, tư vấn và chăm sóc dinh dưỡng trong hoạt động quản lý sức khỏe tại cộng đồng.
3. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi có trách nhiệm bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với người cao tuổi.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về chăm sóc dinh dưỡng cho người lao động và người cao tuổi.
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỂ PHÒNG BỆNH
Điều 36. Nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phòng bệnh
1. Thống nhất, tích hợp, liên thông các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng bệnh bảo đảm bảo mật và an toàn thông tin.
2. Dự phòng, phát hiện sớm, theo dõi, dự báo, cảnh báo trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
3. Cơ chế, chính sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 193/2025/QH15, văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Điều 37. Hệ thống cơ sở phòng bệnh
1. Cơ sở phòng bệnh là cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ về lĩnh vực phòng bệnh, bao gồm:
a) Cơ sở chuyên ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng bệnh;
b) Đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
c) Đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh trong các cơ sở khác (như cơ sở giáo dục, y tế cơ quan, nhà máy xí nghiệp);
d) Khoa truyền nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Các hình thức tổ chức của cơ sở chuyên ngành, bao gồm:
a) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung ương (CDC Trung ương);
b) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố (CDC tỉnh, thành phố);
c) Trạm Y tế;
d) Hình thức tổ chức khác.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 38. Chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch
1. Người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm được hưởng lương, các chế độ phụ cấp nghề nghiệp và các chế độ khác của vị trí công việc theo quy định của pháp luật.
2. Người tham gia chống dịch được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch và được hưởng chế độ rủi ro nghề nghiệp khi bị lây nhiễm bệnh.
3. Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
4. Chính phủ quy định cụ thể các chế độ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 39. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác phòng bệnh
1. Nhà nước có quy hoạch, kế hoạch về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác phòng bệnh, bao gồm cả công tác dinh dưỡng, công tác đáp ứng dịch bệnh truyền nhiễm; ưu tiên loại hình đào tạo ứng dụng tại thực địa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Điều 40. Kinh phí cho công tác phòng bệnh
1. Kinh phí cho công tác phòng bệnh bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Vốn viện trợ;
c) Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Hằng năm, Nhà nước bảo đảm đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động phòng, bệnh. Ngân sách phòng bệnh không được sử dụng vào mục đích khác.
Điều 41. Dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch
1. Nhà nước thực hiện việc dự trữ quốc gia về thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để phòng, chống dịch.
2. Việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
Điều 42. Thành lập Quỹ Phòng bệnh
1. Quỹ Phòng bệnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động.
2. Quỹ Phòng bệnh được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Quỹ Phòng bệnh được hình thành từ các nguồn sau đây:
a) Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp;
b) Ngân sách nhà nước bổ sung hằng năm theo khả năng cân đối;
c)
Phương án 1: trích một phần từ nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe;
Phương án 2: khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, không bao gồm thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày 01 tháng 01 năm 2027; 1,5% từ ngày 01 tháng 01 năm 2028; 2,0% từ ngày 01 tháng 01 năm 2029. Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe tự khai, tự tính, tự nộp vào tài khoản của Quỹ;
d) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
đ) Nguồn từ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá;
e) Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.
Điều 43. Mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng bệnh
1. Mục đích của Quỹ Phòng bệnh:
a) Hỗ trợ giải quyết được các vấn đề cấp bách do đại dịch có thể xảy ra;
b) Hỗ trợ hoạt động phòng bệnh chủ động;
c) Chi cho các hoạt động phục vụ công tác phòng bệnh mà ngân sách nhà nước không bảo đảm, không hỗ trợ hoặc bảo đảm, hỗ trợ không đủ định mức;
d) Tạo nguồn lực, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho hoạt động phòng bệnh.
2. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng bệnh:
a) Không vì mục đích lợi nhuận; bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý.
b) Thực hiện thu, chi, quyết toán, công khai tài chính, tài sản và công tác kế toán theo quy định của pháp luật.
c) Chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và kiểm toán nhà nước về các hoạt động tài chính của Quỹ Phòng bệnh, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
d) Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
đ) Số dư kinh phí năm trước của Quỹ Phòng bệnh được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
3. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng Quỹ Phòng bệnh.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 44. Sửa đổi, bổ sung luật có liên quan
Bổ sung số thứ tự 40 tại Phụ lục II về Danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành ban hành kèm theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH 14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2023/QH15, Luật số 16/2023/QH15, Luật số 28/2023/QH15, Luật số 31/2024/QH15, Luật số 35/2024/QH15, Luật số 38/2024/QH15, Luật số 43/2024/QH15 như sau:
40. | Quy hoạch hệ thống cơ sở phòng bệnh | Luật Phòng bệnh số .../2025/QH15 |
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.
2. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
1. Các hoạt động về phòng bệnh thực hiện trước thời điểm Luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành tại thời điểm thực hiện.
2. Cơ sở tiêm chủng đã hoạt động mà chưa được cấp phép hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải hoàn thành thủ tục cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng bệnh chậm nhất là ngày 01 tháng 7 năm 2031.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa……, kỳ họp thứ…… thông qua ngày…… tháng…… năm 202….
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
MỤC LỤC
Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Điều 3. Chính sách của Nhà nước về phòng bệnh
Điều 4. Nguyên tắc trong phòng bệnh
Điều 5. Nội dung quản lý nhà nước về phòng bệnh
Điều 6. Cơ quan quản lý nhà nước về phòng bệnh
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, quyền, nghĩa vụ của người dân trong phòng bệnh
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng bệnh
Điều 9. Đối tượng, nội dung, yêu cầu và hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng bệnh
Điều 10. Trách nhiệm thông tin truyền thông về phòng bệnh
Điều 11. Hợp tác quốc tế trong phòng bệnh
Điều 12. Hệ thống thông tin về phòng bệnh
Điều 13. Giám sát trong phòng bệnh
Chương II: PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM
Điều 14. Phân loại bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh truyền nhiễm
Điều 15. Các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh truyền nhiễm
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Điều 17. Cách ly y tế
Điều 18. Kiểm dịch y tế
Điều 19. Bảo đảm an toàn sinh học trong xét nghiệm phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Điều 20. Đối tượng sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh
Điều 21. Nguyên tắc sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh
Điều 22. Tiêm chủng
Điều 23. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức sử dụng vắc xin, sinh phẩm phòng bệnh
Điều 24. Thanh toán, loại trừ một số bệnh truyền nhiễm
Chương III: PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM, CÁC RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ KHÁC
Điều 25. Phòng, chống yếu tố nguy cơ, giám sát phát hiện bệnh không lây nhiễm
Điều 26. Dự phòng cho người có nguy cơ cao, người tiền bệnh và quản lý, điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm
Điều 27. Nguyên tắc phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần
Điều 28. Nguy cơ và phát hiện sớm nguy cơ mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần
Điều 29. Quyền, trách của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần
Điều 30. Phòng bệnh trong cơ sở giáo dục
Điều 31. Phòng bệnh trong cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt
Chương IV: DINH DƯỠNG TRONG PHÒNG BỆNH
Điều 32. Dinh dưỡng trong phòng bệnh
Điều 33. Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Điều 34. Dinh dưỡng cho trẻ em và dinh dưỡng học đường
Điều 35. Dinh dưỡng cho người lao động và người cao tuổi
Chương V: CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỂ PHÒNG BỆNH
Điều 36. Nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phòng bệnh
Điều 37. Hệ thống cơ sở phòng bệnh
Điều 38. Chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch
Điều 39. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác phòng bệnh
Điều 40. Kinh phí cho công tác phòng bệnh
Điều 41. Dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch
Điều 42. Thành lập Quỹ Phòng bệnh
Điều 43. Mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng bệnh
Chương VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 44. Sửa đổi, bổ sung luật có liên quan
Điều 45. Hiệu lực thi hành
Điều 46. Quy định chuyển tiếp
- 1 Quyết định 465/QĐ-BYT năm 2024 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh Mpox (Đậu mùa khỉ) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Công văn 4992/BYT-DP năm 2024 triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi do Bộ Y tế ban hành
- 3 Công văn 78/DP-TC triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi năm 2025 do Cục Y tế dự phòng ban hành