Hệ thống pháp luật

Giáo viên chuyển sang làm công tác văn phòng có được hưởng phụ cấp thâm niên?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL36994

Câu hỏi:

Tôi là giáo viên trung học Hạng II (V07.03.07), công tác giảng dạy trên 34 năm và được hưởng 31% thâm niên. Năm học 2014 đến 2017 tôi được nhà trường phân công làm công tác văn phòng và không được tính thâm niên thời gian này. Vậy có đúng không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH;

– Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH;

– Nghị định số 54/2011/NĐ-CP;

Công văn 6120/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 24/09/2010 của Bộ Giáo dục và đào tạo. 

2. Nội dung tư vấn

Đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên được quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, bao gồm:

"Điều 1. Hướng dẫn về đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP

1. Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật)”.

2. Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, tàu huấn luyện của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập”.

Theo đó, đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm là nhà giáo đang trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy.

Theo khoản 3 Điều 1 Thông tư 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH thì đối tượng được hưởng phụ cấp theo khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành GD&ĐT (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) thì mới được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Theo đó, trường hợp bạn đã chuyển sang làm công tác văn phòng mà không còn trực tiếp giảng dạy thì không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Điều 6 Công văn 6120/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 24/9/2010 của Bộ Giáo dục và đào tạo thì đối với trường phổ thông chưa có viên chức làm công tác thư viện, thiết bị, văn thư, thủ quỹ, y tế học đường có thể bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Như vậy, nhà trường nơi bạn đang làm việc chưa có viên chức làm công tác văn phòng (văn thư), nhưng ban giám hiệu chuyển hẳn bạn sang làm công tác văn thư mà không bố trí bạn kiêm nhiệm công việc giảng dạy là chưa phù hợp. Trường hợp này bạn cần làm đơn lên Hiệu trưởng Nhà trường để yêu cầu xem xét giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn