CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Số: … /2023/NQ-HĐTP | Hà Nội, ngày … tháng … năm 2023 |
DỰ THẢO 02 |
|
NGHỊ QUYẾT
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại các điều 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 257, 258 và 259 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 257, 258 và 259 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự) về các tội phạm về ma túy.
Điều 2. Về một số từ ngữ
1. “Chất ma túy” là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Trong đó, cần phân biệt các trường hợp sau:
a) Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng thì không coi toàn bộ dung dịch hoặc dung dịch pha loãng này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng chất ma túy trong dung dịch để tính khối lượng chất ma túy đó.
Ví dụ: Thuốc phiện, heroine được hòa thành dung dịch thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của thuốc phiện trong dung dịch để tính khối lượng của thuốc phiện hoặc xác định hàm lượng moócphin cùng với các thành phần khác của heroine để tính khối lượng heroine.
b) Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà phải xác định hàm lượng moócphin trong xái thuốc phiện để tính khối lượng của thuốc phiện.
2. Chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy; còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là thuốc để chữa bệnh.
Người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần được quản lý theo quy chế quản lý dược phẩm của Bộ Y tế nhằm mục đích kinh doanh thuốc chữa bệnh hoặc để chữa bệnh thì không thuộc đối tượng quy định tại Điều 259 của Bộ luật Hình sự mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác không phải là tội phạm về ma túy (ví dụ: tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội buôn lậu; tội trốn thuế…).
Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái phép nhằm thỏa mãn nhu cầu về sử dụng trái phép chất ma túy cho mình hoặc cho người khác thì bị xử lý về tội phạm ma túy tương ứng (nếu thỏa mãn điều kiện về trọng lượng chất ma túy theo quy định của pháp luật).
3. “Tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 253 của Bộ luật Hình sự là các hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong các danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành.
4. “Cây khác có chứa chất ma túy” quy định tại các điều 247, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự là cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần do Chính phủ quy định, trừ cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa.
5. “Quả thuốc phiện khô”, “quả thuốc phiện tươi” quy định tại các điều 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự là quả thuốc phiện có tỷ lệ hàm lượng nước dưới 10%. Quả thuốc phiện tươi không phải là quả thuốc phiện khô.
Điều 3. Về một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt
1. Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 2 các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254 và 256 của Bộ luật Hình sự được hiểu là người phạm tội đã dựa vào chức vụ, quyền hạn mà mình được đảm nhiệm để thực hiện hành vi phạm tội.
2. Tình tiết “lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 2 các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253 và 254 của Bộ luật Hình sự là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ đang làm việc, công tác để thực hiện hành vi phạm tội.
3. Tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 257, 258 và 259 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã có từ 02 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng khối lượng, thể tích chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về khối lượng, thể tích chất ma túy để định khung hình phạt.
Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ 02 lần trở lên cũng bị coi là phạm tội 02 lần trở lên.
4. Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 251, 255, 256, 257 và 258 của Bộ luật Hình sự được hiểu là trong 01 lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ 02 người trở lên, không bao gồm bản thân người phạm tội (ví dụ: trong 01 lần phạm tội tổ chức cho từ 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong 01 lần phạm tội chứa chấp từ 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong 01 lần phạm tội cưỡng bức, lôi kéo từ 02 người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy).
5. Tình tiết “qua biên giới” quy định tại khoản 2 Điều 250, điểm g khoản 2 Điều 251, điểm h khoản 2 Điều 253 và điểm e khoản 2 Điều 254 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang thực hiện hành vi vận chuyển, mua bán chất ma túy, tiền chất, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng được coi là hành vi vận chuyển, mua bán chất ma túy, tiền chất, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu người phạm tội đã thực hiện thủ tục xuất cảnh.
Điều 4. Giám định chất ma túy
1. Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và khối lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định khối lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:
a) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;
b) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;
c) Xái thuốc phiện;
d) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật.
2. Trường hợp có căn cứ xác định đối tượng đã trộn ma túy với chất rắn khác và qua giám định xác định chất thu giữ là chất ma túy nhưng hàm lượng ma túy thấp thì cần căn cứ vào kết luận giám định về hàm lượng để xác định khối lượng chất ma túy làm cơ sở để xử lý hình sự.
3. Trường hợp chất ma túy gửi giám định có chứa thành phần của nhiều chất ma túy khác nhau mà không thể tách riêng từng chất được thì tổng khối lượng, thể tích chất ma túy được xác định bằng tổng khối, thể tích của hợp chất trừ đi khối lượng, thể tích của chất trộn.
Ví dụ: …
4. Trường hợp thu giữ được chất ma túy tổng hợp (dạng viên nén) bên trong có chứa nhiều loại chất ma túy khác nhau và đã được xác định là ma túy dạng MDMA, Methamphetamine và Methylphenidate thì không thuộc trường hợp phải giám định hàm lượng để phân tách khối lượng từng chất ma túy. Khi lượng hình căn cứ vào khối lượng ma túy thu giữ
Ví dụ: Chất thu giữ được là ma túy tổng hợp có chứa MDMA, Methamphetamine và Methylphenidate, trong đó MDMA, Methamphetamine được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự, Methylphenidate là ma túy thể rắn được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự thì không phải giám định hàm lượng để phân tách khối lượng từng loại chất ma túy.
5. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.
6. Trường hợp không thu giữ được vật chứng là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy nhưng có căn cứ xác định được khối lượng, thể tích chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy mà người phạm tội đã mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh và điều khoản tương ứng.
Điều 5. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247)
1. “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” quy định tại Điều 247 của Bộ luật Hình sự là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).
2. “Đã được giáo dục 02 lần” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Hình sự là đã được cơ quan nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ 02 lần vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng cây có chứa chất ma túy hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy.
3. “Đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Hình sự là đã được hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực hoặc bố trí việc làm …
4. “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Hình sự được hiểu là trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi quy định tại Điều 247 của Bộ luật Hình sự.
5. Người nào biết người khác gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma túy, đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm về tội này.
6. Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy, đã được giáo dục 02 lần và tạo điều kiện ổn định cuộc sống hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo quy định tại Điều 247 của Bộ luật Hình sự. Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm.
7. Người nào mua bán trái phép cây hoặc bộ phận của cây có chứa chất ma túy là đối tượng quy định tại Điều 251 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 251 của Bộ luật Hình sự.
Điều 6. Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248)
1. “Sản xuất trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 248 của Bộ luật Hình sự là làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy hoặc từ các tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc từ chất ma túy này sang chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đối với các hành vi pha chế thuốc phiện thành dung dịch để tiêm chích, nghiền heroine từ bánh thành bột để hít… thì không coi là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.
2. “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 248 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản thu lợi bất chính thu được từ việc sản xuất trái phép chất ma túy làm nguồn sống chính.
Điều 7. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249)
1. “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, thùng xăng xe, trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy. Thời gian tàng trữ dài hay ngắn không ảnh hưởng đến việc xác định tội này.
2. Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục tàng trữ một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp chất ma túy có khối lượng, thể tích đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 249 của Bộ luật Hình sự.
3. Người có hành vi mua heroine mang về nhà để sử dụng một phần và cất giữ một phần (1,3 gam) sau đó lại có hành vi mua heroine mang về nhà để sử dụng (04 gam) dần thì bị bắt giữ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy với tình tiết định khung quy định tại điểm g khoản 2 Điều 249 của Bộ luật Hình sự, với tổng khối lượng là 5,3 gam heroine
4. Trường hợp một người chuẩn bị địa điểm, một người mua chất ma túy để cùng nhau sử dụng. Sau khi sử dụng mà vẫn còn khối lượng ma túy đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì ai phạm tội tàng trữ hay cả hai hay một người.
Điều 8. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)
1. “Vận chuyển trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 250 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy khác.
Cũng được coi là vận chuyển trái phép chất ma túy đối với người thực hiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển nhưng vi phạm quy định về điều cấm trong hoạt động vận chuyển dẫn đến người phạm tội vận chuyển được chất ma túy.
Trường hợp cá nhân được giao nhiệm vụ vận chuyển hoặc công việc khác liên quan đến dịch vụ vận chuyển mà thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện để cho việc vận chuyển trái phép chất ma túy được thực hiện thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 250 của Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm (ví dụ: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 của Bộ luật Hình sự, …).
2. Người nào đã bị kết án về tội tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hoặc tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục vận chuyển một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp chất ma túy có khối lượng, thể tích đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 250 của Bộ luật Hình sự.
Điều 9. Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251)
1. “Mua bán trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 251 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy để hưởng lợi ích hoặc không hưởng lợi ích vật chất, phi vật chất;
b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);
đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;
e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.
Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g khoản này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.
2. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy cần phân biệt:
a) Người nào bán trái phép chất ma túy cho người khác và còn cho họ sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình để sử dụng trái phép chất ma túy thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 251 của Bộ luật Hình sự, người đó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 256 của Bộ luật Hình sự nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự;
b) Người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm;
c) Người nào biết người khác đi mua chất ma túy để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma túy để sử dụng thì người nhờ mua hộ phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng chất ma túy đã nhờ mua hộ. Người đi mua phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng khối lượng chất ma túy đã mua cho bản thân và mua hộ.
d) Nếu theo kết luận giám định chất thu giữ không phải là ma túy, nhưng người thực hiện hành vi mua bán, trao đổi ý thức rằng đó là chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 251 của Bộ luật Hình sự, nếu không có các tình tiết định khung tăng nặng khác.
Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp này, người mua ma túy giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy quy định tại Điều 251 của Bộ luật Hình sự.
đ) Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội mua bán trái phép ma túy, sau đó khai còn tàng trữ trái phép chất ma túy để mua bán thì cộng tổng khối lượng, thể tích ma túy để xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự;
e) Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, sau đó khai còn tàng trữ trái phép chất ma túy để sử dụng thì xem xét xử lý đối tượng này về tội mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy;
Điều 10. Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252)
1. “Chiếm đoạt chất ma túy” quy định tại Điều 252 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma túy của người khác.
2. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt chất ma túy cần phân biệt:
a) Trường hợp người có hành vi chiếm đoạt chất ma túy nhằm mục đích bán lại chất ma túy đó cho người khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy.
b) Người nào đã bị kết án về tội chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục chiếm đoạt một trong các chất ma túy có khối lượng, thể tích dưới mức quy định từ điểm b đến điểm h khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự, nếu không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 252 của Bộ luật Hình sự. Nếu là tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 252 của Bộ luật Hình sự.
Điều 11. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253)
1. “Tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 253 của Bộ luật Hình sự là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp tiền chất ở bất cứ nơi nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong hành lý như vali, túi xách hoặc cho vào thùng xăng xe…) để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
2. “Vận chuyển tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 253 của Bộ luật Hình sự là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tiền chất từ nơi này đến nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách,…) để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
3. “Mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 253 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán tiền chất cho người khác bao gồm việc bán hộ tiền chất ma túy để hưởng lợi hoặc không hưởng lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
b) Mua tiền chất nhằm bán cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
c) Xin tiền chất nhằm bán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
d) Dùng tiền chất để trao đổi, thanh toán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
đ) Dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy tiền chất nhằm bán lại cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
e) Tàng trữ tiền chất nhằm bán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy;
g) Vận chuyển tiền chất nhằm bán trái phép cho người khác để người đó sản xuất trái phép chất ma túy.
4. “Chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 253 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo tham ô lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt… tiền chất của người khác để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy.
5. Người tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 253 của Bộ luật Hình sự khi các hành vi đó được thực hiện nhằm mục đích để sản xuất trái phép chất ma túy hoặc nhằm bán lại cho người khác để họ sản xuất trái phép chất ma túy. Trường hợp không chứng minh được mục đích nhằm sản xuất trái phép chất ma túy hoặc mục đích nhằm bán lại cho người khác để họ sản xuất trái phép chất ma túy thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 253 của Bộ luật Hình sự mà tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Điều 12. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254)
1. “Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 254 của Bộ luật Hình sự là những vật được sản xuất ra với chức năng chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy hay tuy được sản xuất ra với mục đích khác, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
2. “Đơn vị dụng cụ, phương tiện” quy định tại Điều 254 của Bộ luật Hình sự là bộ dụng cụ, phương tiện không thể tách rời dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
3. “Sản xuất các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 254 của Bộ luật Hình sự là làm ra các phương tiện, dụng cụ (có thể bằng phương pháp thủ công hoặc áp dụng khoa học kỹ thuật) để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
4. “Tàng trữ các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 254 của Bộ luật Hình sự là hành vi cất giữ các phương tiện, dụng cụ ở bất kỳ địa điểm nào (như trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali hoặc cho vào thùng xăng xe…) để dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
5. “Vận chuyển các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 254 của Bộ luật Hình sự là hành vi dịch chuyển các phương tiện, dụng cụ từ nơi này đến nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; trong người như cho vào túi áo, túi quần, để trong hành lý như vali, túi xách,…) để dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
6. “Mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 254 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán phương tiện, dụng cụ cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
b) Mua phương tiện, dụng cụ nhằm bán cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
c) Xin phương tiện, dụng cụ nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
d) Dùng phương tiện, dụng cụ để trao đổi, thanh toán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
đ) Dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy các phương tiện, dụng cụ nhằm bán lại trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
e) Tàng trữ các phương tiện, dụng cụ nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
g) Vận chuyển các phương tiện, dụng cụ nhằm bán trái phép cho người khác để người đó dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 13. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255)
1. “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây:
a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng trái phép chất ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.
2. Về một số tình tiết là yếu tố định khung quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự
a) “Đối với người đang cai nghiện” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 255 của Bộ luật Hình sự là trường hợp phạm tội đối với người mà người đó đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận họ nghiện ma túy và đang được cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, tại gia đình hoặc tại cộng đồng dân cư.
b) “Gây bệnh nguy hiểm cho người khác” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 255 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (có thể biết hoặc không biết) đã gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người sử dụng chất ma túy như HIV/AIDS, viêm gan B, lao…
c) Trường hợp người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 255 của Bộ luật Hình sự, người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật Hình sự hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật Hình sự.
3. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt.
a) Người nào (không phân biệt người nghiện ma túy hay không nghiện ma túy) cung cấp ma túy cho người khác sử dụng (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
b)
Phương án 1.
Người có hành vi vừa cung cấp ma túy cho người khác, vừa tham gia sử dụng ma túy với những người khác (lượng ma túy đảm bảo đủ yếu tố cấu thành của các tội) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Phương án 2.
Người có hành vi vừa cung cấp ma túy cho người khác, vừa tham gia sử dụng ma túy với những người khác (lượng ma túy đảm bảo đủ yếu tố cấu thành của các tội) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
c)
Phương án 1.
Trường hợp nhiều người cùng góp tiền, phân công nhau đi mua ma túy, chuẩn bị địa điểm, dụng cụ để sử dụng ma túy và khi đang sử dụng ma túy thì bị bắt quả tang nhưng không thu được ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Phương án 2.
Trường hợp nhiều người cùng góp tiền, phân công nhau đi mua ma túy, chuẩn bị địa điểm, dụng cụ để sử dụng ma túy và khi đang sử dụng ma túy thì bị bắt quả tang nhưng không thu được ma túy thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
d) Người nào thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà còn thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội khác về ma túy quy định tại các điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 255 của Bộ luật Hình sự, tùy từng trường hợp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác đã thực hiện quy định tại điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự;
Điều 14. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256)
1. “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.
2. “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ 02 lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:
a) Người có địa điểm cho người khác mượn hoặc thuê địa điểm mà biết là họ dùng địa điểm đó không phải để họ sử dụng chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy, mà dùng địa điểm đó để đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.
b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy mà có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại Điều 249 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Điều 15. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257)
1. “Dùng thủ đoạn khác” quy định tại Điều 257 của Bộ luật Hình sự là bắt cóc, uống rượu, bia hoặc chất kích thích khác, lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng tình thế bị lệ thuộc; lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân...
2. Về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại Điều 257 của Bộ luật Hình sự:
a) “Vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 257 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội để trả thù; phạm tội để trốn tránh trách nhiệm của bản thân; phạm tội đối với người mà mình mang ơn hoặc những hành vi phạm tội khác thể hiện sự bội bạc, phản trắc.
b) “Vì tư lợi” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 257 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
c) “Gây bệnh nguy hiểm cho người khác” quy định tại điểm i khoản 2 Điều 257 của Bộ luật Hình sự là thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 13 của Nghị quyết này.
Trường hợp người cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 257 của Bộ luật Hình sự, người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật Hình sự hoặc tội cố ý truyền HIV cho người khác theo quy định tại Điều 149 của Bộ luật Hình sự.
Điều 16. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258)
1. “Dùng thủ đoạn khác” quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự là tâng bốc, kích động, sỉ nhục người khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Về một số tình tiết định khung hình phạt quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự:
a) “Vì động cơ đê hèn” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 258 của Bộ luật Hình sự là thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 15 của Nghị quyết này.
b) “Vì tư lợi” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 258 của Bộ luật Hình sự theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Nghị quyết này.
c) “Gây bệnh nguy hiểm cho người khác” quy định tại điểm i khoản 2 Điều 258 của Bộ luật Hình sự là thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 13 của Nghị quyết này.
Điều 17. Truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội
1. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 247 đến Điều 252 của Bộ luật Hình sự mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) nếu các tội phạm đó không bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội theo điều luật có quy định tội nặng hơn.
Ví dụ: một người trồng cây thuốc phiện (đã được giáo dục 02 lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống), sau đó lại tiến hành sản xuất trái phép chất ma túy. Trong trường hợp này người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 248 của Bộ luật Hình sự (tội sản xuất trái phép chất ma túy nặng hơn tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy).
2. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều luật khác nhau, từ Điều 247 đến Điều 252 của Bộ luật Hình sự mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) nếu các tội phạm đó bằng nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội được thực hiện đầu tiên theo tội danh tương ứng.
Đối với người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy để sản xuất trái phép chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 248 của Bộ luật Hình sự.
3. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại các điều từ Điều 247 đến Điều 252 của Bộ luật Hình sự mà các hành vi đó độc lập với nhau, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội độc lập theo điều luật tương ứng.
Ví dụ: một người mua bán trái phép heroine bị bắt, khi khám nhà phát hiện người đó còn có hành vi sản xuất thuốc phiện. Trong trường hợp này người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 251 của Bộ luật Hình sự và tội sản xuất trái phép chất ma túy theo Điều 248 của Bộ luật Hình sự.
4. Việc xác định các tội bằng nhau, nặng hơn hoặc nhẹ hơn căn cứ vào khung hình phạt bị khởi tố, truy tố, xét xử để xác định theo theo quy định tại Điều 9 của Bộ luật Hình sự.
Điều 18. Về áp dụng hình phạt trong một số trường hợp cụ thể theo khoản 4 các điều 248, 250 và 251 của Bộ luật Hình sự
Khi áp dụng khoản 4 Điều 248 của Bộ luật Hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma tuý; khoản 4 Điều 250 của Bộ luật Hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma tuý; khoản 4 Điều 251 của Bộ luật Hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý cần chú ý trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với trọng lượng chất ma tuý như sau:
Phương án 1:
1. Xử phạt 20 năm tù nếu:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 15 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 100 gam đến dưới 500 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 75 kilôgam đến dưới 300 kilôgam (đối với Điều 250 và Điều 251 Bộ luật Hình sự);
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 600 kilôgam đến dưới 2000 kilôgam (đối với Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật Hình sự);
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 150 kilôgam đến dưới 600 kilôgam (đối với Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật Hình sự);
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam đến dưới 1200 gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 2500 mililít;
h) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích của một trong các chất ma tuý thuộc khoản này theo quy định của Chính phủ.
2. Xử phạt tù chung thân nếu:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 15 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 500 gam đến dưới 900 gam;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây coca có khối lượng từ 300 kilôgam đến dưới 900 kilôgam (đối với Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật Hình sự);
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 2000 kilôgam đến dưới 6000 kilôgam (đối với Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật Hình sự);
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 600 kilôgam đến dưới 1500 kilôgam (đối với Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật Hình sự);
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 1200 gam đến dưới 3000 gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 2500 mililít đến dưới 7000 mililít;
h) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích của một trong các chất ma tuý thuộc khoản này theo quy định của Chính phủ.
3. Xử phạt tử hình nếu:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ 25 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 900 gam trở lên;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ 900 kilôgam trở lên (đối với Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật Hình sự);
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 6000 kilôgam trở lên (đối với Điều 250 và Điều 251của Bộ luật Hình sự);
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 1500 kilôgam trở lên (đối với Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật Hình sự);
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 3000 gam trở lên;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 7000 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích của một trong các chất ma tuý thuộc khoản này theo quy định của Chính phủ.
Phương án 2:
Giữ nguyên khối lượng như hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2001/HĐTP
Điều 19. Về áp dụng hình phạt trong một số trường hợp cụ thể theo khoản 4 các điều 249, 252 của Bộ luật Hình sự
Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với trọng lượng chất ma tuý như sau:
Phương án 1
1. Xử phạt 15 năm tù nếu:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 15 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 100 gam đến dưới 500 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 75 kilôgam đến dưới 300 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 600 kilôgam đến dưới 2000 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 150 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 300 gam đến dưới 1200 gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 2500 mililít;
h) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích của một trong các chất ma tuý thuộc khoản này theo quy định của Chính phủ.
2. Xử phạt 20 năm tù nếu:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 15 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 500 gam đến dưới 900 gam;
c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 300 kilôgam đến dưới 900 kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 2000 kilôgam đến dưới 6000 kilôgam:
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 600 kilôgam đến dưới 1500 kilôgam;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 1200 gam đến dưới 3000 gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 2500 mililít đến dưới 7000 mililít;
h) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích của một trong các chất ma tuý thuộc khoản này theo quy định của Chính phủ.
3. Xử phạt tù chung thân nếu:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ 25 kilôgam trở lên;
b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 900 gam trở lên;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ 900 kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 6000 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 1500 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 3000 gam trở lên;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 7000 mililít trở lên;
h) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích của một trong các chất ma tuý thuộc khoản này theo quy định của Chính phủ.
Phương án 2:
Giữ nguyên khối lượng như hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2001/HĐTP
Điều 20. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày … tháng… năm … và có hiệu lực thi hành kể từ ngày… tháng… năm …
2. Nghị quyết này thay thế các nội dung hướng dẫn Điều 193 và Điều 194 của Bộ luật Hình sự tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
3. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Nơi nhận: | TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN |
- 1 Công văn 48/TANDTC-PC năm 2021 về tổng kết thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về ma túy do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 2 Quyết định 677/QĐ-UBDT năm 2021 phê duyệt Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 3 Thông báo 375/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết, đánh giá các chuyên án điển hình về ma túy và động viên, khen thưởng Công an các đơn vị, địa phương đã có thành tích xuất sắc trong công tác tấn công, trấn áp tội phạm ma túy do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1 Công văn 48/TANDTC-PC năm 2021 về tổng kết thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về ma túy do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 2 Quyết định 677/QĐ-UBDT năm 2021 phê duyệt Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 3 Thông báo 375/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị sơ kết, đánh giá các chuyên án điển hình về ma túy và động viên, khen thưởng Công an các đơn vị, địa phương đã có thành tích xuất sắc trong công tác tấn công, trấn áp tội phạm ma túy do Văn phòng Chính phủ ban hành