Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/VKSTC-V4

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2004

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM, QUẢN LÝ VÀ GIÁO DỤC NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ NĂM 2004

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới. Thực hiện chương VI Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quán triệt tinh thần và nội dung của Bộ luật Tố tụng hình sự mới. Thực hiện Chỉ thị số: 07/2003/CT-VKSTC ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của Ngành kiểm sát nhân dân năm 2004.

Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù năm 2004 toàn ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

I/ Kiểm sát nhằm bảo đảm việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật.

1, Về kiểm sát việc tạm giữ.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý chặt chẽ số người bị bắt, tạm giữ, xử lý. Mọi trường hợp bị tạm giữ phải có lệnh tạm giữ đang còn hiệu lực của người và cơ quan có thẩm quyền. Phân tích rõ số người bị tạm giữ bị bắt trong trường hợp nào ( trường hợp khẩn cấp? phạm tội quả tang? hoặc bắt theo quyết định truy nã, tự thú). Thống kê và báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên Trực tiếp các trường hợp sau: Viện kiểm sát nhân dân quyết định không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, quyết định không phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giữ, các trường hợp quá hạn tạm giữ, việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết .v.v.. Điểm đáng lưu ý: Từ ngày 1/7/2004 Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải kiểm sát chặt chẽ quy định “ người thi hành quyết định tạm giữ” phải có trách nhiệm “giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ” theo BLTTHS mới sửa đổi. Việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ phải thể hiện bằng biên bản được lưu trong hồ sơ tạm giữ của họ.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý chặt chẽ quá trình xử lý các trường hợp bị tạm giữ như khởi tố bị can ( chuyển tạm giam, ADBPNCK); không khởi tố bị can trả tự do. Các trường hợp không khởi tố trả tự do, cần phân tích có bao nhiêu trường hợp chuyển xử lý hành chính, bao nhiêu trường hợp trả tự do: Cơ quan điều tra trả tự do: ? VKS trả tự do: ? các trường hợp do Viện kiểm sát nhân dân trả tự do phải có danh sách trích ngang từng trường hợp một để báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.

Đối với các trường hợp bị tạm giữ không có căn cứ và trái pháp luật, kiểm sát viên phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, phải xem xét thận trọng từng trường hợp cụ thể báo cáo Viện trưởng ra quyết định trả tự do theo khoản 1 điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và lập danh sách trích ngang báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.

2, Về kiểm sát tạm giam

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý chặt chẽ số người bị tạm giam trong các giai đoạn tố tụng hình sự, bảo đảm mọi trường hợp đưa vào tạm giam phải có lệnh tạm giam đang còn hiệu lực của người và cơ quan có thẩm quyền, thủ tục hồ sơ của người bị tạm giam ở nơi giam giữ phải đảm bảo đầy đủ theo quy định của pháp luật; nhằm không để xẩy ra việc quá hạn tạm giam. Phối hợp chặt chẽ với kiểm sát điều tra nhằm chấm dứt việc quá hạn tạm giam thuộc Viện kiểm sát. Các trường hợp quá hạn tạm giam thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra và Toà án phải kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục.

Phối hợp với Kiểm sát điều tra chủ động thống kê và báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp các trường hợp Viện kiểm sát nhân dân quyết định không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam, quyết định không gia hạn tạm giam.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý nắm chắc quá trình giải quyết đối với người bị tạm giam trong các giai đoạn tố tụng hình sự. Thống kê cụ thể số người được cơ quan điều tra đình chỉ điều tra vì không có tội, VKS đình chỉ không tội, Toà án xét xử tuyên không phạm tội. Toà án xét xử không phạt tù giam ( án treo, cải tạo không giam giữ, thời gian tạm giam bằng án sơ thẩm) Xác minh các trường hợp tạm giam trái pháp luật để tham mưu cho Viện trưởng ra quyết định trả tự do theo khoản 1 điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Các trường hợp này đều phải lập danh sách trích ngang báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp phải quản lý chặt chẽ số người bị kết án tù đang bị giam tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, nắm chắc các trường hợp : án chưa có hiệu lực pháp luật? án đã có hiệu lực pháp luật chưa đưa đi trại giam, (phân tích các trường hợp thiếu thủ tục thi hành án thuộc trách nhiệm Toà án, Công an) để kiến nghị yêu cầu các cơ quan sớm hoàn thành thủ tục thi hành án để chuyển ngay số án có hiệu lực pháp luật đi trại giam theo đúng Pháp lệnh thi hành án phạt tù. Nhằm khắc phục sự “ quá tải” ở các trại tạm giam, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kết án.

Đối với các trường hợp có kháng cáo, kháng nghị, kiểm sát viên phải yêu cầu trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam phải gửi ngay tới Toà án đã xét xử sơ thẩm để chuyển hồ sơ lên cấp phúc thẩm xem xét và quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm.

Đối với số bị cáo Toà án tuyên phạt tử hình phải lập danh sách trích ngang báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để quản lý. Phân tích rõ : Số bị án đã được giải quyết như đã thi hành án tử hình, số bị án được ân giảm xuống chung thân và số án phạt tử hình xử xuống chung thân, số trốn, số chết, số còn lại chưa giải quyết. Trong số chưa giải quyết yêu cầu phân tích tiếp ở từng giai đoạn số chờ xét xử phúc thẩm, Giám đốc thẩm, số bị án đang chờ Toà án, Viện kiểm sát xem xét trước khi trình Chủ tịch nước, số bị án đã có quyết định bác đơn của Chủ tịch nước, số bị án chờ thi hành án tử hình và số bị án đã có tờ trình lên Chủ tịch nước, xem xét theo quy định của pháp luật)

Kiểm sát chặt chẽ công tác quản lý giam giữ, ở các nhà tạm giữ, trại tạm giam, nhằm khắc phục tình trạng người bị tạm giữ và người bị tạm giam, giam giữ chung trong cùng một buồng, yêu cầu Ban giám thị phải phân loại và bố trí giam giữ theo đúng quy định tại điều 15 Quy chế về tạm giữ, tạm giam. Góp phần hạn chế việc thông cung, liên lạc phục vụ tốt cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Yêu cầu Ban giám thị chấm dứt việc cho người bị tạm giữ, tạm giam ra lao động ( làm vệ sinh) không đúng quy định trong quy chế về tạm giữ, tạm giam.

3, Về kiểm sát việc quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù trong các trại giam, phân trại giam thuộc trại tạm giam.

Kiểm sát chặt chẽ thủ tục tiếp nhận phạm nhân vào trại giam, phân trại giam để chấp hành án phạt tù theo quy định tại Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và Quy chế trại giam.

Kiểm sát chặt chẽ công tác quản lý, giam giữ phạm nhân của Ban Giám thị trại, nhằm đảm bảo việc phân loại, nâng hạ loại và tổ chức giam giữ phạm nhân theo loại theo đúng quyết định số 919/2002/QĐ - BCA ( V26) ngày 01/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an. Trên cơ sở đó yêu cầu, Ban giám thị trại phải có 1 kế hoạch quản lý, giáo dục, thực hiện pháp luật, chính sách về ăn, ở, khám chữa bệnh, tổ chức lao động học nghề cho phù hợp. Góp phần hạn chế tới mức thấp nhất việc vi phạm quy chế , nội quy trại giam, trốn trại, phạm tội mới ở trại giam, phân trại giam.

Kiểm sát chặt chẽ công tác giáo dục phạm nhân, nhằm đảm bảo 100% số phạm nhân sau khi vào trại giam, phân trại giam chấp hành án phạt tù phải được học tập đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật nhà nước, tổ chức dạy văn hoá xoá mù cho phạm nhân.

Kiểm sát chặt chẽ quá trình tổ chức lao động sản xuất cho phạm nhân, việc dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân có kết quả và mang ý nghĩa giáo dục thiết thực.

Kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện “4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù” và “Quy định xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù” cho phạm nhân theo tinh thần quyết định số: 1269/2002/QĐ - BCA ( V26) ngày 17/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an. Phát hiện kịp thời các vi phạm trong việc nhận xét, đánh giá, xếp loại cải tạo hàng tháng, quý, 6 tháng, năm của phạm nhân để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục.

Kiểm sát chặt chẽ việc đề nghị và xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân, bảo đảm việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các địa phương cần thẩm định đối chiếu giữa hồ sơ giảm hạn tù với hồ sơ quản lý giáo dục đối với phạm nhân ở trại giam. Phát hiện kịp thời các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xét giảm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục.

Phát hiện kịp thời các trường hợp phạm nhân đã chấp hành xong hình phạt ( không bị giam giữ về tội khác) mà chưa được trả tự do. Kiểm sát viên phải lấy lời khai của đối tượng, sao kèm bản án báo cáo Viện trưởng ra quyết định trả tự do theo khoản 1 điều 28 luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002.

Trong quá trình kiểm sát trực tiếp tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, hàng quý VKS phải nắm cụ thể số các cháu nhỏ theo mẹ vào trại. Ghi rõ họ tên, tuổi, các cháu, tên cha mẹ đang bị giam giữ, đang thi hành bản án phạt tù... báo cáo về Vụ 4 Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

II/ Kiểm sát nhằm đảm bảo chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ về ăn, ở, mặc, phòng chữa bệnh, chế độ thăm gặp thân nhân, nhận quà, chế độ tiếp nhận đơn thư, chuyển đơn thư của người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật.

Về chế độ ăn: Tập trung kiểm tra, xem xét các quyết toán hàng tháng, quý, 6 tháng, năm nhằm đảm bảo cho người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù ăn đủ tiêu chuẩn, đúng chế độ, định lượng về lương thực, thực phẩm ( gạo, rau, cá, thịt, mắn, muối...) phát hiện kịp thời các vi phạm trong việc thực hiện chế độ ăn của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Về chế độ ytế : Kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện khám chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù khi bị ốm đau, bệnh tật, thương tích... việc thực hiện chế độ phòng chống dịch bệnh tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam theo quy định của ngành Ytế đảm bảo tốt vệ sinh nơi ăn, ở, sinh hoạt và học tập ở nơi giam, giữ.

Đối với người chấp hành án phạt tù mới vào trại giam, phân trại giam phải được kiểm tra sức khoẻ, lập hồ sơ phân loại sức khoẻ để bố trí lao động cho phù hợp và tổ chức khám sức khoẻ định kỳ; quản lý chặt chẽ số đối tượng nghiện ma tuý vào trại giam, xét nghiệm máu cho tất cả số phạm nhân có nguy cơ lây nhiễm cáo để sớm phát hiện các bệnh HIV/AIDS, lao và viêm gan A, B,C.

Số người bị tạm giữ, tạm giam, bị mắc các bệnh hiểm nghèo thì kiểm sát viên yêu cầu, Ban Giám thị trại có báo cáo cơ quan thụ lý vụ án xem xét giải quyết cho gia đình bảo lãnh để có điều kiện chăm sóc và chữa bệnh. Đối với người chấp hành án phạt tù mắc bệnh hiểm nghèo thì yêu cầu cơ Ban giám thị cho giám định Y khoa và có đủ điều kiện thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù. Nhằm hạn chế người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù bị chết ở các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam.

Kiểm sát chặt chẽ chế độ phòng hộ, bảo hiểm tai nạn lao động: Đối với những công việc dễ xẩy ra tai nạn lao động, kiểm sát viên phải yêu cầu Ban giám thị tổ chức cho phạm nhân học tập, nắm vững quy trình, thao tác kỹ thuật, nội quy an toàn, vệ sinh lao động. Trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo hộ lao động cho phạm nhân, tuyệt đối không để xẩy ra chết người do tai nạn lao động.

III/ Kiểm sát nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.

1, Bảo đảm tính mạng, danh dự, nhân phẩm.

Khi tiến hành kiểm sát thường kỳ, bất thường nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, kiểm sát viên chú ý, phát hiện các vi phạm như:

Truy bức, đánh đập, dùng nhục hình, gây thương tích cho người bị giam, giữ, bắt họ nhịn ăn, uống, cùm chân tại nhà kỷ luật khi họ không có vi phạm. Để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, các trường hợp có dấu hiệu phạm tội phải được xem xét, khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát phải báo cáo ngay lên Vụ 4 và Cục Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét giải quyết.

2, Bảo đảm về tài sản.

Kiểm sát chặt chẽ việc quản lý lưu ký, tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù bảo đảm đúng nguyên tắc, có sổ sách theo dõi lưu ký và trả tài sản đầy đủ khi họ được trả tự do hay chuyển nơi giam giữ khác.

3, Bảo đảm quyền khiếu nại - tố cáo.

Người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù có quyền khiếu nại - tố cáo việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù trái pháp luật hoặc các hành vi trái với quy chế về tạm giữ, tạm giam và quy chế trại giam. Do vậy, khi tiến hành kiểm sát thường kỳ và bất thường tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý đơn khiếu nại tố cáo của Trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam, trại giam xem xét việc giải quyết những đơn thư thuộc thẩm quyền có đúng theo quy định tại quy chế về tạm giữ, tạm giam hoặc quy chế trại giam? Đối với những khiếu nại tố cáo về việc giam giữ thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân thì xem việc trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam, trại giam có chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được khiếu nại - tố cao? Bộ phận kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù khi nhận được đơn thư phải tiến hành xác minh làm rõ, kết luận, trả lời người khiếu nại - tố cáo trong thời hạn quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp. Những đơn khiếu nại - tố cáo thuộc các lĩnh vực khác thì phải chuyển ngay cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam, trại giam biết để thông báo lại cho người bị giam, giữ.

IV/ Tổ chức thực hiện

Viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường kiểm sát thường kỳ và bất thường tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam Quản lý chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật ở nơi giam giữ, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm sát trực tiếp đảm bảo cho kháng nghị, kiến nghị đạt hiệu quả cao. Nhằm đảm bảo việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật;

Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần quán triệt công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù quy định tại Chỉ thị số 07/2003/CT - VKSTC ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2004. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam theo chỉ tiêu quy định tại Chỉ thị số : 03/2002/CT - VKSTC ngày 23/01/2002 và Chỉ thị số : 02/2003/CT - VKSTC ngày 09/01/2003 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

1 - Cấp huyện:

- Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hàng ngày phải kiểm sát nhà tạm giữ và báo cáo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh về số người bị bắt, tạm giữ, tạm giam và kết quả xử lý đối với những người bị giam giữ trước.

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phải trực tiếp kiểm sát nhà tạm giữ ít nhất 1 tháng 1 lần, có kết luận, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm bằng văn bản, những vi phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam thì kiến nghị yêu cầu khắc phục. Kết quả kiểm sát trực tiếp, kết luận kháng nghị, kiến nghị phải báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp.

2 - Cấp tỉnh:

Hàng tuần kiểm sát viên phải vào trại tạm giam để nắm tình hình quản lý, theo dõi và báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao ( Vụ 4) về tình hình và số người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đưa vào quản lý và giáo dục tại phân trại giam và kết quả giải quyết trong tuần.

Kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp trại tạm giam mỗi tháng 1 lần, phân trại giam 03 tháng 1 lần, có kết luận và kháng nghị vi phạm gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao ( Vụ 4 ). Căn cứ vào tình hình vi phạm ở trại tạm giam có thể kiểm sát trực tiếp từng mặt công tác hoặc kiểm sát trực tiếp toàn diện, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm có tính đột xuất cần phải kết luận làm rõ thì tiến hành kiểm sát bất thường.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố phải trực tiếp kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam ít nhất 6 tháng 1 lần có kết luận, kháng nghị vi phạm gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao ( Vụ 4) theo Chỉ thị số 02/2003/CT - VKSTC. Định kỳ 6 tháng, 12 tháng cấp tỉnh phải tổng hợp vi phạm ở các nhà tạm giữ, trại tạm giam để kháng nghị, kiến nghị ngang cấp, yêu cầu cơ quan hữu quan khắc phục các vi phạm trong hoạt động tư pháp tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 53/CT và Nghị quyết 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị, thực hiện chương trình cải cách tư pháp trong ngành kiểm sát nhân dân, Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù của Viện kiểm sát nhân dân các địa phương tiếp tục chủ trì phối hợp quản lý, theo dõi chuyên đề nghiệp vụ: “ bắt, tạm giữ, tạm giam, xử lý” ở cấp mình, định kỳ 6 tháng, 12 tháng báo cáo kết quả lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 4). Theo Chỉ thị số 03/2002/CT - VKSTC ngày 23/01/2002 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm sát thường kỳ và bất thường tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, cán bộ kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giam giữ phải nắm chắc nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm pháp lý quy định tại chương VI Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Quy chế số 43 sửa đổi về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù áp dụng linh hoạt các quyền như kiểm sát yêu cầu cơ quan cùng cấp và cấp dưới kiểm tra và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; yêu cầu thông báo tình hình và trả lời về các quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp lụât trong việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy chế 14 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương phải nâng cao chất lượng báo cáo tháng, quý, 6 tháng, 12 tháng, trong báo cáo phải phân tích số liệu bắt, tạm giữ, tạm giam xử lý ở cả 2 cấp và đánh giá tình hình chấp hành pháp luật ở nhà tạm giữ, trại tạm giam, phân trại quản lý phạm nhân và kết quả hoạt động của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù của kỳ báo cáo theo mẫu báo cáo mà VKSNDTC - Vụ 4 đã hướng dẫn tại văn bản số 1200/VKSTC - V4 ngày 16 tháng 5 năm 2003. Yêu cầu số liệu báo cáo phải chính xác, thống nhất với số liệu của Văn phòng tổng hợp của Viện kiểm sát cấp tỉnh.

Các tỉnh, thành phố có trại giam của Bộ Công an đóng trên địa bàn cần phối hợp chặt chẽ và kiểm sát có hiệu quả việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và kiểm sát việc đề nghị tạm đình chỉ thi hành án phạt tù cho các phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo, HIV/AIDS giai đoạn cuối, các vụ việc vi phạm xẩy ra trong trại giam như trốn chết, phạm tội mới cần kiểm sát trực tiếp và báo cáo kết quả về Viện kiểm sát nhân dân tối cao ( Vụ 4).

Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù cần phối hợp chặt chẽ với các phòng nghiệp vụ khác như (ĐT, XX, THA) của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để quản lý chặt chẽ số người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, xử lý và người chấp hành án phạt tù.

Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam ở cấp huyện. Xây dựng và triển khai chương trình công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù năm 2004 báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao ( Vụ 4) trước ngày 15/02/2004./.

 

 

TL/ VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Thế