Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:        /2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày       tháng       năm 2024

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ LIÊN THÔNG GIỮA CÁC CẤP HỌC, TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14  tháng 6  năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân;

CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm mục đích và nguyên tắc liên thông, chương trình giáo dục liên thông, tổ chức tuyển sinh, giáo dục và đào tạo liên thông; quy định chi tiết về liên thông giữa trình độ trung cấp với cấp trung học phổ thông và giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học.

2. Liên thông giữa các cấp học phổ thông, liên thông giữa các trình độ của giáo dục đại học và liên thông giữa cấp trung học phổ thông với trình độ đại học được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.

3. Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục, người học, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan tới các cấp học, trình độ đào tạo thuộc phạm vi điều chỉnh được quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công nhận kết quả học tập là việc một cơ sở giáo dục xem xét và chấp nhận những kiến thức, kỹ năng và năng lực mà người học đã đạt được từ các khóa học hoặc chương trình giáo dục trước, và chuyển đổi những kết quả này sang các nội dung tương ứng trong chương trình giáo dục khác.

2. Học liên thông là việc người học theo học một chương trình giáo dục trên cơ sở sử dụng kết quả học tập được công nhận, qua đó có thể rút ngắn khối lượng và thời gian học tập cần thiết để hoàn thành chương trình.

3. Giáo dục liên thông là việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở một cấp học, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu học liên thông từ các cấp học, trình độ đào tạo khác. Đào tạo liên thông là giáo dục liên thông ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

4. Chương trình giáo dục liên thông là chương trình giáo dục được thiết kế để thực hiện giáo dục, đào tạo liên thông ở một cấp học, trình độ đào tạo. Chương trình đào tạo liên thông là chương trình giáo dục liên thông ở một trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

5. Tuyển sinh liên thông là việc tổ chức tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo liên thông.

Điều 3. Mục đích liên thông

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và nghề nghiệp.

2. Thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

3. Hình thành một hệ thống giáo dục thống nhất, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường kết nối và phối hợp giữa các cấp học giáo dục phổ thông, các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Điều 4. Nguyên tắc liên thông

Việc thiết kế chương trình, tổ chức tuyển sinh và giáo dục, đào tạo liên thông phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

1. Linh hoạt và hiệu quả: Người học được lựa chọn lộ trình, hình thức và thời gian học tập phù hợp nhất với trình độ, năng lực và điều kiện cá nhân; không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã có.

2. Công bằng và chất lượng: Tất cả người học được tạo cơ hội học tập và đánh giá kết quả học tập công bằng dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng chung của chương trình giáo dục.

3. Đáp ứng nhu cầu xã hội: Giáo dục và đào tạo liên thông để đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời phải căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế - xã hội, định hướng phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 5. Chương trình giáo dục liên thông

1. Chương trình giáo dục liên thông là chương trình giáo dục áp dụng chung cho tất cả người học đáp ứng điều kiện đầu vào, trong đó những người học liên thông được miễn trừ khối lượng học tập theo kết quả học tập được công nhận.

2. Các chương trình giáo dục liên thông ở các cấp học và trình độ đào tạo cần có sự liên kết chặt chẽ về nội dung, kế thừa và phát triển kiến thức, kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng cấp học, trình độ đào tạo.

3. Chương trình giáo dục liên thông ở một cấp học, trình độ đào tạo phải được thiết kế để có thể thực hiện theo các kế hoạch học tập khác nhau, phù hợp với từng người học liên thông hoặc từng nhóm người học liên thông.

Điều 6. Tuyển sinh liên thông

1. Tuyển sinh liên thông được thực hiện theo một trong hai hình thức:

a) Tuyển sinh chung, được áp dụng cho tất cả thí sinh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định đối với từng cấp học, trình độ và hình thức đào tạo;

b) Tuyển sinh riêng, được áp dụng cho những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học, trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục dự kiến tuyển sinh.

2. Cơ sở giáo dục tổ chức tuyển sinh riêng để thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo liên thông phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và yêu cầu sau:

a) Đối tượng tuyển sinh là những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học hoặc trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục.

b) Cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo (đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học) đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng còn hiệu lực.

c) Trong 3 năm gần nhất, số lượng tuyển mới vào chương trình giáo dục luôn đạt trên 50% chỉ tiêu đối với hình thức giáo dục, đào tạo dự kiến tuyển sinh riêng.

d) Phương thức tuyển sinh và các tiêu chí đánh giá kiến thức, năng lực phải phù hợp với đối tượng tuyển sinh và yêu cầu của chương trình giáo dục, đồng thời đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng tuyển sinh.

đ) Cơ sở giáo dục đã ban hành và công bố quy định chi tiết về công nhận kết quả học tập trong chương trình giáo dục, phù hợp với các quy định của Nghị định này và các quy định có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

3. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và các nội dung khác liên quan đến tuyển sinh được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đối với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Điều 7. Tổ chức giáo dục, đào tạo liên thông

1. Phương thức tổ chức giáo dục, đào tạo liên thông:

a) Giáo dục liên thông ở các cấp học giáo dục phổ thông được tổ chức thực hiện theo năm học.

b) Đào tạo liên thông ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp được tổ chức thực hiện theo phương thức tích lũy tín chỉ hoặc mô-đun.

c) Đào tạo liên thông ở các trình độ của giáo dục đại học được tổ chức thực hiện theo phương thức tích lũy tín chỉ.

2. Việc công nhận kết quả học tập trong các cấp học giáo dục phổ thông, các trình độ của giáo dục đại học và các trình độ của giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo các quy định liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

3. Các nội dung khác về tổ chức giáo dục, đào tạo được thực hiện theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho các cấp học, trình độ và hình thức giáo dục, đào tạo tương ứng.

CHƯƠNG II. LIÊN THÔNG GIỮA TRUNG CẤP VỚI CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VÀ GIỮA TRUNG CẤP, CAO ĐẲNG VỚI ĐẠI HỌC

Điều 8. Liên thông giữa trung cấp với cấp trung học phổ thông

1. Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp được học liên thông theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc công nhận kết quả học tập, miễn trừ khối lượng học tập và sắp xếp kế hoạch học tập cho đối tượng học liên thông này.

2. Học sinh đã hoàn thành chương trình cấp trung học phổ thông được học liên thông theo chương trình đào tạo trung cấp. Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội quy định quy định việc công nhận kết quả học tập, miễn trừ khối lượng học tập và sắp xếp kế hoạch học tập cho đối tượng học liên thông này.

Điều 9. Liên thông từ trung cấp lên đại học

1. Người tốt nghiệp trung cấp, nếu đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định, thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ đại học theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

2. Người tốt nghiệp trung cấp, nếu đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo ở trình độ đại học cùng hoặc khác nhóm ngành nghề theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông do cơ sở giáo dục đại học xác định, phù hợp với quy định tại Điều 6 Nghị định này.

3. Căn cứ quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học quy định chi tiết và thực hiện công nhận kết quả học tập cho người tốt nghiệp trung cấp cùng nhóm ngành nghề, trong đó:

- Tỉ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo đại học không vượt quá 20%;

- Không áp dụng miễn giảm khối lượng học tập đối các ngành nghề thuộc lĩnh vực Sức khỏe có yêu cầu giấy phép hành nghề.

Điều 10. Liên thông từ cao đẳng lên đại học

1. Người tốt nghiệp cao đẳng, nếu chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ đại học theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

2. Người tốt nghiệp cao đẳng, nếu đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo ở trình độ đại học cùng hoặc khác nhóm ngành nghề theo các phương thức tuyển sinh chung hoặc tuyển sinh riêng do cơ sở giáo dục đại học xác định.

3. Cơ sở giáo dục đại học tổ chức tuyển sinh riêng để đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 6 Nghị định này, quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các yêu cầu sau:

a) Bảo đảm cơ hội dự tuyển công bằng cho tất cả thí sinh đủ điều kiện, không phân biệt vùng, miền và cơ sở giáo dục nơi thí sinh tốt nghiệp cao đẳng.

b) Phương thức tuyển sinh phải đánh giá và phân loại được thí sinh về kiến thức và kỹ năng theo kết quả học tập ở trình độ cao đẳng sẽ được công nhận.

c) Đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe có yêu cầu giấy phép hành nghề: Chỉ tuyển sinh riêng để đào tạo theo hình thức chính quy, đồng thời thí sinh phải có giấy phép hành nghề trước khi đăng ký dự tuyển.

4. Căn cứ quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học xây dựng quy định chi tiết và thực hiện công nhận kết quả học tập cho người tốt nghiệp cao đẳng, trong đó tỉ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo đại học không vượt quá:

a) 50% đối với người tốt nghiệp cao đẳng cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp;

b) 25% đối với người tốt nghiệp cao đẳng cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp;

c) 25% đối với người tốt nghiệp cao đẳng khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp;

d) 10% đối với người tốt nghiệp cao đẳng khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp.

CHƯƠNG III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày........tháng ....... năm 2025.

2. Bãi bỏ Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học; riêng các khóa đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học đã hoàn thành công tác tuyển sinh trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi hoàn thành khóa học.

3. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thành
Long