CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày tháng năm 2018 |
DỰ THẢO |
|
Đề cương
NGHỊ ĐỊNH
VỀ PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ NGÀNH PHÂN PHỐI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Chương …
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều ... Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về phát triển và quản lý ngành phân phối, bao gồm:
1. Chợ (loại chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư):
a) Phát triển mạng lưới chợ;
b) Đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp chợ;
c) Hoạt động kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
2. Siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm.
3. Cửa hàng (cửa hàng bản lẻ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, cửa hàng bách hóa, cửa hiệu, tiệm tạp phẩm).
4. Trung tâm đấu giá hàng hóa.
5. Hàng hóa được mua bán qua chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa.
6. Các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan đến chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa.
Điều ... Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý và điều hành hoạt động về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa.
Điều ... Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng.
2. Trung tâm thương mại (hay trung tâm mua sắm) là loại hình tổ chức kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê... được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của thương nhân và thoả mãn nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ của khách hàng.
3. Phạm vi chợ là khu vực danh cho hoạt động chợ bao gồm diện tích để bố trí các điểm kinh doanh, khu vực dịch vụ (bãi để xe, kho hàng, ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác) và đường bao quanh chợ.
Chương …
QUY ĐỊNH VỀ CHỢ
Điều ... Phân loại chợ
1. Chợ gồm có các loại sau đây:
a) Chợ truyền thống có tính lịch sử và văn hóa.
b) Chợ vùng: là chợ có vai trò chủ yếu thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh, thành phố để tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác.
c) Chợ tỉnh: là chợ có vai trò chủ yếu thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh trong tỉnh/ thành phố để tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác.
d) Chợ huyện: là chợ đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của huyện (quận, thị xã, thành phố).
e) Chợ xã là chợ đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của xã (phường, thị trấn).
2. Chợ truyền thống có tính lịch sử và văn hóa và chợ vùng do Bộ Công Thương công nhận trong từng thời kỳ; chợ tỉnh, chợ huyện và chợ xã do Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận trong từng thời kỳ.
3. Chợ biên giới bao gồm chợ hoặc khu, điểm chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu nằm trên địa bàn xã, phường, thị trấn hoặc khu vực hành chính tương đương có một phần địa giới hành chính trùng với biên giới quốc gia trên đất liền, đồng thời có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân và cư dân biên giới.
Điều ... Phát triển mạng lưới chợ
1. Phát triển mạng lưới chợ phù hợp với dung lượng hàng hóa lưu thông trên từng địa bàn, góp phần phát triển sản xuất và đẩy mạnh giao lưu hàng hóa của từng xã, huyện, tỉnh, vùng và cả nước.
2. Chú trọng phát triển chợ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, gắn với yêu cầu giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc.
3. Phát triển các chợ theo ngành hàng, đặc biệt là các chợ nông sản, thực phẩm vùng để góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa ở những vùng sản xuất tập trung về nông, lâm thủy sản.
4. Phát triển mạng lưới chợ phải đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, gắn với các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước và các công trình công cộng khác, bảo đảm vệ sinh môi trường.
5. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn, nâng cấp chợ phải thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Điều ... Đầu tư xây dựng chợ
1. Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bao gồm:
a) Nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước bao gồm vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại.
b) Nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân.
2. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ tỉnh, các chợ xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
3. Nguồn vốn từ ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư một số chợ sau:
a) Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ vùng (mức hỗ trợ cụ thể theo quy mô của từng dự án).
b) Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp và cải tạo các chợ truyền thống có tính lịch sử và văn hóa.
c) Hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ biên giới và chợ xã thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
4. Chủ đầu tư xây dựng chợ được quyền:
a) Huy động vốn để xây dựng chợ trên cơ sở thỏa thuận với thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ và các nguồn vốn khác của nhân dân đóng góp theo quy định của pháp luật và hướng dẫn cụ thể của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân tỉnh).
b) Sử dụng quyền sử dụng đất và các công trình trong phạm vi chợ thuộc quyền sử dụng của mình để thế chấp vay vốn tín dụng ngân hàng theo quy định hiện hành để đầu tư sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp chợ.
Điều ... Quy định về Dự án đầu tư xây dựng chợ và bố trí các công trình trong phạm vi chợ
1. Chủ đầu tư xây dựng chợ mới hoặc sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp chợ phải lập dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; các quy định về tiêu chuẩn thiết kế các loại hình, cấp độ chợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.
2. Việc bố trí các công trình trong phạm vi chợ của Dự án đầu tư xây dựng chợ phải thực hiện đúng các quy trình quy phạm về xây dựng chợ, trong đó chú trọng các quy định sau:
a) Bố trí đầy đủ mặt bằng và các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.
b) Bố trí các công trình cấp thoát nước, khu vệ sinh công cộng, các thiết bị chiếu sáng, thông gió, bảo đảm vệ sinh môi trường trong phạm vi chợ theo các tiêu chuẩn quy định.
c) Bố trí khu để xe có diện tích phù hợp với dung lượng người vào chợ bảo đảm trật tự an toàn và thuận tiện cho khách.
d) Đối với các chợ vùng và chợ tỉnh phải bố trí khu kho bảo quản, cất giữ hàng hóa, phù hợp với các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy mô và tính chất của chợ.
Điều ... Quy định về kinh doanh khai thác và quản lý chợ
1. Chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo Nghị định này được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho các chủ thể tổ chức kinh doanh khai thác và quản lý các hoạt động tại chợ theo các quy định sau:
a) Đối với chợ xây dựng mới, giao hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc hộ gia đình kinh doanh, khai thác quản lý chợ.
b) Đối với chợ đang hoạt động do Ban quản lý chợ điều hành, từ nay đến năm 2020, giao hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc hộ gia đình kinh doanh, khai thác quản lý chợ.
c) Đối với các chợ ở địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, giao cho các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc hộ gia đình kinh doanh, khai thác quản lý chợ.
2. Đối với chợ do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng có vốn đóng góp của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân khác, thành lập công ty cổ phần theo quy định của pháp luật để kinh doanh, khai thác quản lý chợ.
3. Chợ do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp đó tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật và theo các quy định về kinh doanh khai thác và quản lý chợ tại Nghị định này.
Điều ... Chuyển đổi chợ
1. Chuyển đổi Ban quản lý chợ: Đến hết năm 2020, các Ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp có thu phải chuyển đổi thành công ty cổ phần.
2. Không được chuyển đổi chợ sang các mô hình thương mại khác như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm. Trừ trường hợp chợ không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả và được trên 50% số tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đồng ý bằng văn bản.
Điều ... Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ
Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định dưới đây:
1. Tổ chức kinh doanh các dịch vụ tại chợ.
2. Bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn thực phẩm trong phạm vi chợ.
3. Xây dựng Nội quy chợ theo quy định tại Nghị định này để trình Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ; tổ chức điều hành chợ hoạt động theo Nội quy chợ và xử lý các vi phạm về Nội quy chợ.
4. Bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh bảo đảm các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với yêu cầu của thương nhân kinh doanh tại chợ.
5. Ký hợp đồng với các thương nhân về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức thông tin kinh tế, phổ biến chính sách, quy định của pháp luật và nghĩa vụ đối với Nhà nước của thương nhân kinh doanh tại chợ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
7. Tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh của chợ và báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Điều ... Nội quy chợ
1. Tất cả các chợ đều phải có Nội quy chợ để áp dụng trong phạm vi chợ. Nội quy chợ được xây dựng trên cơ sở các quy định của Nghị định này và các quy định hiện hành của pháp luật, bao gồm những nội dung chính sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ.
b) Quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ.
c) Quy định về người đến giao dịch, mua bán tại chợ.
d) Quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
e) Quy định về bảo đảm an ninh, trật tự tại chợ.
f) Quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
g) Yêu cầu về xây dựng chợ văn minh thương mại.
h) Yêu cầu về tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại chợ.
i) Quy định về xử lý các vi phạm tại chợ.
2. Nội quy chợ phải được niêm yết công khai, rõ ràng trong phạm vi chợ và phải được phổ biến đến mọi thương nhân kinh doanh tại chợ.
3. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và các dịch vụ trong phạm vi chợ đều phải chấp hành Nội quy chợ.
4. Bộ Công Thương ban hành Nội quy mẫu để thống nhất việc xây dựng Nội quy chợ và áp dụng cho tất cả các chợ. Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm quy định cụ thể các điều khoản trong Nội quy mẫu để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Điều ... Quản lý điểm kinh doanh tại chợ
1. Điểm kinh doanh tại chợ bao gồm những loại sau:
a) Loại giao cho thương nhân sử dụng kinh doanh trong trường hợp có hợp đồng góp vốn ứng trước để đầu tư xây dựng chợ hoặc trả tiền sử dụng một lần trong một thời hạn nhất định sau khi chợ được xây dựng xong.
b) Loại cho thương nhân thuê để kinh doanh.
2. Đơn vị kinh doanh khai thác chợ phải:
a) Lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Thực hiện quy định về đấu thầu khi số lượng thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê vượt quá số lượng điểm kinh doanh có thể bố trí tại chợ theo phương án được duyệt.
c) Ký hợp đồng với thương nhân sử dụng hoặc thuê địa điểm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể việc sử dụng, thuê, thời hạn và các biện pháp quản lý địa điểm kinh doanh tại chợ phù hợp với tính chất từng hạng chợ và tình hình cụ thể của địa phương.
Điều ... Quy định về hoạt động kinh doanh tại chợ
1. Thương nhân có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với phạm vi ngành nghề của từng hạng chợ đều được quyền vào chợ kinh doanh sau khi có hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ với Đơn vị kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
2. Thương nhân kinh doanh tại chợ phải thực hiện theo phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh của chợ.
3. Thương nhân kinh doanh tại chợ ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật còn phải nghiêm chỉnh thực hiện Nội quy chợ và chịu sự quản lý của Đơn vị kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
4. Thương nhân được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh đang còn trong thời hạn hợp đồng.
5. Thương nhân có điểm kinh doanh tại chợ quy định tại Nghị định này được sử dụng điểm kinh doanh để thế chấp vay vốn kinh doanh tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
6. Những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công...) và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng dành cho người kinh doanh không thường xuyên tại chợ và phải chấp hành Nội quy chợ.
7. Về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ: Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ là hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục pháp luật cấm kinh doanh và không thuộc các loại sau đây:
a) Hàng hóa có chứa chất phóng xạ và thiết bị phát bức xạ i-on hóa.
b) Các loại vật liệu nổ, các loại chất lỏng dễ gây cháy nổ như xăng dầu (trừ dầu hỏa thắp sáng), khí đốt hóa lỏng (gas), các loại khí nén.
c) Các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục hạn chế kinh doanh.
d) Các loại hóa chất độc hại thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện.
8. Để bảo đảm trật tự và văn minh thương mại, hàng hóa kinh doanh tại chợ cần được sắp xếp theo ngành hàng, nhóm hàng và không bố trí gần nhau các loại hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến nhau.
9. Xử lý các vi phạm tại chợ:
a) Các vi phạm pháp luật tại chợ được xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
b) Các vi phạm nội quy chợ do Đơn vị kinh doanh khai thác chợ xử lý theo quy định về Nội quy chợ.
Điều ... Sử dụng đất xây dựng chợ
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất chợ.
2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm đất chợ.
3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm chợ.
4. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn để sử dụng vào các mục đích xây dựng chợ.
Chương …
QUY ĐỊNH VỀ SIÊU THỊ VÀ TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI
Điều .... Tiêu chuẩn siêu thị
1. Có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2.
2. Tiêu chuẩn về xây dựng (...).
3. Tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (...).
4. Tiêu chuẩn về an ninh, an toàn (...).
5. Tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường (...).
6. Tiêu chuẩn về nơi trông giữ xe (...).
7. Tiêu chuẩn về khu vệ sinh (...).
8. Tiêu chuẩn về kho, các thiết bị kỹ thuật bảo quản, sở chế, đóng gói (...).
9. Tiêu chuẩn về thiết bị bán hàng, thanh toán và quản lý (...).
10. Tiêu chuẩn về nơi bảo quản hành lý cá nhân (...).
11. Các dịch vụ phục vụ người khuyết tật, phục vụ trẻ em.
12. Các dịch vụ phục vụ ăn uống, giải trí (nếu có).
13. Các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại.
Điều ... Tiêu chuẩn trung tâm thương mại
1. Có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên.
2. Tiêu chuẩn về xây dựng (...).
3. Tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (...).
4. Tiêu chuẩn về an ninh, an toàn (...).
5. Tiêu chuẩn về nơi trông giữ xe (...).
6. Hoạt động đa chức năng cả về kinh doanh hàng hóa và kinh doanh các loại hình dịch vụ, bao gồm:
a) Khu vực để bố trí các cửa hàng bán buôn, bán lẻ hàng hóa;
b) Nhà hàng, khách sạn;
c) Khu vực để tổ chức hội chợ triển lãm trưng bày giới thiệu hàng hóa;
d) Khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí;
e) Khu vực cho thuê văn phòng làm việc, hội trường, phòng họp để tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao dịch và ký kết các hợp đồng thương mại trong, ngoài nước;
f) Khu vực dành cho các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, tin học, tư vấn, môi giới đầu tư, du lịch.
Điều ... Phân loại, tên gọi và biển hiệu
1. Căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này, thương nhân kinh doanh siêu thị hoặc trung tâm thương mại tự tiến hành phân loại siêu thị hoặc trung tâm thương mại của mình theo sự hướng dẫn và kiểm tra của Sở Công Thương.
2. Chỉ các cơ sở kinh doanh thương mại có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này mới được đặt tên là siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh thương mại không có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này tự đặt tên là siêu thị hoặc trung tâm thương mại, hoặc đặt tên, ghi biển hiệu bằng tiếng nước ngoài (như Supermarket, Hypermarket, Big Mart, Big Store, Shopping Center, Trade Center, Plaza và các tên nước ngoài khác).
3. Biển hiệu của siêu thị hoặc trung tâm thương mại được ghi theo quy định sau đây:
a) Phải ghi bằng tiếng Việt Nam là SIÊU THỊ hoặc TRUNG TÂM THUƠNG MẠI trước tên thương mại hoặc tên riêng do thương nhân tự đặt và trước các từ chỉ địa danh hay tính chất của siêu thị hoặc trung tâm thương mại (Ví dụ: Siêu thị A, Siêu thị sách B, Siêu thị máy tính C; Trung tâm thương mại D).
b) Nếu ghi thêm bằng tiếng nước ngoài, kích cỡ chữ phải nhỏ hơn kích cỡ tên tiếng Việt Nam và phải đặt dưới hoặc sau tên tiếng Việt Nam.
c) Phải ghi rõ tên thương nhân kinh doanh siêu thị hoặc trung tâm thương mại, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin khác.
Điều ... hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại
1. Hàng hóa và dịch vụ kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại phải được tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành, nhóm.
2. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật hiện hành và thực hiện những yêu cầu cụ thể sau đây:
a) Có tên thương mại riêng hoặc tên thương mại của siêu thị hoặc trung tâm thương mại (nếu hàng hóa, dịch vụ không có tên thương mại riêng phải có tên hàng hóa, dịch vụ) và phải ghi rõ xuất xứ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
b) Có mã số, mã vạch đối với những loại hàng hóa có thể đăng ký mã số, mã vạch.
c) Đối với hàng hóa là thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Nếu là nông sản, thực phẩm ở dạng tươi hoặc sơ chế không có bao bì đóng gói sẵn thì phải qua chọn lọc, phân loại, ghi rõ xuất xứ, chất lượng và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng.
d) Tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại phải có giá bán được thể hiện rõ ràng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh dịch vụ.
e) Hàng hóa có bảo hành phải ghi rõ thời hạn và địa điểm bảo hành.
f) Nguồn hàng được tổ chức cung ứng ổn định và thường xuyên thông qua đơn hàng hoặc hợp đồng với các nhà sản xuất kinh doanh.
3. Không được kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại các loại hàng hóa, dịch vụ sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...).
b) Hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoa tiêu thụ đặc biệt.
c) Hàng hóa có chứa chất phóng xạ hoặc thiết bị phát bức xạ i-on hóa quá mức độ cho phép theo quy định.
d) Các loại vật liệu nổ; các loại chất lỏng, chất khí dễ gây cháy nổ (như xăng dầu, gas, khí nén...).
e) Các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.
f) Hàng hóa có chứa hóa chất độc hại thuộc danh mục hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Điều ... quản lý và điều hành siêu thị, trung tâm thương mại
1. Phải có ít nhất 01 Giám đốc hoặc thành viên Hội đồng quản trị là người Việt.
2. Nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm cấp quản lý phải có thành phần là người Việt không dưới 50%.
3. Sử dụng các công ty địa phương tại Việt Nam đối với các dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác.
4. Phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
5. Thời gian mở cửa: siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối.
Điều ... quy định về khuyến mại và quảng bá
1. Mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền.
2. Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo.
3. Đợt bán hàng giảm giá sau phải cách đợt bán hàng giảm giá trước ít nhất 30 ngày.
4. Trong đợt giảm giá, phải có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại nằm trong chương trình giảm giá.
5. Các siêu thị, trung tâm thương mại được sử dụng một trong những thuật ngữ sau cho đợt giảm giá: “sale”, “discount”, “best price”, “best buy”, “special price”.
6. Chương trình giảm giá không áp dụng khi giảm giá sản phẩm trong các trường hợp: không chỉ ra được sự chênh lệch về giá của sản phẩm sau khi giảm so với trước; giảm giá nhưng đi kèm các điều kiện như mua 01 sản phẩm mới giảm giá sản phẩm tiếp theo; phải có coupons, vouchers giảm giá hoặc thẻ thành viên; thỏa thuận bằng lời nói ngay tại địa điểm mua bán; liên quan đến hàng hóa bị hư hỏng.
Chương …
QUY ĐỊNH VỀ CỬA HÀNG
Điều ... Phân loại cửa hàng
Điều ... Tiêu chí cửa hàng
Điều ... Hàng hóa kinh doanh, mua bán tại cửa hàng
Chương …
QUY ĐỊNH VỀ TRUNG TÂM ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA
Điều ... Hoạt động của trung tâm đấu giá hàng hóa
Điều ... Đấu giá hàng hóa tại chợ
1. Trung tâm tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất.
2. Việc đấu giá hàng hoá được thực hiện theo một trong hai phương thức sau đây:
a) Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.
b) Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.
Chương …
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều ... Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
a) Ban hành Nội quy chợ mẫu và các văn bản hướng dẫn về quản lý hoạt động kinh doanh chợ.
b) Quy định cụ thể và hướng dẫn chế độ báo cáo hoạt động chợ.
c) Chỉ đạo việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý chợ.
d) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển chợ trong từng thời kỳ và hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
a) Xem xét, tổng hợp kế hoạch đầu tư xây dựng chợ hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bố trí vốn hỗ trợ đầu tư chợ từ ngân sách trung ương theo quy định của Nghị định này; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định hiện hành;
b) Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ từ ngân sách nhà nước và chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng chợ theo quy định của Nghị định này.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Đơn vị kinh doanh quản lý chợ;
b) Hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các ban quản lý chợ (đối với các hạng chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư) sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ.
4. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn chế độ đối với cán bộ, nhân viên thuộc ban quản lý chợ trong biên chế nhà nước khi chuyển sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh quản lý chợ.
5. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn – thiết kế các loại hình và cấp độ chợ.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập quy hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất và sử dụng đất để đầu tư xây dựng chợ;
b) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại chợ.
7. Bộ Y tế có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ.
8. Bộ Công an có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ.
9. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến trong khu vực kinh tế tập thể về pháp luật, chính sách phát triển, quản lý chợ và mô hình hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ hoạt động có hiệu quả.
Điều ... Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp
Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc lập Quy hoạch phát triển chợ, quản lý đầu tư xây dựng chợ theo phân cấp về đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chợ và các quy định sau:
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh:
a) Quyết định giao hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ.
b) Quy định cụ thể việc sử dụng, thuê điểm kinh doanh tại chợ theo quy định tại Nghị định này.
c) Quy định cụ thể Nội quy chợ trên cơ sở Nội quy mẫu do Bộ Công Thương ban hành và phê duyệt nội quy của các chợ hạng.
d) Quy định cụ thể việc xử lý vi phạm Nội quy chợ.
e) Ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của các chủ thể sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn để phát triển mạng lưới chợ.
f) Chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng chợ hàng năm phù hợp với quy hoạch phát triển chợ cả nước và của từng địa phương; chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ theo quy định của Nghị định này, đồng thời sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư chợ từ ngân sách trung ương.
g) Chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch chuyển đổi các ban quản lý chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ.
h) Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ; chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh.
2. Uỷ ban nhân dân quận, huyện:
a) Phê duyệt Nội quy chợ của các chợ thuộc phạm vi quản lý.
b) Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch chuyển đổi các ban quản lý chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ.
c) Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ; đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn huyện.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã: có trách nhiệm quản lý và thực hiện các phương án chuyển đổi ban quản lý hoặc tổ quản lý các chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện quản lý các chợ trên địa bàn.
Điều ... Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm
2. Nghị định này bãi bỏ: Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
- 1 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
- 2 Thông tư 339/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Thông tư 218/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1 Thông tư 218/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
- 3 Thông tư 339/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành