Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HIỆP ĐỊNH

THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ NHÂN DÂN MÔNG CỔ

Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ (sau đây gọi là "các Bên ký kết"), nhằm củng cố và mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng những nguyên tắc và thực tiễn thương mại quốc tế.

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

Hai Bên ký kết tích cực ủng hộ và tạo điều kiện cho quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển ổn định và lâu dài.

Điều 2

Hai Bên ký kết dành cho nhau chế độ tối huệ quốc trong lĩnh vực thương mại và vận tải.

Quy định này không bao gồm:

a) Những ưu đãi mà một trong hai Bên ký kết đã và sẽ dành cho các nước láng giềng để tạo thuận lơị cho buôn bán biên giới.

b) Những ưu đãi mà một trong hai Bên ký kết đã và sẽ dành cho nước thành viên của Liên minh Hải quan , của khu vực mậu dịch tự do và của tổ chức kinh tế khác.

Điều 3

Việc mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ giữa hai nước sẽ được thực hiện trên cơ sở các hợp đồng được ký kết giữa các pháp nhân và/hoặc tự nhiên nhận của CHXHCN Việt Nam và các pháp nhân và/hoặc tự nhiên nhân của CHND Mông Cổ được quyền hoạt động ngoại thương (sau đây gọi là các chủ thể của các Bên), phù hợp với Hiệp định này và luật pháp của mỗi Nước.

Điều 4

Giá cả các hàng hóa và dịch vụ thuộc các hợp đồng ký kết theo Điều 3 sẽ được các chủ thể thỏa thuận trên cơ sở giá thế giới có tính tới các thông số kinh tế kỹ thuật và chất lượng hàng hóa. Các chủ thể cũng sẽ thỏa thuận các điều kiện giao hàng phù hợp với thực tiễn thương mại quốc tế.

Điều 5

Từ ngày 1 tháng giêng năm 1991 tất cả việc thanh toán đối với các hàng hóa và dịch vụ thuộc các hợp đồng do các chủ thể ký kết sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi theo sự thoả thuận của các chủ thể phù hợp với các điều kiện và thực tiễn thương mại quốc tế, cũng như quy chế quản lý ngoại hối của mỗi nước.

Điều 6

Nhằm mục đích phát triển các mỗi quan hệ thương mại giữa hai nước, các Bên ký kết sẽ giúp đỡ các chủ thể trong việc tổ chức và tham gia các hội chợ và triển lãm thương mại trên lãnh thổ của mình.

Điều 7

Quy định của Điều 5 Hiệp định này không loại trừ khả năng, với sự thỏa thuận của hai Bên ký kết áp dụng các hình thức quan hệ thương mại khác như hàng đổi hàng, trao đổi hàng hóa không dùng tiền v.v...

Điều 8

Các đại diện có thẩm quyền của hai Bên ký kết sẽ luân phiên gặp nhau tại Việt Nam và Mông Cổ mỗi năm ít nhất một lần để đánh giá việc thực hiện Hiệp định này, trao đổi thông tin về những thay đổi trong luật pháp thương mại của mỗi nước, đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục mở rộng mỗi quan hệ thương mại giữa hai nước.

Điều 9

Sau khi Hiệp định này hết hiệu lực, các điều khoản của Hiệp định vẫn tiếp tục áp dụng đối với các hợp đồng được ký kết trong khuôn khổ Hiệp định này nhưng chưa được thực hiện hoặc chưa được thực hiện hoàn toàn khi Hiệp định còn hiệu lực.

Điều 10

Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày trao đổi công hàm xác nhận rằng cơ quan hữu quan của hai Bên ký kết đã phê duyệt Hiệp định phù hợp với Luật pháp của mỗi nước.

Hiệp định này có hiệu lực trong vòng 5 năm. Nếu 6 tháng trước khi hết thời hạn hiệu lực của Hiệp định mà một trong hai Bên ký kết tuyên bố bằng văn bản về ý định của mình muốn chấm dứt hiệu lực của nó thì mặc nhiên hiệu lực của Hiệp định này được kéo dài thêm một năm.

Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung theo thỏa thuận của hai Bên ký kết.

Làm tại Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 1991 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Mông Cổ và tiếng Nga, các bản đều có giá trị như nhau. Trường hợp hiểu khác nhau về Hiệp định này thì bản tiếng Nga là quyết định.