- 1 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
- 2 Quyết định 546/QĐ-VKSTC năm 2018 quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3 Chỉ thị 01/CT-VKSTC năm 2022 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4 Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023 về Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 5 Quyết định 28/QĐ-VKSTC năm 2023 về Danh mục biểu mẫu công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/HD-VKSTC | Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2023 |
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về công tác trọng tâm của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 28/7/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; qua thực tiễn theo dõi công tác kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp- sau đây gọi tắt là Kiểm tra lại), VKSND tối cao nhận thấy về cơ bản Viện kiểm sát các cấp đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật và các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao trong khâu công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sai sót trong quá trình giải quyết khiếu nại dẫn đến việc khiếu kiện bức xúc, kéo dài, vượt cấp, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền chưa tiến hành kiểm tra kịp thời để xử lý, khắc phục ngay những tồn tại, vi phạm.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật, VKSND tối cao hướng dẫn VKSND các cấp thực hiện thống nhất ở các giai đoạn cụ thể như sau:
1. Giai đoạn nghiên cứu, xác định điều kiện để thụ lý kiểm tra lại
Đây là giai đoạn rất quan trọng của Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra để tránh việc kiểm tra tràn lan, thiếu căn cứ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác không đạt được; do đó, yêu cầu đặt ra là cần xác định đúng điều kiện để tiến hành thụ lý, kiểm tra.
1.1. Căn cứ
Căn cứ khoản 3 Điều 483 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 13 Quy chế Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - sau đây gọi tắt là Quy chế 222), xác định đối tượng thụ lý kiểm tra lại: là các trường hợp khiếu nại (trong hoạt động tư pháp) đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát.
1.2. Xác định loại đơn, điều kiện kiểm tra, xử lý đơn
a) Xác định đơn
Các trường hợp khiếu nại trong hoạt động tư pháp có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát, nếu người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết, thì được xác định là “Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật” (sau đây gọi là Đơn đề nghị kiểm tra lại).
b) Điều kiện kiểm tra lại
Đơn đề nghị kiểm tra lại chỉ được xem xét kiểm tra khi có ít nhất 01 trong 6 điều kiện sau:
(1) Đơn bức xúc, kéo dài: là những vụ việc công dân liên tục có đơn khiếu nại hoặc thường xuyên đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan nhà nước từ Trung ương hoặc địa phương để khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKSND cấp dưới hoặc VKSND tối cao trong một khoảng thời gian dài nếu không xem xét giải quyết có thể sẽ dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội.
(2) Đơn về vụ việc có dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm: là những vụ việc thông qua nghiên cứu đơn của công dân, quyết định giải khiếu nại của VKSND cấp dưới phát hiện trong quá trình giải quyết vụ việc, giải quyết khiếu nại có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm nhưng không được Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.
(3) Đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: là đơn do các đồng chí Lãnh đạo tại Trung ương chuyển đến như: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các ban trực thuộc Quốc hội; Đại biểu Quốc hội. Tại địa phương như: Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội ……
(4) Đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm: là những vụ việc được Cơ quan báo chí phản ánh qua bài viết, đưa tin đăng lên các trang mạng xã hội, truyền thông và được dư luận quan tâm, chia sẻ rộng rãi.
(5) Đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương: là những vụ việc trong quá trình giải quyết có liên quan đến nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương; cá nhân trong các cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan nhà nước có liên quan đến vụ việc; cá nhân, tổ chức người nước ngoài đầu tư tại Việt nam liên quan đến vụ việc và những vụ việc khác xét thấy cần thiết phải kiểm tra xem xét thận trọng để đảm bảo giải quyết đúng pháp luật, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại Trung ương hoặc địa phương.
(6) Đơn có tình tiết mới làm thay đổi kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại nhưng Viện kiểm sát đã ban hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật không xem xét: là những vụ việc trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc, kết quả giải quyết nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết không biết hoặc không xem xét.
c) Xử lý đơn kiểm tra lại
Sau khi xác định đơn đã đáp ứng điều kiện và thuộc thẩm quyền kiểm tra của Viện kiểm sát cấp mình, Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình quyết định việc kiểm tra; nếu đơn thuộc thẩm quyền kiểm tra nhưng chưa đáp ứng điều kiện, thì lưu đơn để theo dõi, quản lý; nếu đơn thuộc thẩm quyền kiểm tra của Viện kiểm sát khác, thì chuyển Viện kiểm sát có thẩm quyền, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết.
1.3. Thẩm quyền kiểm tra
Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kiểm tra, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 Quy chế số 222 (Do VKSND tối cao kiểm tra).
Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKSND tối cao do VKSND tối cao kiểm tra.
2. Giai đoạn thụ lý và tiến hành kiểm tra
Sau khi kiểm tra đơn thấy đủ điều kiện thụ lý, Viện kiểm sát có thẩm quyền cần thực hiện lần lượt các bước tiến hành kiểm tra như sau:
2.1. Căn cứ tiến hành
Điều 13 Quy chế 222 và Điều 14 Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số 546 ngày 03/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - sau đây gọi tắt là Quy trình 546).
2.2. Các bước tiến hành
Bước 1: Ban hành quyết định kiểm tra, quyết định phân công người tiến hành kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật (Lưu ý: quyết định kiểm tra phải gửi cho Viện kiểm sát đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trước khi tiến hành kiểm tra).
Người được phân công kiểm tra phải xây dựng kế hoạch kiểm tra trình người có thẩm quyền phê duyệt, nội dung gồm: Căn cứ pháp lý để tiến hành kiểm tra; mục đích, yêu cầu của việc kiểm tra; nội dung kiểm tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, chứng cứ; các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc kiểm tra; áp dụng biện pháp ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra (nếu thấy cần thiết); dự kiến thời gian, tiến độ thực hiện từng công việc; thời gian dự phòng để xử lý các công việc phát sinh; các nội dung khác có liên quan (nếu có).
Bước 2: Các việc cần tiến hành sau khi có quyết định kiểm tra
(1) Yêu cầu cung cấp tài liệu và yêu cầu giải trình: Yêu cầu người có đơn đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc đề nghị kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; yêu cầu Viện kiểm sát đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật giải trình và cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại.
(2) Kiểm tra nội dung đơn đề nghị và những thông tin, tài liệu, chứng cứ do người đề nghị kiểm tra đã cung cấp: Để xác định nội dung đề nghị là những vấn đề gì và người gửi đơn có cung cấp tài liệu, chứng cứ mới hay không.
(3) Kiểm tra nội dung văn bản giải trình của Viện kiểm sát đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; Kiểm tra về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và nội dung giải quyết khiếu nại: Sau khi tiếp nhận hồ sơ cần phải kiểm tra VKS ban hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật có văn bản giải trình không; trong quá trình kiểm tra phải xem xét về thẩm quyền giải quyết, trình tự, thủ tục có đúng theo quy định của pháp luật, của Ngành không; đặc biệt nội dung giải quyết có căn cứ không.
(4) Tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ: Trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan thấy chưa rõ hoặc có dấu hiệu của việc oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người được phân công kiểm tra tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; trực tiếp kiểm tra, xem xét hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
(5) Trưng cầu giám định, giám định lại (trong trường hợp cần thiết): Trong quá trình kiểm tra nếu vụ việc có quyết định tố tụng, hành vi tố tụng bị khiếu nại đang trong quá trình tố tụng thì Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra yêu cầu cơ quan tố tụng có thẩm quyền trưng cầu giám định, giám định lại; nếu vụ việc có quyết định tố tụng, hành vi tố tụng bị khiếu nại không còn trong quá trình tố tụng thì Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra trưng cầu giám định, giám định lại.
(6) Tổ chức đối thoại: Khi kết quả kiểm tra, xác minh khác với kết quả giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật thì Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ bản chất nội dung vụ việc làm cơ sở để kết luận kiểm tra.
3. Giai đoạn kết thúc kiểm tra
3.1. Căn cứ: Điểm b khoản 4 Điều 13 Quy chế 222, khoản 2 Điều 15 Quy trình 546 và các quy định của pháp luật tương ứng.
3.2. Xây dựng Báo cáo kết quả kiểm tra và dự thảo kết luận kiểm tra
Trên cơ sở kết quả kiểm tra và các thông tin, tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, người được phân công kiểm tra xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định, nội dung gồm: Nội dung vụ việc dẫn đến khiếu nại; quá trình giải quyết khiếu nại; phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng bị khiếu nại; kết luận về tính đúng, sai của quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; đề xuất nội dung kết luận kiểm tra: Chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hay bác đơn đề nghị; việc xử lý đối với quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
Trên cơ sở phê duyệt báo cáo kết quả kiểm tra, người được phân công kiểm tra xây dựng dự thảo kết luận kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và văn bản thông báo kết quả kiểm tra gửi người có đơn, cơ quan chuyển đơn để trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định ký ban hành.
3.3. Xử lý đối với quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định tố tụng thiếu căn cứ hoặc có vi phạm pháp luật
Các trường hợp xử lý cụ thể
Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm nghiêm trọng, vụ việc có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm: ngoài ban hành kết luận kiểm tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra còn phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời, ban hành quyết định hủy bỏ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tố tụng để giải quyết lại vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp qua kiểm tra lại phát hiện thấy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa áp dụng hết các biện pháp mà pháp luật quy định nhằm xác định bản chất vụ việc đã ban hành quyết định tố tụng (Quyết định không khởi tố vụ án hình sự...), quyết định giải quyết khiếu nại thiếu căn cứ hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản về nội dung giải quyết khiếu nại trước đó: ngoài ban hành kết luận kiểm tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra phải hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại; đồng thời, ban hành quyết định hủy bỏ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ quyết định tố tụng để giải quyết lại vụ việc theo quy định của pháp luật.
4.1. Công tác phối hợp
Tăng cường công tác phối hợp giữa Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn với các đơn vị nghiệp vụ liên quan của Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra để tham mưu, đề xuất lãnh đạo Viện Kiểm sát xử lý đơn đề nghị kiểm tra đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra phối hợp với các cơ quan tư pháp (Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án, Thi hành án cùng cấp) xây dựng cơ chế cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan khi có đề nghị để việc nghiên cứu, đánh giá chứng cứ được khách quan, toàn diện, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
4.2. Công tác hậu kiểm
Sau xử lý, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm tra cần phải theo dõi việc thực hiện và kết quả giải quyết lại của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới. Đối với quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật bị Viện kiểm sát có thẩm quyền hủy bỏ để giải quyết lại nếu phát hiện thấy cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới không thực hiện hoặc tiếp tục ban hành quyết định giải quyết không có căn cứ, trái pháp luật, có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì kịp thời chuyển thông tin, tài liệu đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để xem xét xử lý, giải quyết theo thẩm quyền (Theo Công văn số 3753/VKSTC-C1(P1) ngày 29/11/2021 của Cơ quan điều tra VKSND tối cao về việc phối hợp tiếp nhận, cung cấp và kiểm tra thông tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao - Mục 6 Phụ lục 01).
4.3. Công tác lập hồ sơ và sử dụng biểu mẫu
Việc lập hồ sơ và sử dụng biểu mẫu trong quá trình kiểm tra lại yêu cầu tuân thủ nghiêm túc theo quy định tại Điều 16 Quy trình 546; Danh mục Biểu mẫu công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ-VKSTC ngày 15/02/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao).
4.4. Tăng cường công tác kiểm tra
Viện kiểm sát cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, coi đây là biện pháp hữu hiệu kiểm soát oan, sai, bỏ lọt tội phạm; kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục vi phạm về giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp, tránh để xảy hậu quả tiêu cực, không khắc phục được.
Trên đây là hướng dẫn trong việc thực hiện công tác kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật của VKSND các cấp. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp, phản ánh về Vụ Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) VKSND tối cao./.
| TL. VIỆN TRƯỞNG |
- 1 Hướng dẫn 38/HD-VKSTC năm 2022 về công tác Tiếp công dân, Kiểm sát và Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp năm 2023 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2 Công văn 2711/VKSTC-V12 năm 2023 về giải đáp khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3 Công văn 2646/VKSTC-V12 năm 2023 về áp dụng Danh mục biểu mẫu công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành