Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG THỤY SĨ VỀ BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ, sau đây gọi là “các Bên ký kết”,

Khẳng định lại tầm quan trọng đặc biệt của sở hữu trí tuệ trong ngoại thương và quan hệ đầu tư giữa hai nước,

Mong muốn bảo hộ một cách hiệu quả và thoả đáng đối với quyền sở hữu trí tuệ, nhằm giảm bớt sai lệch trong thương mại và các cản trở đối với hoạt động thương mại và bảo đảm rằng các biện pháp và các thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ không gây trở ngại cho hoạt động thương mại hợp pháp,

Quyết tâm góp phần tăng cường hệ thống đa phương về sở hữu trí tuệ, bao gồm các điều ước do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (sau đây gọi tắt là “WIPO”) hoặc Tổ chức Thương mại Thế giới (sau đây gọi tắt là “WTO”) điều hành,

Ghi nhận những nỗ lực của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc gia nhập hệ thống thương mại đa biên thế giới do WTO sáng lập, bao gồm cả Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là “Hiệp định TRIPS”), và đồng thời ghi nhận mong muốn của Liên bang Thụy Sĩ trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ,

Căn cứ Hiệp định Thương mại và Hợp tác kinh tế giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ ký ngày 6 tháng 7 năm 1993 và tuyên bố ý định về Hợp tác kinh tế giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ ký ngày 7 tháng 7 năm 1993,

Thoả thuận như sau:

Điều 1: Các điều khoản chung

1- Theo các điều khoản của Hiệp định này, với mục đích ngăn chặn sự sai lệch trong thương mại do việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không thoả đáng và không hiệu quả gây ra, các Bên ký kết bảo đảm việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách thoả đáng, hữu hiệu và không phân biệt, cũng như việc thực thi các quyền đó, đặc biệt là việc chống nạn làm hàng giả và đánh cắp bản quyền.

2- Các Bên ký kết nhất trí rằng việc củng cố hệ thống thương mại đa biên thế giới, đặc biệt là các công ước đa phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, và việc hợp tác nhằm mục tiêu đó, là các nhân tố quan trọng của Hiệp định này.

3- Với các mục tiêu của Hiệp định này, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ được thực hiện đối với: quyền tác giả; các quyền kề cận bao gồm cả chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu; nhãn hiệu hàng hoá; chỉ dẫn địa lý bao gồm cả tên gọi xuất xứ; kiểu dáng công nghiệp; sáng chế; giống cây; thiết kế bố trí mạch tích hợp; thông tin bí mật và các đối tượng khác được pháp luật của mỗi Bên ký kết bảo hộ.

Điều 2: Các điều ước quốc tế

1- Các bên ký kết khẳng định lại cam kết của mình về việc thực hiện các nghĩa vụ và quyền hạn quy định trong những hiệp định đa phương nêu tại mục 1 phụ lục 1 của Hiệp định này, nếu các Bên ký kết là thành viên của các hiệp định đó, và nếu chưa phải là thành viên thì thoả thuận sẽ thực hiện các biện pháp nhằm tham gia những hiệp định đa phương nêu tại mục đó trước ngày 01 tháng 01 năm 2002; theo yêu cầu của một trong các Bên ký kết, thời hạn này có thể được xem xét lại tuỳ thuộc vào tiến trình tham gia các hiệp định, đặc biệt là các hiệp định của WTO.

2- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác hoặc đăng ký bảo hộ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các Bên ký kết sẽ cố gắng hết sức để tham gia các hiệp định đa phương nêu tại mục 2 phụ lục 1 của Hiệp định này, đặc biệt là các hiệp định được ký kết dưới sự bảo trợ của WIPO, nếu các Bên ký kết chưa phải là thành viên của các hiệp định đó.

3- Danh mục nêu trong phụ lục 1 của Hiệp định này sẽ được các Bên ký kết xem xét lại theo định kỳ để phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong tương lai.

Điều 3: Mức độ bảo hộ

1- Theo khoản 2 Điều này, các Bên ký kết phải bảo đảm rằng bảo hộ sở hữu trí tuệ ít nhất phải đạt mức độ quy định trong Hiệp định TRIPS.

2- Không ảnh hưởng đến Điều 4 của Hiệp định này, nếu đến ngày Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực Bên ký kết nào chưa đạt được mức độ bảo hộ đề cập tại khoản 1 trên đây, sẽ bảo đảm đạt được mức độ bảo hộ đó trước 1 tháng 1 năm 2002. Theo yêu cầu của một trong các Bên ký kết, thời hạn này có thể được xem xét lại tuỳ thuộc vào tiến trình gia nhập WTO.

3- Theo yêu cầu của một trong các Bên ký kết, thời hạn nói ở khoản 2 trên đây sẽ được xem xét lại, nếu Bên ký kết kia chấp thuận một thời hạn ngắn hơn với bất kỳ một nước thứ ba nào hoặc một tổ chức liên chính phủ nào.

Điều 4: Đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc

1- Các Bên ký kết sẽ dành cho công dân của nhau sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử mà mỗi Bên ký kết dành cho công dân nước mình trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việc miễn giảm nghĩa vụ này phải theo quy định của Hiệp định TRIPS, đặc biệt là Điều 3 của Hiệp định đó.

2- Đối với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc sự miễn trừ nào được một Bên ký kết dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác cũng phải được lập tức và vô điều kiện dành cho công dân của Bên ký kết kia. Việc miễn giảm nghĩa vụ này phải theo quy định của Hiệp định TRIPS, đặc biệt là Điều 4 và 5 của Hiệp định đó.

Điều 5: Lãnh thổ áp dụng

Hiệp định này được áp dụng cho cả Công quốc Liechtenstein, chừng nào nước này còn ràng buộc với Liên bang Thụy Sĩ bởi Hiệp ước về Liên minh Hải quan và Hiệp ước song phương về việc cấp Bằng độc quyền sáng chế đồng nhất.

Điều 6: Ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp

1- Một trong các Bên ký kết có thể yêu cầu bên ký kết kia thảo luận về việc giải thích hoặc áp dụng các Điều từ 1 đến 5 của Hiệp định này.

2- Các tranh chấp phát sinh giữa các Bên ký kết liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng các Điều từ 1 đến 5 của Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua đường ngoại giao.

3- Hiệp định này không loại trừ việc tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp quy định tại Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Thụy Sĩ về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau, ký ngày 3 tháng 7 năm 1992 (các Điều 9 và 10), nếu tranh chấp phát sinh thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định đó.

Điều 7: Hợp tác

1- Các Bên ký kết thoả thuận tăng cường việc hợp tác cùng có lợi. Nhằm mục đích đó, các Bên ký kết sẽ cùng phối hợp nỗ lực với các tổ chức quốc tế liên quan hoặc các nước, các tổ chức và cơ quan hữu quan khác.

2- Các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực sở hữu trí tuệ như nêu trong khoản 3 Điều 1 của Hiệp định này, cũng như việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, gồm cả các biện pháp biên giới.

3- Khoản 1 trên đây không ảnh hưởng đến việc hợp tác trên cơ sở các hiệp định hoặc thoả thuận khác giữa các Bên ký kết cũng như các hiệp định, thoả thuận khác mà các Bên ký kết có thể sẽ ký kết hoặc đã ký kết với các bên thứ ba hoặc các tổ chức.

4- Với mục đích hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này, các Bên ký kết thoả thuận thiết lập một Chương trình hợp tác đặc biệt (sau đây gọi tắt là “SPC”).

5- Thể thức của SPC, đặc biệt là việc xây dựng, quản lý Chương trình đó do một Uỷ ban hỗn hợp gồm đại diện của các Bên ký kết thực hiện và các hoạt động của SPC được quy định tại Phụ lục 2, là một bộ phận cấu thành của Hiệp định này.

Điều 8: Thảo luận về việc hợp tác

Các Bên ký kết thoả thuận tiến hành thảo luận, theo yêu cầu của một trong các Bên ký kết, khi cần giải thích và áp dụng Điều 7 và Phụ lục 2 của Hiệp định này, đặc biệt về các hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật cũng như về các mối quan hệ với các nước thứ ba và các tổ chức quốc tế.

Điều 9: Bắt đầu và chấm dứt hiệu lực

1- Hiệp định này sẽ có hiệu lực khi các Bên ký kết thông báo cho nhau rằng đã hoàn tất các thủ tục pháp lý mà pháp luật của mỗi Bên ký kết quy định về việc ký kết và thực hiện hiệp định quốc tế.

2- Mỗi Bên ký kết có thể chấm dứt Hiệp định này bằng cách thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia.

Hiệp định này chấm dứt hiệu lực sau sáu tháng, kể từ ngày Bên ký kết kia nhận được thông báo. Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này không ảnh hưởng đến thời hạn của SPC nêu tại Phụ lục 2 của Hiệp định này.

Làm tại Hà Nội, ngày 7 tháng 7 năm 1999, bằng tiếng Việt, Pháp và Anh và tất cả các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau giữa các văn bản thì văn bản tiếng Anh sẽ được sử dụng.

THỪA UỶ QUYỀN CỦA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
GIÁO SƯ




Chu Tuấn Nhạ

THỪA UỶ QUYỀN CỦA CHÍNH PHỦ LIÊN BANG THỤY SĨ
TIẾN SĨ




Jỹrg Leutert

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
(Đã ký)

ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN

(Đã ký)

 

PHỤ LỤC 1:

Kèm theo Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ về Bảo hộ Sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

DANH MỤC CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

(1) Các điều ước quốc tế được đề cập tại khoản 1 Điều 2 Hiệp định này là:

- Công ước Paris ngày 20 tháng 3 năm 1883 về Bảo hộ sở hữu công nghiệp (Văn kiện Stockholm 1967);

- Hiệp ước Hợp tác Patent (PCT) ngày 19 tháng 6 năm 1970;

- Thoả ước Madrit ngày 14 tháng 4 năm 1891 về Đăng ký quốc tế các nhãn hiệu (Stockholm 1967);

- Hiệp định WTO về các vấn đề liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ ngày 15 tháng 4 năm 1994;

- Công ước Berne ngày 9 tháng 9 năm 1886 về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (Văn kiện Paris 1971);

- Công ước quốc tế ngày 26 tháng 10 năm 1961 về bảo hộ những người biểu diễn, các nhà sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát thanh truyền hình (Công ước Rome);

- Công ước quốc tế về Bảo hộ giống cây mới ngày 2 tháng 12 năm 1961 (Công ước UPOV).

(2) Các điều ước quốc tế được đề cập tại khoản 2 Điều 2 Hiệp định này là:

- Hiệp định Hague ngày 6 tháng 11 năm 1925 về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (Văn kiện Hague năm 1960 và Stockholm năm 1967);

- Thoả ước Madrid ngày 14 tháng 4 năm 1891 về Chống các chỉ dẫn giả mạo hoặc lừa dối về nguồn gốc hàng hoá (Văn kiện Stockholm năm 1967);

- Nghị định thư liên quan đến Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, được thông qua tại Madrid ngày 27 tháng 6 năm 1989;

- Hiệp ước về Luật Nhãn hiệu hàng hoá ngày 27 tháng 10 năm 1994;

- Hiệp ước Budapest ngày 28 tháng 4 năm 1977 về Công nhận quốc tế việc nộp lưu các chủng vi sinh để phục vụ việc xét nghiệm sáng chế.

 

PHỤ LỤC 2:

Kèm theo Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ về Bảo hộ Sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC ĐẶC BIỆT

Điều 1: Thiết lập

Theo khoản 4 Điều 7 Hiệp định này, các Bên ký kết thoả thuận thiết lập một Chương trình Hợp tác đặc biệt (SPC).

Điều 2: Thời hạn

Các Bên ký kết thoả thuận rằng thời hạn ban đầu của SPC sẽ là ba năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.

Điều 3: Tài chính

Các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định và Phụ lục này phụ thuộc vào khả năng tài chính, luật và quy định liên quan, các chính sách và chương trình của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Thụy Sĩ.

Điều 4: Quản lý

1- Để triển khai SPC, các Bên ký kết sẽ thành lập một Uỷ ban hỗn hợp, gồm đại diện của cả hai Bên. Uỷ ban hỗn hợp sẽ thông qua thoả thuận để tự đặt ra quy định về thủ tục và hoạt động của mình. Uỷ ban hỗn hợp sẽ họp khi cần thiết, nhưng không ít hơn một lần mỗi năm.

2- Uỷ ban hỗn hợp sẽ phê duyệt thông qua chương trình hoạt động để các cơ quan thi hành có thẩm quyền của các Bên ký kết chi tiết hoá. Uỷ ban sẽ giám sát việc thực hiện đúng SPC.

Điều 5: Hoạt động

1- Uỷ ban hỗn hợp sẽ tiến hành đánh giá các nhu cầu và thứ tự ưu tiên của các hoạt động được ghi dưới đây có tính đến các hoạt động hợp tác được hỗ trợ bởi các hiệp định song phương và đa phương khác.

2- Chương trình Hợp tác có thể bao gồm, nhưng không chỉ hạn chế ở, các hoạt động sau:

a) Các hoạt động nhằm phát triển khung quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ:

(1) Nghiên cứu các điều ước quốc tế có liên quan về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là Hiệp định TRIPS và các điều ước do WIPO điều hành mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa tham gia; khi thích hợp, chuẩn bị ý kiến đề xuất và khuyến nghị trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét để Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia các điều ước đó;

(2) Nghiên cứu các lĩnh vực sở hữu trí tuệ chưa được bảo hộ tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như thông tin bí mật, chống cạnh tranh không lành mạnh;

(3) Đánh giá nhu cầu hiện đại hoá khung pháp luật, đề xuất việc ban hành mới, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phù hợp với các tiêu chuẩn và yêu cầu quốc tế quy định trong các điều ước quốc tế có liên quan, đặc biệt là Hiệp định TRIPS (chuẩn mực về nội dung và thực thi).

b) Các hoạt động nhằm tăng cường quản lý sở hữu trí tuệ:

(1) Trao đổi kinh nghiệm quản lý với các cơ quan sở hữu trí tuệ của Liên bang Thụy Sĩ và các nước hoặc khu vực khác bằng các hình thức như tham quan nghiên cứu và hội thảo;

(2) Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ (tức là sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và các quyền kề cận), bao gồm các cán bộ quản lý, cán bộ pháp lý, xét nghiệm viên, chuyên gia về thông tin sáng chế và thông tin khác, cán bộ kỹ thuật thông qua các khoá đào tạo ngắn và dài hạn, chuyên đề, hội thảo khoa học;

(3) Hiện đại hoá các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, bao gồm cả các chi nhánh của các cơ quan đó, nếu có;

(4) Hiện đại hoá các hệ thống thông tin sáng chế và thông tin khác, bao gồm cả việc thiết lập mạng quốc gia về dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ;

(5) Cung cấp các thiết bị kỹ thuật cần thiết.

c) Các hoạt động nhằm tăng cường việc thi hành pháp luật sở hữu trí tuệ và bảo đảm thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ:

(1) Đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ toà án (người quản lý và quan toà), cán bộ hải quan và các cơ quan chuyên trách về thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua các chuyên đề, hội thảo khoa học và các chuyến khảo sát nghiên cứu;

(2) Cung cấp các thiết bị kỹ thuật cần thiết.

d) Các hoạt động khác, bao gồm cả các hoạt động hỗ trợ và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ:

(1) Nâng cao sự hiểu biết của công chúng về tầm quan trọng của việc bảo hộ các sáng kiến và thành quả sáng tạo, chống lại việc làm hàng giả hoặc đánh cắp bản quyền, thông qua các hội thảo với sự tham gia của các quốc gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực này;

(2) Hỗ trợ các doanh nghiệp, tập thể ở địa phương và các cá nhân sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong mọi lĩnh vực công nghệ;

(3) Các cơ quan của Liên bang Thụy Sĩ cung cấp dịch vụ tra cứu sáng chế miễn phí đối với các đơn sáng chế của các cá nhân hoặc doanh nghiệp với một số điều kiện nhất định;

(4) Hỗ trợ và phát triển việc giảng dạy về sở hữu trí tuệ ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng luật sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế.

Điều 6: Các cơ quan được uỷ quyền thực hiện SPC

Các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Phụ lục này và đặc biệt là SPC là:

a) Về phía Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

Cục Sở hữu Công nghiệp

384 - 386 Nguyễn Trãi, Hà Nội

b) Về phía Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ:

(1) Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế

Phòng các nước đang phát triển /các nước đang chuyển đổi

Effingerstrasse 1

3003 Berne

(2) Viện Sở hữu trí tuệ Liên bang

Einsteinstrasse 2

3003 Berne

Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 08 tháng 6 năm 2000.