Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

THỐNG KÊ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Căn cứ Quyết định số 17/QĐ-VKSTC ngày 05/01/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành Biểu mẫu thống kê giám định tư pháp trong tố tụng hình sự, VKSND tối cao (Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin) hướng dẫn thực hiện Biểu thống kê giám định tư pháp trong tố tụng hình sự như sau:

I. TRÁCH NHIỆM THỐNG KÊ, ĐƠN VỊ TÍNH, KỲ BÁO CÁO, THỜI HẠN, PHƯƠNG THỨC GỬI VÀ HIỆU CHỈNH BÁO CÁO THỐNG KÊ

1. Trách nhiệm thống kê và đơn vị tính

- Đơn vị có trách nhiệm thống kê giám định tư pháp trong tố tụng hình sự là đơn vị ra quyết định trưng cầu giám định (của Viện kiểm sát) hoặc nhận được quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Tòa án cùng cấp.

- Đơn vị tính là “quyết định” và thống kê số liệu phát sinh trong Tháng (số mới).

+ Nếu một quyết định trưng cầu giám định có nhiều nội dung khác nhau nhưng cùng một dòng thì chỉ tính là 1 quyết định.

Ví dụ: Một quyết định trưng cầu giám định vừa có nội dung trưng cầu giám định về tuổi của bị can vừa có nội dung trưng cầu giám định về tuổi của bị hại thì Cột 2 của Dòng 2 ghi 1.

+ Nếu một quyết định trưng cầu giám định có nhiều nội dung khác nhau nhưng ở nhiều dòng khác nhau thì cũng chỉ tính là 1 quyết định và thống kê vào dòng có số thứ tự nhỏ nhất.

Ví dụ: Một quyết định trưng cầu giám định vừa có nội dung trưng cầu giám định về tuổi của bị can (Dòng 2) vừa có nội dung trưng cầu giám định mức độ tổn hại sức khỏe (Dòng 4) thì chỉ thống kê vào Dòng 2.

2. Kỳ báo cáo thống kê

Báo cáo thống kê giám định tư pháp trong tố tụng hình sự được lập theo Kỳ báo cáo thống kê Tháng (từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của Tháng).

3. Thời hạn, phương thức gửi và hiệu chỉnh báo cáo thống kê

Thời hạn, phương thức gửi và hiệu chỉnh báo cáo thống kê giám định tư pháp trong tố tụng hình sự được thực hiện theo Chế độ báo cáo thống kê thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 560/QĐ-VKSTC ngày 13/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.

II. CÁCH GHI BIỂU THỐNG KÊ

Từ Cột 2 đến Cột 11 căn cứ thống kê là ngày ra quyết định trưng cầu giám định (của Viện kiểm sát) hoặc ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và Tòa án cùng cấp; Cột 12 căn cứ thống kê là ngày nhận được kết luận giám định; Cột 13 căn cứ thống kê là ngày ra thông báo (của Viện kiểm sát) hoặc ngày nhận được thông báo không đồng ý với kết luận giám định.

- Cột 2: Thống kê tổng số quyết định trưng cầu giám định trong kỳ thống kê.

Cột 2 = Cột 5 + Cột 6 + Cột 7 + Cột 8 = Cột 9 + Cột 10 + Cột 11.

- Cột 3: Thống kê số quyết định trưng cầu giám định trong các vụ án về chức vụ (Chương XXIII Bộ luật Hình sự), bao gồm: Các tội phạm tham nhũng và Các tội phạm khác về chức vụ. Số này thuộc số liệu tại Cột 2 (Cột 3≤ Cột 2).

- Cột 4: Thống kê số quyết định trưng cầu giám định theo đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại hoặc người tham gia tố tụng khác. Số này thuộc số liệu tại Cột 2 (Cột 4 ≤ Cột 2).

Lưu ý: Đề nghị trưng cầu giám định có thể ở các kỳ thống kê khác nhau, nhưng tháng nào ra quyết định trưng cầu giám định thì thống kê vào kỳ thống kê đó.

- Cột 7: Thống kê số quyết định trưng cầu giám định lại lần 1 và giám định lại lần 2.

- Cột 8: Thống kê số quyết định trưng cầu giám định lại trong trường hợp đặc biệt. Căn cứ thống kê là ngày Viện trưởng VKSND tối cao ra quyết định hoặc ngày mà Viện kiểm sát nhận được quyết định trưng cầu giám định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Cột 9, 10 và Cột 11: Cơ quan nào ra quyết định trưng cầu giám định thì thống kê vào cột tương ứng.

- Cột 12: Thống kê số quyết định trưng cầu giám định đã nhận được kết luận giám định trong kỳ thống kê.

Lưu ý: Quyết định trưng cầu giám định có thể ở các kỳ thống kê khác nhau nhưng kỳ thống kê này mới nhận được kết luận giám định nên số liệu này có thể lớn hơn số liệu tại Cột 2.

- Cột 13: Thống kê số kết luận giám định mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định.

Lưu ý: Kết luận giám định có thể ở các kỳ thống kê khác nhau nhưng kỳ thống kê này cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý nên số liệu này có thể lớn hơn số liệu tại Cột 2 và tại Cột 12.

- Cột 14: Thống kê số quyết định trưng cầu giám định chưa có kết luận giám định tính đến cuối kỳ thống kê nhưng đã quá thời hạn giám định quy định tại Điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự. Đối với một quyết định trưng cầu giám định có nhiều nội dung nhưng có nội dung quá thời hạn thì vẫn tính là quá thời hạn. Mỗi quyết định trưng cầu giám định quá thời hạn chỉ thống kê 1 lần (kỳ sau không tính lại).

Ví dụ: Quyết định trưng cầu giám định đã thống kê quá thời hạn ở kỳ thống kê trước sang kỳ thống kê này vẫn quá thời hạn thì không thống kê nữa.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị liên hệ trực tiếp Phòng Thống kê Hình sự, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, VKSND tối cao (Cục 2) để được giải đáp hoặc hướng dẫn bổ sung./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để báo cáo);
- Các Đồng chí PVT VKSNDTC (để báo cáo);
- Văn phòng VKSND tối cao (để theo dõi);
- Các đơn vị (Vụ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7,
Cục 1 và Cục 2) thuộc VKSND tối cao (để thực hiện);
- VKSQS Trung ương (để thực hiện);
- VKSND cấp cao (để thực hiện);
- VKSND cấp tỉnh (để thực hiện);
- VKSND cấp huyện (để thực hiện);
- Lưu: VT, Cục 2.

TL. VIỆN TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC THỐNG KÊ TỘI PHẠM
VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN




Trần Văn Trung