CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: / /NĐ-CP | Hà Nội, ngày tháng năm |
DỰ THẢO |
|
NGHỊ ĐỊNH
HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI BẢO HIỂM VI MÔ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này hướng dẫn việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp triển khai bảo hiểm vi mô (sau đây gọi tắt là “tổ chức bảo hiểm vi mô”) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3: Bảo hiểm vi mô
Bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm do các tổ chức chính trị xã hội cung cấp cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống, theo nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi về bảo hiểm.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. Triển khai bảo hiểm vi mô
Điều 4. Điều kiện triển khai bảo hiểm vi mô
1. Tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp thành lập đơn vị độc lập, trực thuộc tổ chức bảo hiểm vi mô để triển khai bảo hiểm vi mô.
2. Người đứng đầu đơn vị triển khai bảo hiểm vi mô đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại
3. Tổ chức bảo hiểm vi mô có hệ thống theo dõi chi tiết đến từng hợp đồng bảo hiểm và hệ thống kế toán tách bạch các hoạt động bảo hiểm vi mô khỏi các hoạt động khác của tổ chức bảo hiểm vi mô.
4. Việc triển khai bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận.
5. Được Bộ Tài chính cho phép triển khai bảo hiểm vi mô.
Điều 5. Triển khai bảo hiểm vi mô
1. Tổ chức bảo hiểm vi mô có thể cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên của tổ chức theo hướng dẫn tại Nghị định này.
2. Trước khi triển khai bảo hiểm vi mô, tổ chức bảo hiểm vi mô gửi Bộ Tài chính văn bản đề nghị triển khai kèm theo các tài liệu dưới đây:
a) Văn bản đề nghị triển khai bảo hiểm vi mô thêm mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Dự kiến về tổ chức bộ máy, mạng lưới triển khai bảo hiểm vi mô kèm theo phiếu lý lịch tư pháp, văn bản cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6, bản sao chứng thực cá nhân, sơ yếu lý lịch, văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực của người đứng đầu đơn vị triển khai bảo hiểm vi mô;
c) Quy chế hoạt động của tổ chức bảo hiểm vi mô, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc triển khai bảo hiểm vi mô;
d) Dự kiến số lượng thành viên tham gia bảo hiểm vi mô, kế hoạch doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động bảo hiểm vi mô;
e) Quy tắc, điều khoản, biểu phí, cơ sở kỹ thuật giải trình công thức, phương pháp tính phí, tính dự phòng nghiệp vụ của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.
d) Tài liệu chứng minh tổ chức bảo hiểm vi mô có hệ thống theo dõi chi tiết đến từng hợp đồng bảo hiểm và hệ thống kế toán tách bạch các hoạt động bảo hiểm vi mô khỏi các hoạt động khác của tổ chức bảo hiểm vi mô
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các tài liệu nêu trên, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải giải thích rõ lý do.
Điều 6. Tiêu chuẩn của người đứng đầu đơn vị triển khai bảo hiểm vi mô
1. Không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng;
2. Không trực tiếp liên quan đến vụ án đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố theo quy định pháp luật tại thời điểm được bổ nhiệm;
3. Trong vòng ba (03) năm liên tục trước thời điểm bổ nhiệm, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công tác;
4. Có bằng đại học hoặc trên đại học;
5. Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp.
Mục 2. Thiết kế sản phẩm bảo hiểm vi mô
Điều 7. Sản phẩm bảo hiểm vi mô
1. Tổ chức bảo hiểm vi mô có thể cung cấp một hoặc một số các sản phẩm bảo hiểm vi mô dưới đây:
a) Sản phẩm bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ và vĩnh viễn: chi trả số tiền bảo hiểm và có thể chi trả quyền lợi hỗ trợ mai táng phí, hoàn phí bảo hiểm theo thỏa thuận;
b) Sản phẩm bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ và vĩnh viễn trong khi đang còn vay nợ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính vi mô: thay mặt người được bảo hiểm chi trả số tiền còn phải trả cho ngân hàng hoặc tổ chức tài chính vi mô theo thỏa thuận;
c) Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe: hỗ trợ chi phí nằm viện, phẫu thuật cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận;
d) Sản phẩm bảo hiểm tai nạn cá nhân: chi trả số tiền bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ thương tật do tai nạn của người được bảo hiểm;
đ) Sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm tuổi già: cung cấp quyền lợi tiền mặt bằng giá trị tài khoản của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận khi người được bảo hiểm đạt đến tuổi nghỉ hưu;
e) Sản phẩm bảo hiểm thiệt hại tài sản cho hộ gia đình: chi trả số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận do thiệt hại về tài sản của hộ gia đình người được bảo hiểm.
2. Quyền lợi bảo hiểm vi mô được thiết kế trên cơ sở phù hợp với nhu cầu của người thu nhập thấp.
3. Tùy theo thỏa thuận giữa tổ chức bảo hiểm vi mô và bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm là bên mua bảo hiểm hoặc cả hộ gia đình của bên mua bảo hiểm.
4. Trước khi triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô, tổ chức bảo hiểm vi mô phải thông báo cho Bộ Tài chính bằng văn bản kèm theo quy tắc, điều khoản, biểu phí, cơ sở kỹ thuật giải trình công thức, phương pháp tính phí, phương pháp dự phòng nghiệp vụ của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.
Điều 8. Đặc điểm sản phẩm bảo hiểm vi mô
Sản phẩm bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các đặc điểm cơ bản sau:
1. Trừ sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm tuổi già, thời hạn bảo hiểm không được quá một (01) năm và có thể được tái tục hàng năm.
2. Thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm.
3. Đối với sản phẩm bảo hiểm nêu tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 7:
a) Số tiền bảo hiểm trên từng người được bảo hiểm không vượt quá năm (05) lần thu nhập hàng năm của hộ cận nghèo ở thành thị theo quy định của Chính phủ;
b) Phí bảo hiểm hàng năm không vượt quá 6% thu nhập bình quân đầu người của hộ cận nghèo ở thành thị.
4. Định kỳ thu phí và phương thức thu phí bảo hiểm phải phù hợp với thu nhập của người thu nhập thấp.
5. Thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm không vượt quá 15 ngày kể từ ngày tổ chức bảo hiểm vi mô nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm.
Mục 3. Phân phối sản phẩm bảo hiểm vi mô
Điều 9. Phân phối sản phẩm bảo hiểm vi mô
1. Tổ chức bảo hiểm vi mô được chủ động trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm vi mô.
2. Chi phí phân phối sản phẩm bảo hiểm vi mô tối đa bằng 20% phí bảo hiểm thu được.
Điều 10. Thông tin về sản phẩm bảo hiểm vi mô
1. Tổ chức bảo hiểm vi mô có trách nhiệm cung cấp thông tin và giải thích đầy đủ, chính xác về bảo hiểm vi mô cho bên mua bảo hiểm, phù hợp với sản phẩm bảo hiểm vi mô đã thông báo cho Bộ Tài chính.
2. Tổ chức bảo hiểm vi mô có trách nhiệm theo dõi, đối chiếu và xác nhận thống nhất thông tin với thành viên tham gia bảo hiểm về sản phẩm bảo hiểm tham gia, số phí bảo hiểm đóng định kỳ, số tiền bảo hiểm được chi trả.
Mục 3. Khả năng thanh toán, dự phòng nghiệp vụ và đầu tư tài chính
Điều 11. Khả năng thanh toán
1. Tổ chức bảo hiểm vi mô phải duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động. Tổ chức bảo hiểm vi mô được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập dự phòng đầy đủ và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu.
2. Biên khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm vi mô là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả liên quan đến hoạt động bảo hiểm vi mô tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán.
3. Biên khả năng thanh toán tối thiểu của tổ chức bảo hiểm vi mô được xác định bằng tổng của giá trị tài khoản của các hợp đồng bảo hiểm tiết kiệm tuổi già và 25% tổng phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm vi mô khác do tổ chức vi mô triển khai tại thời điểm tính khả năng thanh toán.
Điều 12. Dự phòng nghiệp vụ
1. Tổ chức bảo hiểm vi mô trích lập dự phòng nghiệp vụ cho từng hợp đồng bảo hiểm tương ứng với trách nhiệm đã cam kết.
2. Tổ chức bảo hiểm vi mô trích lập dự phòng nghiệp vụ định kỳ hàng tháng, theo phương pháp quy định dưới đây:
2.1. Dự phòng phí chưa được hưởng sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm, áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn từ một (01) năm trở xuống:
a) Phương pháp trích lập theo tỷ lệ phần trăm của tổng phí: bằng 50% tổng phí bảo hiểm thuộc năm tài chính của các sản phẩm bảo hiểm này.
b) Phương pháp trích lập theo hệ số của thời hạn hợp đồng bảo hiểm:
- Phương pháp 1/8: Phương pháp này giả định phí bảo hiểm thuộc các hợp đồng bảo hiểm phát hành trong một quý của tổ chức bảo hiểm vi mô phân bổ đều giữa các tháng trong quý, hay nói cách khác, toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một quý cụ thể được giả định là có hiệu lực vào giữa quý đó. Dự phòng phí chưa được hưởng được tính theo công thức sau:
Dự phòng phí chưa được hưởng | = | Phí bảo hiểm | x | Tỷ lệ phí bảo hiểm chưa được hưởng |
Ví dụ: Dự phòng phí chưa được hưởng tại thời điểm 31/12/2016 được tính như sau đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn 1 năm và còn hiệu lực vào ngày 31/12/2016:
Tỷ lệ phí bảo hiểm chưa được hưởng | ||
Năm | Quý | |
2017 | I | 1/8 |
II | 3/8 | |
III | 5/8 | |
IV | 7/8 |
- Phương pháp 1/24: Phương pháp này giả định phí bảo hiểm thuộc các hợp đồng bảo hiểm phát hành trong một tháng của tổ chức bảo hiểm vi mô phân bổ đều trong tháng, hay nói cách khác, toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một tháng cụ thể được giả định là có hiệu lực vào giữa tháng đó. Dự phòng phí chưa được hưởng được tính theo công thức sau:
= | Phí bảo hiểm | x | Tỷ lệ phí bảo hiểm chưa được hưởng |
Ví dụ: Dự phòng phí chưa được hưởng tại thời điểm 31/12/2016 được tính như sau đối với hợp đồng bảo hiểm có thời hạn 1 năm và còn hiệu lực vào ngày 31/12/2016:
Tỷ lệ phí bảo hiểm chưa được hưởng | ||
Năm | Tháng | |
2017 | 1 | 1/24 |
2 | 3/24 | |
3 | 5/24 | |
4 | 7/24 | |
5 | 9/24 | |
6 | 11/24 | |
7 | 13/24 | |
8 | 15/24 | |
9 | 17/24 | |
10 | 19/24 | |
11 | 21/24 | |
12 | 23/24 |
- Phương pháp trích lập dự phòng phí theo từng ngày: Phương pháp này có thể được áp dụng để tính dự phòng phí chưa được hưởng đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc mọi thời hạn theo công thức tổng quát sau:
= | Phí bảo hiểm x Số ngày bảo hiểm còn lại của hợp đồng bảo hiểm | |
Tổng số ngày bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm |
2.2. Dự phòng toán học đối với sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm tuổi già được sử dụng để trả tiền khi người được bảo hiểm đến tuổi nghỉ hưu, được xác định bằng giá trị tài khoản của các hợp đồng bảo hiểm tiết kiệm tuổi già còn hiệu lực tại thời điểm trích lập dự phòng.
Giá trị tài khoản của hợp đồng bảo hiểm tiết kiệm tuổi già được xác định là lũy kế số phí bảo hiểm đã đóng, cộng lãi phát sinh sau khi trừ đi các khoản đã chi trả cho người được bảo hiểm, phí quản lý (nếu có) tại thời điểm trích lập dự phòng.
2.3. Dự phòng bồi thường:
a) Dự phòng bồi thường cho các yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết: được trích lập bằng tổng số tiền bồi thường đã thông báo nhưng đến cuối năm tài chính chưa được chi trả.
b) Dự phòng bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa thông báo hoặc chưa yêu cầu đòi bồi thường: được trích lập bằng 3% tổng phí bảo hiểm thu được trong năm.
2.4. Dự phòng bảo đảm cân đối: Mức trích lập là 1% lợi nhuận trước thuế, được trích lập hàng năm cho đến khi khoản dự phòng này bằng 5% phí bảo hiểm thu được trong năm tài chính của tổ chức bảo hiểm vi mô.
Điều 13. Đầu tư tài chính
Tổ chức bảo hiểm vi mô được phép đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm như sau:
1. Mua trái phiếu Chính phủ, tiền gửi ngân hàng không hạn chế;
2. Mua trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh thanh toán của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương không quá 25% nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ.
Nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm là tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm trừ các khoản tiền dùng để trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ. Khoản tiền dùng để trả tiền bảo hiểm thường xuyên trong kỳ không thấp hơn 5% tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và được gửi tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.
Mục 5. Các quy định khác
Điều 14. Theo dõi kế toán
Tổ chức bảo hiểm vi mô có trách nhiệm như sau:
1. Theo dõi riêng doanh thu, chi phí từ hoạt động bảo hiểm theo từng sản phẩm bảo hiểm vi mô.
2. Ghi nhận, theo dõi riêng doanh thu, chi phí hoạt động tài chính liên quan đến tài sản đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ với hoạt động đầu tư từ các nguồn vốn khác của tổ chức bảo hiểm vi mô.
Điều 15. Lập và gửi báo cáo
Tổ chức bảo hiểm vi mô có trách nhiệm lập và gửi các báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ theo hướng dẫn dưới đây:
1. Chậm nhất là chín mươi (90) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức bảo hiểm vi mô thực hiện quyết toán tài chính, lập và gửi cho Bộ Tài chính Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính có xác nhận tổ chức kiểm toán độc lập được hoạt động tại Việt Nam.
2. Chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày kết thúc quý và chậm nhất là chín mươi (90) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tổ chức bảo hiểm vi mô thực hiện lập và gửi cho Bộ Tài chính báo cáo nghiệp vụ theo quý, năm theo mẫu tại Phụ lục 2 đến Phụ lục 5 ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 16. Hoạt động bảo hiểm vi mô của các tổ chức khác
1. Các tổ chức được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai bảo hiểm vi mô đến hết năm 2016, nếu muốn tiếp tục triển khai bảo hiểm vi mô phải thực hiện đăng ký theo quy định tại
2. Các tổ chức khác đang triển khai bảo hiểm vi mô có thể thỏa thuận, chuyển giao việc triển khai bảo hiểm vi mô sang các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoặc tổ chức bảo hiểm vi mô được cấp phép trong vòng một (01) năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Chấp thuận triển khai bảo hiểm vi mô theo Nghị định này;
b) Quản lý, giám sát việc thực hiện bảo hiểm vi mô theo Nghị định này;
2. Tổ chức bảo hiểm vi mô thực hiện bảo hiểm vi mô có trách nhiệm triển khai bảo hiểm vi mô theo quy định tại Nghị định này.
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày… tháng … năm …
2. Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
- 1 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 2 Nghị định 116/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 3 Nghị định 101/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc
- 4 Quyết định 182/2004/QĐ-TTg về việc tính thời gian công tác để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 182/2004/QĐ-TTg về việc tính thời gian công tác để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ y tế xã, phường, thị trấn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 101/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc
- 3 Nghị định 116/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam