Hệ thống pháp luật

Giải quyết trường hợp kỷ luật buộc thôi việc của viên chức

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL31477

Câu hỏi:

Thưa luật sư, bản thân là giáo viên trường tiểu học Bàu năng A, Huyện Dương Minh Châu, Thành phố Tây Ninh, vừa qua có sự việc xảy ra là trường tôi có cô giáo tên Trần Thị Thu Hằng, cô này vào lớp của giáo viên khác và cho học sinh ra chơi, học sinh ra chơi cô bước vào lớp và ăn cắp 5 bộ sách tiếng anh của học sinh, học sinh thấy và về nói với phụ huynh, cuối cùng cô này cũng nhận lỗi. Nhà trường họp kiểm điểm cô ta rồi nhưng trong buổi họp kiểm điểm thái độ của cô ta không thành khẩn, cô ta đọc kiểm điểm nhưng ngồi tại chỗ đọc, bản kiểm điểm viết sai sự thật. Vậy xin hỏi luật sư, bản thân tôi là thư ký trong cuộc họp xử lý kỷ luật, tôi cần nói những gì và ý kiến gì cho đúng, cô giáo ăn cắp này đã từng bị kiểm điểm năm học 2013, cũng tại trường này vậy khi bỏ phiếu hình thức kỷ luật tôi chọn hình thức kỷ luật buộc thôi việc là đúng không thưa luật sư?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1.Cơ sở pháp lý:

– Luật viên chức 2010

Nghị định 27/2012/NĐ-CP

– Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009

Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Kỷ luật là sự rèn luyện đặc biệt về tinh thần và tính cách nhằm tạo ra sự tự chủ, phục tùng. Kỷ luật giúp đào tạo con người, nhờ có kỷ luật năng lực con người được tập trung để hướng đến một mục tiêu, nhờ đó ta có thể đi tới chỗ thành công. Mỗi đơn vị có một quy định trách nhiệm kỷ luật riêng, có giá trị áp dụng trong nội bộ đơn vị đó. Trách niệm kỷ luật dù là riêng do cơ quan tự quyết định phù hợp với thực tế của đơn vị nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Theo thông tin bạn cung cấp, cô giáo đó được tuyển dụng vào trường tiểu học để giảng dạy như vậy người này được xác định là viên chức trong nhà trường. Viên chức có hành vi trộm cắp 05 bộ sách Tiếng Anh và đã thừa nhận hành vi. Đây là hành vi phạm pháp luật, phải chịu hình thức xử lý tương ứng.

Điều 52 Luật viên chức 2010 quy định hình thức kỷ luật viên chức như sau:

– Khiển trách;

– Cảnh cáo;

– Cách chức;

– Buộc thôi việc.

Nguyên tắc xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 3 Nghị định 27/2012/NĐ-CP gồm:

– Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.

– Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu viên chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và chịu hình thức kỷ luật năng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

– Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của viên chức có hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

– Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với viên chức trong các trường hợp quy định tại Điều 5 Nghị định này không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.

– Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.

– Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của viên chức trong quá trình xử lý kỷ luật.

Mức lương để tính trợ cấp thôi việc? Quy định về chi trả trợ cấp thôi việc?

Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP hướng dẫn áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc như sau:

“Điều 13. Buộc thôi việc

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.”

Hành vi của cô giáo là trộm 05 bộ sách, hành vi này nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" do đó để xác định áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với giáo viên này đã đúng hay chưa cần xác minh lại quá trình làm việc của giáo viên cũng như giá trị của bộ sách tiếng anh cũng như thái độ làm việc của người này…

Đối với hành vi trộm cắp tài sản, nếu giá trị của bộ sách này có giá trị từ 2000.000 đồng trở lên thì người giáo viên này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm căp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009:

"Điều 138. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

…"

Nếu người này bị kết án hình phạt tù không được hưởng án treo thì người này sẽ bị kỷ luật thôi việc.

Nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tội trộm cắp tài sản theo quy định trên thì người này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

"Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;"

Bạn là thư ký trong cuộc họp kỷ luật bạn có thể đưa ý kiến tới hội đồng kỷ luật về việc lựa chọn hình thức kỷ luật đối với người này và ghi lại toàn bộ nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật cũng như thái độ của những người có mặt trong cuộc họp xử lý kỷ luật.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn