Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:   /2024/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày    tháng      năm 2024

DỰ THẢO 1

 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT XE CƠ GIỚI SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG SẠCH, NĂNG LƯỢNG XANH, THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe thuần điện (BEV) là xe chỉ được dẫn động bằng hệ thống động lực điện;

2. Xe Hybrid nạp điện ngoài (PHEV) là xe có ít nhất 02 bộ chuyển hóa năng lượng khác nhau và 02 hệ thống tích trữ năng lượng khác nhau (ở trên xe) để tạo ra chuyển động cho xe, trong đó, phải có 01 bộ chuyển hóa năng lượng từ điện và xe phải có khả năng nạp điện được từ nguồn điện bên ngoài.

3. Xe điện dùng pin nhiêu liệu (FCEV) là loại xe điện sử dụng khí Hydro nén như là một dạng nhiên liệu cung cấp cho động cơ điện để tạo động lực cho xe.

Chương II

PHÂN LOẠI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 4. Xe cơ giới

Xe cơ giới bao gồm xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy và các xe tương tự các xe quy định tại Điều này.

1. Xe ô tô gồm: xe có từ bốn bánh trở lên chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, không chạy trên đường ray, dùng để chở người, hàng hóa, kéo rơ moóc, kéo sơ mi rơ moóc hoặc được kết cấu để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt, có thể được nối với đường dây dẫn điện; xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg; xe ô tô không bao gồm xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Xe ô tô được phân loại thành các nhóm sau đây:

a) Nhóm ô tô chở người đến 09 chỗ (kể cả người lái) bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo có tổng số chỗ ngồi trên xe đến 09 chỗ (kể cả người lái). Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Nhóm ô tô chở người từ 10 chỗ (kể cả người lái) trở lên bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo có tổng số chỗ ngồi trên xe từ 10 chỗ (kể cả người lái) trở lên. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Nhóm ô tô chở người chuyên dùng bao gồm các loại ô tô chở người có đặc điểm khác với đặc điểm của các loại ô tô chở người nêu tại khoản a, khoản b Điều này, có kết cấu và trang bị để chở người trong điều kiện đặc biệt hoặc sự sắp xếp người đặc biệt. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Nhóm ô tô tải thông dụng bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng. Ô tô chở hàng có thể bố trí tối đa hai hàng ghế và chở không quá 06 người kể cả người lái trong cabin. Ô tô chở hàng cũng có thể kéo theo một rơ moóc. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

đ) Nhóm ô tô tải chuyên dùng bao gồm các loại ô tô chở hàng có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

e) Nhóm ô tô chuyên dùng bao gồm các loại ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt khác với các loại ô tô nêu tại khoản d, khoản đ Điều 4 Thông tư này. Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

g) Ô tô đầu kéo là ô tô được thiết kế để kéo sơ mi rơ moóc và có các trang, thiết bị sau: (1) Cơ cấu mâm kéo (fifth-wheel coupling); (2) Cơ cấu kết nối và điều khiển hệ thống đèn tín hiệu và hệ thống phanh của sơ mi rơ moóc; (3) Có thể trang bị thêm: cần cẩu, máy phát điện, cơ cấu móc kéo (tow coupling, hook coupling) để kéo rơ moóc.

h) Ô tô kéo moóc là ô tô được thiết kế dành riêng hoặc chủ yếu dùng để kéo rơ moóc và có các trang, thiết bị sau: (1) Cơ cấu móc kéo (tow coupling, hook coupling); (2) Thùng hoặc sàn chất phụ tải; (3) Cơ cấu kết nối và điều khiển hệ thống đèn tín hiệu và hệ thống phanh của rơ moóc.

Ô tô kéo moóc không bao gồm: ô tô chở hàng có trang bị cơ cấu móc kéo; ô tô đầu kéo trang bị thêm cơ cấu móc kéo.

2. Rơ moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được kéo bởi xe ô tô; Phần chủ yếu của khối lượng toàn bộ rơ moóc không đặt lên xe kéo. Rơ moóc được phân loại thành các nhóm sau:

a) Nhóm rơ moóc chở khách là rơ moóc có kết cấu và trang bị chủ yếu để chở người.

b) Nhóm rơ moóc chở hàng là rơ moóc có kết cấu và trang bị chủ yếu để chở hàng.

c) Nhóm rơ moóc chuyên dùng là rơ moóc có kết cấu và trang bị chỉ để chở người/hàng hóa cần sự sắp xếp đặc biệt hoặc chỉ để thực hiện một chức năng công dụng đặc biệt.

Chi tiết danh mục loại phương tiện của các nhóm này quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Sơ mi rơ moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ; được kéo bởi xe ô tô đầu kéo và có một phần đáng kể khối lượng toàn bộ đặt lên xe ô tô đầu kéo. Sơ mi rơ moóc được phân loại thành các nhóm sau:

a) Nhóm sơ mi rơ moóc chở khách là sơ mi rơ moóc có kết cấu và trang bị chủ yếu để chở người.

b) Nhóm sơ mi rơ moóc chở hàng là sơ mi rơ moóc có kết cấu và trang bị chủ yếu để chở hàng.

c) Nhóm sơ mi rơ moóc chuyên dùng là sơ mi rơ moóc có kết cấu và trang bị chỉ để chở người/hàng hóa cần sự sắp xếp đặc biệt hoặc chỉ để thực hiện một chức năng công dụng đặc biệt.

Chi tiết danh mục loại phương tiện của các nhóm này quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h, số người cho phép chở tối đa 15 người (không kể người lái xe).

5. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe, có tối đa hai hàng ghế và chở tối đa 05 người (không kể người lái xe), vận tốc thiết kế không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg; trường hợp xe sử dụng động cơ điện thì có công suất động cơ không lớn hơn 15 kW.

6. Xe mô tô gồm: xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.

7. Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.

Điều 5. Xe máy chuyên dùng

Xe máy chuyên dùng bao gồm các loại sau:

1. Xe máy thi công bao gồm:

a) Nhóm xe, máy làm đất và vật liệu.

b) Nhóm xe, máy và thiết bị gia cố nền móng, mặt đường.

Chi tiết danh mục loại phương tiện của các nhóm này quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp.

3. Máy kéo.

4. Rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi máy kéo.

5. Xe máy thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt bao gồm:

a) Nhóm xe và thiết bị nâng.

b) Nhóm xe, máy và thiết bị sản xuất bê tông và vật liệu cho bê tông.

c) Nhóm xe máy chuyên dùng phục vụ trong sân gofl, khu vui chơi giải trí, kho cảng, bến bãi và trong sân bay.

d) Các loại xe máy chuyên dùng khác.

Chi tiết danh mục loại phương tiện của nhóm này quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Các loại xe đặc chủng sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

Điều 6. Xe thô sơ

1. Xe đạp là xe có ít nhất hai bánh và vận hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay.

2. Xe đạp máy, gồm cả xe đạp điện là xe đạp có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25 km/h.

3. Xe xích lô

4. Xe lăn dùng cho người khuyết tật bao gồm: xe lăn vận hành bằng tay hoặc bằng động cơ điện.

5. Xe vật nuôi kéo.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT XE CƠ GIỚI SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG SẠCH, NĂNG LƯỢNG XANH, THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Điều 7. Phân loại xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường

Các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường (sau đây gọi tắt là Xe thân thiện) là các xe thuộc loại BEV, PHEV, FCEV và các loại xe cơ giới khác không phát thải các bon.

Điều 8. Quy định về dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường

1. Thông tin về Xe thân thiện được ghi trong Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT xe cơ giới nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT ô tô sản xuất lắp ráp hoặc Giấy chứng nhận ATKT xe cơ giới cải tạo.

2. Xe thân thiện được nhận biết bằng màu tem kiểm định dành riêng cho loại xe này khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm tại các đơn vị đăng kiểm theo các quy định tại thông tư số….2024/TT-BGTVT về Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Việc cấp, cấp lại, vị trí dán tem kiểm định mẫu dành riêng cho loại xe này được thực hiện theo các quy định tại thông tư số…/2024/TT-BGTVT về Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm:

a) Công bố danh mục phương tiện giao thông đường bộ.

b) Quy định danh mục, quản lý Xe thân thiện và các dấu hiệu nhận biết đối với Xe thân thiện.

c) Tham mưu cho Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải để bổ sung, sửa đổi danh mục phương tiện được quy định tại Thông tư này khi có các loại phương tiện mới trong thực tiễn sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN&MT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thắng

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN