Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:         /2023/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày       tháng  12 năm 2023

DỰ THẢO

 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XẾP HẠNG CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY CÔNG LẬP

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 09 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP  ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP  ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;

Căn cứ Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập;

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ và Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn việc  xếp hạng cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về mục đích, nguyên tắc, thời hạn thực hiện xếp hạng; khung xếp hạng, căn cứ xếp hạng, thang điểm xếp hạng; phụ cấp chức vụ theo hạng, thẩm quyền, hồ sơ và thủ tục xếp hạng các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này được áp dụng đối với cơ sở cai nghiện ma túy công lập do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, có tư cách pháp nhân, tài khoản và con dấu riêng, thực hiện chức năng cai nghiện ma túy bao gồm: cơ sở quản lý người cai nghiện bắt buộc, cơ sở quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện và cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (sau đây gọi tắt là Cơ sở cai nghiện);

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Điều 3. Mục đích xếp hạng

1. Tiếp tục kiện toàn và tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; từng bước tiêu chuẩn hoá tổ chức bộ máy, cán bộ, viên chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao kết quả và hiệu quả hoạt động của các Cơ sở cai nghiện ma túy.

2. Xác định mức phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, viên chức lãnh đạo nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của từng chức danh trong quản lý hoạt động của Cơ sở cai nghiện.

3. Từng bước đề xuất đầu tư nguồn lực cho Cơ sở cai nghiện, phù hợp với từng giai đoạn phát triển trong cơ chế quản lý mới đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập.

Điều 4. Nguyên tắc xếp hạng

1. Việc xếp hạng Cơ sở cai nghiện gồm bốn nhóm tiêu chí như sau:

a) Quy mô tổ chức, khối lượng công việc và độ phức tạp về quản lý đối tượng

20 điểm

b) Cơ cấu và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức, người lao động

15 điểm

c) Hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện quản lý đối tượng

25 điểm

d) Kết quả và hiệu quả hoạt động của cơ sở cai nghiện

40 điểm

Tổng số điểm tối đa của bốn nhóm tiêu chí là

100 điểm

2. Hạng của Cơ sở cai nghiện được xác định từ hạng I đến hạng IV. Sau 5 năm (tròn 60 tháng) kể từ  ngày được cơ quan có thẩm quyền quyết định xếp hạng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại hạng của Cơ sở cai nghiện đạt dưới 40 điểm, phải sắp xếp lại.

3. Sau khi đã xếp hạng, nếu Cơ sở cai nghiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về quy mô hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị,… làm thay đổi về giá trị và điểm xếp hạng thì sau 3 năm (tròn 36 tháng) kể từ ngày quyết định xếp hạng Cơ sở cai nghiện được xem xét xếp lại hạng.

4. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cán bộ, viên chức lãnh đạo của Cơ sở cai nghiện xếp theo hạng của Cơ sở cai nghiện được quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Chương II

XẾP HẠNG CƠ SỞ CAI NGHIỆN

Điều 5. Tiêu chí xếp hạng

1. Nhóm tiêu chí I về quy mô tổ chức, khối lượng công việc và độ phức tạp về quản lý đối tượng là các tiêu chí định tính được quy định tại Biểu 1a, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này gồm:

a) Quy mô tổ chức quản lý đối tượng:

- Cơ sở quản lý người cai nghiện bắt buộc;

- Cơ sở quản lý người cai nghiện ma túy tự nguyện;

- Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng, bao gồm các hoạt động: Tổ chức cai nghiện ma túy cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy; Quản lý người nghiện ma túy đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy; Cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện; Thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy (đây gọi chung là đối tượng) tại cơ sở cai nghiện.

b) Thực hiện tiếp nhận phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác

- Thực hiện các thủ tục tiếp nhận người cai nghiện theo nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy, thu thập thông tin cá nhân của người nghiện ma túy để tư vấn xây dựng kế hoạch cai nghiện, gồm: độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, loại ma túy sử dụng, mức độ sử dụng, trình độ học vấn, nghề nghiệp và các vấn đề khác về bản thân, gia đình người nghiện ma túy;

- Thông tin về phương pháp cai nghiện, chương trình cai nghiện; tư vấn, giải đáp các thắc mắc cho người nghiện ma túy; Phân loại đối tượng và tư vấn xây dựng kế hoạch cai nghiện ma túy.

- Khám, xây dựng bệnh án đối với người cai nghiện; chú ý các dấu hiệu rối loạn tâm thần, bệnh cơ hội; Xác định loại ma túy, liều lượng ma túy người nghiện sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

- Tư vấn tâm lý đối với người nghiện trước khi điều trị cắt cơn, giải độc; Thực hiện phác đồ điều trị theo các quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Kết hợp sử dụng thuốc với các biện pháp tâm lý và các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng; kết hợp điều trị cắt cơn, giải độc với điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh cơ hội khác.

c) Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách bao gồm các hoạt động:

- Tổ chức dạy văn hóa, học tập các chuyên đề: giáo dục công dân, sức khỏe và cộng đồng, pháp luật, đạo đức, truyền thống dân tộc và chuyên đề phù hợp khác với số lượng, trình độ học vấn người cai nghiện;

- Tổ chức các hoạt động trị liệu tâm lý nhằm điều trị các rối loạn tâm thần, nâng cao kỹ năng sống, giá trị sống, tư duy tích cực, kỹ năng tự quản lý bản thân cho người cai nghiện;

- Kết hợp việc học tập, trị liệu với việc tư vấn, khuyến khích người cai nghiện tham gia các hoạt động lao động sinh hoạt hàng ngày tại cơ sở để tạo ý thức, thói quen tốt trong sinh hoạt;

- Tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, các chương trình sinh hoạt tập thể, trò chơi vận động cho người cai nghiện.

d) Lao động trị liệu, học nghề bao gồm các hoạt động:

- Tổ chức các hoạt động lao động trị liệu nhằm giúp người cai nghiện cải thiện về sức khỏe thể chất, tâm trí, tăng cường ý thức tổ chức, kỷ luật trong lao động, nâng cao tinh thần tự lập và giúp người cai nghiện nhận thức được giá trị của lao động;

- Căn cứ vào số lượng, sức khỏe, độ tuổi, giới tính, trình độ, thời gian, nguyện vọng của người cai nghiện để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan, hỗ trợ Cơ sở cai nghiện quản lý đối tượng, bao gồm:

- Cơ quan y tế: phối hợp thường xuyên với cơ sở y tế địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo các hoạt động hỗ trợ chữa bệnh, điều trị, cấp cứu, vệ sinh phòng dịch để nâng cao hiệu quả chữa trị, cai nghiện, phục hồi tại Cơ sở cai nghiện;

- Chính quyền địa phương: phối hợp với cơ quan công an, đơn vị bộ đội (nếu có) và chính quyền địa phương, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, chống thẩm lậu ma tuý, trốn chạy của đối tượng và các vấn đề khác liên quan;

- Các đoàn thể của địa phương: phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… quản lý, giáo dục đối tượng trong Cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng;

- Các cơ quan khác: ngoài việc phối hợp với cơ quan, tổ chức đã nêu trên, Cơ sở cai nghiện còn phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức kinh tế,… thực hiện các đề án bảo vệ môi trường, tạo môi trường học tập, thu hút nhiều dự án hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm,… cho đối tượng.

2. Nhóm tiêu chí II về cơ cấu và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức và người lao động là các tiêu chí đảm bảo năng lực quản lý hoạt động của Cơ sở cai nghiện được quy định tại Biểu 1b, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này gồm:

a) Viên chức lãnh đạo, quản lý có trình độ đại học trở lên trên tổng số cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Ban giám đốc đến các phòng, đơn vị trong cơ cấu tổ chức bộ máy Cơ sở cai nghiện.

b) Viên chức, người lao động có trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên và chuyên môn theo chức danh nghề nghiệp chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm đang được phân công trên tổng số viên chức, người lao động (trừ viên chức lãnh đạo, quản lý).

3. Nhóm tiêu chí III về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện làm việc là các tiêu chí định lượng, đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ và duy trì hoạt động của Cơ sở cai nghiện được quy định tại Biểu 1c, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này gồm:

a)  Khả năng tiếp nhận đối tượng theo thiết kế.

b) Cơ sở vật chất đầu tư:

- Diện tích đất quản lý: bao gồm tổng diện tích đất được cơ quan có thẩm quyền giao sử dụng (kể cả diện tích đã sử dụng và chưa sử dụng).

- Diện tích nhà, xưởng: bao gồm diện tích xây dựng có mái che như nhà làm việc; nhà ở cho đối tượng; câu lạc bộ, thư viện; phòng học văn hoá, giáo dục; xưởng sản xuất;… được tính theo diện tích xây dựng (nếu là nhà cao tầng thì tính tổng diện tích các tầng).

-  Diện tích các công trình khác: bao gồm các công trình xây dựng không có mái che như sân chơi, bồn hoa, bể nước ngoài trời…

c) Giá trị tài sản cố định hiện có:

-  Giá trị tài sản còn lại: tổng giá trị hiện tại của các hạng mục xây dựng cơ bản như nhà, xưởng, hệ thống điện, nước…

- Trang thiết bị phục vụ quy trình cai nghiện bao gồm: Trang thiết bị thực hiện các hoạt động tiếp nhận, phân loại người cai nghiện; Trang thiết bị y tế thực hiện các hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Trang thiết bị thực hiện hoạt động giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách; Thiết bị phục hồi sức khỏe; Trang thiết bị thực hiện hoạt động lao động trị liệu, học nghề; Trang thiết bị thực hiện hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng: tổng giá trị hiện có về các trang thiết bị trên.

- Trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt của người cai nghiện bao gồm: Trang thiết bị phục vụ phòng ở của người cai nghiện; Trang thiết bị phục vụ phòng ăn tập thể: tổng giá trị hiện có của các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của người cai nghiện.

- Trang thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ, quản lý người cai nghiện: Tổng gia trị hiện có của các trang thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ, quản lý người cai nghiện.

4. Nhóm tiêu chí IV về hiệu quả sử dụng các nguồn lực, kết quả hoạt động có thu và mức độ đáp ứng nhu cầu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; phát huy vai trò tác dụng thực tế là các tiêu chí đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động trong quá trình quản lý  tại Cơ sở cai nghiện được quy định tại Biểu 1d, Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này gồm:

a) Số lượt đối tượng được tiếp nhận trong một năm: tính cả số đối tượng tự nguyện (nếu có).

b) Tỷ lệ đối tượng thường xuyên tính trên khả năng tiếp nhận: bằng số đối tượng có mặt thường xuyên bình quân trong năm hoặc lấy số đối tượng bình quân có mặt vào thời điểm giữa năm với số có mặt cuối năm chia cho tiêu chí a nhóm tiêu chí III.

c) Đối tượng được tư vấn, điều trị cai nghiện, phục hồi sức khoẻ: bao gồm số đối tượng được chữa trị, cai nghiện, phục hồi sức khoẻ trong năm.

d) Tỷ lệ đối tượng được dạy nghề, lao động trị liệu tính trên số lượt đối tượng tiếp nhận: bằng số đối tượng được dạy nghề, lao động trị liệu chia cho tiêu chí a nhóm tiêu chí IV.

đ) Kết quả lao động, lao động trị liệu, liên doanh liên kết: là tổng doanh thu từ bán sản phẩm, dịch vụ, trừ các khoản chi phí (nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, khấu hao tài sản cố định, vận chuyển, dịch vụ).

Điều 6. Thang điểm, cách tính điểm, xếp hạng và bảng phụ cấp chức vụ, lãnh đạo

1. Thang điểm xếp hạng

Tổng số điểm xếp hạng đạt được của Cơ sở cai nghiện nằm trong giới hạn điểm tối thiểu đến tối đa của từng hạng được quy định từ hạng I đến hạng IV như sau:

Hạng

I

II

III

IV

Tổng số điểm Cơ sở cai nghiện đạt được

90 đến 100

80 đến dưới 90

65 đến dưới 80

40 đến dưới 65

2. Cách tính điểm và xếp hạng

a) Căn cứ mức độ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài liệu liên quan các giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này, Cơ sở cai nghiện tính điểm đạt được của từng tiêu chí theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này tại thời điểm đánh giá hoặc của năm trước liền kề đề nghị xếp hạng.

b) Cách tính điểm các tiêu chí nằm trong giới hạn điểm tối thiểu và tối đa của nhóm tiêu chí III và IV trong bảng điểm xếp hạng Cơ sở cai nghiện, theo công thức sau:

                Gtc - Gmin

Đtc = {-----------------------  x (Đmax - Đmin)} + Đmin

               Gmax - Gmin

Trong đó:

Đtc - điểm tiêu chí mà Cơ sở cai nghiện được tính.

Gtc - giá trị tiêu chí để tính điểm của Cơ sở cai nghiện.

Gmin - giá trị tối thiểu của tiêu chí tính điểm trong bảng điểm xếp hạng.

Gmax - giá trị tối đa của tiêu chí tính điểm trong bảng điểm xếp hạng.

Đmax - điểm tối đa của tiêu chí tính điểm trong bảng điểm xếp hạng.

Đmin - điểm tối thiểu của tiêu chí tính điểm trong bảng điểm xếp hạng.

Ví dụ: Cơ sở cai nghiện A, có khả năng tiếp nhận (sức chứa theo thiết kế) là 300 đối tượng. Khi đó điểm về tiêu chí khả năng tiếp nhận của Cơ sở cai nghiện A là:

              300-200                                100

ĐtcA ={ ------------- x (5 - 2)} + 2 ={ ------------ x 3} + 2= 0,4 + 2 = 2,4 (điểm)

              1000-200                               800

c) Những trường hợp sau đây sẽ được cộng thêm điểm:

- Với những Cơ sở cai nghiện tiếp nhận trên 1000 lượt đối tượng/năm, thì phần được cộng thêm điểm sẽ được tính từ lượt đối tượng 1001 trở lên: cứ 500 lượt đối tượng vượt thêm sẽ được cộng 1 điểm.

Ví dụ: Cơ sở cai nghiện A tiếp nhận 2000 lượt đối tượng/năm, khi đó ngoài điểm được tính cho tiêu chí này, Cơ sở cai nghiện A còn được cộng thêm 2 điểm.

d) Những tiêu chí Cơ sở cai nghiện không có hoặc không thực hiện, không tính điểm.

đ) Đối chiếu tổng số điểm mà Cơ sở cai nghiện đạt được với Bảng điểm xếp hạng quy định tại khoản 2 mục IV trên để xác định hạng của Cơ sở cai nghiện.

3. Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý của Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức vụ tương đương theo từng hạng của Cơ sở cai nghiện được quy định như sau:

TT

Chức danh

Hệ số phụ cấp chức vụ

Hạng I

Hạng II

Hạng III

Hạng IV

1

Giám đốc

0,70

0,60

0,50

0,30

2

Phó Giám đốc

0,50

0,40

0,30

0,20

3

Trưởng phòng và các chức vụ tương đương

0,30

0,25

0,20

0,15

4

Phó trưởng phòng và các chức vụ tương đương

0,25

0,20

0,15

 

Điều 7. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xếp hạng cơ sở

1. Các Cơ sở cai nghiện được quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này, trong quá trình quản lý hoạt động của Cơ sở cai nghiện, kể cả trường hợp chưa đủ 5 năm kể từ ngày có quyết định xếp hạng Cơ sở cai nghiện mà có sự thay đổi lớn như thu hẹp hoặc mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Cơ sở cai nghiện thì Cơ sở cai nghiện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, hồ sơ gồm:

a) Công văn đề nghị xếp hạng của Cơ sở cai nghiện.

b) Bảng kết quả tính điểm xếp hạng Cơ sở cai nghiện theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Hồ sơ tài liệu liên quan chứng minh các giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ và chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định các giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét quyết định xếp hạng cho các Cơ sở cai nghiện.

3. Căn cứ quyết định xếp hạng Cơ sở cai nghiện của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện; Giám đốc Cơ sở cai nghiện quyết định phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức vụ tương đương của Cơ sở cai nghiện;

Mức Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý của cơ sở cai nghiện thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này.

4. Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo Cơ sở cai nghiện quy định tại Thông tư này tính từ thời điểm Cơ sở cai nghiện được quyết định xếp hạng cụ thể tương ứng với mức tiền lương tối thiểu chung quy định của Nhà nước.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày        tháng       năm 2023.

2. Thông tư số 11/2006/TT-BLĐTBXH ngày 12/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xếp hạng các cơ sở quản lý người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 9. Quy định chuyển tiếp

1. Cơ sở cai nghiện đã được cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được giữ nguyên hạng cho đến khi hết thời hạn phải xếp hạng lại.

2. Sau 3 năm kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, các Cơ sở cai nghiện đã xếp hạng của cơ quan có thẩm quyền, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn Cơ sở cai nghiện rà soát lại các giá trị chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu xếp hạng của Cơ sở cai nghiện với giá trị tiêu chí và nhóm tiêu chí quy định tại Thông tư này. Trường hợp không có thay đổi lớn về giá trị và điểm xếp hạng thì trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giữ nguyên hạng đã xếp cho Cơ sở cai nghiện. Trường hợp có thay đổi về giá trị và điểm xếp hạng thì trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng mới phù hợp với bảng điểm xếp hạng Cơ sở cai nghiện; hạng mới của Cơ sở cai nghiện được tính kể từ ngày đủ 5 năm (tròn 60 tháng) đã xếp hạng cũ.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổ chức hướng dẫn việc tổng hợp, phân tích, đánh giá các tiêu chí xếp hạng Cơ sở cai nghiện theo quy định tại Thông tư này, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xếp hạng Cơ sở cai nghiện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập; báo cáo kết quả xếp hạng các Cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh, thành phố về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

a) Hàng năm, rà soát cơ cấu tổ chức, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc của cơ sở cai nghiện ma túy công lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thực hiện xếp hạng.

b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện xếp hạng cơ sở cai nghiện theo quy định.

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các đơn vị có liên quan;
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, Cục PCTNXH.

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN