Hệ thống pháp luật

Hai bên đều có lỗi để xảy ra tai nạn giao thông thì xử lý như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32361

Câu hỏi:

Cha tôi là công nhân. Do giờ cao điểm nhiều người chạy lấn tuyến ra đường ô tô, ông cũng đạp xe ra làn ô tô có dải phân cách nhưng không may bị xe buýt chạy cùng chiều tốc độ nhanh quá ông không xử lý kịp. Cha tôi bị xe hút vào bánh sau, cán gây tử vong tại chỗ. Vậy gia đình tôi có được đền bù hỗ trợ hay không? Đã gần 2 tháng từ khi xảy ra vụ việc nhưng không thấy công an giải quyết hay người gây tai nạn hỗ trợ.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật giao thông đường bộ năm 2008

Nghị định 171/2013/NĐ-CP

Bộ luật dân sự 2005

Bộ luật hình sự năm 1999 

Căn cứ Điều 13 Luật giao thông đường bộ năm 2008 về việc sử dụng làn đường như sau:

‘’ 1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.

2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.

3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.’’

Như vậy, xe đạp là loại xe thô sơ, nên phải đi trên làn đường bên phải trong cùng. Đối với trường hợp này sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng theo quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 8, Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.

Do bạn không trình bày rõ xe buýt đi với tốc độ bao nhiêu và có vượt quá tốc độ cho phép hay không? Nếu trường hợp người điều khiển xe buýt vượt quá tốc độ đã vi phạm tại Khoản 11 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 về các trường hợp bị nghiêm cấm:

– Trường hợp xe buýt vượt quá tốc độ cho phép từ 5km/h đến 10km/h sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP

– Trường hợp xe buýt vượt quá tốc độ cho phép từ 10km/h đến 20km/h sẽ bị phạt từ 2000.000 đồng đến 3000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Về việc bồi thường thiệt hại, Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."

Như vậy, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra hoặc cảnh sát giao thông, xem rõ lỗi sai này thuộc về ai? Nếu bên phía bố bạn có lỗi, bên xe buýt không có lỗi, thì bên xe buýt không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Các khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại gia đình bạn có quyền yêu cầu theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

"1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 024.6294.9155

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."

Ngoài ra, nếu bên xe buýt là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, thì người điều khiển xe buýt sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội xâm phạm tính mạng do điều khiển phương tiện giao thông như sau:

‘’ 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.

 2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a)     Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b)     Trong khi say rượu say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng

3. Phạm tội gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.’’

Để đảm bảo quyền lợi cho bạn và gia đình, bạn có quyền làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn gia thông để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn