Hệ thống pháp luật

Ghi hóa đơn thế nào khi bán hàng hóa có thuế suất khác nhau?

Ngày gửi: 14/11/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL39859

Câu hỏi:

Doanh nghiệp tôi mới thành lập, và dự định sẽ đặt in hóa đơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp tôi có nhiều mặt hàng kinh doanh với mức thuế suất không giống nhau. Nhưng tôi thấy trên các hóa đơn đều chỉ có ghi một ô thuế suất. Vậy tôi phải làm gì đối với các loại hàng hóa có mức thuế suất khác nhau.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Khái niệm

– Người bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BTC năm 2018 thì người bán hàng và cung ứng dịch vụ bao gồm các đối tượng sau:

Các cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức tại Việt Nam hoặc các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài không tiến hành hoạt động kinh doanh nhưng có thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng các dịch vụ trên lãnh thổ nước Việt Nam;

Các cá nhân, tổ chức nước ngoài có kinh doanh buôn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Việt Nam hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam nhưng bán hàng ra nước ngoài;

Các tổ chức, hộ, cá nhân Việt Nam có kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Việt Nam hoặc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài.

Hiện nay pháp luật nước ta quy định hóa đơn có 4 loại hóa đơn bao gồm: hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng, các loại hóa đơn khác (như tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm,…) và các chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu các loại phí dịch vụ ngân hàng…được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.

– Liên hóa đơn là các tờ hóa đơn trong cùng một số hóa đơn.

2. Cách ghi hóa đơn bán hàng khi các mặt hàng có thuế suất khác nhau

Như bạn nêu trên thì doanh nghiệp bạn có những loại hàng hóa có các mức thuế suất khác nhau, vậy trường hợp này cách ghi hóa đơn sẽ được thực hiện như sau:

Theo quy định điểm b, mục 2.6 Phụ lục 4 của Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BTC năm 2018 thì đối với những trường hợp mà các hàng hóa do các đơn vị cung ứng bán ra có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau thì phải tiến hành việc lập bảng kê riêng theo từng nhóm thuế suất cho các hàng hóa bán ra. Ví dụ một lần xuất hàng của doanh nghiệp của bạn có tổng 7 loại hàng với 03 loại thuế suất lần lượt là 0.5%, 1% và 2% thì doanh nghiệp của bạn sẽ phải lập bảng kê cho những hàng hóa có cùng mức thuế suất với nhau theo các mức thuế suất giống nhau.

Cũng tại quy định thì bản thân doanh nghiệp được tự lựa chọn hình thức, mẫu mã, chủng loại hàng hóa trên hóa đơn, bảng kê để đặt in nhưng vẫn phải đảm bảo các nội dung chính ghi trên hóa đơn.

Nếu trong trường hợp hóa đơn của doanh nghiệp đã thiết kế mà chỉ có 1 dòng thuế suất thì để đảm bảo việc viết hóa đơn có hiểu lầm cho người đọc thì tốt nhất doanh nghiệp viết riêng các mặt hàng có cùng mức thuế suất trên 1 hóa đơn.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

3. Các quy định khác của pháp luật về hóa đơn

3.1. Các hình thức của hóa đơn

Theo quy định của pháp luật thì hóa đơn gồm các hình thức sau:

– Hóa đơn điện tử. Đây là loại hóa đơn tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, loại hóa đơn được lập, khởi tạo, nhận, gửi, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản khác hướng dẫn thi hành;

– Hóa đơn tự in là loại hóa đơn do các tổ chức kinh doanh tự in ra. Được in trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi thực hiện hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

– Hóa đơn đặt in là loại hóa đơn được do các tổ chức, cá nhân kinh doanh đặt các đơn vị in theo mẫu nhằm mục đích sử dụng cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của mình hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in theo mẫu do bộ tài chính quy định để bán, cấp cho các cá nhân, tổ chức, hộ.

Mua hàng dưới 200.000 đồng có được xuất hóa đơn?

3.2. Các nội dung bắt buộc phải có trên hóa đơn

Một hóa đơn phải được thể hiện đầy đủ các nội dung trên 01 mặt giấy, các nội dung đó bao gồm:

– Tên loại hóa đơn.

– Ký hiệu mẫu số hóa đơn và ký hiệu hóa đơn, trong đó:

Ký hiệu hóa đơn là hệ thống các chữ cái tiếng Việt và hai chữ số cuối của năm một dấu hiệu để phân biệt hóa đơn bằng hệ thống chữ cái tiếng Việt và 02 chữ số cuối của năm in hóa đơn đặt in nếu là hóa đơn đặt in hoặc của năm bắt đầu sử dụng hóa đơn được ghi trên thông báo phát hành hoặc năm hóa đơn được in ra đối với hình thức hóa đơn tự in.

Ký hiệu mẫu số hóa đơn theo quy định được xác định là thông tin thể hiện ký hiệu của tên loại hóa đơn, số liên, số thứ tự mẫu trong 01 loại hóa đơn (lưu ý là 01 loại hóa đơn có thể có nhiều mẫu).

– Số thứ tự của hóa đơn.

Số thứ tự của hóa đơn là một số thứ tự được viết theo dãy số tự nhiên thuộc ký hiệu hóa đơn, gồm có bảy chữ số trong một ký hiệu của hóa đơn.

Quy định về cách ghi đơn vị tính trên hóa đơn dịch vụ

– Tên của liên hóa đơn.

Pháp luật Việt Nam quy định mỗi số hóa đơn bắt buộc phải có từ hai liên hóa đơn trở lên và số liên hóa đơn tối đa không quá 9 liên. 

Đối với liên 01 dùng để người cung cấp hóa đơn lưu trữ.

Đối với liên 02 dùng để giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ của bên bán.

Đối với các liên từ liên thứ 03 trở đi thì sẽ được đặt tên theo công dụng, mục đích cụ thể của người tạo hóa đơn, do họ tự quy định. Tuy nhiên đối với hóa đơn do cơ quan thuế cấp lẻ thì bắt buộc phải có 03 liên, trong đó liên thứ 3 là liên sẽ do cơ quan thuế lưu lại.

– Thông tin của người bán và người mua, bao gồm:

Tên (Họ và tên đối với cá nhân, tên đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức, doanh nghiệp), địa chỉ cư trú hoặc địa chỉ đăng ký kinh doanh và mã số thuế.

– Các thông tin về hàng hóa:

Nội dung trên hóa đơn phải thể hiện các thông tin về hàng hóa bao gồm:

Tên của hàng hóa, dịch vụ; số lượng; đơn vị tính; đơn giá; thành tiền (mục này phải đảm bảo phải có chỗ để ghi cả bằng số và bằng chữ). Riêng đối với trường hợp các tổ chức kinh doanh, bán và cung ứng hàng hóa, dịch vụ mà có sử dụng phần mềm kế toán theo hệ thống phần mềm của công ty mẹ mà công ty mẹ là Tập đoàn đa quốc gia thì đối với mục đơn vị tính sẽ được sử dụng bằng tiếng Anh thay cho Tiếng Việt dựa trên hệ thống phần mềm của Tập đoàn đó.

– Chữ ký của người mua và người bán. Lưu ý bắt buộc phải ký và ghi rõ họ và tên, đóng dấu người bán (nếu có). 

– Ngày, tháng, năm lập hóa đơn.

– Thông tin của tổ chức nhận in hóa đơn. Trên hóa đơn phải thể hiện các thông tin bao gồm tên, mã số thuế của tổ chức nhận in hóa đơn, bao gồm cả trường hợp tổ chức nhận in tự in hóa đơn đặt in.

 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn