HIỆP ĐỊNH
VỀ MUA BÁN HÀNG HOÁ Ở VÙNG BIÊN GIỚI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA (1998).
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt là hai bên ký kết),
Trên cơ sở Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt là Hiệp định tạm thời) và Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt là Hiệp định thương mại) ký ngày 7/11/1991,
Nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị láng giềng giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác thương mại ở vùng biên giới giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi,
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Mua bán hàng hóa ở vùng biên giới nêu trong Hiệp định này là hoạt động mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ở vùng biên giới theo quy định của mỗi bên và của cư dân biên giới, thông qua các cửa khẩu biên giới trên bộ, chợ biên giới được hai bên thỏa thuận nhất trí mở tại sáu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu của Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc theo quy định của Hiệp định tạm thời.
Điều 2. Hai bên ký kết khuyến khích, thúc đẩy hoạt động mua bán hàng hóa ở vùng biên giới phát triển lành mạnh, liên tục, ổn định và có biện pháp tăng cường phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Điều 3. Hoạt động mua bán hàng hóa ở vùng biên giới quy định tại Điều 1 của Hiệp định này phải được tiến hành trên cơ sở phù hợp với Hiệp định này và pháp luật của mỗi nước.
Điều 4. Hai bên ký kết xác định hàng hóa mua bán ở vùng biên giới gồm các loại hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định của mỗi bên. Các mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch và giấy phép được thực hiện theo quy định hiện hành của mỗi bên.
Điều 5. Thanh toán, kết toán trong mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa hai nước được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc Đồng Việt Nam hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc theo các phương thức thanh toán do hai bên mua bán thỏa thuận. Các vấn đề cụ thể về thanh toán, kết toán do Ngân hàng Trung ương hai nước thỏa thuận.
Điều 6. Hai bên ký kết đồng ý tích cực áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa mua bán ở vùng biên giới để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, bảo hộ sản xuất, chống hàng giả, hàng kém phẩm chất, đồng thời giao quyền cho các tỏ chức giám định hàng hóa của mỗi bên tiến hành giám định chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong mua bán ở vùng biên giới và cấp giấy chứng nhận giám định hàng hóa theo tiêu chuẩn quy định trong hợp đồng mua bán của hai bên.
Điều 7. Hai bên ký kết đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hữu quan của nhau tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy mua bán hàng hóa ở cùng biên giới như: Hội chợ, triển lãm thương mại, hội chợ kêu gọi đầu tư, giao dịch đàm phán thương mại...
Điều 8. Để bảo đảm thực hiện Hiệp định này, hai bên ký kết đồng ý các Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và Chính quyền địa phương biên giới hai nước, tùy theo sự cần thiết, tiến hành trao đổi, thương lượng, phối hợp và giải quyết những vấn đề hoặc tranh chấp nảy sinh hoặc có thể này sinh trong mua bán hàng hóa ở vùng biên giới.
Điều 9. Hai bên ký kết ủy quyền cho Bộ Thương mại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Mậu dịch và Hợp tác kinh tế đối ngoại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, căn cứ vào tình hình thực tế, ký các văn bản cụ thể thực hiện Hiệp định này. Trong trường hợp cần thiết, hai bên ký kết sẽ ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới tương ứng của mỗi bên ký kết các thỏa thuận cụ thể có liên quan trong khuôn khổ của Hiệp định này.
Điều 10. Hai bên ký kết nhất trí đối với những vấn đề khác chưa quy định trong Hiệp định này sẽ thực hiện theo các quy định có liên quan của Hiệp định tạm thời và Hiệp định thương mại.
Điều 11. Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung với sự thỏa thuận bằng văn bản của hai bên ký kết. Trong thời hạn không qúa ba (3) tháng kể từ khi nhận được kiến nghị của mỗi bên ký kết về việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định, phía bên kia cần phải có văn bản trả lời. Các sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày được hai bên quy định cụ thể.
Điều 12. Mọi bất đồng nảy sinh liên quan đến việc giải thích và thi hành Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua thương lượng hữu nghị trên cơ sở bình đẳng giữa hai bên ký kết.
Điều 13. Hiệp định này có hiệu lực ba (3) năm kể từ ngày ký. Ba (3) tháng trước khi Hiệp định này hết hạn, nếu không có bên ký kết nào thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc kết thúc Hiệp định, thì Hiệp định này sẽ tự động kéo dài thêm ba (3) năm và sẽ tiếp tục được gia hạn theo thể thức đó.
Hiệp định này ký tại Bắc Kinh ngày 19 tháng 10 năm 1998, thành hai bản, mỗi bên đều được viết bằng tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc, cả hai văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau.
ĐẠI DIỆN TOÀN QUYỀN | ĐẠI DIỆN TOÀN QUYỀN |