Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 101/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2005 

Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Cộng hào xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Canada có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2005./.

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế
Phó Vụ trưởng



Nguyễn Hoàng Anh

 

 

HIỆP ĐỊNH

HỢP TÁC VỀ NUÔI CON NUÔI GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CANADA

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Canada (sau đây gọi là các Nước ký kết):

Công nhận rằng, để phát triển toàn diện và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và cảm thông;

Công nhận rằng, mỗi Nước ký kết phải tiến hành các biện pháp thích hợp để trẻ em có thể được chăm sóc trong gia đình gốc của mình;

Công nhận rằng, vấn đề nuôi con nuôi nước ngoài có lợi là đem lại một gia đình lâu dài cho những trẻ em không tìm được một gia đình thích hợp tại nước gốc của mình;

Tin tưởng vào sự cần thiết phải áp dụng những biện pháp nhằm bảo đảm việc nuôi con nuôi nước ngoài được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em và để ngăn chặn việc dụ dỗ, bán hoặc buôn bán trẻ em;

Công nhận rằng, tại Canada, vấn đề nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền của Tỉnh bang và lãnh thổ;

Mong muốn thiết lập những quy định chung vì mục đích này, có tính đến hai chế độ pháp luật của Canada và các nguyên tắc được công nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em được thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1989;

Đã thỏa thuận như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của Hiệp định

Mục đích của Hiệp định này là:

a) Thiết lập những bảo đảm để việc nuôi con nuôi nước ngoài được diễn ra vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em được công nhận trong luật pháp quốc tế;

b) Thiết lập một hệ thống hợp tác giữa các Nước ký kết để những bảo đảm trên được tôn trọng và để ngăn ngừa việc dụ dỗ, bán, hoặc buôn bán trẻ em;

c) Bảo đảm sự công nhân việc nuôi con nuôi được tiến hành theo Hiệp định này tại các Nước ký kết.

Điều 2. Các khái niệm

Đối với Canada, một Nhà nước liên bang, có các hệ thống pháp luật khác nhau được áp dụng trong việc nhận con nuôi tại các Tỉnh bang và lãnh thổ của mình:

a) Khi nói đến thường trú tại Canada có nghĩa là nói đến nơi thường trú hoặc nơi cư trú tại một Tỉnh bang hoặc lãnh thổ của Canada;

b) Khi nói đến pháp luật của Canada có nghĩa là nói đến pháp luật đang có hiệu lực tại Tỉnh bang hoặc lãnh thổ có liên quan của Canada;

c) Khi nói đến cơ quan có thẩm quyền hay cơ quan công quyền của Canada có nghĩa là nói đến cơ quan nhà nước liên bang, Tỉnh bang hoặc lãnh thổ, hoặc bất cứ cơ quan nào khác, được phép hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài tại Tỉnh bang hoặc lãnh thổ có liên quan của Canada;

d) Khi nói đến các cơ quan, tổ chức được chỉ định của Canada có nghĩa là nói đến các cơ quan, tổ chức được chỉ định tại Tỉnh bang hoặc lãnh thổ có liên quan của Canada.

Điều 3. Phạm vi áp dụng của Hiệp định

Hiệp định này được áp dụng đối với trường hợp trẻ em thường trú tại một Nước ký kết (“Nước gốc”) đã, đang, hoặc sẽ được chuyển đến Nước ký kết kia (“Nước nhận”) hoặc sau khi đã được một cặp hôn phối hay một người thường trú ở Nước nhận nhận làm con nuôi tại Nước nhận hoặc Nước gốc. Trẻ em phải đáp ứng các điều kiện để được nhận làm con nuôi theo Điều 8 của Hiệp định này.

Điều 4. Bảo vệ trẻ em

1. Các Nước ký kết phải áp dụng các biện pháp phù hợp với pháp luật và các quy định của mình để ngăn ngừa việc dụ dỗ, bắt cóc, khai thác tình dục, bán hoặc buôn bán trẻ em với mục đích nuôi con nuôi.

2. Các cơ quan Trung ương được chỉ định phải trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan công quyền áp dụng mọi biện pháp thích hợp để ngăn ngừa những khoản trục lợi về tài chính hoặc những khoản trục lợi khác liên quan đến việc xin nhận con nuôi và ngăn chặn tất cả những vụ việc trái với mục đích của Hiệp định này.

Điều 5. Ngôn ngữ liên hệ

Các cơ quan Trung ương của các Nước ký kết sẽ liên hệ với nhau bằng một ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ chính thức của Nước gốc của trẻ em hoặc bằng một ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ chính thức của Nước nhận, nếu cần thiết, một bản dịch ra một ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ chính thức của Nước gốc phải được đính kèm theo.

Chương 2:

CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG VÀ CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH

Điều 6. Cơ quan Trung ương

1. Các Nước ký kết sẽ chỉ định các Cơ quan Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Hiệp định này đã được giao cho các cơ quan đó. Đối với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Cơ quan Trung ương được chỉ định là Cục con nuôi quốc tế thuộc Bộ tư pháp. Đối với Canada, một Nhà nước liên bang, Canada sẽ chỉ định cả Cơ quan Trung ương ở cấp liên bang và Cơ quan Trung ương ở mỗi Tỉnh bang và lãnh thổ mà Hiệp định này sẽ được áp dụng. Các cơ quan Trung ương được chỉ định này của Canada sẽ được thông báo cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bằng công hàm ngoại giao.

2. Trong khi thi hành Hiệp định này, các Cơ quan Trung ương của các Nước ký kết có thể yêu cầu sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền liên quan của mỗi Nước ký kết, hoặc của các cơ quan, tổ chức được chỉ định mà đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động để hỗ trợ việc xin nhận nuôi con nuôi theo pháp luật của các Nước ký kết.

Điều 7. Các cơ quan, tổ chức được chỉ định

1. Cơ quan, tổ chức được chỉ định sẽ chỉ theo đuổi các mục tiêu phi lợi nhuận theo những điều kiện và trong giới hạn được các cơ quan có thẩm quyền của nước chỉ định đặt ra.

2. Cơ quan, tổ chức được chỉ định ở Nước ký kết kia khi cơ quan có thẩm quyền của cả hai Nước ký kết cho phép.

Chương 3:

PHÁP LUẬT ÁP DỤNG VÀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VIỆC NUÔI CON NUÔI

 

Điều 8. Xác định khả năng được nhận làm con nuôi của trẻ em

Việc nuôi con nuôi trong phạm vi Hiệp định này chỉ được thực hiện khi các cơ quan có thẩm quyền của Nước gốc đã xác định rằng trẻ em có đủ khả năng làm con nuôi theo pháp luật hiện hành của mình.

Điều 9. Xác định điều kiện đối với người xin nhận con nuôi

Việc nhận con nuôi trong phạm vi Hiệp định này sẽ chỉ được thực hiện khi các cơ quan thẩm quyền của các Nước ký kết đã xác định rằng cha mẹ nuôi có đủ điều kiện và phù hợp để nhận con nuôi.

Điều 10. Cho phép trẻ em được nhận làm con nuôi nhập cảnh và thường trú tại Nước nhận

Việc nhận nuôi con nuôi theo Hiệp định này sẽ chỉ được thực hiện khi các cơ quan có thẩm quyền của Nước nhận đã xác định là trẻ em được hoặc sẽ được phép nhập cảnh và thường trú tại Nước nhận.

Điều 11. Công nhận việc nuôi con nuôi

Căn cứ vào pháp luật và các quy định của Nước nhận, một Nước ký kết chỉ có thể từ chối công nhận việc nuôi con nuôi, nếu việc nuôi con nuôi trái rõ ràng với chính sách công, có tính đến lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Điều 12. Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi

1. Những hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi đã được hoàn tất phù hợp với các quy định của Hiệp định này sẽ giống như những hệ quả pháp lý phát sinh từ việc nuôi con nuôi được thực hiện trong phạm vi tài phán của Nước nhận.

2. Những hệ quả pháp lý nói trên sẽ phát sinh kể từ khi có tuyên bố về việc nuôi con nuôi.

3. Trong Hiệp định này, thuật ngữ “pháp luật” có nghĩa là pháp luật đang có hiệu lực tại một Nước và không bị chi phối bởi các quy định về xung đột pháp luật.

Chương 4:

HỢP TÁC

Điều 13. Các nghĩa vụ hợp tác nhằm bảo vệ trẻ em

1. Các Nước ký kết sẽ tiến hành các biện pháp phù hợp để bảo vệ trẻ em được nhận làm con nuôi theo Hiệp định này.

2. Các Nước ký kết sẽ bảo đảm rằng trẻ em được công nhận làm con nuôi tại Nước nhận được hưởng các quyền tương đương với các quyền phát sinh từ việc nuôi con nuôi tại Nước nhận. Khi có quốc tịch của Nước nhận, trẻ em được nhận làm con nuôi có các quyền và lợi ích được quy định cho trẻ em là công dân của Nước nhận.

3. Các Cơ quan Trung ương của các Nước ký kết sẽ thông báo cho nhau về quá trình cho nhận con nuôi và các biện pháp được tiến hành để hoàn tất quá trình đó.

Điều 14. Trao đổi thông tin

1. Các Cơ quan Trung ương phải thông báo cho nhau về việc thực thi Hiệp định này và danh tích của các cơ quan, tổ chức được chỉ định, cũng như việc tiến hành các biện pháp để giải quyết những khó khăn có thể phát sinh trong quá trình thi hành Hiệp định. Khi một cơ quan có thẩm quyền thấy rằng quy định của Hiệp định này đã không được tôn trọng hoặc có thể sẽ không được tôn trọng thì phải thông báo ngay cho Cơ quan Trung ương của nước mình. Cơ quan Trung ương sẽ có trách nhiệm bảo đảm rằng các biện pháp khắc phục thích hợp được tiến hành.

2. Mọi dữ kiện cá nhân được thu thập hoặc chuyển giao theo Hiệp định này sẽ chỉ được sử dụng vào những mục đích của việc thu thập hay chuyển giao đó, hoặc theo yêu cầu của pháp luật.

Điều 15. Hỗ trợ thi hành Hiệp định

1. Các Nước ký kết có thể, theo khả năng của mình, hợp tác và hỗ trợ nhau trong việc đào tạo và trợ giúp kỹ thuật liên quan đến các vấn đề nuôi con nuôi nước ngoài.

2. Các Nước ký kết cũng sẽ trao đổi thông tin liên quan đến kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Mỗi Nước ký kết phải thông báo cho Nước ký kết kia bằng công hàm ngoại giao về việc các yêu cầu pháp luật nước mình để Hiệp định có hiệu lực đã được đáp ứng. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau ba mươi ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo cuối cùng về việc đã hoàn tất các thủ tục pháp lý theo yêu cầu của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Canada.

2. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các Tỉnh bang, lãnh thổ của Canada có thể ký các Thỏa thuận về vấn đề liên quan của Hiệp định này thuộc quyền tài phán của các tỉnh bang và lãnh thổ.

3. Phụ lục kèm theo Hiệp định này sẽ bao gồm danh sách tên các Tỉnh bang và lãnh thổ, như đã thỏa thuận giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Canada, đã quyết định đàm phán các Thỏa thuận, như đã nêu khoản 2, và ngày có hiệu lực của các Thỏa thuận này. Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Canada có thể thỏa thuận sửa đổi danh sách trên.

4. Hiệp định này có giá trị trong năm năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Sau đó Hiệp định sẽ tiếp tục có hiệu lực trong giai đoạn năm năm tiếp theo. Hiệp định sẽ được mặc nhiên gia hạn trừ khi sáu tháng trước khi kết thúc mỗi giai đoạn, Nước ký kết này gửi văn bản thông báo cho Nước ký kết kia về ý định chấm dứt Hiệp định.

5. Mỗi Nước ký kết có thể chấm dứt Hiệp định này vào bất cứ thời điểm nào bằng cách thông báo cho Nước ký kết kia về việc chấm dứt đó. Hiệp định sẽ chấm dứt sau sáu tháng kể từ ngày thông báo.

6. Việc hết hiệu lực hoặc quyết định chấm dứt Hiệp định này nêu tại các khoản 4 và 5 nói trên sẽ không ảnh hưởng đến sự hoàn tất việc xin nhận con nuôi đang được tiến hành tại thời điểm thông báo chấm dứt được đưa ra, miễn là việc xin nhận nuôi con nuôi đáp ứng pháp luật của cả hai Nước ký kết. Việc xin nhận con nuôi thuộc loại này sẽ được quyết định bởi sự đồng thuận của các Nước ký kết. Không vụ việc xin nhận con nuôi mới nào được bắt đầu sau khi thông báo chấm dứt đã được đưa ra theo Điều 16.5.

Điều 17. Sửa đổi Hiệp định

Hiệp định này có thể được các Nước ký kết đồng thỏa thuận sửa đổi. Việc sửa đổi như vậy được tiến hành bằng cách trao đổi công hàm ngoại giao giữa các Nước và sẽ có hiệu lực vào ngày có công hàm thứ hai.

Điều 18. Quan hệ giữa Hiệp định này và Công ước La Hay về Bảo vệ trẻ em và Hợp tác trong lĩnh vực Nuôi con nuôi nước ngoài

Hiệp định này sẽ chấm dứt hiệu lực khi Công ước La Hay về Bảo vệ trẻ em và Hợp tác trong lĩnh vực Nuôi con nuôi nước ngoài ngày 29 tháng 5 năm 1993 có hiệu lực giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Canada.

Chứng thực rằng những người ký tên dưới đây, được Nhà nước của học ủy quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.

Làm thành hai bản, tại Ôt-ta-oa, ngày 27 tháng 6 năm 2005, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp; các văn bản có giá trị như nhau./.

THAY MẶT CANADA
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
 
 



Pierre.S.Pettigrew

THAY MẶT CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
 


Uông Chu Lưu