HIỆP ĐỊNH
VỀ THƯƠNG MẠI HÀNG HOÁ THUỘC HIỆP ĐỊNH KHUNG VỀ HỢP TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN GIỮA HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VÀ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
LỜI NÓI ĐẦU
Chính phủ các nước Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Inđônêxia, Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào (“Lào PDR”), Malaysia, Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philíppin, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các Quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi chung là “ASEAN” hoặc gọi riêng là “Quốc gia thành viên ASEAN”), và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (“Trung Quốc”);
NHẮC LẠI Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ("Hiệp định khung") giữa ASEAN và Trung Quốc (gọi chung là "Các Bên", hoặc gọi riêng là "một Bên" đối với một Quốc gia thành viên ASEAN hoặc Trung Quốc) do những Người đứng đầu Chính phủ/Nhà nước của các Quốc gia Thành viên ASEAN và Trung Quốc ký kết tại Phnôm Pênh, Campuchia ngày 4/11/2002 và Nghị định thư Sửa đổi Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện đối với Chương trình Thu hoạch sớm do các Bộ trưởng Kinh tế của các Bên ký kết tại Bali, Inđônêxia vào ngày 6/10/2003;
NHẮC LẠI Điều 2(a), 3(1) và 8(1) của Hiệp định khung, thể hiện các cam kết của các Bên thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) về thương mại hàng hóa vào năm 2010 đối với ASEAN-6 và Trung Quốc và vào năm 2015 đối với các Quốc gia thành viên mới của ASEAN;
KHẲNG ĐỊNH LẠI cam kết của các Bên về việc thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc theo các khung thời gian đã xác định, đồng thời dành sự linh hoạt cho phép các bên xử lý các lĩnh vực nhạy cảm như đã được quy định trong Hiệp định khung;
ĐÃ NHẤT TRÍ NHƯ SAU:
Vì mục tiêu thực hiện Hiệp định này, các định nghĩa sau đây sẽ được áp dụng trừ trường hợp có yêu cầu khác:
(a) “WTO” nghĩa là Tổ chức Thương mại Thế giới;
(b) “GATT 1994” nghĩa là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994, gồm cả Phụ lục I (Các Ghi chú và Quy định Bổ sung);
(c) “ASEAN- 6” gồm các nước Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan;
(d) “Các Quốc gia thành viên mới của ASEAN” gồm Campuchia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (“Lao PDR”), Myanmar và Việt Nam;
(e) “thuế suất MFN áp dụng” bao gồm thuế suất trong hạn ngạch và:
(i) đối với các Quốc gia thành viên ASEAN (là thành viên WTO tính đến ngày 1/7/2003) và Trung Quốc, là thuế suất mà các nước này áp dụng tính đến ngày 1/7/2003; và
(ii) đối với các Quốc gia thành viên ASEAN (chưa phải là thành viên WTO tính đến ngày 1/7/2003), là thuế suất áp dụng đối với Trung Quốc tính đến ngày 1/7/2003;
(f) “các biện pháp phi thuế” bao gồm các hàng rào phi thuế;
(g) "AEM" có nghĩa là các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN;
(h) ""MOFCOM" có nghĩa là Bộ Thương mại Trung Quốc;
(i) "SEOM" có nghĩa là Hội nghị các Quan chức Kinh tế Cao cấp ASEAN.
Điều 2: Đối xử Quốc gia về Thuế và Quy định Trong nước
Mỗi Bên sẽ dành đối xử quốc gia cho hàng hoá của tất cả các Bên khác thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này và Hiệp định khung phù hợp với Điều III của Hiệp định GATT 1994. Nhằm mục đích này, các quy định của Điều III của Hiệp định GATT 1994 được kết hợp với những sửa đổi hợp lý vào nội dung của Hiệp định này và là một phần của Hiệp định.
Điều 3: Cắt giảm và xóa bỏ Thuế quan
1 Theo lịch trình cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan của các Bên, thuế suất MFN áp dụng với các mặt hàng được liệt kê phải từng bước được cắt giảm và, tùy từng trường hợp, loại bỏ phù hợp với Điều khoản này.
2. Các dòng thuế thuộc lịch trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định này sẽ bao gồm tất cả các dòng thuế không nằm trong Chương trình Thu hoạch sớm nêu tại Điều 6 của Hiệp định khung, và những dòng thuế này sẽ được phân thành 2 Danh mục để cắt giảm và xóa bỏ thuế quan như sau:
(a). Danh mục thông thường: Đối với các dòng thuế do các Bên tự đưa vào Danh mục thông thường của mình, các Bên sẽ từng bước cắt giảm và xóa bỏ thuế suất MFN áp dụng của các dòng thuế này theo các mô hình giảm thuế quy định trong Phụ lục 1 của Hiệp định, nhằm đạt được các hạn mức nêu tại Phụ lục 1.
(b) Danh mục Nhạy cảm: Đối với các dòng thuế do các Bên tự đưa vào Danh mục nhạy cảm của mình, các Bên sẽ cắt giảm và xóa bỏ thuế suất MFN áp dụng của các dòng thuế này theo các mô hình giảm thuế quy định trong Phụ lục 2 của Hiệp định này.
3. Theo Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Hiệp định này, tất cả các cam kết của các Bên trong Điều khoản này sẽ được áp dụng cho tất cả các Bên khác.
Điều X của Hiệp định GATT 1994 được kết hợp với những sửa đổi hợp lý vào nội dung Hiệp định này và sẽ là một phần không thể tách rời của Hiệp định.
Quy tắc Xuất xứ và các Thủ tục Chứng nhận áp dụng đối với các mặt hàng trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này và các sản phẩm nằm trong Chương trình Thu hoạch sớm của Hiệp định khung được quy định trong Phụ lục 3 của Hiệp định.
Điều 6: Sửa đổi các nhân nhượng
1. Các Bên tham gia Hiệp định này có thể sửa đổi hoặc rút lại bất kỳ một nhân nhượng nào mà Bên đó đã dành cho Bên khác theo Hiệp định này thông qua đàm phán và thoả thuận với Bên được hưởng nhân nhượng đó.
2. Nội dung các cuộc đàm phán và thoả thuận nêu trên có thể bao gồm các quy định về điều chỉnh đền bù đối với các sản phẩm khác. Trong các cuộc đàm phán và thỏa thuận đó, các Bên liên quan sẽ phải đưa ra mức nhân nhượng chung trên cơ sở có đi có lại và cùng có lợi và không kém thuận lợi hơn đối với thương mại so với mức nhân nhượng quy định tại Hiệp định này trước khi các cuộc đàm phán và thoả thuận nêu trên diễn ra.
1. Theo các quy định trong Hiệp định này và trong bất kỳ thoả thuận nào mà các Bên có thể đạt được trong tương lai khi các Bên rà soát lại Hiệp định này theo quy định của Điều 17 của Hiệp định, các Bên[1] nhất trí và khẳng định lại cam kết tuân thủ các quy định WTO, trong số nhiều quy định khác nhau, về các biện pháp phi thuế, hàng rào kỹ thuật cản trở thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch, trợ cấp và các biện pháp đối kháng, các biện pháp chống bán phá giá và quyền sở hữu trí tuệ.
2. Các quy định của các Hiệp định Đa phương WTO về thương mại hàng hoá không được nêu cụ thể hoặc sửa đổi trong nội dung Hiệp định này, sẽ được áp dụng trong Hiệp định này với sự sửa đổi hợp lý, trừ trường hợp có quy định khác.
Điều 8: Các hạn chế Định lượng và Hàng rào Phi thuế quan
1. Mỗi Bên cam kết không duy trì bất cứ hạn chế định lượng nào trong bất kỳ thời gian nào trừ trường hợp được các Hiệp định WTO cho phép.[2]
2. Các Bên sẽ xác định các hàng rào phi thuế quan (ngoài các hạn chế định lượng) để xóa bỏ ngay sau Hiệp định này có hiệu lực. Khung thời gian để xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan này phải được tất cả các Bên nhất trí.
3. Các Bên sẽ công bố các thông tin về các hạn chế định lượng của mình ngay sau khi Hiệp định này được thực thi.
1.Mỗi Bên là thành viên của WTO vẫn duy trì các quyền và nghĩa vụ theo Điều 19 của Hiệp định GATT 1994 và Hiệp định WTO về Các Biện pháp Tự vệ.
2. Một Bên sẽ có quyền áp dụng biện pháp tự vệ trong ACFTA đối với một mặt hàng trong giai đoạn chuyển đổi đối với mặt hàng đó. Giai đoạn chuyển đổi của một mặt hàng sẽ bắt đầu từ ngày Hiệp định này có hiệu lực và sẽ kết thúc trong 5 năm kể từ ngày hoàn thành việc cắt giảm/loại bỏ thuế quan đối với sản phẩm đó.
3.Trong trường hợp do nghĩa vụ của một Bên, bao gồm nghĩa vụ nhân nhượng thuế quan trong Chương trình Thu hoạch sớm của Hiệp định khung của Hiệp định này; hoặc do hậu quả của những vấn đề phát sinh không lường trước được và hậu quả của của những nghĩa vụ mà bên đó phải thực hiện, bao gồm các nhân nhượng thuế quan trong Chương trình Thu hoạch sớm của Hiệp định khung hay trong Hiệp định này; kim ngạch nhập khẩu một sản phẩm cụ thể của Bên đó từ các Bên khác tăng lên một cách tuyệt đối hay tương đối về số lượng so với sản lượng sản xuất nội địa, và trong điều kiện đó gây ra hoặc đe dọa gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với ngành sản xuất các sản phẩm tương tự hay sản phẩm cạnh tranh trực tiếp trong nước của Bên nhập khẩu sản phẩm đó, Bên nhập khẩu sẽ được tự do áp dụng các biện pháp tự vệ trong ACFTA.
4. Khi một biện pháp tự vệ trong ACFTA được áp dụng, Bên áp dụng biện pháp tự vệ có thể tăng thuế suất của sản phẩm có liên quan lên tới thuế suất MFN mà nước đó cam kết trong WTO tại thời điểm áp dụng biện pháp tự vệ.
5.Bất kỳ một biện pháp tự vệ nào trong ACFTA cũng có thể được duy trì trong một giai đoạn ban đầu lên tới 3 năm và có thể kéo dài không quá 1 năm. Bất kể thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ trong ACFTA đối với một sản phẩm là bao lâu, biện pháp tự vệ đó sẽ chấm dứt khi giai đoạn chuyển đổi của sản phẩm đó kết thúc.
6.Khi vận dụng các biện pháp tự vệ ACFTA, các Bên sẽ áp dụng các nguyên tắc về vận dụng các biện pháp tự vệ theo quy định của Hiệp định WTO về Các biện pháp tự vệ, trừ các biện pháp hạn chế định lượng quy định trong Điều 5, và Điều 9, 13 và 14 của Hiệp định WTO về Các biện pháp tự vệ. Theo đó, tất cả các quy định khác của Hiệp định WTO về Các biện pháp tự vệ sẽ được kết hợp với sự sửa đổi hợp lý, và trở thành một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
7. Một biện pháp tự vệ trong ACFTA không được áp dụng đối với một sản phẩm có xuất xứ từ một Bên nếu tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu của sản phẩm đó trên thị trường Bên nhập khẩu không vượt quá 3% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các Bên.
8. Để được bồi thường đối với một biện pháp tự vệ ACFTA theo Điều 8 của Hiệp định WTO về Các biện pháp Tự vệ, các Bên sẽ tìm kiếm các cơ quan đủ năng lực theo quy định của điều 12 để xác định mức độ gần như tương đương của các nhân nhượng trước khi hoãn các nhân nhượng tương đương. Bất kỳ thủ tục nào do các cơ quan đủ năng lực nêu trên thực hiện sẽ phải được hoàn tất trong vòng 90 ngày kể từ ngày biện pháp tự vệ trong ACFTA được áp dụng.
9. Khi một Bên chấm dứt việc áp dụng một biện pháp tự vệ ACFTA đối với một sản phẩm, thuế suất áp dụng đối với sản phẩm đó sẽ là thuế suất có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 của năm chấm dứt việc áp dụng biện pháp tự vệ đó căn cứ theo lịch trình cắt giảm và loại bỏ thuế quan của Bên đó quy định trong Phụ lục 1 và 2 của Hiệp định này.
10. Tất cả các tài liệu và trao đổi chính thức tiến hành giữa các Bên và với cơ quan đề cập đến trong đoạn 12 liên quan đến bất kỳ biện pháp tự vệ trong ACFTA sẽ được làm thành văn bản và viết bằng tiếng Anh.
11. Khi áp dụng các biện pháp tự vệ theo ACFTA, một Bên sẽ không đồng thời áp dụng các biện pháp tự vệ của WTO như nêu trong đoạn 1.
12. Để thực hiện Điều khoản này, bất kỳ dẫn chiếu nào đến “Hội đồng Thương mại Hàng hoá” hoặc “Ủy ban về Các biện pháp Tự vệ” trong các quy định của Hiệp định WTO được kết hợp vào Hiệp định này sẽ được chuyển tới các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc, hoặc các Quan chức Kinh tế cao cấp ASEAN và Trung Quốc để xử lý một cách phù hợp. Cơ chế này sẽ được thay thế bởi một cơ quan thường trực khi cơ quan đó được thành lập.
Điều 10: Đẩy nhanh các cam kết
Không có quy định nào trong Hiệp định này ngăn cản các Bên tiến hành đàm phán và đạt thỏa thuận về đẩy nhanh thực hiện các cam kết trong Hiệp định này, với điều kiện các thỏa thuận đó được tất cả các Bên đồng ý và thực hiện.
Điều 11:Các Biện pháp Bảo vệ Cán cân Thanh toán
Trong trường hợp một Bên rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về cán cân thanh toán và gặp khó khăn trong tài chính đối ngoại hoặc đang bị đe doạ rơi vào tình trạng như vậy, Bên đó có thể áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu phù hợp với quy định của Hiệp định GATT 1994 và Bản Ghi nhớ về các Quy định về Cán cân Thanh toán trong Hiệp định GATT 1994.
Với điều kiện các biện pháp dưới đây không được áp dụng theo cách mà có thể trở thành công cụ phân biệt đối xử tuỳ tiện hay vô lý giữa các Bên, trở thành hạn chế thương mại trá hình hoặc trong những trường hợp tương tự như vậy, không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản một Bên phê chuẩn hoặc thực hiện các biện pháp:
(a) cần thiết để bảo vệ đạo đức xã hội;
(b) cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật;
(c) liên quan đến xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng hoặc bạc;
(d) cần thiết để đảm bảo sự tuân thủ các luật lệ không phù hợp với các quy định của Hiệp định này, bao gồm các luật lệ liên quan đến thực thi hải quan, quản lý độc quyền theo đoạn 4 của Điều II và Điều XVII của Hiệp định GATT 1994, bảo vệ bằng sáng chế, thương hiệu và bản quyền, và ngăn chặn các hành vi gian lận;
(e) liên quan đến các sản phẩm do tù nhân làm ra;
(f) được áp dụng để bảo vệ các tài sản có giá trị nghệ thuật, lịch sử hoặc khảo cổ quốc gia;
(g) liên quan đến việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt nếu các biện pháp đó cũng được áp dụng để hạn chế sản xuất hoặc tiêu dùng trong nước;
(h) được áp dụng để thực hiện các nghĩa vụ của bất kỳ hiệp định liên chính phủ nào về hàng hoá phù hợp với các tiêu chí được đệ trình cho WTO và không bị WTO phủ định hoặc được đệ trình nguyên vẹn như vậy mà không bị WTO phủ định;
(i) liên quan đến hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu trong nước mà nguyên liệu đó là cần thiết để đảm bảo số lượng nguyên liệu thiết yếu cho ngành công nghiệp chế biến trong nước trong những thời kỳ mà giá trong nước được duy trì thấp hơn giá thế giới theo kế hoạch bình ổn của chính phủ; Với điều kiện, hạn chế đó không được tiến hành nhằm tăng xuất khẩu hoặc bảo hộ cho ngành công nghiệp trong nước, và không trái với các quy định liên quan đến không phân biệt đối xử của Hiệp định này;
(j) cấp thiết để mua hoặc phân phối các sản phẩm khan hiếm trên diện rộng hoặc cục bộ; Với điều kiện, các biện pháp đó phù hợp với nguyên tắc, mà theo đó tất cả các Bên của Hiệp định này được quyền được có một phần bình đẳng trong tổng cung của sản phẩm đó trên thế giới, và với điều kiện là các biện pháp không phù hợp với các quy định khác tại Hiệp định này sẽ chấm dứt thực hiện ngay khi các điều kiện dẫn đến việc áp dụng chúng không còn tồn tại.
Không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là:
(a) yêu cầu một Bên phải cung cấp thông tin mà Bên đó cho rằng việc tiết lộ là trái với lợi ích an ninh thiết yếu của Bên đó;
(b) ngăn cản một Bên có bất kỳ hành động nào mà Bên đó cho rằng cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của bên đó, bao gồm nhưng không hạn chế ở:
(i) hành động liên quan đến chất nổ hoặc vật liệu làm từ chất nổ;
(ii) hành động liên quan đến vận chuyển vũ khí, thuốc nổ và vật dụng chiến tranh và việc vận chuyển vật liệu và hàng hoá khác được tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm cung cấp cho một cơ sở quân sự;
(iii) hành động để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu chống lại các âm mưu làm tê liệt hoặc làm xuống cấp các cơ sở hạ tầng đó;
(iv) hành động được áp dụng trong thời gian chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp khác trong nước hoặc quốc tế.
(c) ngăn cản bất kỳ Bên nào thực hiện các nghĩa vụ theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhằm mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế
Điều 14: Công nhận Nền kinh tế Thị trường của Trung Quốc
Từng nước trong mười Quốc gia thành viên ASEAN nhất trí công nhận Trung Quốc như là một nền kinh tế thị trường đầy đủ và kể từ ngày ký Hiệp định này sẽ không áp dụng Đoạn 15 và 16 trong Nghị định thư về Gia nhập WTO của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Đoạn 242 trong Báo cáo của Ban công tác về Gia nhập WTO của Trung Quốc trong thương mại giữa Trung Quốc và từng nước trong mười Quốc gia thành viên ASEAN.
Điều 15:Chính quyền Quốc gia, Khu vực và Địa phương
Trong quá trình thực hiện các cam kết và nghĩa vụ trong Hiệp định này, mỗi Bên sẽ đảm bảo sự tuân thủ của chính quyền địa phương và khu vực và của các cơ quan hữu trách trên lãnh thổ của mình cũng như việc tuân thủ của các cơ quan phi chính phủ (theo ủy quyền của chính quyền trung ương, bang, khu vực hoặc địa phương hoặc các cơ quan hữu trách) trong phạm vi lãnh thổ của mình.
1. Trong khi chờ một cơ quan thường trực được thành lập , các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc, với sự trợ giúp của các Quan chức kinh tế cao cấp ASEAN và Trung Quốc, sẽ điều hành, giám sát, điều phối và rà soát việc thực hiện Hiệp định này.
2. Ban Thư ký ASEAN sẽ theo dõi và báo cáo lên các Quan chức kinh tế cao cấp ASEAN và Trung Quốc về thực hiện Hiệp định này. Tất cả các Bên sẽ hợp tác với Ban Thư ký ASEAN khi thực hiện nghĩa vụ của mình.
3. Mỗi Bên sẽ chỉ định một đầu mối cung cấp thông tin để tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin giữa các Bên về các vấn đề thuộc phạm vi Hiệp định này. Theo yêu cầu của một Bên, đầu mối cung cấp thông tin của Bên được yêu cầu sẽ xác định cơ quan hoặc cán bộ chịu trách nhiệm về vấn đề đó và hỗ trợ trong việc trao đổi thông tin với Bên yêu cầu.
1.Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Trung Quốc hoặc đại diện được uỷ quyền sẽ họp trong vòng một năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực và sau đó 2 năm một lần hoặc khi cần thiết để rà soát lại Hiệp định này để xem xét áp dụng các biện pháp tự do hoá hơn nữa thương mại hàng hoá cũng như xây dựng các quy tắc và đàm phán các thỏa thuận về các vấn đề nêu trong Điều 7 của Hiệp định này hoặc về bất kỳ vấn đề có liên quan khác theo thoả thuận.
2. Căn cứ vào kinh nghiệm riêng trong quá trình thực hiện Hiệp định này, các Bên sẽ rà soát Danh mục Nhạy cảm vào năm 2008 nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nhạy cảm, bao gồm việc có thể tiếp tục cắt giảm số lượng sản phẩm nằm trong Danh mục Nhạy cảm và các điều kiện dành đối xử có đi có lại đối với thuế suất của các sản phẩm đã được một Bên đưa vào Danh mục Nhạy cảm.
Điều 18: Phụ lục và các Văn bản pháp lý trong tương lai
Hiệp định này sẽ bao gồm:
(a) các Phụ lục và nội dung của các Phụ lục. Các Phụ lục sẽ trở thành một phần không tách rời của Hiệp định này, và
(b) tất cả các văn bản pháp lý sẽ được thoả thuận trong tương lai đều phải tuân thủ Hiệp định này.
Hiệp định này có thể được sửa đổi thông qua nhất trí bằng văn bản của các Bên.
1.Trừ khi có quy định khác tại Hiệp định này, Hiệp định này hoặc bất kỳ hành động nào thực hiện theo Hiệp định này sẽ không làm ảnh hưởng hoặc vô hiệu hoá quyền và nghĩa vụ của một Bên theo các hiệp định hiện tại mà bên đó tham gia.
Điều 21: Giải quyết Tranh chấp
Hiệp định về Thủ tục và Cơ chế Giải quyết Tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ được áp dụng đối với Hiệp định này.
Đối với các Quốc gia thành viên ASEAN, Hiệp định này sẽ được Tổng Thư ký ASEAN lưu chiểu. Tổng thư ký ASEAN sẽ chuyển ngay một bản sao có chứng thực của Hiệp định cho từng Quốc gia thành viên ASEAN.
1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2005.
2. Các Bên cam kết sẽ hoàn thành thủ tục trong nước trước ngày 1/1/2005 để Hiệp định này có hiệu lực.
3. Nếu một Bên không thể hoàn thành thủ tục trong nước vào ngày 1/1/2005 để Hiệp định này có hiệu lực, quyền và nghĩa vụ của Bên đó theo Hiệp định này sẽ bắt đầu từ ngày Bên đó hoàn thành các thủ tục trong nước.
4. Một Bên sẽ thông báo bằng văn bản cho tất cả các Bên khác về việc hoàn thành các thủ tục trong nước để Hiệp định này có hiệu lực.
TRƯỚC SỰ CHỨNG KIẾN CỦA MỌI NGƯỜI TẠI ĐÂY, chúng tôi đã ký Hiệp định về Thương mại Hàng hoá giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
ĐưỢc LÀM TẠI Viên Chăn, Lào, ngày … tháng 11 năm 2004, thành 2 bản bằng tiếng Anh.
Thay mặt Chính phủ Brunei Darussalam | Thay mặt Chính phủ Cộng hòa |
Thay mặt Chính phủ Vương quốc Campuchia |
Thay mặt Chính phủ Cộng hòa Indonesia |
Thay mặt Chính phủ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào
| Thay mặt Chính phủ Malaysia
|
Thay mặt Chính phủ Liên bang Myanmar
| Thay mặt Chính phủ Cộng hòa Phi-líp-pin
|
Thay mặt Chính phủ Cộng hòa Singapore
| Thay mặt Chính phủ Vương quốc Thái Lan
|
| Thay mặt Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
|
Mô hình Cắt giảm và Loại bỏ Thuế quan đối với các Dòng thuế trong Danh mục Thông thường
1.Thuế suất MFN áp dụng của các mặt hàng được một Bên tự đưa vào Danh mục Thông thường sẽ được giảm dần và loại bỏ theo các Lịch trình sau đây:
(i) ASEAN 6 và Trung Quốc
X = Thuế suất MFN áp dụng | Thuế suất ưu đãi trong ACFTA (không muộn hơn 1 tháng 1 ) | |||
2005* | 2007 | 2009 | 2010 | |
X >= 20% | 20 | 12 | 5 | 0 |
15% <=X<20% | 15 | 8 | 5 | 0 |
10%<=X<15% | 10 | 8 | 5 | 0 |
5% | 5 | 5 | 0 | 0 |
X<=5% | Giữ nguyên | 0 | 0 |
* Ngày bắt đầu thực hiện là 1/7/2005
(ii) Việt Nam
X = Thuế suất MFN áp dụng | Thuế suất ưu đãi trong ACFTA (không muộn hơn 1 tháng 1) |
| |||||||
2005* | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2011 | 2013 | 2015 | ||
X>= 60% | 60 | 50 | 40 | 30 | 25 | 15 | 10 | 0 | |
45% <=X<60% | 40 | 35 | 35 | 30 | 25 | 15 | 10 | 0 | |
35% <=X<45% | 35 | 30 | 30 | 25 | 20 | 15 | 5 | 0 | |
30% <=X<35% | 30 | 25 | 25 | 20 | 17 | 10 | 5 | 0 | |
25% <=X<30% | 25 | 20 | 20 | 15 | 15 | 10 | 5 | 0 | |
20% <=X<25% | 20 | 20 | 15 | 15 | 15 | 10 | 0-5 | 0 | |
15% <=X<20% | 15 | 15 | 10 | 10 | 10 | 5 | 0-5 | 0 | |
10% <=X<15% | 10 | 10 | 10 | 10 | 8 | 5 | 0-5 | 0 | |
7% <=X<10% | 7 | 7 | 7 | 7 | 5 | 5 | 0-5 | 0 | |
5% <=X<7% | 5 | 5 | 5 | 5 | 5 | 5 | 0-5 | 0 | |
X<5% | Giữ nguyên | 0 | |||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Ngày bắt đầu thực hiện là 1/7/2005
(iii) Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Myanmar:
X = Thuế suất MFN áp dụng | Thuế suất ưu đãi trong ACFTA (không muộn hơn 1 tháng 1) |
| |||||||
2005* | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2011 | 2013 | 2015 | ||
X>= 60% | 60 | 50 | 40 | 30 | 25 | 15 | 10 | 0 | |
45% <=X<60% | 40 | 35 | 35 | 30 | 25 | 15 | 10 | 0 | |
35% <=X<45% | 35 | 35 | 30 | 30 | 20 | 15 | 5 | 0 | |
30% <=X<35% | 30 | 25 | 25 | 20 | 20 | 10 | 5 | 0 | |
25% <=X<30% | 25 | 25 | 25 | 20 | 20 | 10 | 5 | 0 | |
20% <=X<25% | 20 | 20 | 15 | 15 | 15 | 10 | 0-5 | 0 | |
15% <=X<20% | 15 | 15 | 15 | 15 | 15 | 5 | 0-5 | 0 | |
10% <=X<15% | 10 | 10 | 10 | 10 | 8 | 5 | 0-5 | 0 | |
7% <=X<10% | 7** | 7** | 7** | 7** | 7** | 5 | 0-5 | 0 | |
5% <=X<7% | 5 | 5 | 5 | 5 | 5 | 5 | 0-5 | 0 | |
X<5% | Giữ nguyên | 0 | |||||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Ngày bắt đầu thực hiện là 1/7/2005
** Myanmar được phép duy trì thuế suất ACFTA không lớn hơn 7,5% đến năm 2010
2. Nếu một Bên đưa một dòng thuế vào Danh mục Thông thường của mình, Bên đó sẽ được hưởng nhân nhượng về thuế suất đối với chính dòng thuế đó của các Bên khác phù hợp với các cam kết và điều kiện được quy định và áp dụng trong Lịch trình có liên quan trong Phụ lục 1 hoặc Phụ lục 2. Một Bên sẽ được hưởng quyền này với điều kiện Bên đó tuân thủ các cam kết về giảm và cắt giảm thuế đối với dòng thuế đó.
3.Các thuế suất trong các Lịch trình có liên quan trong đoạn 1 chỉ xác định thuế suất ưu đãi ACFTA do mỗi Bên áp dụng cho các dòng thuế liên quan trong các năm thực hiện cụ thể và sẽ không ngăn cản bất cứ Bên nào đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan nếu Bên đó muốn.
4. Các dòng thuế có thuế suất cụ thể trong Danh mục Thông thường sẽ được giảm thuế suất xuống 0% theo các phần bằng nhau phù hợp với khung thời gian quy định trong các Lịch trình ghi trong đoạn 1 của phụ lục này.
5. Tất cả các dòng thuế trong Danh mục Thông thường có thuế suất MFN áp dụng là 0% sẽ được giữ ở mức 0%. Trong trường hợp các dòng thuế này đã được giảm xuống 0%, chúng vẫn được giữ ở mức 0%. Không Bên nào được phép nâng thuế suất của bất kỳ dòng thuế nào, trừ trường hợp có quy định khác trong Hiệp định này.
6. Là một phần không tách rời của các cam kết cắt giảm và/hoặc loại bỏ tỷ lệ thuế quan MFN áp dụng phù hợp với các Lịch trình được nêu ở trên; trong Hiệp định này, mỗi Bên cam kết cắt giảm và/hoặc loại bỏ thuế quan hơn nữa theo các hạn mức sau đây:
(a) ASEAN 6 và Trung Quốc
(i) Mỗi Bên sẽ cắt giảm thuế suất của ít nhất 40% các dòng thuế trong Danh mục Thông thường xuống còn 0-5% vào năm 2005.
(ii) Mỗi Bên sẽ cắt giảm thuế suất của ít nhất 60% số dòng thuế trong Danh mục Thông thường xuống còn 0-5% không muộn hơn ngày 1/1/2007.
(iii) Mỗi Bên sẽ loại bỏ tất cả thuế quan áp dụng đối với các dòng thuế trong Danh mục Thông thường không muộn hơn ngày 1/1/2010, với linh hoạt đối với thuế suất của một số dòng thuế sẽ hoàn thành việc loại bỏ không muộn hơn ngày 1/1/2012, nhưng số dòng thuế được linh hoạt không được vượt quá 150 dòng, .
(iv) Mỗi Bên sẽ loại bỏ tất cả thuế quan áp dụng đối với các dòng thuế trong Danh mục Thông thường không muộn hơn ngày 1/1/2012.
(b) Các Quốc gia Thành viên mới của ASEAN:
(i) Mỗi Bên sẽ giảm thuế suất của ít nhất 50% các dòng thuế trong Danh mục Thông thường xuống 0-5% không muộn hơn ngày 1/1/ 2009 đối với Việt Nam; 1/1/2010 đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Myanmar; và 1/1/2012 đối với Campuchia .
(ii) Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Myanmar sẽ xóa bỏ thuế suất của 40% dòng thuế trong Danh mục Thông thường không muộn hơn ngày 1/1/2013.
(iii) Đối với Việt Nam, tỷ lệ phần trăm của số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế suất không muộn hơn ngày 1/1/2013 trong Danh mục Thông thường sẽ được quyết định không muộn hơn ngày 31/12/2004.
(iv) Mỗi Bên sẽ loại bỏ tất cả thuế quan của mình đối với các dòng thuế trong Danh mục Thông thường không muộn hơn ngày 1/1/2015, với sự linh hoạt đối với thuế suất của một số dòng thuế sẽ được xóa bỏ không muộn hơn ngày 1/1/2018, nhưng số dòng thuế được linh hoạt không vượt quá 250 dòng thuế, .
(v) Mỗi Bên sẽ xóa bỏ thuế quan của các dòng thuế trong Danh mục Thông thường không muộn hơn ngày 1/1/2018.
7. Thuế suất của các dòng thuế của các Bên đưa ra trong Tiểu Phụ lục 1 sẽ được loại bỏ không muộn hơn ngày 1/1/2012 đối với ASEAN 6 và Trung Quốc, và 1/1/2018 đối với các nước CLMV.
MÔ HÌNH CẮT GIẢM VÀ LOẠI BỎ THUẾ QUAN ĐỐI VỚI CÁC DÒNG THUẾ TRONG DANH MỤC NHẠY CẢM
1. Số lượng các dòng thuế mà mỗi Bên có thể đưa vào Danh mục Nhạy cảm phải tuân theo một mức trần tối đa là:
(i) Đối với ASEAN 6 và Trung Quốc: 400 dòng thuế ở cấp HS 6 số và 10% tổng giá trị nhập khẩu, dựa trên số liệu thống kê thương mại 2001;
(ii) Đối với Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Myanmar: 500 dòng thuế ở cấp HS 6 số; và
(iii) Việt Nam: 500 dòng thuế ở cấp HS 6 số và mức trần tính trên giá trị nhập khẩu sẽ được quyết định không muộn hơn ngày 31/12/2004.
2. Các dòng thuế được mỗi Bên đưa vào Danh mục Nhạy cảm sẽ tiếp tục được chia thành Danh mục Nhạy cảm thường và Danh mục Nhạy cảm cao. Tuy nhiên, các dòng thuế được mỗi Bên đưa vào Danh mục Nhạy cảm cao sẽ tuân thủ theo mức trần sau đây:
(i) ASEAN 6 và Trung Quốc:
không vượt quá 40% tổng số dòng thuế trong Danh mục Nhạy cảm hoặc 100 dòng thuế ở cấp HS 6 số, tuỳ mức nào thấp hơn.
(ii) Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Myanmar: không vượt quá 40% tổng số dòng thuế trong Danh mục Nhạy cảm hoặc 150 dòng thuế ở cấp HS 6 số, tuỳ mức nào thấp hơn.
(iii) Việt Nam: sẽ được quyết định không muộn hơn ngày 31/12/2004
3. Các Bên phải cắt giảm và vào thời gian thích hợp loại bỏ thuế suất MFN áp dụng đối với các dòng thuế trong Danh mục Nhạy cảm theo các Lịch trình sau đây:
(i) ASEAN 6 và Trung Quốc sẽ giảm thuế suất MFN áp dụng của các dòng thuế được đưa vào các Danh mục Nhạy cảm tương ứng của mình xuống 20% không muộn hơn ngày 1/1/2012. Các thuế suất này sau đó sẽ được giảm xuống 0-5% không muộn hơn ngày 1/1/2008.
(ii) Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Myanmar sẽ giảm thuế suất MFN áp dụng của các dòng thuế được đưa vào các Danh mục nhạy cảm tương ứng của mình xuống 20% không muộn hơn ngày 1/1/2015. Các thuế suất này sau đó sẽ giảm xuống 0-5% không muộn hơn ngày 1/1/2020.
Việt Nam sẽ giảm không muộn hơn ngày 1/1/2015 thuế suất MFN áp dụng của các dòng thuế được đưa vào Danh mục nhạy cảm của mình xuống mức sẽ được quyết định không muộn hơn ngày 31/12/2004. Các mức thuế quan này sau đó sẽ được giảm xuống mức 0-5% không muộn hơn ngày 1/1/2020.
(iii) Các Bên sẽ giảm thuế suất MFN áp dụng của các dòng thuế được đưa vào các Danh mục Nhạy cảm tương ứng xuống ít nhất 50% không muộn hơn 1/1/2015 đối với các nước ASEAN 6 và Trung Quốc, và không muộn hơn 1/1/2018 đối với các Quốc gia Thành viên mới của ASEAN.
4.Các dòng thuế có thuế suất cụ thể trong Danh mục Nhạy cảm sẽ được giảm thuế suất theo khung thời gian quy định trong đoạn 3 của Phụ lục này. Tỷ lệ giảm thuế của các dòng thuế này sẽ bằng với tỷ lệ giảm trung bình của việc giảm thuế [3] đối với các dòng thuế có thuế suất tính theo giá trị trong Danh mục Nhạy cảm cũng thuộc diện giảm thuế trong cùng năm đó.
5.Mặc dù có quy định trong các Lịch trình trong đoạn 3, bất kỳ Bên nào cũng có thể đơn phương đẩy nhanh việc cắt giảm và/hoặc loại bỏ các dòng thuế trong Danh mục Nhạy cảm vào bất kỳ thời gian nào nếu muốn. Không quy định nào trong Hiệp định này ngăn cản bất cứ Bên nào đơn phương chuyển bất kỳ dòng thuế nào từ Danh mục Nhạy cảm sang Danh mục Thông thường vào bất kỳ thời gian nào nếu muốn.
6. Đối xử về thuế suất trên cơ sở có đi có lại đối với các dòng thuế được một Bên đưa vào trong Danh mục Nhạy cảm sẽ tuân thủ các điều kiện sau:
(i) Một Bên được hưởng đối xử có đi có lại nếu thuế suất của một dòng thuế được Bên đó đưa vào Danh mục Nhạy cảm tối thiểu phải ở mức 10% hoặc thấp hơn ;
(ii) thuế suất có đi có lại áp dụng đối với một dòng thuế được một Bên đưa vào Danh mục Nhạy cảm sẽ là thuế suất đối với dòng thuế của Bên đó, hoặc là thuế suất trong Danh mục Thông thường của cùng dòng thuế đó của Bên khác hoặc các Bên muốn hưởng đối xử có đi có lại, tuỳ theo thuế suất nào cao hơn; và
(iii) thuế suất có đi có lại áp dụng đối với một dòng thuế được một Bên đưa vào Danh mục Nhạy cảm trong bất kỳ trường hợp nào sẽ không được vượt quá thuế suất MFN áp dụng của dòng thuế tương tự của Bên hoặc các Bên muốn hưởng đối xử có đi có lại.
7. Việc xử lý các dòng thuế có thuế suất trong và ngoài hạn ngạch của các Bên, bao gồm các mô hình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan, sẽ được các Bên thảo luận và nhất trí không muộn hơn ngày 31/3/2005. Các cuộc thảo luận sẽ bao gồm, nhưng không hạn chế ở thuế suất trong và ngoài hạn ngạch.
8.Các dòng thuế được mỗi Bên đưa vào Danh mục Nhạy cảm thường và Danh mục Nhạy cảm cao của các Danh mục Nhạy cảm tương ứng sẽ lần lượt được đưa vào Tiểu phụ lục 1 và Tiểu phụ lục 2 của Phụ lục này.
[1] Các nước ASEAN chưa phải là thành viên WTO sẽ tuân thủ các quy định của WTO theo các cam kết gia nhập WTO của họ.
[2] Các nước ASEAN không phải là thành viên WTO sẽ loại bỏ các hạn chế định lượng sau 3 năm (Việt Nam: 4 năm) kể từ ngày hiệp định này có hiệu lực hoặc phù hợp với cam kết của họ khi gia nhập WTO, tuỳ thời điểm nào sớm hơn.
[3] Ví dụ về tính tỷ lệ giảm trung bình:
Danh mục Nhạy cảm của một Bên có 4 mặt hàng; 3 mặt hàng trong đó có thuế suất tính theo giá trị lần lượt là 50%, 40% và 15%; mặt hàng còn lại có thuế suất cụ thể là 100 USD /1 tấn.
Trong năm 2012, chỉ có mặt hàng có thuế suất 50% và 40% sẽ được giảm xuống 20%. Mức cận biên của giảm thuế sẽ lần lượt là 60% ([50%-20%]: 50%) và 50% ([40%-20%]:40%)
Mức cận biên trung bình của giảm thuế sẽ là 55% ([60%+50%]:2).
Do đó, trong năm 2002, thuế suất cụ thể sẽ giảm từ 100 USD xuống 45 USD/1 tấn (100 x (1-55%))
- 1 Hiệp định về thương mại hàng hoá thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa các chính phủ các nước ASEAN và Hàn Quốc
- 2 Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên thuộc hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc
- 3 Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc
- 4 Thông tư 16/2004/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 99/2004/NĐ-CP ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam để thực hiện chương trình thu hoạch sớm theo Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Nghị định 99/2004/NĐ-CP ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam cho các năm 2004-2008 để thực hiện chương trình thu hoạch sớm của của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc
- 1 Hiệp định về thương mại hàng hoá thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa các chính phủ các nước ASEAN và Hàn Quốc
- 2 Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Chính phủ các nước thành viên thuộc hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc
- 3 Hiệp định về cơ chế giải quyết tranh chấp thuộc Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc
- 4 Thông tư 16/2004/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 99/2004/NĐ-CP ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam để thực hiện chương trình thu hoạch sớm theo Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Nghị định 99/2004/NĐ-CP ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam cho các năm 2004-2008 để thực hiện chương trình thu hoạch sớm của của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc
- 6 Công văn số 4859/VPCP-QHQT ngày 4/10/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc
- 7 Tuyên bố chung số 01/2004/LPQT về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Ấn Độ
- 8 Hiệp định về thương mại giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa