THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2017/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày tháng năm 2017 |
DỰ THẢO |
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐIỀU CHUYỂN TÀI SẢN LÀ HỆ THỐNG ĐIỆN ĐƯỢC ĐẦU TƯ BẰNG VỐN NHÀ NƯỚC SANG TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM QUẢN LÝ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 106/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị vũ trang nhân dân;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản là hệ thống điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quyết định này quy định trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản là hệ thống điện được đầu tư bằng vốn nhà nước do cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị) quản lý sang các Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam quản lý.
Trường hợp hệ thống điện được đầu tư bằng nguồn vốn vay mà cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản chưa hoàn thành việc trả nợ vốn vay, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục quản lý hệ thống điện và có trách nhiệm hoàn thành việc trả nợ; sau khi hoàn thành việc trả nợ vốn vay, cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chuyển tài sản sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý theo quy định tại Quyết định này. Riêng hệ thống điện được đầu tư bằng nguồn vốn chính quyền địa phương vay lại của Chính phủ mà chưa hoàn thành việc trả nợ vốn vay, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo cụ thể việc sử dụng và hoàn trả vốn vay để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.
2. Việc bàn giao tài sản là các công trình điện lực hoặc hạng mục công trình điện lực đã hoàn thành thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 được thực hiện theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Bên giao bao gồm:
a) Cơ quan nhà nước;
b) Đơn vị vũ trang nhân dân;
c) Đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
đ) Ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước.
2. Bên nhận là các Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam.
3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hệ thống điện bao gồm: đường dây và trạm biến áp 110kV, đường điện trung, hạ thế và trạm biến áp được đầu tư bằng vốn nhà nước do cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý, sử dụng.
2. Vốn nhà nước bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản là hệ thống điện
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản là hệ thống điện được đầu tư bằng vốn nhà nước lập hồ sơ đề nghị điều chuyển, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để báo cáo Bộ, cơ quan trung ương (đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý).
Hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản bao gồm:
a) Công văn đề nghị điều chuyển tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản: 01 bản chính;
b) Công văn đề nghị điều chuyển tài sản của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;
c) Danh mục tài sản đề nghị điều chuyển theo Mẫu số 01-DMTS ban hành kèm theo Quyết định này: 01 bản chính;
d) Các tài liệu có liên quan đến tài sản (nếu có): 01 bản sao.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm tổng hợp, gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin ý kiến về việc tiếp nhận tài sản.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ý kiến về việc tiếp nhận tài sản gửi Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tài sản đề nghị điều chuyển (02 bản chính).
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý tiếp nhận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chuyển tài sản.
Hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản bao gồm:
a) Công văn đề nghị điều chuyển tài sản của Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: 01 bản chính;
b) Danh mục tài sản đề nghị điều chuyển theo Mẫu số 02-DMTS ban hành kèm theo Quyết định này: 01 bản chính;
c) Công văn đề nghị tiếp nhận tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 01 bản chính;
d) Các hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này: 01 bản sao.
Các bản sao quy định tại điểm d khoản này phải có đóng dấu xác nhận của Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chuyển tài sản theo thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ.
Nội dung Quyết định điều chuyển tài sản là hệ thống điện được thực hiện theo Mẫu số 03/QĐĐCTS ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 5. Trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận tài sản
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có Quyết định điều chuyển của Thủ tướng Chính phủ, Bên giao phối hợp với Bên nhận thực hiện:
a) Kiểm kê tài sản theo mẫu số 02-KKTS ban hành kèm theo Quyết định này;
b) Xác định giá trị tài sản điều chuyển theo quy định tại
c) Tổ chức bàn giao, tiếp nhận tài sản kèm theo hồ sơ theo quy định tại
2. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải được lập thành biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản gồm: bên giao; bên nhận; danh mục tài sản giao nhận; giá trị tài sản giao nhận; nguồn vốn hình thành tài sản; tình hình hoàn trả vốn vay (nếu có) theo Mẫu số 03-BBBG ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 4. Hồ sơ bàn giao, tiếp nhận tài sản
Hồ sơ bàn giao, tiếp nhận tài sản là hệ thống điện gồm có hồ sơ gốc và hồ sơ được lập tại thời điểm bàn giao, tiếp nhận.
1. Hồ sơ gốc bao gồm:
a) Quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt, biên bản nghiệm thu công trình: 01 bản chính;
b) Các chứng từ, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản lưới điện, cơ cấu nguồn vốn đầu tư: 01 bản sao;
c) Báo cáo quyết toán được duyệt của cấp có thẩm quyền (nếu đã có quyết toán được phê duyệt): 01 bản sao;
d) Hồ sơ hoàn công, mặt bằng tuyến (đối với đường dây): 01 bản sao;
đ) Hồ sơ liên quan đến các khoản vay, hoàn trả vốn vay trong trường hợp tài sản hình thành từ nguồn vốn vay (nếu có): 01 bản sao.
2. Hồ sơ được lập tại thời điểm giao, nhận bao gồm:
a) Sơ đồ mặt bằng thực trạng hệ thống điện do Bên giao phối hợp với Bên nhận lập tại thời điểm giao nhận để làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành, quản lý sau này (bản chính);
b) Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản.
3. Trường hợp các hồ sơ quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này không có hoặc bị mất, Thủ trưởng bên giao có văn bản gửi bên nhận xác nhận và chịu trách nhiệm về việc xác nhận của mình về việc mất hồ sơ hoặc không có hồ sơ gốc.
Điều 5. Trách nhiệm của Bên giao và Bên nhận
1. Bên giao có trách nhiệm:
a) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ quy định tại
b) Thực hiện bàn giao tài sản và các hồ sơ có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, quản lý, vận hành của Bên nhận;
c) Thực hiện hạch toán giảm tài sản, giá trị tài sản bàn giao.
2. Bên nhận có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bên giao kiểm kê, xác định giá trị tài sản bàn giao; nguồn vốn hình thành tài sản;
b) Thực hiện tiếp nhận tài sản và các hồ sơ có liên quan;
c) Thực hiện hạch toán tăng tài sản và tăng vốn thuộc nguồn vốn nhà nước hoặc hoàn trả vốn, nhận nợ vay theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
d) Tổ chức quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 6. Xác định giá trị tài sản giao, nhận
1. Trường hợp tài sản được quản lý, hạch toán theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, giá trị tài sản giao, nhận được xác định bằng giá trị còn lại của tài sản đang được theo dõi trên sổ kế toán tại thời điểm có Quyết định điều chuyển của Thủ tướng Chính phủ.
2. Trường hợp tài sản chưa được hạch toán, chưa tính hao mòn cho thời gian đã sử dụng, tài sản đã tính đủ hao mòn nhưng vẫn còn sử dụng được, tài sản có giá trị còn lại theo sổ kế toán dưới 20% so với nguyên giá, Bên giao có văn bản đề nghị Sở Tài chính tỉnh, thành phố nơi có tài sản thành lập Hội đồng xác định giá trị tài sản.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bên giao, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thành lập Hội đồng định giá do Lãnh đạo Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng bao gồm: đại diện Sở Công thương, đại diện Bên giao tài sản, đại diện Bên nhận tài sản và các thành viên khác (nếu cần).
Hội đồng định giá có trách nhiệm xác định giá trị tài sản bảo đảm phù hợp với giá thị trường của tài sản cùng loại và chất lượng còn lại của từng tài sản, cụ thể:
Giá trị tài sản giao, nhận | = | Giá thị trường của tài sản cùng loại | x | Chất lượng còn lại của tài sản (%) |
Trong đó: Chất lượng còn lại của từng tài sản (%) do Hội đồng định giá xác định trên cơ sở chất lượng thực tế của tài sản, nhưng tỷ lệ xác định chất lượng còn lại của tài sản từ 20% trở lên.
3. Trường hợp tài sản chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán thì giá trị tài sản bàn giao được tạm tính theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Giá trị đề nghị quyết toán;
b) Giá trị xác định theo Biên bản nghiệm thu A-B;
c) Giá trị dự toán Dự án đã được phê duyệt.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, Bên giao có văn bản thông báo kèm 01 bản sao văn bản phê duyệt quyết toán cho Bên nhận để thực hiện điều chỉnh lại giá trị tài sản theo giá trị quyết toán được duyệt.
Điều 7. Xử lý các khoản chi phí phát sinh trong quá trình bàn giao, tiếp nhận tài sản
1. Các chi phí có liên quan đến việc điều chuyển tài sản là hệ thống điện bao gồm:
a) Chi cho công tác bảo vệ và duy trì hoạt động của tài sản từ khi có Quyết định điều chuyển của Thủ tướng Chính phủ đến khi hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận;
b) Chi phí kiểm kê, xác định giá trị tài sản, lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản, hồ sơ bàn giao, tiếp nhận tài sản;
c) Chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản (nếu có).
2. Mức chi đối với các khoản chi phí quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Thủ trưởng Bên nhận quyết định mức chi, đảm bảo phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3. Nguồn chi trả các chi phí tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Chi cho công tác bảo vệ và duy trì hoạt động của tài sản từ khi có Quyết định điều chuyển của Thủ tướng Chính phủ đến khi hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận do Bên giao thực hiện chi trả theo quy định của pháp luật;
b) Các chi phí phát sinh trong quá trình bàn giao, tiếp nhận tài sản, chi phí khác liên quan trực tiếp (nếu có):
- Chi phí trực tiếp cho cán bộ tham gia bàn giao, tiếp nhận do Bên có cán bộ tham gia bàn giao, tiếp nhận chi trả theo quy định;
- Chi phí lập hồ sơ đề nghị điều chuyển tài sản, lập hồ sơ bàn giao, tiếp nhận tài sản do Bên giao chi trả theo quy định;
- Chi phí khác do Bên nhận chi trả và được hạch toán vào nguyên giá tài sản tiếp nhận.
Điều 8. Phương thức hoàn trả vốn
Việc điều chuyển tài sản là hệ thống điện được thực hiện theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo giá trị tài sản giao nhận và không hoàn trả vốn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm ghi tăng tương ứng vốn điều lệ của Tập đoàn tại Tổng công ty Điện lực.
Trường hợp điều chuyển hệ thống điện được đầu tư bằng nguồn chính quyền địa phương vay lại của Chính phủ mà cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản chưa hoàn thành việc trả nợ vốn vay; phương thức hoàn trả vốn vay được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cùng với quyết định điều chuyển tài sản; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm hoàn trả khoản nợ vốn vay theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Xử lý đất gắn liền với hệ thống điện được bàn giao
1. Trường hợp hệ thống điện nằm trong khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp mà không thể tách khỏi khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Bên giao tiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích đất gắn liền với hệ thống điện được bàn giao và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho Bên nhận thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý vận hành hệ thống điện được nhận bàn giao.
2. Trường hợp hệ thống điện nằm ngoài khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc có thể tách khỏi khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thì thực hiện bàn giao, tiếp nhận cả diện tích đất gắn liền với hệ thống điện. Bên nhận có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng của địa phương để làm thủ tục thuê đất đối với phần diện tích đất gắn liền với hệ thống điện nhận bàn giao. Phần diện tích đất gắn liền với hệ thống điện thuộc đối tượng chưa thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Hiệu lực thi hành và xử lý chuyển tiếp
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2017.
2. Xử lý chuyển tiếp:
a) Đối với hệ thống điện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chuyển và đã hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận tài sản trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng quy định tại Quyết định này.
b) Đối với hệ thống điện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chuyển sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận thì việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện theo quy định tại Quyết định này.
c) Đối với hệ thống điện chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chuyển sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện bàn giao tạm cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý vận hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện các thủ tục điều chuyển hệ thống điện sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý theo quy định tại Quyết định này.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức rà soát, lập danh mục các tài sản là hệ thống điện được đầu tư bằng vốn nhà nước đủ điều kiện điều chuyển cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Tập đoàn điện lực Việt Nam có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo và hướng dẫn các Tổng công ty Điện lực phối hợp với Bên giao tổ chức tiếp nhận, quản lý vận hành hệ thống điện theo quy định.
b) Định kỳ hằng năm (chậm nhất vào ngày 31 tháng 3) tổng hợp, báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính về kết quả thực hiện giao, nhận hệ thống điện, giá trị tăng vốn, hoàn trả vốn của năm trước./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1 Công văn 5586/TCT-CS năm 2016 về xuất hóa đơn khi điều chuyển tài sản do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 4 Quyết định 2081/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 1550/QĐ-BTC năm 2013 điều chuyển tài sản do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6 Quyết định 1119/QĐ-BTC năm 2013 điều chuyển tài sản của dự án kết thúc do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Nghị định 106/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân
- 8 Nghị định 52/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
- 9 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008