Hệ thống pháp luật

Đưa tiền nhờ chạy việc bị xử lý như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41084

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư! Tôi xin tư vấn một việc như sau: Tôi có đưa cho một người bạn 100.000$ để lo giúp thay đổi vị trí công việc của Em trai tôi (qua tìm hiểu tôi biết người này có quan hệ thân thích với một lãnh đạo cấp cao và người này hứa lo được việc cho Em trai tôi). Khi đưa do tin tưởng nhau nên không làm giấy biên nhận, nhưng qua các lần nói chuyện, thúc giục tôi có ghi âm bằng điện thoại các lần nói chuyện để làm bằng chứng sau này. Đến nay đã 4 năm mà người đó không lo giúp được cho Em tôi mà tắt điện thoại, không liên lạc được, gọi điện thì tắt máy. Tôi xin hỏi: 1). Tôi làm đơn khởi kiện yêu cầu người này trả tiền được không? 2). Bằng chứng để khởi kiện chỉ là các ghi âm cuộc nói chuyện giữa hai người có giá trị không? 3). Tôi có lỗi trong việc này không? Mong sớm nhận được tư vấn. Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật lao động 2012

Bộ luật hình sự 1999

Nghị định 95/2013/NĐ-CP

Nghị định 88/2015/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Do không rõ việc bạn sử dụng tiền nhằm mục đích chạy việc cho em trai bạn là công việc nào và cơ quan nào nên tùy từng trường hợp và xác định trách nhiệm pháp lý đối với mỗi chủ thể là khác nhau.

Trường hợp 1, nếu em trai bạn muốn xin một công việc trong một công ty tư nhân, không phải là công việc trong khu vực nhà nước thì theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động trước khi giao kết hợp đồng lao động với người lao động không được phép nhận tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng.

Người trung gian và người sử dụng lao động biết rõ vấn đề này nhưng cố ý nhận tiền thì người này đang vi phạm pháp luật lao động. Với hành vi này theo quy định tại điểm b) Khoản 2 Điều 5 Nghị định 93/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng và buộc phải trả lại số tiền đã nhận. Ngoài ra, bạn và em trai bạn không phải chịu trách nhiệm gì trong trường hợp này.

Trường hợp 2, nếu công việc thuộc khu vực nhà nước, bạn biết người có chức vụ quyền hạn có khả năng xin việc cho em trai bạn và bạn liên hệ với một người có quen biết với người này để làm trung gian chuyển tiền thì hành vi này có thể cấu thành tội phạm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 về tội đưa hối lộ:

"1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Phạm tội nhiều lần;

 …"

Đối với bạn, do bạn có hành vi dùng tiền để đưa cho người có chức vụ quyền hạn nhằm xin việc cho em trai nên có thể cấu thành tội đưa hối lộ nêu trên. Đối với người trung gian thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm môi giới hối lộ, người nhận tiền để giúp em trai bạn xin việc có chức vụ quyền hạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội nhận hối lộ.

Như vậy, tùy từng trường hợp mà bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Nếu người nhận tiền của bạn có mục đích lừa đảo, sử dụng thủ toạn gian dối khiến bạn tin tưởng để bạn đưa tiền thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009. Khi thuộc trường hợp này hoặc trường hợp thứ nhất thì bạn sẽ có quyền đòi lại số tiền bạn đã đưa.

Nếu thuộc trường hợp thứ hai và bạn chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ theo quy định tại Khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.

Đối với cuộc ghi âm mà bạn đã ghi lại cuộc nói chuyện điện thoại, bạn có thể sử dụng khi đưa vụ việc này ra pháp luật, sẽ có tổ chức thẩm định điều này, khi đã thẩm định xong và có kết luận cuộc ghi âm là thật thì có thể dùng làm chứng cứ để làm sáng tỏ hoặc giải quyết vụ việc.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn