Hỏi đáp pháp luật về vấn đề đăng ký bản quyền tác giả (tài liệu tham khảo học sinh) ?
Ngày gửi: 20/08/2020 lúc 09:48:13
Câu hỏi:
Thưa luật sư! Tôi làm việc cho 1 trung tâm Tiếng Anh tại Hà Nội từ năm 2011 đến nay. Trong quá trình làm việc, tôi chịu trách nhiệm thiết kế toàn bộ tài liệu học cho học sinh (không có sự tham gia của người khác trong trung tâm) và các tài liệu được dùng để in ấn cho học sinh và giáo viên dùng từ đó đến nay. Giữa tôi và công ty không có bất cứ điều khoản thỏa thuận riêng về nội dung này. Các tài liệu in ra chỉ đề tên trung tâm, không có tên tôi là quyền tác giả. Nay tôi đang có ý định nghỉ việc, chuyển sang đơn vị khác và tôi không muốn công ty cũ tiếp tục sử dụng tài liệu của tôi sau khi nghỉ việc. Mong muốn của tôi có thực hiện được không và nếu muốn tôi cần phải làm những thủ tục gì? Tôi cũng chưa đi đăng ký bản quyền tài liệu. Nếu tôi đi đăng ký bản quyền sau khi nghỉ việc thì có được hay không? Mong luật sư giúp đỡ.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 của Quốc hội
Luật sửa đổi bổ sung luật sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12
Nội dung tư vấn:
Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ quy định về các loại hình được bảo hộ như sau:
"Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này."
Như vậy các tài liệu mà bạn thiết kế cho giáo viên và học sinh của Trung tâm dùng cũng là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Bạn có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do bạn sáng tạo và được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên Trung tâm tiếng Anh nơi mà bạn làm việc và thiết kế tài liệu đó cũng có quyền đối với tác phẩm do bạn sáng tạo do theo dữ liệu bạn đưa ra thì bạn phải "chịu trách nhiệm thiết kế toàn bộ tài liệu học cho học sinh" . Được quy định tại Điều 39 Luật sở hữu trí tuệ như sau:
"Điều 39. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả
1. Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
"Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký."
Và Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
"Điều 49. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan
1. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
2. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại."
Như vậy, theo quy định pháp luật trên thì quyền tác giả phát sinh từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức nhất định,... không phân biệt bạn đã dăng ký hay chưa đăng ký.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691