HIỆP ƯỚC
GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA BỔ SUNG HIỆP ƯỚC HOẠCH ĐỊNH BIÊN GIỚI QUỐC GIA NĂM 1985
Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, (dưới đây gọi là “hai Bên ký kết”);
Với lòng mong muốn xây dựng một đường biên giới hòa bình, an ninh, ổn định lâu dài giữa hai nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi nhằm duy trì và tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa hai nước;
Với mục đích sớm kết thúc tiến trình phân giới cắm mốc đường biên giới chung giữa hai nước;
Ngài Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
và
Ngài Samdech Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia,
Đã quyết định ký Hiệp ước Bổ sung về việc hoạch định biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (dưới đây gọi là “Hiệp ước Bổ sung”) nhằm xác nhận những sửa đổi so với đường biên giới đã được hoạch định bởi Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ký ngày 27 tháng 12 năm 1985 (dưới đây gọi là “Hiệp ước hoạch định biên giới 1985”);
Với những thỏa thuận sau đây:
Điều 1.
Hai Bên ký kết thống nhất áp dụng một số nguyên tắc và giải pháp trên cơ sở Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 để điều chỉnh hướng đi của đường biên giới đất liền ở một số khu vực cụ thể:
1. Hai Bên ký kết thống nhất áp dụng các nguyên tắc và thực tiễn quốc tế về biên giới theo sông suối để hoạch định đường biên giới sông suối trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước, cụ thể là:
- Đối với những đoạn sông suối biên giới tàu thuyền không đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của dòng chảy chính.
- Đối với những đoạn sông suối biên giới tàu thuyền đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của luồng chính tàu thuyền đi lại được.
Những nguyên tắc nêu trên được thể hiện cụ thể như sau:
1.1. Vị trí chính xác đường trung tuyến của dòng chảy chính hoặc của luồng chính tàu thuyền đi lại được và sự quy thuộc của các cồn, bãi và sự xói mòn ven bờ sông suối sẽ được hai Bên ký kết xác định cụ thể trong quá trình phân giới, cắm mốc.
Tiêu chuẩn chính để xác định dòng chảy chính là lưu lượng dòng chảy ở mực nước trung bình. Tiêu chuẩn chính để xác định luồng chính tàu thuyền đi lại được là độ sâu của luồng tàu thuyền đi lại được, kết hợp với chiều rộng và bán kính độ cong của luồng tàu thuyền đi lại được để xem xét tổng hợp. Trung tuyến của luồng chính tàu thuyền đi lại được là trung tuyến mặt nước giữa hai đường đẳng sâu tương ứng đánh dấu luồng chính tàu thuyền đi lại được.
1.2. Trong trường hợp không có sự thỏa thuận của hai Bên ký kết, bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra đối với sông suối được lấy làm biên giới cũng không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, không ảnh hưởng đến vị trí của đường biên giới cũng như sự quy thuộc các cồn, bãi. Những cồn, bãi xuất hiện trên sông suối được lấy làm biên giới sau khi đường biên giới đã được xác định trên thực địa sẽ được hoạch định quy thuộc theo đường biên giới đã được xác định trên thực địa. Đối với các cồn, bãi mới xuất hiện và nằm trên đường biên giới đã được xác định trên thực địa, hai Bên ký kết sẽ bàn bạc nhằm xác định sự quy thuộc của các cồn bãi nói trên trên cơ sở công bằng và hợp lý.
1.3. Trong trường hợp nảy sinh khó khăn trong việc áp dụng các quy định nêu trên, hai Bên sẽ trao đổi hữu nghị nhằm tìm ra một giải pháp mà hai Bên có thể chấp nhận được.
2. Trong quá trình giải quyết các vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, để xác định hướng đi của đường biên giới đối với sáu (06) khu vực mà hai Bên ký kết có sự khác biệt về quan điểm trong các vòng họp của Ủy ban liên hợp về biên giới từ năm 1999 - 2000, hai Bên ký kết nhất trí dựa vào những yếu tố sau để xem xét và áp dụng:
- Các yếu tố pháp lý mà chính quyền thực dân đã sử dụng để vạch đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia;
- Thực trạng quản lý và chiếm hữu thực sự của dân cư qua nhiều thế hệ;
- Các đặc trưng địa hình phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế được áp dụng cho việc xác định hướng đi của đường biên giới qua các dạng địa hình khác nhau như đường phân thủy, đường sống núi, đường nối các điểm cao…
Điều 2.
1. Điều I của Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 được sửa đổi ở sáu (06) đoạn biên giới cụ thể sau đây:
1.1. Đối với đoạn biên giới ở khu vực tiếp giáp giữa xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum - Việt Nam và xã Ta Veng Krom, huyện Ta Veng, tỉnh Ra-ta-na-ki-ri - Campuchia, do mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 danh pháp DAKTO 148W đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 bỏ trắng địa hình và tiếp biên không khớp với mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 danh pháp YALI 156W đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985, căn cứ vào nội dung được thể hiện trên mảnh bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 danh pháp PHUM KHAM DORANG 6437-I đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985, hai Bên ký kết thống nhất sửa đổi đoạn biên giới này như sau:
“… từ điểm A tại ngã ba suối không tên ngược dòng suối này đến điểm B”.
Đoạn biên giới sửa đổi nêu trên được thể hiện bằng đường đỏ trên sơ đồ tỷ lệ 1/50.000 trong Phụ lục số 1 của Hiệp ước Bổ sung này.
1.2. Đối với đoạn biên giới ở khu vực tiếp giáp giữa xã Ia O, huyện Chư Pả (Ia Grai), tỉnh Gia Lai - Việt Nam và xã Nhang, huyện Andaung Meas, tỉnh Ra-ta-na-ki-ri - Campuchia, do hai mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 danh pháp YALI 156W và mảnh BOKHAM 164W đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 tiếp biên không khớp, căn cứ vào nội dung được thể hiện trên mảnh bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 danh pháp PH.THONG 6436-I đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985, hai Bên ký kết thống nhất sửa đổi đoạn biên giới này như sau:
“… từ điểm A tại hợp lưu suối không tên và sông Nậm Sa Thầy, đường biên giới đi theo hướng Nậm Sa Thầy đến hợp lưu giữa sông Nậm Sa Thầy và sông Sê San, sau đó theo dòng sông Sê San đến điểm B”.
Đoạn biên giới sửa đổi nêu trên được thể hiện bằng đường đỏ trên sơ đồ tỷ lệ 1/50.000 trong Phụ lục số 2 của Hiệp ước Bổ sung này.
1.3. Đối với đoạn biên giới ở khu vực tiếp giáp giữa xã Ea Bung, huyện Ea Súp và xã Crông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc - Việt Nam và xã Srê Huy, huyện Koh Nhèk, tỉnh Mon-dun-ki-ri – Campuchia, do hai mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 danh pháp KOMAYOL 172W và BANDON 181W đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 tiếp biên không khớp, căn cứ vào nội dung được thể hiện trên ba mảnh bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 danh pháp YALOP 6535-IV, YOKMBRE 6535-III và MÉREUCH 6435-II đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985, hai Bên ký kết thống nhất sửa đổi như sau:
“… từ điểm A, đường biên giới đi theo đường thẳng tới điểm B của suối không tên, sau đó theo dòng suối này đến gặp sông Srêpôk”.
Hai Bên ký kết thống nhất sửa đổi đoạn biên giới theo đường thẳng này trong quá trình rà soát chuyển vẽ đường biên giới từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000.
Đoạn biên giới sửa đổi nêu trên được thể hiện bằng đường đỏ trên sơ đồ tỷ lệ 1/50.000 trong Phụ lục số 3 của Hiệp ước Bổ sung này.
1.4. Đối với đoạn biên giới ở khu vực tiếp giáp giữa xã Vĩnh Xương và xã Phú Lộc, huyện Tân Châu và xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang - Việt Nam và xã Kaâm Samnar, huyện Loeuk Dèk và xã Prèk Chrey, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal - Campuchia (khu vực giữa sông Mê Kông và Hậu Giang) hai Bên ký kết sẽ dựa vào kết quả khảo sát song phương trên thực địa để điều chỉnh đoạn biên giới nêu trên cho phù hợp với điểm 2, điều I của Hiệp ước Bổ sung này.
1.5. Đối với hai (02) đoạn biên giới ở khu vực tiếp giáp giữa xã Khánh An và xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang - Việt Nam và xã Prèk Chrey, xã Sampeou Pun (rạch Bình Ghi), huyện Koh Thom, tỉnh Kandal - Campuchia, căn cứ vào nội dung được thể hiện trên mảnh bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 danh pháp TÂNCHÂU 6030-IV kèm theo Hiệp ước hoạch định biên giới 1985, hai Bên ký kết đã thống nhất sửa đổi các đoạn biên giới này như sau:
“… từ điểm A, đường biên giới ngược dòng sông Bassac (Hậu Giang) đến hợp lưu giữa sông Bassac và rạch Bình Ghi, sau đó theo dòng rạch Bình Ghi đến điểm B”.
Hai đoạn biên giới sửa đổi nêu trên được thể hiện bằng đường đỏ trên sơ đồ tỷ lệ 1/50.000 trong Phụ lục số 4 của Hiệp ước Bổ sung này.
2. Đối với đoạn biên giới trong khu vực tiếp giáp giữa xã Quảng Trực, huyện Đăk Rlâp, tỉnh Đắk Lắk (Đăk Nông) Việt Nam và xã Đak Đam, huyện Ô Reng, tỉnh Mon-dun-ki-ri Campuchia, hai Bên ký kết thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi.
Điều 3.
Để tạo điều kiện kỹ thuật thuận lợi cho quá trình phân giới và cắm mốc đường biên giới trên đất liền, hai Bên ký kết thống nhất những điểm sau:
1. Các chuyên gia kỹ thuật của mỗi Bên ký kết sẽ tự rà soát việc chuyển vẽ đường biên giới từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985. Các chuyên gia kỹ thuật của hai Bên ký kết sẽ gặp nhau vào cuối năm 2006 để đối chiếu kết quả của mình và đề xuất giải pháp kỹ thuật lên Ủy ban liên hợp về biên giới xem xét và thông qua. Đối với những khu vực mà hai Bên không nhất trí được về kết quả đối chiếu cũng như giải pháp kỹ thuật thì đường biên giới tại các khu vực đó sẽ giữ nguyên như trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000.
2. Phía Việt Nam sẽ giúp phía Campuchia in mới 05 bộ 40 mảnh bản đồ nền UTM tỷ lệ 1/50.000 có nền địa hình tương tự như nền địa hình của bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985.
3. Xúc tiến các cuộc họp cấp Ủy ban liên hợp về biên giới và cấp chuyên viên để triển khai phân giới và cắm mốc trên thực địa (bắt đầu từ quý I/2006 đến quý II/2008).
4. Hai Bên ký kết phấn đấu sớm hoàn thành công tác phân giới và cắm mốc trên đất liền trước cuối tháng 12 năm 2008 và xúc tiến thành lập bộ bản đồ địa hình khu vực biên giới giữa hai nước để ghi nhận các kết quả phân giới cắm mốc trên thực địa, coi đó là bộ bản đồ chính thức về biên giới giữa hai nước.
5. Cho đến khi hai bên hoàn thành công việc phân giới cắm mốc, việc quản lý đường biên giới sẽ tiếp tục được thực hiện theo Thông cáo báo chí của Thủ tướng Chính phủ hai nước ngày 17 tháng 01 năm 1995.
Điều 4.
Hai Bên ký kết quyết định giao cho Ủy ban Liên hợp về Biên giới những nhiệm vụ sau:
1. Xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm thực hiện lộ trình phân giới và cắm mốc đường biên giới chung, được gọi là TOR (Terms of Reference), trước cuối năm 2005.
2. Phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia như đã nêu trong điều I của Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và điều I, điều II và điều III của Hiệp ước Bổ sung này.
3. Xây dựng bản đồ đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia.
4. Soạn thảo Nghị định thư về phân giới, cắm mốc đường biên giới trên đất liền giữa hai nước bao gồm các hồ sơ chi tiết về đường biên giới, các mốc quốc giới và bản đồ đường biên giới giữa hai nước thể hiện hướng đi của đường biên giới, vị trí các mốc quốc giới trên toàn tuyến.
Nghị định thư về phân giới và cắm mốc đường biên giới trên đất liền nói trên sẽ là một bộ phận cấu thành của Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và Hiệp ước Bổ sung này. Bộ bản đồ của đường biên giới giữa hai nước nêu tại mục 3 điều này sẽ thay thế 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 và 40 mảnh bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 và 04 sơ đồ đính kèm Hiệp ước Bổ sung này.
Điều 5.
Trong trường hợp có sự khác biệt về giải thích và thực hiện Hiệp ước Bổ sung này, hai bên sẽ giải quyết bằng các biện pháp hòa bình thông qua thảo luận và đàm phán.
Điều 6.
Hiệp ước Bổ sung này sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi các Văn kiện phê chuẩn.
Bốn Phụ lục đính kèm theo Hiệp ước là một phần không tách rời của Hiệp ước Bổ sung này.
Làm tại Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2005, thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Pháp; cả ba văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Pháp được lấy làm căn cứ.
THAY MẶT | THAY MẶT |