HIỆP ĐỊNH
THƯƠNG MẠI VÀ THANH TOÁN GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ BA LAN NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 1991
Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ Cộng hoà Ba lan, dưới đây được gọi là các Bên ký kết nhằm đẩy mạnh sự hợp tác hữu nghị giữa hai nước và phát triển các mối quan hệ thương mại hai chiều, theo những nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, đã thoả thuận như sau:
Điều 1
Các Bên ký kết sẽ tích cực ủng hộ sự phát triển các mối quan hệ thương mại dài hạn hai chiều ổn định và bền vững theo nhu cầu và khả năng mỗi nước.
Điều 2
Các Bên ký kết giành cho nhau chế độ tối huệ quốc trong lĩnh vực thuế quan cũng như thủ tục hải quan liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hoá từ nước này sang nước kia.
Quy định trên không áp dụng cho:
- Những ưu đãi đã cam kết hoặc sẽ cam kết trong tương lai của một trong hai Bên với các quốc gia láng giềng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi mậu dịch với nhau.
- Những quyền lợi, những khoản miễn trừ và những ưu đãi mà các Bên ký kết đã cho và sẽ cho các nước tham gia với một trong hai Bên trong liên minh thuế quan, khu vực thương mại tự do hoặc Hiệp hội hợp tác kinh tế khu vực đang tồn tại hay có thể được quy định trong tương lai.
Điều 3
Việc mua bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện trên cơ sở các hợp đồng thương mại ký kết giữa các chủ thể kinh tế (sau đây được gọi là các Chủ thể) được quyền hoạt động ngoại thương phù hợp với những quy định của Hiệp định này và luật pháp của mỗi nước.
Điều 4
Những điều kiện giao hàng và cung cấp dịch vụ, thể thức thanh toán cũng như giá cả hàng hoá và dịch vụ sẽ do các chủ thể của các Bên ký kết thoả thuận trong hợp đồng.
Điều 5
Việc thanh toán mậu dịch và phi mậu dịch từ 1/1/1991 sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.
Điều 6
Các Bên ký kết, theo luật pháp của mỗi nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi tương hỗ cho các Chủ thể tham gia hội chợ, triển lãm và các chương trình hỗ trợ khác ở mỗi nước của các Bên ký kết.
Điều 7
Đại diện được uỷ quyền của các Bên ký kết sẽ gặp nhau ít nhất 2 năm một lần luân phiên tại mỗi nước để đánh giá quá trình thực hiện Hiệp định này và soạn thảo các giải pháp nhằm ủng hộ sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước.
Điều 8
Hiệp định về thanh toán giữa chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ Cộng hoà nhân dân Ba Lan ký tại Hà Nội, ngày 7 tháng 12 năm 1984 hết hiệu lực.
Các khoản thanh toán còn lại bằng rúp chuyển nhượng sẽ được điều chỉnh bằng nghị định thư riêng giữa hai Chính phủ.
Điều 9
Hiệp định này phải được phê duyệt phù hợp với luật pháp của mỗi Bên ký kết và sẽ được xác nhận bằng công hàm. Ngày bắt đầu có hiệu lực là ngày nhận công hàm xác nhận của Bên thứ hai.
Hiệp định này có giá trị không thời hạn.
Hiệp định này có thể bị từ chối thực hiện khi có công hàm của một trong hai Bên ký kết yêu cầu. Trong trường hợp đó, Hiệp định sẽ hết hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày nhận công hàm thông báo việc từ chối đó.
Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung theo thoả thuận của hai bên.
Hiệp định này làm tại Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1991 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam, tiếng Ba Lan và tiếng Nga, cả hai văn bản đều có giá trị ngang nhau.
Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau, bản tiếng Nga được coi là quyết định.
- 1 Công văn số 3656/VPCP-QHQT ngày 30/07/2003 của Văn phòng Chính phủ về việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định về thương mại và thanh toán với Cộng hòa Ba Lan.
- 2 Nghị quyết số 1040-NQ/TVQH về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại và thanh toán giữa Việt Nam và An-giê-ri do Ủy ban thương vụ Quốc hội ban hành
- 3 Hiệp định về thương mại và thanh toán giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Rumani
- 4 Hiệp định về thương mại và thanh toán giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên