Hành vi lấy điện thoại để “thử lòng tin” của bạn gái
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Chào luật sư. Em muốn nhờ luật sư tư vấn giúp em chuyện này. Vụ việc được diễn ra như sau: em có quen 1 cô gái. Để kiểm tra sự tin cậy của cô ấy, trong 1 lần cô ấy cùng chị gái tới phòng em chơi, em có cầm điện thoại của chị cô ấy nhưng 2 người không biết. Rồi cô ấy về và có gọi điện hỏi em có thấy điện thoại ở phòng em không thì em bảo không có. Sau đó, em có tới đón cô ấy đi chơi thì thấy chị gái cô ấy đang khóc vì bị mất điện thoại còn cô gái nói thẳng ra là nghi ngờ em. Em đã nói là không có và bỏ về. Sau khi em về, chị gái cô ấy có báo công an. Ngay chiều hôm đó, em có mang điện thoại trả lại. Tới tối, công an có gọi điện cho em bảo em lên để giải quyết. Em nói không có xe thì họ bảo bắt xe, không cho địa chỉ họ xuống đón sau đó tắt máy. Một lát sau chị gái của cô ấy gọi điện bảo nếu mày không muốn bị truy tố phải đưa 2 triệu để dàn xếp với công an. Luật sư cho em hỏi như vậy em có bị truy tố không? Nếu có hình phạt như thế nào. Em rất mong sớm nhận được sự tư vần của luật sư. Em xin cảm ơn.
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự 1999
2. Nội dung tư vấn
Việc bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn phụ thuộc vào 2 yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm xâm phạm tới sở thữu mà bạn chưa đưa ra rõ:
– Giá trị của chiếc điện thoại
– Có hay không mục đích chiếm đoạt tài sản
Thứ 1. Trường hợp giá trị chiếc điện thoại từ hai triệu trở lên hoặc dưới 2 triệu nhưng bạn đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích và bạn có mục đích chiếm đoạt chiếc điện thoại đó thì bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm với khung cơ bản tại Khoản 1 Điều 138- Bộ luật Hình sự 1999 về Tội trộm cắp tài sản.
“ Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Thứ 2. Trường hợp nếu tình huống của bạn thiếu một trong hai yếu tố trên:
– Giá trị chiếc điện dưới 2 triệu và bạn chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt; chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết an rồi nhưng đã được xoá án tích.
– Bạn không có mục đích chiếm đoạt chiếc điện thoại mà vì mục đích khác như bạn nói: kiểm tra sự tin cậy, trêu đùa, …
Khi đó, sẽ không đủ căn cứ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bạn nhưng bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;
d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.”
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691