GIỮA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HOÀ ITALIA KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Italia (sau đây được gọi chung là các Quốc gia ký kết và được gọi riêng là Bên ký kết và Quốc gia ký kết);
Mong muốn tạo những điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác kinh tế phát triển hơn nữa giữa các Quốc gia ký kết và đặc biệt liên quan đến những khoản đầu tư của các nhà đầu tư của một Quốc gia ký kết trên lãnh thổ và trong các vùng biển của Quốc gia ký kết kia;
Nhận thức rằng việc khuyến khích và bảo vệ lẫn nhau những đầu tư đó, trên cơ sở các hiệp định quốc tế, sẽ góp phần thúc đẩy sáng kiến của các nhà doanh nghiệp và tăng thêm thịnh vượng của hai Quốc gia ký kết.
Cùng thoả thuận như sau:
Theo nghĩa của Hiệp định này:
1. Thuật ngữ đầu tư bao gồm tất cả các loại tài sản do một thể nhân hoặc pháp nhân, kể cả Chính phủ của một Quốc gia ký kết, đầu tư trên lãnh thổ và trong các vùng biển của Quốc gia ký kết kia phù hợp với pháp luật và các quy định của Quốc gia đó trước hoặc sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Không hạn chế tính khái quát nêu trên của nó, thuật ngữ đầu tư bao gồm:
a. Các động sản và bất động sản, cũng như mọi quyền sở hữu thực tế như quyền cầm cố, quyền ưu đãi, quyền thế chấp, quyền thu hoa lợi và các quyền tương tự;
b. Các cổ phần, cổ phiếu và trái phiếu của công ty hoặc các quyền hoặc lợi tức khác trong các công ty này và các phiếu công trái;
c. Các quyền đối với các khoản tiền hoặc đối với mọi hoạt động khác có giá trị kinh tế liên quan đến một khoản đầu tư;
d. Các quyền tác giả, các nhãn hiệu chế tạo, bằng sáng chế, dự án công nghiệp và các quyền khác về sở hữu công nghiệp, bí quyết, bí mật thương mại, tên thương mại và khách hàng;
e. Mọi quyền do pháp luật hoặc do hợp đồng mà có và mọi li-xăng và mọi chuyển nhượng khác phù hợp với pháp luật, kể cả quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
2. Thuật ngữ nhà đầu tư gồm mọi thể nhân hoặc pháp nhân, kể cả Chính phủ của một Quốc gia ký kết, thực hiện những khoản đầu tư trên lãnh thổ và trong các vùng biển của Quốc gia ký kết kia.
3. Thuật ngữ thể nhân, tuỳ theo mỗi Quốc gia ký kết, gồm thể nhân có quốc tịch của Quốc gia liên quan, phù hợp với pháp luật của Quốc gia đó.
4. Thuật ngữ pháp nhân, tuỳ theo mỗi Quốc gia ký kết, gồm mọi thực thể có trụ sở phù hợp với pháp luật của mỗi Quốc gia ký kết và được pháp luật của Quốc gia đó công nhận là pháp nhân như các cơ quan công cộng, các công ty, cơ quan chính quyền, các tổ chức, các hội tư nhân, các ngành công nghiệp, các thiết chế và tổ chức, không phụ thuộc vào trách nhiệm của các tổ chức này có bị hạn chế hay không.
5. Thuật ngữ thu nhập bao gồm các khoản tiền thu được do đầu tư, đặc biệt bao gồm nhưng không hạn chế: lợi nhuận, tiền lãi, lợi tức từ vốn, lợi tức cổ phần, các quyền khai thác, quyền tác giả hoặc tiền thù lao.
6. Thuật ngữ các vùng biển bao gồm các vùng biển và đáy biển, ở đó các Quốc gia ký kết thực thi chủ quyền, các quyền chủ quyền và/hoặc quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Điều 2: Khuyến khích và bảo hộ đầu tư
1 Mỗi Quốc gia ký kết sẽ khuyến khích các nhà đầu tư của Quốc gia ký kết kia thực hiện những khoản đầu tư trên lãnh thổ và trong các vùng biển của mình, và khi thực thi các quyền do pháp luật của mình quy định, sẽ cho phép những khoản đầu tư đó.
2. Mỗi Quốc gia ký kết sẽ luôn đảm bảo đối xử thích đáng và công minh đối với những khoản đầu tư của các nhà đầu tư của Quốc gia ký kết kia. Mỗi Quốc gia ký kết sẽ đảm bảo rằng các nhà đầu tư của Quốc gia ký kết kia được quản lý, bảo tồn, sử dụng, thụ hưởng hoặc sử dụng những khoản đầu tư trên lãnh thổ và trong các vùng biển của mình mà không bị áp dụng các biện pháp vô căn cứ hoặc phân biệt đối xử dưới bất cứ hình thức nào.
3. Nếu cần thiết, các Quốc gia ký kết sẽ thường kỳ tiến hành bàn bạc về khả năng đầu tư trên lãnh thổ và trong các vùng biển của hai Quốc gia ký kết vào các khu vực kinh tế khác nhau, để xác lập những khu vực nào hoặc những khoản đầu tư loại nào của một Quốc gia ký kết trên Quốc gia kia có thể là có lợi hơn cho hai Quốc gia ký kết.
Điều 3: Điều khoản tối huệ quốc
1 Mỗi Quốc gia ký kết, trong phạm vi lãnh thổ và các vùng biển của mình, sẽ dành cho các khoản đầu tư và các thu nhập của các nhà đầu tư của Quốc gia ký kết kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các khoản đầu tư và các thu nhập của các nhà đầu tư của Quốc gia được ưu đãi nhất.
2. Mỗi Quốc gia ký kết, trong phạm vi lãnh thổ và các vùng biển của mình, sẽ dành cho các nhà đầu tư của Quốc gia ký kết kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho các nhà đầu tư của Quốc gia được đối xử ưu đãi nhất, trong việc quản lý, bảo tồn, sử dụng, thụ hưởng hoặc sử dụng những khoản đầu tư của mình và các hoạt động gắn liền với các khoản đầu tư này.
3. Sự đối xử như trên sẽ không được hai Quốc gia ký kết này áp dụng cho các khoản lợi tức của các nhà đầu tư của một nước thứ ba do Quốc gia ký kết này tham gia một liên minh thuế quan, một thị trường chung, một vùng trao đổi tự do, một hội đồng tương trợ kinh tế, một hiệp định cấp vùng hoặc tiểu vùng, một hiệp định kinh tế quốc tế hoặc do một hiệp định đã được ký kết giữa Quốc gia ký kết này và một nước thứ ba, nhằm tránh đánh thuế hai lần hoặc để tạo thuận lợi cho mậu dịch biên giới.
Điều 4: Việc bồi thường thiệt hại hoặc tổn thất
1 Trong trường hợp các khoản đầu tư do các nhà đầu tư của hai Quốc gia ký kết này thực hiện bị tổn thất do chiến tranh, hoặc các xung đột vũ trang hoặc tình trạng khẩn cấp hoặc các sự kiện tương tự trên lãnh thổ và trong các vùng biển của Quốc gia ký kết kia, các nhà đầu tư sẽ được bồi thường thiệt hại đúng mức và thích đáng đối với tổn thất. Các khoản tiền đền bù sẽ được tự do chuyển dịch không bị chậm trễ quá đáng.
2. Liên quan đến các vấn đề được trù liệu trong điều khoản này của Hiệp định, các nhà đầu tư của hai Quốc gia ký kết sẽ cùng được hưởng sự đãi ngộ dành cho công dân của Quốc gia ký kết hoặc, trong mọi trường hợp, không kém thuận lợi hơn sự đãi ngộ dành cho các nhà đầu tư của nước thứ ba.
Điều 5: Quốc hữu hoá hoặc trưng dụng
1.(I) Các khoản đầu tư của hai Quốc gia ký kết hoặc của một trong số thể nhân hoặc pháp nhân của họ không phải chịu bất cứ một biện pháp thường xuyên hay tạm thời nào hạn chế quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền kiểm soát hoặc quyền thụ hưởng các khoản đầu tư này, ngoại trừ các quy định đặc biệt của pháp luật hiện hành và quyết định của Toà án có thẩm quyền.
(II) Các khoản đầu tư của hai Quốc gia ký kết hoặc của một trong số các thể nhân hoặc pháp nhân của họ sẽ không bị quốc hữu hoá trực tiếp hoặc gián tiếp, không bị trưng dụng hoặc không bị áp dụng các biện pháp có tác dụng tương đương việc quốc hữu hoá hoặc trưng dụng trên lãnh thổ và trong các vùng biển của hai Quốc gia ký kết, ngoại trừ vì mục đích công cộng phục vụ lợi ích quốc gia, thì sẽ được hưởng sự đền bù ngay lập tức, đúng mức và thích đáng và với điều kiện các biện pháp đó được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử và phù hợp với thủ tục pháp lý thông thường.
(III) Tiền đền bù sẽ được tính trên cơ sở giá trị thực tế của việc đầu tư trên thị trường ngay trước khi quyết định quốc hữu hoá hoặc trưng dụng được thông báo hoặc công bố và sẽ được xác định phù hợp với các nguyên tắc định giá được chấp nhận như nguyên tắc giá trị thị trường. Nếu giá trị thị trường không thể được kiểm định nhanh chóng, tiền bồi thường sẽ được xác định trên cơ sở các nguyên tắc công minh, có tính đến các khoản khác gồm vốn đầu tư, sự phá giá tiền tệ, vốn đã chuyển về nước, giá trị thay thế, khách hàng quen hoặc những yếu tố thích đáng khác.
Tiền đền bù sẽ gồm tiền lãi tương đương với tỷ giá tiền lãi Libor trong 6 tháng đó, kể từ ngày quốc hữu hoá hoặc trưng dụng cho đến ngày trả tiền. Trường hợp không có thoả thuận giữa các nhà đầu tư và nước chủ nhà, tiền đền bù sẽ được xác định theo các thủ tục kết toán được quy định ở Điều 8 của Hiệp định này. Một khi được xác định rõ, tiền đền bù sẽ được thanh toán nhanh chóng và sẽ có thể được chuyển về nước.
(IV) Nếu một Quốc gia ký kết quốc hữu hoá hoặc trưng dụng khoản đầu tư của một thể nhân được phép hoặc có trụ sở trên lãnh thổ và trong các vùng biển phù hợp với luật hiện hành, trong khoản đầu tư này Quốc gia ký kết kia hoặc một trong các thể nhân hoặc pháp nhân của mình có các cổ phần, chứng khoán, trái phiếu, hoặc các quyền hoặc các lợi tức khác, Quốc gia ký kết đó sẽ đảm bảo đền bù nhanh chóng, thích đáng và công bằng, khoản tiền đền bù này có thể được chuyển về nước. Tiền bồi thường này sẽ được xác định dựa trên các nguyên tắc định giá được chấp nhận như giá trị các cổ phần trên thị trường ngay trước khi quyết định quốc hữu hoá hoặc trưng dụng được thông báo hoặc công bố. Tiền bồi thường sẽ gồm tỷ lệ tiền lãi tương đương tỷ lệ tiền lãi Libor trong sáu tháng đó, tính từ ngày quốc hữu hoá hoặc trưng dụng cho tôi ngày trả tiền.
2. Các quy định của Đoạn 1 trong Điều khoản này cũng sẽ được áp dụng đối với các lợi tức hiện hành do một khoản đầu tư mang lại cũng như đối với các lợi tức trong trường hợp thanh lý đầu tư.
Điều 6: Chuyển vốn và lợi tức về nước
1. Không được chậm trễ vì lý do không xác đáng và sau khi đã thực hiện mọi nghĩa vụ về thuế, mỗi Quốc gia ký kết đảm bảo việc chuyển dịch bằng một ngoại tệ được chuyển đổi những khoản sau:
a. Các lợi tức dòng, lợi tức cổ phần, tiền bản quyền tác giả, các chi tiêu cho việc trợ giúp và dịch vụ kỹ thuật, tiền lãi hoặc các lợi nhuận hiện hành khác, đến kỳ hạn của từng khoản đầu tư của một nhà đầu tư thuộc Quốc gia ký kết kia;
b. Các khoản tiền từ việc bán toàn bộ hoặc một phần hoặc thanh lý toàn bộ hoặc một phần từng khoản đầu tư của một nhà đầu tư thuộc Quốc gia ký kết;
c. Vốn hoàn trả các khoản vay;
d. Tiền thù lao mà các công dân của Quốc gia ký kết kia nhận được do lao động và làm những dịch vụ liên quan đến một khoản đầu tư trên lãnh thổ và trong các vùng biển, phù hợp với pháp luật và các quy định của Quốc gia ký kết này.
2. Không hạn chế tính khái quát của Điều 3 Hiệp định này, các Quốc gia ký kết cam kết dành cho mọi việc chuyển dịch nói đến tại đoạn 1 của Điều khoản này sự đối xử cũng thuận lợi như mọi việc chuyển dịch do các khoản đầu tư của một nước thứ ba.
Nếu một Quốc gia ký kết dành sự bảo đảm cho các rủi ro phi thương mại đối với một khoản đầu tư do các nhà đầu tư của mình thực hiện trên lãnh thổ và trong các vùng biển của Quốc gia ký kết kia và thực hiện việc trả tiền bảo đảm cho các nhà đầu tư này thì Quốc gia ký kết kia phải công nhận sự chuyển giao quyền của các nhà đầu tư này cho Quốc gia ký kết này và việc thế quyền của Quốc gia này không vượt quá các quyền ban đầu của các nhà đầu tư. Về việc Quốc gia ký kết chuyển tiền bảo đảm trên cơ sở sự thế quyền đó, các Điều 4, 5 và 6 sẽ lần lượt được áp dụng.
Điều 8: Các thể thức chuyển khoản
Mọi việc chuyển khoản được đề cập trong các Điều 4, 5, 6 và 7 sẽ được thực hiện không chậm trễ và trong thời hạn sáu tháng sau khi thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính. Các chuyển khoản đó sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ chuyển đổi theo tỷ giá hối đoái áp dụng trên thị trường chính thức vào ngày chuyển.
Điều 9.:Giải quyết tranh chấp về đầu tư
1. Tất cả các tranh chấp hoặc bất đồng, kể cả bất đồng liên quan đến số tiền bồi thường trong trường hợp trưng dụng, quốc hữu hoá hoặc các biện pháp tương tự, giữa Quốc gia ký kết này và nhà đầu tư của Quốc gia ký kết kia và liên quan đến một khoản đầu tư của nhà đầu tư đó trên lãnh thổ và trong các vùng biển của Quốc gia ký kết này, phải được giải quyết, trong chừng mực có thể, thông qua hoà giải.
2. Nếu các tranh chấp này hoặc các cuộc tranh luận không được giải quyết phù hợp với các quy định của khoản 1 Điều này, thì trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày yêu cầu giải quyết tranh chấp, nhà đầu tư liên quan có thể đưa tranh chấp:
a. Ra toà án có thẩm quyền của Quốc gia ký kết để toà ra quyết định;
hoặc
b. Toà có thể tiến hành các thủ tục hoà giải hoặc trọng tài phù hợp với các Quy tắc về Trọng tài của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế được thông qua năm 1976;
hoặc
c. Toà có thể tiến hành các thủ tục hoà giải hoặc trọng tài do Công ước Oasinhtơn ngày 18 tháng 3 tư năm 1965 quy định nếu và từ thời điểm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành bên ký kết của Công ước này.
3. Hai Quốc gia ký kết sẽ không giải quyết thông qua con đường ngoại giao mọi vấn đề liên quan đến trọng tài cho tới khi các thủ tục này đã kết thúc và một Quốc gia ký kết đã tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài.
Điều 10: Giải quyết tranh chấp giữa các Quốc gia ký kết
1. Các tranh chấp giữa hai Quốc gia ký kết về việc giải thích và thực hiện Hiệp định này, trong khả năng có thể, phải được giải quyết bằng hoà giải nhờ sự tham khảo ý kiến giữa hai Quốc gia ký kết thông qua con đường ngoại giao.
2. Nếu các tranh chấp này không thể giải quyết được trong thời hạn ba tháng kể từ ngày một trong hai Quốc gia ký kết thông báo cho Quốc gia ký kết kia bằng vản bản, thì những tranh chấp này sẽ được đưa ra Toà trọng tài Ad hoc phù hợp với các quy định của điều khoản này, theo yêu cầu của một trong hai Quốc gia.
3. Toà trọng tài sẽ được cơ cấu theo cách sau. Mỗi Quốc gia ký kết sẽ đề cử một thành viên của Toà trong thời hạn hai tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu giải quyết bằng trọng tài. Tiếp sau đó, hai thành viên này sẽ lựa chọn một công dân của Quốc gia thứ ba, người này sẽ hành động với tư cách Chủ tịch (sau đây được gọi là Chủ tịch).
Chủ tịch sẽ được chỉ định trong thời hạn ba tháng kể từ ngày hai thành viên khác được chỉ định.
4. Nếu trong các thời hạn được quy định trong khoản 3 của Điều này, một trong hai bên chưa chỉ định trọng tài của mình hoặc nếu hai trọng tài không nhất trí chọn được Chủ tịch Toà trọng tài, họ có thể yêu cầu Chủ tịch Toà án quốc tế chỉ định.
Nếu Chủ tịch Toà án quốc tế là công dân của một trong hai Quốc gia ký kết, hoặc nếu ông ta không thể đảm nhiệm được chức năng này, Phó Chủ tịch Toà án quốc tế sẽ được mời chỉ định. Nếu Phó Chủ tịch cũng là công dân của một trong hai Quốc gia ký kết hoặc không thể thực hiện được chức năng này, thì thành viên của Toà án quốc tế theo thứ bậc thâm niên, và không phải là công dân của một trong hai Quốc gia ký kết, sẽ được mời để chỉ định Chủ tịch Toà trọng tài.
5. Toà trọng tài sẽ ra quyết định theo đa số phiếu. Các quyết định của Toà trọng tài có tính ràng buộc. Mỗi Quốc gia ký kết sẽ chịu chi phí cho trọng tài của nước mình và các chi phí liên quan đến việc xin ý kiến tư vấn của trọng tài trong suốt quá trình diễn ra thủ tục trọng tài. Các chi phí cho vị Chủ tịch và các phí tổn khác sẽ được hai Quốc gia ký kết chia sẻ ngang bằng nhau. Toà trọng tài sẽ thiết lập các thủ tục của riêng mình.
Điều 11: Quan hệ giữa các Quốc gia ký kết
Các quy định trong Hiệp định này sẽ được áp dụng độc lập không phụ thuộc vào việc có hoặc không có các quan hệ ngoại giao hoặc lãnh sự giữa hai Quốc gia ký kết.
Điều 12.:Áp đụng các quy phạm pháp luật khác
1. Nếu một lập luận vừa được quy định trong Hiệp định này vừa được quy định trong một hiệp định quốc tế khác mà hai Quốc gia ký kết đã tham gia, hoặc do luật pháp quốc tế quy định, Hiệp định này không ngăn cấm một trong hai Quốc gia ký kết hoặc một trong các thể nhân hoặc pháp nhân của mình đã thực hiện đầu tư trên lãnh thổ hoặc trong các vùng biển của Quốc gia ký kết kia được hưởng các quy phạm pháp luật thuận lợi hơn cho trường hợp của mình.
2. Trong trường hợp chế độ đãi ngộ do một Quốc gia ký kết quy định đối với các nhà đầu tư của một Quốc gia ký kết kia, phù hợp với pháp luật, các quy định của mình, hoặc với các quy định hoặc các hợp đồng đặc biệt khác, mà thuận lợi hơn chế độ đãi ngộ của Hiệp định này, thì chế độ đãi ngộ thuận lợi nhất sẽ được áp dụng.
Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày cuối cùng mà một trong hai Quốc gia ký kết thông báo cho Quốc gia ký kết kia việc thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực.
1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong thời hạn 20 năm và sẽ được gia hạn thêm một thời hạn hoặc nhiều thời hạn tương đương, trừ khi một trong hai Quốc gia ký kết huỷ bỏ Hiệp định này bằng văn bản một năm trước khi hết hạn.
2. Đối với các khoản đầu tư thực hiện trước ngày hết hạn của Hiệp định này, các quy định của các Điều từ 1 đến 12 sẽ vẫn còn hiệu lực trong một thời hạn bổ sung 15 năm, kể từ ngày hết hạn của Hiệp định này.
Để làm bằng, những người được Chính phủ của các Quốc gia ký kết uỷ quyền hợp pháp đã ký vào Hiệp định này.
Làm tại Rôma, ngày 18 tháng 5 năm 1990, bằng tiếng Pháp.
Khi ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Italia về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, những người có toàn quyền ký tên dưới đây thoả thuận rằng các quy định sau đây phải được coi như bộ phận gắn liền của Hiệp định này.
Đối với các trường hợp đặc biệt vượt quá phạm vi của Hiệp định này, hai Bên thoả thuận sẽ tiến hành những cuộc tham khảo ý kiến lẫn nhau trong trường hợp các lợi ích lớn của các nhà đầu tư của một trong hai Quốc gia ký kết có thể mở ra cơ hội áp dụng các nguyên tác hoặc các quy định của Hiệp định này.
1. Liên quan đến Điều 3:
a. Tất cả các hoạt động liên quan đến việc mua, bán và vận chuyển nguyên liệu và phụ liệu, năng lượng, chất đốt và các phương tiện sản xuất, cũng như tất cả mọi hoạt động hưởng sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà hai nước ký kết dành cho các hoạt động liên quan đến đầu tư của các nhà đầu tư của Quốc gia được ưu đãi nhất. Sẽ không có bất cứ sự cản trở nào đối với việc tiến hành các hoạt động bình thường này, với điều kiện các hoạt động này phải phù hợp với pháp luật và các quy định của nước chủ nhà và tôn trọng các quy định trong Hiệp định này.
b. Các công dân được phép làm việc trên lãnh thổ và trong các vùng biển của một trong hai Quốc gia ký kết được hưởng sự ủng hộ thích đáng cho việc tiến hành các hoạt động nghề nghiệp của họ.
c. Các Quốc gia ký kết, theo pháp luật quốc gia mình, sẽ tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực nhập cảnh và các giấy phép lưu trú, làm việc và đi lại cho các công dân của một Quốc gia ký kết, có liên quan đến đầu tư trên lãnh thổ và trong các vùng biển của Quốc gia ký kết kia.
2. Liên quan đến Điều 5:
Các quy định của Điều khoản này sẽ được áp dụng trong mọi biện pháp trưng dụng, quốc hữu hoá hoặc các biện pháp tương tự khác như phong toả các tài sản liên quan đến các khoản đầu tư của các nhà đầu tư thuộc Quốc gia ký kết kia.
3. Liên quan đến các Điều 4, 5 và 6:
a. Cụm chữ không được chậm trễ vô căn cứ, trong khuôn khổ các Điều 4, 5 và 6 sẽ được tôn trọng nếu việc chuyển về nước được thực hiện theo thời hạn chung của thực tiễn tài chính quốc tế, tuy nhiên thời hạn này không vượt quá ba tháng.
b. Các khoản thù lao về vốn đầu tư sẽ được hưởng các thuận lợi và được bảo hộ như vốn đầu tư ban đầu.
c. Các Quốc gia ký kết thoả thuận sẽ áp dụng một cách thành tâm các thủ tục có thể diễn ra được nêu tại khoản 4 Điều 5.
4. Liên quan đến Điều 9:
Về vấn đề trọng tài được nêu ở khoản 2 của Điều 9 phải được thực hiện phù hợp với các quy phạm về trọng tài của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL), Toà án trọng tài phải được thiết lập như sau:
a. Toà án trọng tài sẽ gồm ba trọng tài viên. Mỗi Bên sẽ chọn một trọng tài viên. Hai trọng tài viên này sẽ chỉ định theo thoả thuận chung một Chủ tịch là công dân của một nước thứ ba có quan hệ ngoại giao với hai Quốc gia ký kết. Các trọng tài viên phải được chỉ định trong thời hạn hai tháng kể từ ngày một trong hai Bên thông báo cho phía Bên kia ý định nhờ đến trọng tài giải quyết tranh chấp của họ.
Nếu các việc chỉ định không thực hiện được trong thời hạn nêu trên, mỗi Bên có thể mời Chủ tịch Viện Trọng tài của Phòng Thương mại Stốckhôm bổ nhiệm các trọng tài viên trong thời hạn hai tháng.
b. Toà án trọng tài sẽ ra quyết định với đa số phiếu. Phán quyết của Toà án trọng tài là quyết định cuối cùng và có giá trị ràng buộc đối với với hai Bên tranh kiện và sẽ được hai Bên thực hiện phù hợp với pháp luật quốc gia các Bên.
c. Phán quyết của Toà án trọng tài sẽ được thông qua phù hợp với luật pháp quốc gia, kể cả các quy phạm liên quan đến tranh chấp của Quốc gia ký kết chấp nhận các khoản đầu tư và phán quyết phải phù hợp với các quy định của Hiệp định này và các nguyên tắc luật pháp quốc tế dược thừa nhận chung và được hai Quốc gia ký kết chấp nhận.
d. Trong việc giải quyết tranh chấp, mỗi Bên phải chịu các chi phí liên quan đến trọng tài viên của mình và đến sự tham gia của Bên đó vào thủ tục này. Các chi phí liên quan đến Chủ tịch và các chi phí khác của Toà án trọng tài sẽ được hai Bên chia sẻ ngang nhau.
Làm tại Rôma, ngày 18 tháng 5 năm 1990, bằng tiếng Pháp.
- 1 Thông báo hiệu lực của Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Estonia
- 2 Hiệp định số 82/2004/LPQT giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về khuyến khích và bảo hộ đầu tư
- 3 Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Pháp
- 4 Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan
- 5 Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia
- 6 Hiệp định về thúc đẩy và bảo hộ đầu tư giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Austraylia
- 1 Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Pháp
- 2 Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia
- 3 Hiệp định về thúc đẩy và bảo hộ đầu tư giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Austraylia
- 4 Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan
- 5 Hiệp định số 82/2004/LPQT giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về khuyến khích và bảo hộ đầu tư
- 6 Thông báo hiệu lực của Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Estonia