Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: Khong so 04

Pari, ngày 27 tháng 01 năm 1973

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH LẬP LẠI HOÀ BÌNH Ở VIỆT NAM CHÍNH PHỦ VIÊT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ CHÍNH PHỦ HOA KỲ

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà với sự thoả thuận của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam,

Chính phủ Hoa kỳ với sự thoả thuận của Chính phủ Việt Nam cộng hoà,

Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần cũng cố hoà bình ở châu Á và thế giới,

Đã thoả thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây:

Chương 1

CÁC QUYỀN DÂN TỘC CƠ BẢN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

Điều 1

Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận.

Chương 2

CHẤM DỨT CHIẾN SỰ - RÚT QUÂN

Điều 2

Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp miền Nam Việt Nam kể từ hai mươi bốn giờ (giờ GMT) ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba.

Cùng ngày giờ nói trên, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa kỳ chống lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển bất cứ từ đâu tới, và sẽ chấm dứt việc thả mìn tại vùng biển, các cảng và sông ngòi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hoa kỳ sẽ tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá huỷ tất cả những mìn ở vùng biển, các cảng và sông ngòi ở miền Bắc Việt Nam ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn.

Điều 3

Các bên cam kết giữ vững ngừng bắn, bảo đảm hoà bình lâu dài và vững chắc

Bắt đầu từ khi ngừng bắn:

a) Các lực lượng của Hoa kỳ và của các nước ngoài khác đồng minh của Hoa kỳ và của Việt Nam cộng hoà sẽ ở nguyên vị trí của mình trong lúc chờ đợi thực hiện kế hoạch rút quân. Ban liên hợp quân sự bốn bên nói trong điều 16 sẽ quy định những thể thức.

b) Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình. Ban Liên hợp quân sự hai bên nói trong điều 17 sẽ quy định vùng do mỗi bên kiểm soát và những thể thức trú quân.

c) Các lực lượng chính quy thuộc mọi quân chủng và binh chủng và các lực lượng không chính quy của các bên ở miền Nam Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động tấn công nhau và triệt để tuân theo những điều quy định sau đây:

- Ngăn cấm mọi hoạt động vũ lực trên bộ, trên không và trên biển;

- Ngăn cấm mọi hành động đối địch, khủng bố và trả thù của cả hai bên.

Điều 4

Hoa kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Điều 5

Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở điều 3 (a). Cố vấn của các nước nói trên cho tất cả các tổ chức bán quân sự và lực lượng cảnh sát cũng sẽ rút trong thời hạn đó.

Điều 6

Việc huỷ bỏ tất cả căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa kỳ và của các nước khác đã nói ở điều 3 (a) sẽ được hoàn thành trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này.

Điều 7

Từ khi thực hiện ngừng bắn cho đến khi thành lập chính phủ nói ở điều 9 (b) và điều 14 của Hiệp định này, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ không được nhận đưa vào miền Nam Việt Nam quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỷ thuật, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh.

Hai bên miền Nam Việt Nam được phép từng thời gian thay thế vũ khí, đạn dược, dụng cụ chiến tranh đã bị phá huỷ, hư hỏng, hao mòn hoặc dùng hết từ sau khi ngừng bắn, trên cơ sở một đổi một, cùng đặc điểm và tính năng, có sự giám sát của Ban liên hợp quân sự hai bên miền Nam Việt Nam và Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát.

Chương 3

VIỆC TRAO TRẢ NHÂN VIÊN QUÂN SỰ BỊ BẮT,THƯỜNG DÂN NƯỚC NGOÀI BỊ BẮT VÀ NHÂN VIÊN DÂN SỰ VIỆT NAM BỊ BẮT VÀ GIAM GIỮ

Điều 8

a) Việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt sẽ tiến hành song song và hoàn thành không chậm hơn ngày hoàn thành việc rút quân nói trong điều 5. Các bên sẽ trao đổi danh sách đầy đủ những nhân viên quân sự và thường dân nước ngoài bị bắt nói trên vào ngày ký kết Hiệp định này.

b) Các bên sẽ giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong chiến đấu, xác định vị trí và bảo quản mồ mả của những người chết, nhầm tạo điều kiện dễ dàng cho việc cất bốc và hồi hương hài cốt và có những biện pháp khác cần thiết để tìm kiếm tin tức những người còn coi là mất tích trong chiến đấu.

c) Vấn đề trao trả các nhân viên quân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam sẽ so hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên cơ sở những nguyên tắc của điều 21 (b) của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày hai mươi tháng bảy năm một nghìn chín trăm năm mươi tư. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ làm việc đó trên tinh thần hòa giải và hoà hợp dân tộc, nhầm chấm dứt thù hằn, giảm bớt đau khổ và đoàn tụ các gia đình. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ gắn hết sức mình để giải quyết vấn đề này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực.

Chương 4

VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA NHÂN DÂN MIỀN NAM VIỆT NAM

Điều 9

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ Hoa kỳ cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam sau đây:

a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng.

b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế.

c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với miền Nam Việt Nam.

Điều 10

Hai bên miền Nam Việt Nam cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hoà bình ở miền Nam Việt Nam giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực

Điều 11

Ngay sau khi ngừng bắn hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:

- Thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xoá bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;

- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

Điều 12

a) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lâp Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc nhậm chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương về việc thành lập các hội đồng cấp dưới. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ kí một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hoà bình, độc lập và dân chủ.

b) Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng quốc gia hoà giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong điều 9 (b) và quy định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thương mà thoã thuận. Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phương theo như hai bên miền Nam Việt Nam thoả thuận.

Điều 13

Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh. Trong số những vấn đề hai bên miền Nam Việt Nam thảo luận có các biện pháp giảm số quân của họ và phục viên số quân đã giảm. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hoàn thành việc đó càng sớm càng tốt.

Điều 14

Miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và nhận viện trợ kinh tế, kỷ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam nói trong điều 9 (b)

Chương 5

VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT NƯỚC VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ QUAN HỆ GIỮA MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM VIỆT NAM

Điều 15

Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thoả thuận.

Trong khi chờ đợi thống nhất:

a) Giới tuyến quân sự giữa hai miền tại vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời và không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ, như quy định trong đoạn 6 của Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ ne vơ năm 1954.

b) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời.

c) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ sớm bắt đầu thương lượng nhằm lặp lại quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trong các vấn đề sẽ được thương lượng, có vấn đề thể thức đi lại dân sự qua giới tuyến quân sự tạm thời.

d) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự hoặc khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự trên đất mình, như Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Việt Nam quy định.

Chương 6

CÁC BAN LIÊN HỢP QUÂN SỰ, UỶ BAN QUỐC TẾ KIỂM SOÁT VÀ GIÁM SÁT, HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

Điều 16

a) Các bên tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự bốn bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên trong việc thực hiện các điều khoản sau đây của Hiệp định này:

- Đoạn đầu của điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam;

- Điều 3 (a) về việc ngừng bắn của lực lượng của Hoa kỳ và của các nước ngoài khác nói trong điều này;

- Điều 3 (c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam;

- Điều 5 về việc rút ra khỏi miền Nam Việt Nam quân đội của Hoa Kỳ và quân đội của các nước ngoài khác đã nói ở điều 3 (a);

- Điều 6 về việc huỷ bỏ các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở điều 3 (a);

- Điều 8 (a) về việc trao trả các nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt;

- Điều 8 (b) về việc các bên giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong chiến đấu.

b) Ban liên hợp quân sự bốn bên sẽ làm việc theo nguyên tắc hiệp thương và nhất trí. Những vấn đề bất đồng sẽ chuyển cho Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát.

c) Ban liên hợp quân sự bốn bên sẽ bắt đầu hoạt động ngay sau khi ký kết Hiệp định này và chấm dứt hoạt động trong thời hạn sáu mươi ngày, sau khi việc rút quân của Hoa kỳ và quân của các nước ngoài khác đã nói ở điều 3 (a) và việc trao trả nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt đã hoàn thành.

d) Bốn bên sẽ thoả thuận ngay về tổ chức, thể thức làm việc, phương tiện hoạt động và chi phí của Ban liên hợp quân sự bốn bên.

Điều 17

a) Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban liên hợp quân sự hai bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của hai bên miền Nam Việt Nam trong việc thực hiện các điều khoản sau đây của Hiệp định này:

- Đoạn đầu của điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam, sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình;

- Điều 3 (b) về việc ngừng bắn giữa hai bên miền Nam Việt Nam;

- Điều 3 (c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình;

- Điều 7 về việc không được đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam và tất cả những điều khoản khác của điều này.

- Điều 8 (c) về vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam.

- Điều 13 về việc giảm số quân của hai bên miền Nam Việt Nam và phục viên số quân đã giảm.

b) Những vấn đề bất đồng sẽ chuyển cho Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát.

c) Sau khi Hiệp định này được ký kết, Ban liên hợp quân sự hai bên sẽ thoả thuận ngay những biện pháp và tổ chức nhằm thực hiện ngừng bắn và giữ gìn hoà bình ở miền Nam Việt Nam.

Điều 18

a) Sau khi kí kết Hiệp định này, thành lập ngay Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát.

b) Cho đến khi Hội nghị quốc tế nói ở điều 19 có những sắp xếp dứt khoát, Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ báo cáo với bốn bên những vấn đề kiểm soát và giám sát việc thi hành những điều khoản sau đây của Hiệp định này:

- Đoạn đầu của điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam;

- Điều 3 (a) về việc ngừng bắn của lực lượng của Hoa kỳ và của các nước ngoài khác nói trong điều này;

- Điều 3 (c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam;

- Điều 5 về việc rút ra khỏi miền Nam Việt Nam quân đội của Hoa kỳ và quân đội của các nước ngoài khác đã nói ở điều 3 (a);

- Điều 6 về việc huỷ bỏ các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở điều 3 (a);

- Điều 8 (a) về việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt.

Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát lập những tổ kiểm soát để làm những nhiệm vụ của mình. Bốn bên sẽ thoả thuận ngay về chỗ đóng và sự hoạt động của các tổ đó. Các bên sẽ làm dễ dàng cho hoạt động của các tổ đó.

c) Cho đến khi Hội nghị quốc tế có những sắp xếp dứt khoát, Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ báo cáo với hai bên miền Nam Việt Nam những vấn đề về việc kiểm soát và giám sát việc thi hành những điều khoản sau đây của Hiệp định này:

- Đoạn đầu của điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam, sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình;

- Điều 3 (b) về việc ngừng bắn giữa hai bên miền Nam Việt Nam;

- Điều 3 (c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam, sau khi Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình;

- Điều 7 về việc không được đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam và tất cả các điều khoản khác của điều này;

- Điều 8 (c) về vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam;

- Điều 9 (b) về tổng tuyển cử tự do và dân chủ ở miền Nam Việt Nam;

- Điều 13 về việc giảm số quân của hai bên miền Nam Việt Nam và phục viên số quân đã giảm.

Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát lập những tổ kiểm soát để làm nhiệm vụ của mình. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thoả thuận ngay về chỗ đóng và sự hoạt động của các tổ đó. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ làm dễ dàng cho hoạt động của các tổ đó.

d) Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ gồm đại diện của bốn nước: Ba lan, Canada, Hungari, Inđônêxia. Các thành viên của Uỷ ban quốc tế sẽ luân phiên làm Chủ tịch trong từng thời gian do Uỷ ban quốc tế quy định.

e) Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành nhiệm vụ của mình theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của miền Nam Việt Nam.

f) Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát làm việc theo nguyên tắc hiệp thương và nhất trí.

g) Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ bắt đầu hoạt động khi ngừng bắn có hiệu lực ở Việt Nam. Đối với các điều khoản liên quan đến bốn bên nói trong điều 18 (b), Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát chấm dứt hoạt động của mình khi nhiệm vụ kiểm soát và giám sát của Ủy ban đối với các điều khoản đó đã hoàn thành. Đối với các điều khoản liên quan đến hai bên miền Nam Việt Nam nói ở điều 18 (c), Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát chấm dứt hoạt động của mình theo yêu cầu của chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam nói ở điều 9 (b).

h) Bốn bên thoả thuận ngay về tổ chức, phương tiện hoạt động và chi phí của Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát. Mối quan hệ giữa Ủy ban quốc tế và Hội nghị quốc tế sẽ do Uỷ ban quốc tế và Hội nghị quốc tế thoả thuận.

Điều 19

Các bên thoả thuận về việc triệu tập một Hội nghị quốc tế trong vòng ba mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này để ghi nhận các Hiệp định đã ký kết; bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hoà bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; góp phần vào hoà bình và bảo đảm hoà bình ở Đông dương.

Việt Nam dân chủ cộng hoà và Hoa kỳ, thay mặt các bên tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam, sẽ đề nghị các bên sau đây tham gia Hội nghị quốc tế này: Cộng hòa nhân dân Trung hoa, Cộng hoà Pháp, Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa xô viết, Liên hiệp Vương quốc Anh, bốn nước trong Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát và Tổng thư ký liên hợp quốc, cùng với các bên tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam.

Chương 7

ĐỐI VỚI CAMPUCHIA VÀ LÀO

Điều 20

a) Các bên tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam phải triệt để tôn trọng Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Campuchia và Hiệp định Giơ ne vơ năm 1962 về Lào đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Campuchia và nhân dân Lào: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước đó. Các bên phải tôn trọng nền trung lập của Campuchia và Lào.

Các bên tham gia Hội nghị Pari về Việt Nam cam kết không dùng lãnh thổ của Campuchia và lãnh thổ của Lào để xâm phạm chủ quyền và an ninh của nhau và của các nước khác.

b) Các nước ngoài sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở Campuchia và Lào, rút hết và không đưa trở lại vào hai nước đó quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh.

c) Công việc nội bộ của Campuchia và Lào phải do nhân dân mỗi nước này giải quyết không có sự can thiệp của nước ngoài.

d) Những vấn đề liên quan giữa các nước Đông dương sẽ do các bên Đông dương giải quyết, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và không can thiệt vào công việc nội bộ của nhau.

Chương 8

QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ VÀ HOA KỲ

Điều 21

Hoa kỳ mong rằng Hiệp định này sẽ mang lại một thời kỳ hoà giải với Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng như với tất cả các dân tộc ở Đông dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam dân chủ cộng hoà và toàn Đông dương.

Điều 22

Việc chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam và việc thực hiện triệt để Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi giữa Việt Nam dân chủ cộng hoà và Hoa kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đồng thời, những việc đó sẽ bảo đảm hoà bình vững chắc ở Việt Nam và góp phần giữ gìn hoà bình lâu dài ở Đông dương và Đông nam Á.

Chương 9

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN KHÁC

Điều 23

Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam sẽ có hiệu lực khi văn kiện này được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa kỳ ký và khi một văn kiện cùng nội dung được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa kỳ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam cộng hoà ký. Tất cả các bên có liên quan sẽ thi hành triệt để Hiệp định này và các Nghị định thư của Hiệp định.

Làm tại Pari ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh. Bản tiếng Việt Nam và bản tiếng Anh đều là những bản chính thức và có giá trị như nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO




Nguyễn Duy Trinh

THAY MẶT CHÍNH PHỦ HOA KỲ
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO





W. RÂU - GIƠ