Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TỒ CHỨC
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 08-HD/BTCTW

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ THI HÀNH QUY ĐỊNH SỐ 59-QĐ/TW NGÀY 22-12-2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA XII VỀ TỔ CHỨC ĐẢNG TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

- Căn cứ Điều lệ Đảng và Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về thi hành Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy định số 59-QĐ/TW ngày 22-12-2016 của Bộ Chính trị Khóa XII về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam;

- Căn cứ Quyết định số 79-QĐ/TW ngày 10-4-2012 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương,

Được sự ủy nhiệm của Bộ Chính trị, sau khi thống nhất với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Quy định số 59-QĐ/TW ngày 22-12-2016 của Bộ Chính trị Khóa XII về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

1- Về việc lập tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận (Khoản 4, 5, 6, Mục I, Phần A)

Việc thành lập tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ bộ phận và chi bộ thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy định thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương. Căn cứ vào số lượng đảng viên, cơ cấu tổ chức và tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị, cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định thành lập tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ bộ phận hoặc chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận cụ thể như sau:

- Ở trung đoàn, lữ đoàn và tương đương; ở tiểu đoàn, hải đoàn, hải đội trực thuộc sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển và tương đương

+ Trung đoàn, lữ đoàn có các tiểu đoàn thì lập đảng bộ cơ sở ở trung đoàn, lữ đoàn; lập đảng bộ bộ phận ở tiểu đoàn và đơn vị tương đương, ở phòng của lữ đoàn (nơi có 30 đảng viên trở lên); lập chi bộ ở đại đội, ban của trung đoàn, phòng của lữ đoàn và đơn vị tương đương (nơi có dưới 30 đảng viên).

+ Trung đoàn, lữ đoàn có các tiểu đoàn nhưng số lượng đảng viên ít, hoạt động, sinh hoạt tập trung có thể lập đảng bộ cơ sở ở trung đoàn, lữ đoàn; lập chi bộ ở tiểu đoàn, ban của trung đoàn, phòng của lữ đoàn và đại đội trực thuộc.

+ Trung đoàn không có tiểu đoàn thì lập đảng bộ cơ sở ở trung đoàn; lập chi bộ ở đại đội, ở cơ quan trung đoàn và đơn vị tương đương.

+ Trung đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ ở một đảo thì lập đảng bộ cơ sở ở trung đoàn; lập chi bộ ở cụm chiến đấu và ở ban của trung đoàn.

+ Lữ đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ ở nhiều đảo và điểm đảo thì lập đảng bộ cơ sở ở lữ đoàn; lập đảng bộ bộ phận ở đảo cấp 1, cấp 2, đảo chìm có 2 hoặc 3 điểm đóng quân và ở phòng của lữ đoàn (nơi có 30 đảng viên trở lên); lập chi bộ ở cụm chiến đấu, điểm đóng quân và ở cơ quan, đơn vị trực thuộc phòng.

+ Lữ đoàn hải quân đánh bộ lập đảng bộ cơ sở ở lữ đoàn; lập đảng bộ bộ phận ở tiểu đoàn, phòng của lữ đoàn (nơi có 30 đảng viên trở lên); lập chi bộ ở đại đội và đơn vị trực thuộc.

+ Lữ đoàn tàu thì lập đảng bộ cơ sở ở lữ đoàn; lập đảng bộ bộ phận ở hải đội, ở tàu và ở phòng của lữ đoàn (nơi có 30 đảng viên trở lên); lập chi bộ ở tàu, ở phòng của lữ đoàn và đơn vị tương đương (nơi có dưới 30 đảng viên).

+ Các đoàn và trung tâm tương đương lữ đoàn lập đảng bộ cơ sở ở đoàn, trung tâm; lập đảng bộ bộ phận ở phòng, ban và đơn vị trực thuộc (nơi có 30 đảng viên trở lên); lập chi bộ ở tàu và đơn vị tương đương.

+ Hải đoàn thuộc vùng hoặc trực thuộc Quân chủng Hải quân thì lập đảng bộ cơ sở ở hải đoàn; lập đảng bộ bộ phận ở hải đội và đơn vị tương đương (nơi có 30 đảng viên trở lên); lập chi bộ ở tàu, ở cơ quan hải đoàn và đơn vị tương đương (nơi có dưới 30 đảng viên).

+ Tiểu đoàn, hải đội trực thuộc cấp sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển và tương đương trở lên thì lập đảng bộ cơ sở ở tiểu đoàn, hải đội; lập chi bộ ở đại đội, tàu, tiểu đoàn bộ, hải đội bộ và đơn vị tương đương.

- Ở Bộ đội Biên phòng

+ Lữ đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lập đảng bộ cơ sở ở lữ đoàn; lập đảng bộ bộ phận ở tiểu đoàn; lập chi bộ ở đại đội và phòng của lữ đoàn.

+ Các hải đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng lập đảng bộ cơ sở ở hải đoàn; lập đảng bộ bộ phận ở hải đội; lập chi bộ ở tàu và ban của hải đoàn.

- Ở các học viện, nhà trường

+ Ở học viện, trường sỹ quan, trường đại học, cao đẳng, trường quân sự quân khu, quân đoàn lập đảng bộ cơ sở ở hệ, tiểu đoàn, phòng, khoa, ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc (nơi có 30 đảng viên trở lên); nơi dưới 30 đảng viên thì lập chi bộ cơ sở. Lập chi bộ ở lớp học hoặc đại đội thuộc hệ, tiểu đoàn và ở ban, bộ môn thuộc các phòng, khoa.

+ Trường thuộc học viện có tiểu đoàn học viên thì lập đảng bộ cơ sở ở nhà trường; lập đảng bộ bộ phận ở tiểu đoàn; lập chi bộ ở đại đội hoặc lớp học và ở ban của nhà trường, tiểu đoàn bộ, đơn vị trực thuộc.

+ Các trường hạ sỹ quan, trường trung cấp chuyên môn kỹ thuật và trường dạy nghề có tiểu đoàn học viên thì lập đảng bộ cơ sở ở nhà trường; lập đảng bộ bộ phận ở tiểu đoàn; lập chi bộ ở phòng, khoa, ban, đại đội hoặc lớp học, cơ quan hiệu bộ và tiểu đoàn bộ. Những trường không tổ chức tiểu đoàn học viên, nơi có 30 đảng viên trở lên thì lập đảng bộ cơ sở nhà trường; lập chi bộ ở đại đội hoặc lớp học, ở phòng, khoa, ban, đơn vị phục vụ; nơi có dưới 30 đảng viên thì lập chi bộ cơ sở.

- Ở bệnh viện, bệnh xá, đội điều trị

+ Bệnh viện có khoa, ban; trong khoa, ban có đơn vị trực thuộc hoặc bộ phận công tác thì lập đảng bộ cơ sở bệnh viện; lập đảng bộ bộ phận ở khoa, ban; lập chi bộ ở đơn vị trực thuộc, bộ phận công tác.

+ Bệnh xá hoặc đội điều trị trực thuộc cấp sư đoàn và tương đương có 30 đảng viên trở lên thì lập đảng bộ bộ phận ở bệnh xá hoặc đội điều trị (nơi có dưới 30 đảng viên thì lập chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở); lập chi bộ ở ban và đơn vị trực thuộc. Bệnh xá cấp trung đoàn, lữ đoàn và tương đương thì lập chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.

+ Những bệnh viện mà tổ chức đảng là đảng bộ trực thuộc Quân ủy Trung ương hoặc được xác định là tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, có khoa, phòng, ban và đơn vị tương đương; trong khoa, phòng, ban và đơn vị tương đương có đơn vị trực thuộc hoặc bộ phận công tác, có 30 đảng viên trở lên thì lập đảng bộ cơ sở ở khoa, phòng, ban và đơn vị tương đương; lập chi bộ ở đơn vị trực thuộc, bộ phận công tác; những khoa, phòng, ban có dưới 30 đảng viên thì lập chi bộ cơ sở.

- Ở cục (bộ tham mưu) và đơn vị tương đương (sau đây gọi chung là cấp cục), phòng, ban thuộc Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, Cơ quan Tổng cục Chính trị, các tổng cục, quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn; phòng thuộc sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển và tương đương

+ Cấp cục mà tổ chức đảng là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng thì tổ chức cơ sở đảng được lập ở phòng, ban và đơn vị trực thuộc.

+ Cấp cục hoặc phòng, ban có 30 đảng viên trở lên nhưng không có đơn vị trực thuộc thì lập đảng bộ cơ sở ở cục hoặc phòng, ban; lập chi bộ ở phòng hoặc ban, bộ phận công tác.

+ Cục hoặc phòng, ban có dưới 30 đảng viên thì lập chi bộ cơ sở.

+ Phòng thuộc sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển thì lập đảng bộ cơ sở ở phòng (nơi có 30 đảng viên trở lên); lập chi bộ ở ban và đơn vị trực thuộc. Phòng có dưới 30 đảng viên lập chi bộ cơ sở.

- Ở các đoàn kinh tế - quốc phòng (tương đương sư đoàn)

Lập đảng bộ cơ sở ở phòng của đoàn (nơi có 30 đảng viên trở lên), ở lâm trường và đơn vị tương đương; lập chi bộ ở ban của phòng, ở đội sản xuất và đơn vị tương đương.

- Ở doanh nghiệp quân đội

+ Công ty, nhà máy, xí nghiệp và đơn vị tương đương có phân xưởng, đội sản xuất... lập đảng bộ cơ sở ở công ty, nhà máy, xí nghiệp; lập đảng bộ bộ phận ở phân xưởng, đội sản xuất... (nếu ở phân xưởng, đội sản xuất có 30 đảng viên trở lên); lập chi bộ ở tổ sản xuất, bộ phận công tác, phòng, ban ở cơ quan.

+ Những doanh nghiệp có 30 đảng viên trở lên lập đảng bộ cơ sở ở doanh nghiệp; lập chi bộ ở phân xưởng, đội sản xuất (nếu phân xưởng, đội sản xuất có dưới 30 đảng viên), phòng, ban ở cơ quan. Doanh nghiệp có dưới 30 đảng viên thì lập chi bộ cơ sở.

Trường hợp đặc biệt, ở cơ quan, đơn vị tuy chưa đủ 30 đảng viên nhưng do yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện phân tán, cần thiết phải chia nhiều chi bộ thì lập đảng bộ cơ sở; ở cơ quan, đơn vị tuy có 30 đảng viên trở lên, nhưng xét thấy không cần thiết lập đảng bộ cơ sở thì lập chi bộ cơ sở. Các trường hợp nêu trên, do cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định sau khi báo cáo và được cấp ủy cấp trên cách một cấp đồng ý (theo Khoản 5, Điều 21, Điều lệ Đảng).

2- Tổ chức cơ sở đảng ở Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan quân sự, đơn vị bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) theo Khoản 1, 2, 3, 4, Mục II, Phần A thực hiện như sau:

- Cấp cục thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lập đảng bộ cơ sở; lập đảng bộ bộ phận ở đơn vị trực thuộc tương đương cấp tiểu đoàn; lập chi bộ ở phòng, ban và đơn vị tương đương cấp đại đội.

- Phòng thuộc bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh lập đảng bộ cơ sở (nơi có 30 đảng viên trở lên), nơi có dưới 30 đảng viên lập chi bộ cơ sở; lập chi bộ ở ban và đơn vị trực thuộc.

- Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) có đơn vị bộ đội địa phương cấp tiểu đoàn thì lập đảng bộ cơ sở quân sự huyện; lập đảng bộ bộ phận ở tiểu đoàn; lập chi bộ ở đại đội và ở ban của ban chỉ huy quân sự huyện.

- Ban chỉ huy quân sự huyện có đơn vị bộ đội địa phương cấp đại đội thì lập đảng bộ cơ sở quân sự huyện; lập chi bộ ở đại đội và ở ban của ban chỉ huy quân sự huyện.

- Trung đoàn bộ đội địa phương (khung thường trực) thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh lập đảng bộ cơ sở trung đoàn; lập chi bộ ở cơ quan trung đoàn và tiểu đoàn. Đối với trung đoàn bộ đội địa phương có quân thường trực thực hiện như ở đơn vị bộ đội chủ lực.

- Trường quân sự thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh lập đảng bộ cơ sở trường quân sự; lập đảng bộ bộ phận ở tiểu đoàn; lập chi bộ ở phòng, ban, khoa và đơn vị tương đương cấp đại đội.

- Đoàn kinh tế quốc phòng trực thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh, lập đảng bộ cơ sở ở đoàn; lập chi bộ ở phòng, ban, đội sản xuất và đơn vị tương đương cấp đại đội.

- Các đồn biên phòng, hải đội, ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng, tiểu đoàn huấn luyện - cơ động, tiểu khu, các cơ quan thuộc bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh thì lập đảng bộ cơ sở (nơi có dưới 30 đảng viên lập chi bộ cơ sở). Ở trạm thuộc ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng lập đảng bộ bộ phận. Ở đội, trạm, bộ phận công tác thuộc đồn biên phòng; đại đội thuộc tiểu đoàn huấn luyện - cơ động; ở ban thuộc phòng của bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, cơ quan của ban chỉ huy biên phòng cửa khẩu cảng và đơn vị tương đương cấp đại đội lập chi bộ.

3- Về chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) theo Khoản 5, Mục II, Phần A, thực hiện như sau:

- Về tổ chức: Việc thành lập, giải thể chi bộ quân sự xã do đảng ủy xã quyết định, sau khi được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý bằng văn bản. Những địa phương đã thành lập chi bộ quân sự xã và qua thực tiễn hoạt động thấy phát huy hiệu quả thì tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động; nếu thấy chưa phù hợp, không phát huy tác dụng thì quyết định giải thể theo quy định. Những địa phương chưa thành lập chi bộ quân sự xã thì tiếp tục nghiên cứu, nếu xét thấy cần thiết và đủ điều kiện thì đề nghị thành lập, nhất là đối với các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, đảo.

- Cơ cấu đảng viên của chi bộ quân sự xã, gồm: Bí thư đảng ủy xã; các đảng viên trong ban chỉ huy quân sự xã; các đảng viên trong đơn vị dân quân thường trực, dân quân cơ động (nếu có). Đồng chí bí thư đảng ủy xã trực tiếp làm bí thư chi bộ quân sự.

- Đối tượng lãnh đạo của chi bộ là ban chỉ huy quân sự xã và đơn vị dân quân thường trực, dân quân cơ động (nếu có).

- Nhiệm vụ của chi bộ

+ Lãnh đạo ban chỉ huy quân sự xã thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự ở địa phương; xây dựng đơn vị dân quân vững mạnh; quản lý lực lượng dự bị động viên theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng công an và các lực lượng khác ở địa phương bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ do đảng ủy xã giao.

+ Lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức quốc phòng toàn dân trong ban chỉ huy quân sự xã và đơn vị dân quân thường trực, dân quân cơ động; kịp thời phổ biến, quán triệt cho cán bộ, đảng viên trong chi bộ nắm vững và chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự ở địa phương; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, hành vi nói, viết và làm trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

+ Xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi ủy, chi bộ và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; cải tiến và đổi mới nội dung sinh hoạt nhằm nâng cao tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của chi ủy, chi bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

+ Thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát đảng viên trong chi bộ chấp hành Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Các mối quan hệ của chi bộ

+ Đối với đảng ủy xã là mối quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng. Chi bộ quân sự xã chấp hành và tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của đảng ủy xã theo chức năng, nhiệm vụ.

+ Đối với ban chỉ huy quân sự xã là mối quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng. Ban chỉ huy quân sự xã chấp hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ.

+ Đối với các chi bộ trực thuộc đảng ủy xã là mối quan hệ phối hợp công tác.

4- Tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời (Mục III, Phần A)

Quy định số 59-QĐ/TW nêu “Khi có yêu cầu, nhiệm vụ phải tổ chức lực lượng lâm thời và đủ điều kiện như quy định của Điều lệ Đảng thì cấp ủy cấp trên ra quyết định thành lập tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời và chỉ định cấp ủy, bí thư, phó bí thư để lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao”, thực hiện cụ thể như sau:

- Việc lập tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời, chỉ định cấp ủy, bí thư, phó bí thư do cấp ủy có thẩm quyền (nơi quản lý trực tiếp trong thời gian thực hiện nhiệm vụ lâm thời) ra quyết định theo quy định của Điều lệ Đảng.

Trường hợp thực hiện nhiệm vụ thiết quân luật, việc lập tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời do cấp ủy có thẩm quyền trong Quân đội quyết định, được thực hiện cụ thể như sau: Tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thiết quân luật ở cấp xã do đảng ủy sư đoàn và tương đương ra quyết định thành lập; ở cấp huyện do đảng ủy quân khu, quân đoàn và tương đương ra quyết định thành lập; ở cấp tỉnh do Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập.

Sau khi tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời được thành lập, cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định thành lập kịp thời báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp, đối với Quân ủy Trung ương thì báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

- Đối tượng lãnh đạo của tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời là các tổ chức, các lực lượng trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

- Nhiệm vụ của tổ chức đảng sinh hoạt tạm thời

+ Xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.

+ Quản lý, giáo dục, rèn luyện và xem xét đề nghị hoặc thi hành kỷ luật đảng viên theo thẩm quyền. Định kỳ hoặc khi có yêu cầu thông báo kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên cho cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt chính thức biết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên về nơi sinh hoạt đảng chính thức theo quy định.

+ Thu, nộp, quản lý, sử dụng đảng phí theo quy định.

5- Về quy trình, thủ tục chỉ định; nhiệm vụ, quyền hạn của các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh ủy) và các đồng chí khác có cơ cấu thích hợp được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định tham gia đảng ủy quân khu (Khoản 1, Mục I, Phần A)

- Về quy trình, thủ tục: Quy định số 59-QĐ/TW, nêu “Việc chỉ định tham gia đảng ủy quân khu được thể hiện trong quyết định chuẩn y kết quả bầu cử; quyết định điều động, phân công công tác hoặc có quyết định chỉ định riêng”, được thực hiện như sau:

+ Khi các tỉnh ủy báo cáo kết quả bầu cử và đề nghị chuẩn y cấp ủy, bí thư khóa mới, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu và làm thủ tục để Bộ Chính trị chuẩn y chức danh bí thư, đồng thời chỉ định đồng chí đó tham gia đảng ủy quân khu trong cùng một quyết định.

+ Trường hợp có sự thay đổi bí thư tỉnh ủy giữa hai kỳ đại hội, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu và làm thủ tục để Bộ Chính trị chỉ định chức danh bí thư tỉnh ủy, đồng thời chỉ định đồng chí đó tham gia đảng ủy quân khu trong cùng một quyết định.

+ Trường hợp các đồng chí bí thư tỉnh ủy trên địa bàn chưa có quyết định chỉ định tham gia đảng ủy quân khu hoặc khi có cán bộ được điều động, phân công công tác ở vị trí có cơ cấu thích hợp trên địa bàn quân khu thì thường vụ đảng ủy quân khu rà soát, báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương để phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương (do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì) tham mưu và làm thủ tục đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra quyết định chỉ định các đồng chí đó tham gia đảng ủy quân khu.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn: Quy định số 59-QĐ/TW, nêu: “Các đồng chí bí thư tỉnh ủy và các đồng chí khác được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định tham gia đảng ủy quân khu thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy viên (trừ quyền ứng cử)”, cụ thể như sau:

Khi tham gia đại hội đại biểu đảng bộ quân khu, hội nghị đảng ủy quân khu, các đồng chí bí thư tỉnh ủy và các đồng chí khác được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định tham gia đảng ủy quân khu là đại biểu và thành viên đương nhiên, thực hiện quyền của đại biểu và cấp ủy viên tham gia mọi quyết định của đại hội, hội nghị theo Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương: Thảo luận, biểu quyết, đề cử, bầu cử cấp ủy, Ủy ban kiểm tra và bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

6- Cơ cấu phó bí thư đảng ủy quân sự địa phương và nhiệm vụ, quyền hạn của đồng chí cấp ủy viên cấp ủy địa phương tham gia đảng ủy quân sự địa phương (Khoản 1, 2, Mục II, Phần A)

a) Cơ cấu phó bí thư đảng ủy quân sự địa phương

- Đảng ủy quân sự tỉnh nếu bầu 2 phó bí thư thì cơ cấu đồng chí chính ủy và đồng chí chỉ huy trưởng, trong đó phân công đồng chí chính ủy làm phó bí thư thường trực; nếu bầu 1 phó bí thư thì cơ cấu đồng chí chính ủy làm phó bí thư.

- Đảng ủy quân sự huyện bầu 1 phó bí thư là đồng chí chính trị viên ban chỉ huy quân sự huyện.

b) Nhiệm vụ và quyền hạn của đồng chí cấp ủy viên cấp ủy địa phương tham gia đảng ủy quân sự cùng cấp

- Đồng chí bí thư cấp ủy địa phương trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp, chịu trách nhiệm chủ trì mọi hoạt động lãnh đạo của đảng ủy quân sự và chịu trách nhiệm trước cấp ủy địa phương về hoạt động của đảng ủy và đảng bộ quân sự.

- Các đồng chí được cấp ủy địa phương chỉ định tham gia đảng ủy quân sự thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy viên (trừ quyền ứng cử), cụ thể như sau:

+ Khi tham gia đại hội đại biểu của đảng bộ quân sự, các đồng chí này là đại biểu đương nhiên, thực hiện quyền của đại biểu tham gia mọi quyết định của đại hội: Thảo luận, biểu quyết, đề cử, bầu cử cấp ủy, ủy ban kiểm tra và bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

+ Ở đại hội hoặc hội nghị đảng viên của đảng bộ quân sự huyện, đồng chí cấp ủy viên là bí thư huyện ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân huyện tham gia đảng ủy quân sự huyện, được thực hiện quyền của đảng viên tham gia mọi quyết định của đại hội hoặc hội nghị đảng viên: Thảo luận, biểu quyết, đề cử, bầu cử cấp ủy, ủy ban kiểm tra, bầu đại biểu dự đại hội cấp trên.

+ Khi tính kết quả bầu cử hoặc biểu quyết thì tính cả số cấp ủy viên của cấp ủy địa phương được chỉ định tham gia đảng ủy quân sự cùng cấp. Nếu các đồng chí này vắng mặt suốt thời gian đại hội, hội nghị thì không đưa vào tổng số để tính kết quả bầu cử hoặc biểu quyết.

+ Khi tham gia sinh hoạt cấp ủy quân sự: Tham gia vào mọi quyết định của cấp ủy, thảo luận, biểu quyết, đề cử, bầu cử các chức danh lãnh đạo do cấp ủy bầu theo Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương.

- Đảng ủy (chi bộ) xã, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trực tiếp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp làm chính trị viên ban chỉ huy quân sự xã, đơn vị tự vệ cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Nơi nào lập chi bộ quân sự xã thì cơ cấu đồng chí chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã để bầu làm phó bí thư.

7- Cơ quan chính trị cấp trên phối hợp với cấp ủy địa phương chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương (Khoản 6, Mục II, Phần A)

Cục Chính trị quân khu, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng phối hợp với tỉnh ủy; Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, phòng chính trị bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy (sau đây gọi chung là huyện ủy); ban chính trị thuộc ban chỉ huy quân sự huyện phối hợp với đảng ủy (chi bộ) xã để chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác biên phòng ở địa phương; phối hợp với các ban của cấp ủy địa phương xây dựng quy chế phối hợp để hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các mặt công tác trên.

8- Về đảng tịch của đảng viên (Điểm c, Khoản 2, Mục II, Phần B)

Việc thẩm tra, kết luận, xử lý đảng tịch của đảng viên, công nhận là đảng viên, khôi phục quyền đảng viên, xóa tên đảng viên hoặc cho nối lại sinh hoạt đảng của đảng viên thực hiện theo Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng, Quy định số 59-QĐ/TW ngày 22-12-2016 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và phân cấp quản lý cán bộ trong Quân đội, cụ thể như sau:

- Đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thì Thường vụ Quân ủy Trung ương đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét, giải quyết. Trường hợp ý kiến của Thường vụ Quân ủy Trung ương khác với kết luận của Ban Tổ chức Trung ương thì báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định.

- Đảng viên là cán bộ thuộc diện Quân ủy Trung ương quản lý thì do Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định.

- Đảng viên là cán bộ thuộc diện đảng ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương quản lý thì do ban thường vụ đảng ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương xem xét, quyết định.

- Đảng viên không thuộc diện nói trên thì do ban thường vụ đảng ủy cấp sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển và tương đương xem xét, quyết định.

9- Đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên và kỷ luật khai trừ đảng viên (Khoản 3, Mục III, Phần B)

- Đảng bộ trung đoàn, lữ đoàn, hải đoàn, các đảng bộ cơ sở khác có trên 100 đảng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh thì được ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, ủy quyền cho đảng ủy cơ sở quyết định kết nạp đảng viên, xét công nhận đảng viên chính thức, cấp giấy chứng nhận học lớp nhận thức về đảng, lớp bồi dưỡng đảng viên mới và thi hành kỷ luật khai trừ đảng viên (trừ cấp ủy viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý).

- Việc kết nạp đảng viên và kỷ luật khai trừ đảng viên phải do tập thể đảng ủy cơ sở xem xét, quyết định, cấp ủy cấp trên trực tiếp phải thường xuyên kiểm tra, nếu thấy cấp ủy được ủy quyền không đủ điều kiện hoặc không làm tốt nhiệm vụ theo quy định thì thu hồi quyết định đã ủy quyền.

10- Về quyền hạn của đảng bộ bộ phận tiểu đoàn và tương đương (Khoản 3, Mục IV, Phần B)

Quy định số 59-QĐ/TW nêu: “Đề nghị hoặc quyết định khen thưởng, kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên”, thực hiện cụ thể như sau:

- Xét, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với tổ chức đảng và đảng viên theo quy định, hướng dẫn của cấp trên.

- Xét, đề nghị kỷ luật đảng viên trong đảng bộ đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của cấp trên. Quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).

11- Quan hệ giữa đảng ủy quân khu với tỉnh ủy trên địa bàn quân khu (Khoản 1, Mục II, Phần Đ)

Quy định số 59-QĐ/TW, nêu: “Đảng ủy quân khu có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh ủy xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, công tác quân sự địa phương, xây dựng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên, chấp hành chính sách hậu phương quân đội; phối hợp với tỉnh ủy thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong quân khu. Tỉnh ủy có trách nhiệm lãnh đạo địa phương thực hiện nghị quyết của đảng ủy quân khu về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân,...” thực hiện như sau:

a) Đảng ủy quân khu

- Chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh ủy xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công tác quân sự địa phương và chấp hành chính sách hậu phương quân đội trên địa bàn quân khu.

- Phối hợp với tỉnh ủy thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quân khu; chỉ đạo cơ quan quân sự, đơn vị bộ đội địa phương thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy; xây dựng đảng bộ quân sự địa phương trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

- Khi điều động, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quyết định thôi phục vụ tại ngũ và kỷ luật cán bộ quân sự địa phương theo phân cấp quản lý thì ban thường vụ đảng ủy quân khu xem xét quyết định hoặc đề nghị cấp trên quyết định sau khi thống nhất với ban thường vụ tỉnh ủy, nếu có vấn đề chưa thống nhất thì báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) và báo cáo Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương cho ý kiến chỉ đạo. Trường hợp khẩn trương trong chiến đấu thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong Quân đội và thông báo cho ban thường vụ tỉnh ủy.

- Chỉ đạo ủy ban kiểm tra đảng ủy quân khu chủ trì phối hợp với ủy ban kiểm tra tỉnh ủy trên địa bàn quân khu xây dựng quy chế phối hợp; đồng thời tham mưu để đảng ủy quân khu phối hợp với tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng trong đảng bộ quân sự tỉnh theo Điều 30, Điều lệ Đảng về công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Khi thực hiện kiểm tra, giám sát theo Điều 32, Điều lệ Đảng thì ủy ban kiểm tra tỉnh ủy chủ trì phối hợp với ủy ban kiểm tra đảng ủy quân khu để kết luận và xử lý theo thẩm quyền.

b) Tỉnh ủy

- Có trách nhiệm lãnh đạo địa phương thực hiện nghị quyết của đảng ủy quân khu về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, công tác quân sự địa phương và chấp hành chính sách hậu phương quân đội ở tỉnh.

- Lãnh đạo đảng ủy, bộ chỉ huy quân sự tỉnh chấp hành nghị quyết của đảng ủy, mệnh lệnh của tư lệnh quân khu về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; trực tiếp phối hợp và chỉ đạo các ban xây dựng đảng của tỉnh ủy phối hợp với cục chính trị quân khu chỉ đạo, hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

- Tham gia ý kiến với đảng ủy quân khu về chủ trương, phương hướng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương.

- Trao đổi thống nhất với ban thường vụ đảng ủy quân khu trước khi quyết định về củng cố, kiện toàn cấp ủy và chuẩn bị nhân sự đại hội nhiệm kỳ đảng bộ quân sự tỉnh; về kỷ luật cán bộ, đảng viên của cơ quan quân sự tỉnh theo phân cấp quản lý.

- Chỉ đạo ủy ban kiểm tra tỉnh ủy phối hợp với ủy ban kiểm tra đảng ủy quân khu xây dựng quy chế phối hợp; tham mưu để tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng trong đảng bộ quân sự địa phương theo Điều 30, Điều lệ Đảng. Khi thực hiện kiểm tra, giám sát theo Điều 32, Điều lệ Đảng thì ủy ban kiểm tra tỉnh ủy chủ trì phối hợp với ủy ban kiểm tra đảng ủy quân khu để kết luận và xử lý theo thẩm quyền.

12- Quan hệ giữa đảng ủy quân sự tỉnh (kể cả Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) với huyện ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy là mối quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội (Khoản 2, Mục II, Phần Đ)

a) Đảng ủy quân sự tỉnh

- Lãnh đạo bộ chỉ huy quân sự tham mưu cho tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra huyện ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và chính sách hậu phương quân đội.

- Chủ động trao đổi, thông báo với huyện ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy về tình hình, nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương và các chỉ thị, nghị quyết của trên về lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

- Phối hợp với huyện ủy chỉ đạo ban chỉ huy quân sự, đơn vị bộ đội địa phương huyện thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xây dựng đảng bộ quân sự huyện trong sạch vững mạnh, xây dựng ban chỉ huy quân sự và đơn vị bộ đội địa phương huyện vững mạnh toàn diện.

- Khi điều động, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quyết định thôi phục vụ tại ngũ và kỷ luật cán bộ quân sự huyện theo phân cấp quản lý thì ban thường vụ đảng ủy quân sự tỉnh xem xét quyết định hoặc đề nghị cấp trên quyết định sau khi thống nhất với ban thường vụ huyện ủy, nếu có vấn đề chưa thống nhất thì báo cáo cấp ủy cấp trên. Trường hợp khẩn trương trong chiến đấu thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong Quân đội và thông báo cho ban thường vụ huyện ủy biết.

- Chỉ đạo ủy ban kiểm tra đảng ủy quân sự tỉnh (kể cả Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) chủ trì phối hợp với ủy ban kiểm tra huyện ủy xây dựng quy chế phối hợp; đồng thời tham mưu để đảng ủy quân sự tỉnh phối hợp với huyện ủy thực hiện kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng trong đảng bộ quân sự huyện theo Điều 30, Điều lệ Đảng về công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Khi thực hiện kiểm tra, giám sát theo Điều 32, Điều lệ Đảng thì ủy ban kiểm tra huyện ủy chủ trì phối hợp với ủy ban kiểm tra đảng ủy quân sự tỉnh để kết luận và xử lý theo thẩm quyền.

b) Huyện ủy

- Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của đảng ủy quân sự tỉnh về công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương; tham gia ý kiến với đảng ủy quân sự tỉnh về chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và chính sách hậu phương quân đội.

- Lãnh đạo đảng ủy, ban chỉ huy quân sự huyện chấp hành nghị quyết, chỉ thị của đảng ủy, mệnh lệnh của người chỉ huy quân sự cấp trên về công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Phối hợp với phòng chính trị bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

- Trao đổi thống nhất với ban thường vụ đảng ủy quân sự tỉnh trước khi quyết định về củng cố, kiện toàn cấp ủy và chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ quân sự huyện; về kỷ luật cán bộ, đảng viên ở ban chỉ huy quân sự huyện và đơn vị bộ đội địa phương theo phân cấp quản lý.

- Chỉ đạo ủy ban kiểm tra huyện ủy phối hợp với ủy ban kiểm tra đảng ủy quân sự tỉnh xây dựng quy chế phối hợp; tham mưu để huyện ủy tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng trong đảng bộ quân sự huyện theo Điều 30, Điều lệ Đảng. Khi thực hiện kiểm tra, giám sát theo Điều 32, Điều lệ Đảng thì ủy ban kiểm tra huyện ủy chủ trì phối hợp với ủy ban kiểm tra đảng ủy quân sự tỉnh để kết luận và xử lý theo thẩm quyền.

13- Quan hệ giữa đảng ủy quân sự huyện với đảng ủy (chi bộ) xã là mối quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và chính sách hậu phương quân đội (Khoản 3, Mục II, Phần Đ)

a) Đảng ủy quân sự huyện

- Lãnh đạo ban chỉ huy quân sự huyện tham mưu cho huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra đảng ủy (chi bộ) xã lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và chính sách hậu phương quân đội.

- Chủ động trao đổi với đảng ủy (chi bộ) xã tình hình, nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng của địa phương; phối hợp với đảng ủy (chi bộ) xã chỉ đạo kiện toàn ban chỉ huy quân sự xã, xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên và công tác đảng ở những nơi lập chi bộ quân sự xã.

b) Đảng ủy (chi bộ) xã

- Thực hiện sự hướng dẫn, kiểm tra của đảng ủy quân sự huyện về công tác quân sự, quốc phòng địa phương và chính sách hậu phương quân đội.

- Chủ động trao đổi, thông báo với đảng ủy quân sự huyện tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; tham gia ý kiến với đảng ủy quân sự huyện về chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội. Trao đổi thống nhất với đảng ủy quân sự huyện trước khi quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ ban chỉ huy quân sự xã; chuẩn bị nhân sự đại hội chi bộ quân sự xã (nếu có).

- Phối hợp với ban chính trị ban chỉ huy quân sự huyện chỉ đạo, hướng dẫn công tác chính trị trong lực lượng dân quân, lực lượng dự bị động viên và chỉ đạo, hướng dẫn công tác đảng ở những nơi lập chi bộ quân sự xã.

14- Quan hệ giữa Đảng ủy Bộ đôi Biên phòng với tỉnh ủy nơi có bộ đội biên phòng tỉnh (Khoản 4, Mục II, Phần Đ)

Quy định số 59-QĐ/TW, nêu: “là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; xây dựng nền biên phòng toàn dân và xây dựng bộ đội biên phòng ở địa phương vững mạnh về mọi mặt”, thực hiện như sau:

a) Đảng ủy Bộ đội Biên phòng

- Chủ động trao đổi, thông báo với tỉnh ủy về tình hình biên giới và các chủ trương, nội dung, biện pháp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh ủy để lãnh đạo bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện nhiệm vụ biên phòng; xây dựng nền biên phòng toàn dân ở địa phương vững mạnh, xây dựng bộ đội biên phòng tỉnh vững mạnh về mọi mặt.

- Khi điều động, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quyết định thôi phục vụ tại ngũ và kỷ luật cán bộ theo phân cấp quản lý thì Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng xem xét quyết định hoặc đề nghị cấp trên quyết định sau khi đã thống nhất với ban thường vụ tỉnh ủy. Nếu có vấn đề chưa thống nhất thì báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương cho ý kiến chỉ đạo và báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương). Trường hợp khẩn trương trong chiến đấu thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong Quân đội và thông báo cho ban thường vụ tỉnh ủy.

- Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với ủy ban kiểm tra tỉnh ủy xây dựng quy chế phối hợp; đồng thời tham mưu để Đảng ủy Bộ đội Biên phòng phối hợp với tỉnh ủy thực hiện kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng trong đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh về nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng theo Điều 30, Điều lệ Đảng. Khi thực hiện kiểm tra, giám sát theo Điều 32, Điều lệ Đảng thì Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đội Biên phòng để kết luận và xử lý theo thẩm quyền.

- Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với tỉnh ủy để thực hiện các nội dung công tác trên.

b) Tỉnh ủy

- Lãnh đạo đảng bộ và nhân dân địa phương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác biên phòng; chỉ đạo các tổ chức, lực lượng ở địa phương phối hợp với bộ đội biên phòng củng cố, xây dựng cơ sở chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh, xây dựng nền biên phòng toàn dân ở địa phương vững mạnh.

- Lãnh đạo đảng ủy, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, mệnh lệnh của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác biên phòng; nghị quyết, chỉ thị của đảng ủy, mệnh lệnh của tư lệnh quân khu về xây dựng và tác chiến trong khu vực phòng thủ.

- Tham gia ý kiến với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về chủ trương, đối sách trong công tác biên phòng và chủ trương, phương hướng xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

- Lãnh đạo xây dựng đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh trong sạch, vững mạnh. Trực tiếp phối hợp và chỉ đạo các ban của tỉnh ủy phối hợp với Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh. Trao đổi thống nhất với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng trước khi quyết định củng cố, kiện toàn cấp ủy hoặc chuẩn bị nhân sự cấp ủy đại hội nhiệm kỳ đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh; xem xét xử lý kỷ luật, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ đảng viên, tổ chức đảng theo thẩm quyền, nếu có vấn đề chưa thống nhất thì trao đổi với Thường vụ Quân ủy Trung ương để báo cáo Ban Bí thư.

- Chỉ đạo ủy ban kiểm tra tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đội Biên phòng xây dựng quy chế phối hợp; tham mưu để tỉnh ủy tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên và tổ chức đảng trong đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh theo Điều 30, Điều lệ Đảng. Khi thực hiện kiểm tra, giám sát theo Điều 32, Điều lệ Đảng thì ủy ban kiểm tra tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đội Biên phòng để kết luận và xử lý theo thẩm quyền.

- Thường xuyên thông báo với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng các chủ trương của địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

15- Quan hệ giữa đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh với huyện ủy nơi có bộ đội biên phòng tỉnh làm nhiệm vụ là mối quan hệ phối hợp (Khoản 5, Mục II, Phần Đ)

a) Đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh

- Thường xuyên thông báo, trao đổi với huyện ủy về nhiệm vụ biên phòng và tình hình biên giới có liên quan; thống nhất với huyện ủy các chủ trương, biện pháp kết hợp giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ở địa phương.

- Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương.

- Thông báo cho huyện ủy biết về việc đề bạt, bổ nhiệm, điều động cán bộ chủ trì đồn biên phòng trên địa bàn huyện.

- Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với huyện ủy để thực hiện các nội dung công tác trên.

b) Huyện ủy

- Thường xuyên thông báo cho đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh và đơn vị bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ ở địa phương về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh trên địa bàn.

- Lãnh đạo địa phương chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội về an ninh biên giới và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

- Lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương phối hợp, giúp đỡ và tạo điều kiện cho bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ.

16- Quan hệ giữa tỉnh ủy với đảng ủy bộ đôi biên phòng tỉnh (Khoản 3, Mục II, Phần A)

Quy định số 59-QĐ/TW, nêu: “đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của tỉnh ủy”, thực hiện như sau:

a) Tỉnh ủy

- Lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt đảng ủy, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh; trong đó tập trung lãnh đạo thực hiện đúng đường lối, chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nghị quyết của tỉnh ủy về nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh.

- Lãnh đạo đảng ủy, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chấp hành nghị quyết của Đảng ủy, mệnh lệnh của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác biên phòng và xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng; nghị quyết của đảng ủy, chỉ thị, mệnh lệnh của tư lệnh quân khu về nhiệm vụ phòng thủ, tác chiến.

- Thường xuyên thông báo cho đảng ủy, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh về các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương, nhất là ở khu vực biên giới.

- Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương phối hợp, giúp đỡ và tạo điều kiện cho bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ.

b) Đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh

- Thường xuyên báo cáo với tỉnh ủy tình hình nhiệm vụ công tác biên phòng, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và kết quả tham gia phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, quốc phòng - an ninh ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn bộ đội biên phòng tỉnh quản lý.

- Nghiên cứu, đề xuất với tỉnh ủy nội dung lãnh đạo, chủ trương, biện pháp, đối sách trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng nền biên phòng toàn dân ở địa phương.

- Lãnh đạo, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chủ trương của tỉnh ủy theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện các chủ trương, nghị quyết của tỉnh ủy và của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về công tác biên phòng.

- Khi có vấn đề xảy ra liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và báo cáo đề xuất với tỉnh ủy chủ trương lãnh đạo phối hợp với các lực lượng ở địa phương để giải quyết.

- Các ban của tỉnh ủy và Cục Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ đội Biên phòng hướng dẫn, kiểm tra đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh về công tác xây dựng đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng.

17- Quan hệ giữa cấp ủy đồn biên phòng với huyện ủy, đảng ủy (chi bộ) xã nơi có đồn biên phòng làm nhiệm vụ (Khoản 6, Mục II, Phần Đ)

a) Cấp ủy đồn biên phòng

- Thường xuyên phản ánh với huyện ủy, đảng ủy (chi bộ) xã nơi đồn biên phòng làm nhiệm vụ về tình hình khu vực biên giới đơn vị phụ trách; các chủ trương, đối sách về công tác biên phòng và kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị các xã biên giới.

- Chấp hành sự chỉ đạo của huyện ủy về các vấn đề có liên quan đến công tác vận động quần chúng; đối ngoại nhân dân; chính sách dân tộc, tôn giáo; quan hệ với các tổ chức quần chúng và nhân dân địa phương.

- Chủ động nghiên cứu đề xuất và tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

b) Huyện ủy, đảng ủy (chi bộ) xã

- Thường xuyên thông báo với cấp ủy và chỉ huy các đồn biên phòng về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng - an ninh ở các xã biên giới.

- Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương phối hợp, giúp đỡ các đồn biên phòng thực hiện nhiệm vụ.

18- Quan hệ giữa đảng ủy quân khu với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (Khoản 1, Mục III, Phần Đ)

Quy định số 59-QĐ/TW, nêu: “Là mối quan hệ phối hợp để lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang quân khu và bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đã được xác định”, thực hiện như sau:

a) Đảng ủy quân khu

Định kỳ 6 tháng, 1 năm và khi có tình huống đột xuất thì kịp thời thông báo với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tình hình, nhiệm vụ công tác quân sự địa phương và tình hình có liên quan đến hoạt động xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới để Đảng ủy Bộ đội Biên phòng có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh quán triệt, thực hiện.

- Thống nhất với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về bố trí, sử dụng lực lượng bộ đội biên phòng trong khu vực phòng thủ.

- Chỉ đạo bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện nhiệm vụ phòng thủ, tác chiến, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn quân khu.

- Lãnh đạo, chỉ đạo đảng ủy quân sự tỉnh và các lực lượng của quân khu làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo chấp hành nghiêm quy chế biên giới của Chính phủ và tham gia công tác biên phòng theo hướng dẫn của bộ đội biên phòng; sẵn sàng chi viện theo yêu cầu của bộ đội biên phòng khi có tình huống xảy ra.

b) Đảng ủy Bộ đội Biên phòng

- Định kỳ 6 tháng, 1 năm và khi có tình huống đột xuất thì kịp thời thông báo với đảng ủy quân khu tình hình trên các tuyến biên giới, vùng biển; các chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

- Thống nhất với đảng ủy quân khu về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ, tác chiến.

- Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với đảng ủy các quân khu để thực hiện các nội dung công tác trên.

19- Quan hệ giữa đảng ủy quân sự tỉnh và cấp ủy các đơn vị chủ lực với đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh là quan hệ phối hợp công tác để thực hiện nghị quyết, chỉ thị của tỉnh ủy, của đảng ủy quân khu, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về công tác quân sự địa phương và công tác biên phòng (Khoản 3, Mục III, Phần Đ)

a) Đảng ủy quân sự tỉnh

- Định kỳ hằng tháng và khi có tình huống đột xuất thì kịp thời thông báo với đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh về kế hoạch công tác quân sự có liên quan đến bộ đội biên phòng.

- Thống nhất với đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh về chủ trương, kế hoạch bố trí, sử dụng lực lượng bộ đội biên phòng trong khu vực phòng thủ.

- Lãnh đạo bộ chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự địa phương; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ, tác chiến trên địa bàn tỉnh.

- Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền chấp hành nghiêm quy chế biên giới; tham gia công tác biên phòng và sẵn sàng chi viện cho bộ đội biên phòng khi có tình huống theo yêu cầu của bộ đội biên phòng.

- Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp với đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh để thực hiện các nội dung công tác trên.

b) Đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh

- Định kỳ hằng tháng và khi có tình huống đột xuất thì kịp thời thông báo với đảng ủy quân sự tỉnh về chủ trương, đối sách, nhiệm vụ công tác biên phòng, tình hình khu vực biên giới biển đảo và bố trí lực lượng bộ đội biên phòng trên địa bàn.

- Lãnh đạo các đơn vị thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Chịu sự chỉ huy, chỉ đạo của chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, vùng hải quân về xây dựng khu vực phòng thủ, hiệp đồng chiến đấu và chiến đấu khi xảy ra xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược.

- Lãnh đạo bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với bộ chỉ huy quân sự tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng nền biên phòng toàn dân trên địa bàn vững mạnh.

c) Cấp ủy đơn vị bộ đội chủ lực và các lực lượng có liên quan làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, bờ biển và hải đảo

- Định kỳ hằng quý và khi có tình huống đột xuất thì kịp thời thông báo với đảng ủy quân sự và đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh (trên địa bàn đơn vị đóng quân) về tình hình nhiệm vụ của đơn vị có liên quan đến công tác quân sự, quốc phòng và công tác biên phòng trên địa bàn; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan được giao.

- Có trách nhiệm lãnh đạo đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh quy chế biên giới của Chính phủ, đồng thời có trách nhiệm tham gia công tác biên phòng theo hướng dẫn của bộ đội biên phòng và kế hoạch sẵn sàng chi viện khi có tình huống xảy ra theo yêu cầu của bộ đội biên phòng.

Các cấp ủy đảng căn cứ vào Quy định số 59-QĐ/TW ngày 22-12-2016 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn này tổ chức quán triệt, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, khi có phát sinh vấn đề mới thì kịp thời phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để báo cáo),
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc TW,
- Tổng cục Chính trị Quân đội NDVN,
- Các vụ, đơn vị trong Ban,
- Lưu VP, Vụ TC-ĐL./.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN




Mai Văn Chính