Giải quyết ly hôn khi tình cảm vợ chồng không còn
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
I. Cơ sở pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình 2014;
– Bộ luật tố tụng dân sự 2004;
II. Luật sư tư vấn:
1. Về việc giải quyết ly hôn
"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".
Căn cứ vào quy định này, khi đời sống hôn nhân của vợ chồng bạn không đảm bảo, không thể hòa hợp khi chung sống và tình trạng ly thân đã kéo dài thì bạn hoàn toàn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn
Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại chồng bạn đang sống và làm việc ở nước ngoài, do đó theo Khoản 3 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) thì việc giải quyết ly hôn sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương nơi chồng bạn thường trú trước khi ra nước ngoài.
Về thủ tục ly hôn, bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
– Đơn xin ly hôn (theo mẫu);
– Bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu, CMND của người khởi kiện;
– Bản sao có chứng thực Giấy khai sinh của con;
– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản (nếu có);
– Giấy tờ chứng minh chồng bạn đang ở nước ngoài (nếu có).
3. Giải quyết ly hôn khi chồng bạn không ký đơn và không ra tòa
Theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã nêu trên thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn dù chồng bạn không đồng ý ly hôn. Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
"1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được".
Khi bạn đơn phương ly hôn thì bạn sẽ không cần có chữ ký của chồng bạn trong đơn xin ly hôn, nhưng bạn phải chứng minh được mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng bạn, chứng minh vợ chồng bạn không thể sống hòa hợp, hạnh phúc với nhau, không thể kéo dài đời sống hôn nhân và mục đích hôn nhân không đạt được. Khi chứng minh được những điều này thì tòa án sẽ giải quyết ly hôn cho bạn.
Thủ tục ly hôn với người nước ngoài, người đi nước ngoàiVề việc chồng bạn không đồng ý ra tòa khi giải quyết ly hôn thì pháp luật có quy định như sau:
Sau khi tiếp nhận đơn ly hôn Tòa án sẽ thực hiện các thủ tục và triệu tập bị đơn. Nếu bị đơn vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đánh thì Tòa án sẽ triệu tập lần thứ hai theo quy định tại Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 như sau:
"1. Bị đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà.
2. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ".
Như vậy, dù chồng bạn không ký vào đơn ly hôn và không chịu đến Tòa án theo triệu tập hợp pháp thì bạn vẫn có thể được tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn đang có quan hệ ngoài hôn nhân với một người đàn ông khác. Điều này đã phạm vào điều cấm của pháp luật hôn nhân gia đình về việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình theo Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
"2. Cấm các hành vi sau đây:
(…)
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ";
Với hành vi của bạn bạn đã vi phạm điều cấm của pháp luật, có hành vi ngoại tình và xâm phạm vào chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Nếu bạn đã có hành vi chung sống như vợ chồng với người đàn ông khác thì bạn có thể bị xử lý hành chính theo Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP:
"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ";
Ngoài ra, nêu hành vi ngoại tình của bạn gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự 1999:
"1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".
Theo đó, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nhưng nếu Tòa án biết về hành vi ngoại tình của bạn thì bạn sẽ bị xử lý theo quy đinh của pháp luật. Tùy từng mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691