HIỆP ĐỊNH
VỀ THỦ TỤC CẤP PHÉP NHẬP KHẨU
Các Thành viên,
Xét tới Đàm phán Thương mại Đa biên;
Mong muốn thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của GATT 1994;
Tính đến nhu cầu thương mại, phát triển và nhu cầu tài chính của các Thành viên đang phát triển;
Thừa nhận tính hữu ích của việc cấp phép nhập khẩu tự động vì những mục đích nhất định không được sử dụng việc cấp phép đó để hạn chế thương mại.
Thừa nhận rằng có thể sử dụng việc cấp phép nhập khẩu để thực hiện một số biện pháp chẳng hạn như những biện pháp được áp dụng theo với các quy định liên quan của GATT 1994;
Thừa nhận các quy định của GATT 1994 áp dụng đối với thủ tục cấp phép nhập khẩu;
Mong muốn đảm bảo rằng việc áp dụng thủ tục cấp phép nhập khẩu không trái với các nguyên tắc và nghĩa vụ trong GATT 1994;
Thừa nhận rằng việc áp dụng không hợp lý thủ tục cấp phép nhập khẩu có thể cản trở dòng chảy thương mại quốc tế;
Tin tưởng rằng việc cấp phép nhập khẩu, đặc biệt là việc cấp phép không tự động phải được thực hiện một cách minh bạch và có thể dự đoán trước được;
Thừa nhận rằng thủ tục cấp phép không tự động không được tạo ra gánh nặng hành chính quá mức thực sự cần thiết để thực thi các biện pháp liên quan;
Mong muốn đơn giản hoá, và làm minh bạch các thủ tục hành chính và thực tiễn áp dụng trong thương mại quốc tế, và để đảm bảo việc áp dụng, và quản lý các thủ tục và thực tiễn đó được bình đẳng và công bằng;
Mong muốn xây dựng một cơ chế tham vấn và giải pháp nhanh chóng, hiệu quả, công bằng cho các tranh chấp phát sinh từ Hiệp định này;
Dưới đây thoả thuận như sau:
Điều 1: Những quy định chung
1. Trong Hiệp định này, cấp phép nhập khẩu được hiểu là các thủ tục[1] hành chính được sử dụng để thực hiện chế độ cấp phép nhập khẩu, yêu cầu phải nộp đơn xin nhập khẩu hoặc các loại giấy tờ khác (không phải giấy tờ cần thiết cho các mục đích hải quan) cho cơ quan hành chính liên quan như là điều kiện đặt ra trước khi nhập khẩu hàng vào lãnh thổ hải quan của Thành viên nhập khẩu.
2. Các Thành viên đảm bảo rằng các thủ tục hành chính được áp dụng để thực hiện chế độ cấp phép nhập khẩu theo các quy định có liên quan của GATT 1994, kể cả các phụ lục, nghị định thư như được hiểu theo Hiệp định này nhằm ngăn chặn tình trạng bóp méo thương mại có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện không đúng các thủ tục đó, có tính đến mục đích phát triển kinh tế và nhu cầu tài chính, thương mại của các Thành viên đang phát triển[2].
3. Các quy định về thủ tục cấp phép nhập khẩu phải mang tính trung lập trong áp dụng và được thực hiện một cách bình đẳng và công bằng.
4. (a) Mọi quy định, thông tin liên quan đến thủ tục nộp đơn xin giấy phép nhập khẩu như điều kiện để người, công ty và tổ chức được quyền nộp đơn xin cấp phép, cơ quan hành chính cấp phép, danh mục hàng hoá phải xin phép nhập khẩu phải được công bố, đồng thời phải được thông báo cho Uỷ ban Cấp phép Nhập khẩu nói tại Điều 4 (trong Hiệp định này gọi là "Uỷ ban") với cách thức sao cho chính phủ[3] các nước và nhà kinh doanh có thể nắm bắt được. Nếu điều kiện cho phép, các Thành viên phải thông báo công khai các thông tin trên trong thời hạn 21 ngày trước khi các quy định, yêu cầu có hiệu lực, tuy nhiên trong mọi trường hợp không được muộn hơn ngày có hiệu lực. Tất cả các trường hợp ngoại lệ hoặc thay đổi quy định liên quan đến thủ tục cấp phép nhập khẩu hay danh mục các mặt hàng phải xin phép phải được công bố theo cách thức và trong cùng thời hạn nói trên. Các Thành viên phải gửi cho Ban Thư ký một bản sao tài liệu công bố trên.
(b) Các Thành viên muốn đưa ra nhận xét bằng văn bản đều có cơ hội để thảo luận về các nhận xét đó khi có yêu cầu. Thành viên liên quan phải xem xét cẩn trọng các nhận xét và kết quả thảo luận.
5. Mẫu đơn xin cấp phép nhập khẩu hoặc mẫu xin gia hạn giấy phép nhập khẩu, nếu có, phải càng đơn giản càng tốt. Khi nộp đơn xin phép nhập khẩu, có thể phải cung cấp một số tài liệu và thông tin được coi là tối cần thiết để thực hiện đúng chế độ cấp phép nhập khẩu.
6. Thủ tục nộp đơn và gia hạn giấy phép, nếu có, phải càng đơn giản càng tốt. Người nộp đơn được cho phép có một khoảng thời gian hợp lý để nộp đơn xin cấp phép nhập khẩu. Nếu có xác định ngày hết hạn nhận đơn, thì khoảng thời hạn nộp đơn phải tối thiểu là 21 ngày với quy định về việc gia hạn thời hạn này trong trường hợp khi chưa nhận đủ số đơn trong thời hạn này. Người làm đơn chỉ phải nộp đơn cho một cơ quan hành chính duy nhất. Trong trường hợp nhất thiết phải tiếp cận nhiều cơ quan hành chính, thì số cơ quan này không được quá 3 cơ quan.
7. Không được phép từ chối đơn xin cấp phép chỉ vì những lỗi nhỏ về tài liệu mà không làm thay đổi những số liệu cơ bản thể hiện trên tài liệu đó. Trong trường hợp có sai sót hoặc nhầm lẫn trong tài liệu hoặc thủ tục, thì hình phạt không được nặng hơn mức cần thiết để cảnh cáo nếu những sai sót hoặc nhầm lẫn này không nhằm mục đích gian lận hoặc do quá cẩu thả.
8. Không được từ chối hàng nhập khẩu đã được cấp phép chỉ vì có sự khác biệt nhỏ về giá trị, số lượng hay trọng lượng so với con số ghi trên giấy phép do sự chênh lệch phát sinh trong quá trình giao hàng, do tính chất của việc bốc hàng dời và những khác biệt nhỏ khác phù hợp với thực tiễn thương mại bình thường.
9. Người có giấy phép có quyền tiếp cận nguồn ngoại hối cần thiết để thanh toán hàng nhập khẩu cấp phép theo cùng điều kiện giống như đối với các nhà nhập khẩu hàng không cần giấy phép.
10. Các quy định của Điều XXI của GATT 1994 sẽ được áp dụng đối với các ngoại lệ vì lý do an ninh;
11. Những quy định trong Hiệp định này không yêu cầu các Thành viên phải tiết lộ thông tin bí mật ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật hoặc những thông tin trái ngược với lợi ích công cộng hoặc làm tổn hại đến lợi ích thương mại chính đáng của những doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân cụ thể.
Điều 2: Cấp phép Nhập khẩu Tự động[4]
1. Cấp phép nhập khẩu tự động là việc cấp phép mà mọi đơn xin cấp phép đều được phê chuẩn, và phù hợp với yêu cầu của 2(a);
2. Ngoài các quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều 2 và quy định tại khoản 1 của Điều này, các quy định sau[5] đây được áp dụng đối với việc cấp phép tự động:
(a) Thủ tục cấp phép nhập khẩu tự động sẽ không được tiến hành theo cách thức có tính chất hạn chế đối với những hàng nhập khẩu thuộc diện cấp phép tự động. Thủ tục cấp phép nhập khẩu tự động được coi là không có tác động hạn chế thương mại nếu:
(i) Tất cả những người, cơ quan hoặc tổ chức đáp ứng đầy đủ yêu cầu pháp lý của Thành viên nhập khẩu về việc tham gia hoạt động nhập khẩu mặt hàng thuộc diện cấp phép tự động đều có quyền nộp đơn xin cấp phép và được quyền nhận giấy phép;
(ii) Có thể nộp đơn xin cấp phép vào bất kỳ ngày làm việc nào trước khi làm thủ tục thông quan cho hàng hoá;
(iii) Đơn xin cấp phép hợp lệ và đầy đủ theo mẫu được thông qua ngay khi thụ lý nếu như điều kiện hành chính cho phép, nhưng tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý.
(b) Các Thành viên công nhận rằng cấp phép nhập khẩu tự động là cần thiết khi không có thủ tục khác tương ứng. Cấp phép nhập khẩu tự động có thể được duy trì cho đến khi ban hành thủ tục tương ứng hoặc khi không có cách nào khác phù hợp hơn để đạt được mục tiêu hành chính dự định.
Điều 3: Cấp phép nhập khẩu không tự động
1. Ngoài các quy định từ khoản 1 đến khoản 11 của Điều 1, các quy định sau đây được áp dụng đối với thủ tục cấp phép nhập khâủ không tự động. Thủ tục cấp phép nhập khẩu không tự động là việc cấp phép không nằm trong định nghĩa nói tại khoản 1 của Điều 2.
2. Ngoài những hạn chế áp dụng đối với hàng nhập khẩu, cấp phép không tự động không được tạo thêm nên những tác động hạn chế hoặc cản trở thương mại. Các thủ tục cấp phép không tự động phải tương ứng với phạm vi và thời hạn áp dụng biện pháp mà các thủ tục đó được sử dụng để thực hiện và không được tạo thêm gánh nặng hành chính quá mức thực sự cần thiết để thực hiện biện pháp đó.
3. Trong trường hợp yêu cầu cấp phép không phải vì mục đích hạn chế số lượng, Thành viên phải công bố thông tin đầy đủ để các Thành viên khác và các nhà kinh doanh được biết cơ sở cấp hay phân bổ giấy phép.
4. Nếu như Thành viên dành cho người, công ty hay tổ chức có cơ hội yêu cầu được hưởng ngoại lệ hay miễn tuân thủ yêu cầu cấp phép, thì Thành viên cũng đưa ra thông tin được công bố theo khoản 4 của Điều 1 và nêu rõ làm thế nào để có thể đưa ra yêu cầu và với mức độ có thể chỉ rõ trong trường hợp nào thì yêu cầu sẽ được xem xét.
5. (a) Theo yêu cầu của bất kỳThành viên nào quan tâm tới thương mại một sản phẩm, Thành viên sẽ cung cấp tất cả các thông tin liên quan về:
(i) các hạn chế và cơ chế quản lý;
(ii) giấy phép nhập khẩu được cấp trong thời gian gần đây;
(iii) phân bổ giấy phép giữa các nước cung ứng;
(iv) số liệu thống kê nhập khẩu (ví dụ trị giá, số lượng...) về sản phẩm phải cấp phép nhập khẩu, khi có điều kiện. Các Thành viên đang phát triển không phải chịu thêm nghĩa vụ hành chính và tài chính trong công việc này.
(b) Các Thành viên sử dụng giấy phép để quản lý hạn ngạch phải công bố tổng số lượng hoặc tổng giá trị hạn ngạch, ngày bắt đầu và kết thúc của hạn ngạch, những thay đổi liên quan trong thời hạn quy định tại khoản 4 của Điều 1 và với sao cho các chính phủ và các nhà kinh doanh có thể nắm được những quy định này;
(c) Trong trường hợp hạn ngạch được phân bổ giữa các nước cung cấp, Thành viên áp dụng hạn chế phải thông báo kịp thời cho tất cả các Thành viên có quyền lợi trong việc cung cấp mặt hàng đó về tỷ lệ hạn ngạch hiện được phân bổ cho các nước cung cấp khác nhau, theo giá trị hoặc theo số lượng, đồng thời cũng công bố thông tin này trong thời hạn quy định tại khoản 4 của Điều 1 và sao cho các chính phủ và các nhà kinh doanh nắm được quy định này;
(d) Trong trường hợp cần ấn định ngày mở hạn ngạch sớm hơn, những thông tin nêu tại khoản 4 của Điều 1 cũng cần phải được công bố trong thời hạn quy định tại khoản 4 của Điều 1 và sao cho các chính phủ và các nhà kinh doanh nắm được quy định này;
(e) Tất cả những người, công ty hoặc tổ chức đáp ứng đầy đủ yêu cầu pháp lý và hành chính củaThành viên nhập khẩu đều có quyền ngang nhau trong việc nộp đơn xin cấp và được xem xét để cấp phép. Nếu đơn xin cấp giấy phép không được chấp nhận, thì theo yêu cầu của người nộp đơn, cơ quan chức năng phải thông báo lý do không chấp nhận và người nộp đơn được quyền khiếu kiện và yêu cầu xem xét lại theo pháp luật và thủ tục trong nước củaThành viên nhập khẩu.
(f) Trừ trường hợp không thể vì những lý do phát sinh ngoài sự kiểm soát của Thành viên, thời gian xem xét đơn xin cấp phép không được vượt quá 30 ngày, nếu đơn được xem xét ngay khi nhận được, có nghĩa là theo nguyên tắc đơn nộp trước sẽ được xét trước, và không quá 60 ngày nếu xét tất cả các đơn cùng một lúc. Trong trường hợp hợp xét tất cả các đơn đồng thời, thời gian xét đơn được tính từ ngày ngay sau ngày hết hạn nộp đơn đã thông báo;
(g) Thời hạn hiệu lực của giấy phép phải hợp lý, không được quá ngắn để ngăn chặn nhập khẩu; Thời hạn hiệu lực của giấy phép không được ngăn chặn hàng nhập khẩu từ nơi xa, trừ trường hợp đặc biệt khi hàng nhập khẩu là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn không lường trước được;
(h) Khi quản lý hạn ngạch, các Thành viên không được ngăn cản việc nhập khẩu đang được tiến hành theo giấy phép đã được cấp, và không được hạn chế việc sử dụng hết hạn ngạch;
(i) Khi cấp giấy phép, các Thành viên cần tính đến mức độ cần thiết của việc cấp giấy phép cho các sản phẩm theo số lượng kinh tế nhất.
(j) Khi phân bổ giấy phép, các Thành viên cần xem xét tình hình nhập khẩu của người nộp đơn. Về phương diện này cần phải xét xem liệu giấy phép cấp cho người nộp đơn trong quá khứ có được sử dụng hết trong một khoảng thời gian có tính chất tiêu biểu gần đây hay không. Trong trường hợp người nộp đơn đã không sử dụng hết giấy phép đã được cấp, Thành viên phải tìm hiểu lý do tại sao và cân nhắc tới những lý do này khi phân bổ giấy phép mới. Ngoài ra cần phải cân nhắc để đảm bảo việc phân bổ một cách hợp lý giấy phép cho các nhà nhập khẩu mới và có tính đến mức độ cần thiết của việc cấp giấy phép theo số lượng cho các sản phẩm theo số lượng kinh tế nhất về việc này cần đặc biệt quan tâm đến nhà nhập khẩu mua hàng có xuất xứ từ các Thành viên đang phát triển nhất là từ các nước kém phát triển.
(k) Trong trường hợp hạn ngạch được quản lý bằng giấy phép không được phân bổ giữa các nước cung ứng, người được cấp phép[6] có toàn quyền chọn nguồn nhập khẩu. Trong trường hợp phân bổ hạn ngạch giữa các nước cung cấp, trong giấy phép phải quy định rõ tên (các) nước;
(l) Khi áp dụng khoản 8 của Điều 1, nếu lượng nhập khẩu vượt quá mức được cấp phép, thì có thể sẽ điều chỉnh mức phân bổ giấy phép trong tương lai để bù lại lượng nhập quá phép.
Điều 4: Thể chế
Thành lập Uỷ ban về Cấp phép Nhập khẩu, bao gồm đại diện của các Thành viên. Uỷ ban sẽ bầu ra Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Uỷ ban và sẽ họp khi nào thấy cần thiết để các Thành viên có cơ hội trao đổi, tham vấn với nhau về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Hiệp định này và việc xúc tiến thực hiện mục tiêu của Hiệp định.
Điều 5: Thông báo
1. Khi ban hành hoặc thay đổi thủ tục cấp phép, các Thành viên phải thông báo cho Uỷ ban trong vòng 60 ngày kể từ ngày công bố việc ban hành hoặc thay đổi đó.
2. Thông báo ban hành thủ tục cấp phép cần phải bao gồm những thông tin sau:
(a) danh mục hàng hoá phải làm thủ tục cấp phép;
(b) cơ quan liên lạc để cung cấp thông tin về điều kiện được quyền làm đơn xin phép nhập khẩu;
(c) cơ quan hành chính thụ lý đơn xin nhập khẩu;
(d) ngày và tên của ấn bản công bố thủ tục cấp phép;
(e) nêu rõ thủ tục cấp phép là tự động hay không tự động theo định nghĩa tại Điều 2 và 3;
(f) mục đích hành chính của việc cấp phép đối với trường hợp thủ tục cấp phép tự động;
(g) nêu rõ biện pháp đang được thực hiện thông qua việc cấp phép đối với trường hợp thủ tục cấp phép không tự động;
(h) thời hạn dự kiến của thủ tục cấp phép, nếu thời hạn này là có thể dự đoán được với một xác xuất nào đó, nếu không phải nêu rõ lý do tại sao không thể cung cấp được thông tin này.
3. Thông báo thay đổi thủ tục cấp phép nhập khẩu cũng phải nêu rõ những yếu tố trên nếu chúng bị thay đổi.
4. Các Thành viên sẽ thông báo cho Uỷ ban các văn bản công bố những thông tin yêu cầu tại khoản 4 của Điều 1.
5. Khi một Thành viên cho rằng một Thành viên khác không thông báo việc ban hành hay thay đổi thủ tục cấp phép theo quy định từ khoản 1 đến khoản 3, có thể lưu ý Thành viên đó về việc thông báo. Nếu thông báo không được đưa ra kịp thời ngay sau đó, Thành viên quan tâm có thể tự mình thông báo thủ tục cấp phép hay những thay đổi trong thủ tục này kể cả mọi thông tin liên quan mà nước này có.
Điều 6: Tham vấn và Giải quyết Tranh chấp
Tham vấn và giải quyết tranh chấp về bất cứ vấn đề nào tác động đến hoạt động của Hiệp định này phải tuân theo quy định tại Điều XXII và XXIII của GATT 1994, được giải thích và áp dụng theo Bản Diễn giải về Giải quyết Tranh chấp.
Điều 7: Rà soát
1. Uỷ ban kiểm điểm lại việc thực hiện và hoạt động của Hiệp định này khi thấy cần thiết nhưng tối thiểu hai năm một lần, có xem xét đến mục tiêu cũng như quyền lợi và nghĩa vụ ghi trong Hiệp định.
2. Để làm cơ sở cho việc kiểm điểm Ban Thư ký sẽ chuẩn bị một bản báo cáo tình hình thực tế trên cơ sở những thông tin được cung cấp theo Điều 5, các câu trả lời phiếu điều tra về thủ tục cấp phép nhập khẩu7 và những thông tin tin cậy liên quan khác mà Ban Thư ký có được. Bản báo cáo phải nêu tóm tắt những thông tin nêu trên, đặc biệt là phải chỉ rõ những thay đổi và những diễn biến mới trong khoảng thời gian giữa hai lần kiểm điểm và tất cả những thông tin khác được Uỷ ban thoả thuận.
3. Các Thành viên cam kết hoàn thành phiếu điều tra hàng năm về thủ tục cấp phép nhập khẩu đúng hạn và đầy đủ.
4. Uỷ ban sẽ thông báo cho Hội đồng Thương mại Hàng hoá về những diễn biến mới trong khoảng thời gian giữa các kỳ kiểm điểm.
Điều 8: Những quy định cuối cùng
Bảo lưu
1. Các Thành viên không được bảo lưu bất kỳ quy định nào của Hiệp định này nếu không có sự đồng ý của các Thành viên khác.
Luật pháp trong nước
2. (a) Mỗi Thành viên sẽ đảm bảo các đạo luật, văn bản dưới luật, thủ tục hành chính trong nước phù hợp với quy định của Hiệp định này muộn nhất là ngày hiệp định WTO có hiệu lực.
(b) Mỗi Thành viên phải thông báo cho Uỷ ban những thay đổi trong các đạo luật, văn bản dưới luật liên quan đến Hiệp định để đảm bảo phù hợp với luật pháp trong nước và quy định này.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
[1] Thủ tục này là "việc cấp phép" và các thủ tục hành chính tương tự khác.
[2] Không có quy định nào trong Hiệp định này hàm ý là phải bị chất vấn theo quy định của Hiệp định này cơ sở áp dụng, phạm vi và thời hạn áp dụng các biện pháp thông qua thủ tục cấp phép.
[3] Để thực hiện Hiệp định này, thuật ngữ "chính phủ" được hiểu là bao gồm cơ quan có thẩm quyền của Cộng đồng Châu Âu.
[4] Thủ tục cấp phép nhập khẩu đòi hỏi có sự đảm bảo mà không gây cản trở cho thương mại cũng được coi là nằm trong phạm vi điều chỉnh của khoản 1 và 2.
[5] Đối với những Thành viên đang phát triển không tham gia Hiệp định Thủ tục cấp phép Nhập khẩu ký ngày 12 tháng 4 năm 1979, nếu có khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu trong điểm (a)(ii) và (a)(iii), thông báo cho Uỷ ban, có thể trì hoãn việc thực hiện các điểm này trong vòng 2 năm kể từ ngày Hiệp định WTO có hiệu lực đối với các nước này.
[6] Đôi khi gọi là "người được cấp hạn ngạch".