Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
SỞ GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 160/HD-SGTCC

Đà Nẵng, ngày 09 tháng 02 năm 2006

 

HƯỚNG DẪN

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 151/2005/QĐ-UBND , QUYẾT ĐỊNH 152/2005/QĐ-UBND , THÔNG TƯ 13/2005/TT-BGTVT , QUYẾT ĐỊNH 04/2006/QĐ-BGTVT VÀ CÔNG VĂN SỐ 161/CDBVN-GT

Trong tháng 10 năm 2005 UBND thành phố đã ban hành Quy định quản lý, khai thác, sử dụng đường bộ và hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định 151/2005/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2005 và Quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định 152/2005/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2005. Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2005 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Quyết định số 04/2006/QĐ-BGTVT ngày 09 tháng 01 năm 2006 ban hành Quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Cục Đường bộ Việt Nam đã có Công văn số 161/CDBVN-GT ngày 13 tháng 01 năm 2006 về việc thực hiện Thông tư 13/2005/TT-BGTVT và Quyết định 04/2006/QĐ-BGTVT .

Để triển khai thực hiện thống nhất nội dung của Thông tư, các Quyết định và Công văn nêu trên tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Giao thông Công chính Đà Nẵng hướng dẫn cụ thể như sau:

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC:

1. Sở Giao thông Công chính trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác:

a) Đường Quốc lộ được Cục Đường bộ Việt Nam ủy thác quản lý;

b) Hệ thống đường tỉnh lộ;

c) Hệ thống đường đô thị có bề rộng mặt đường lớn hơn 7,5m;

2. UBND các quận, huyện trực tiếp tiếp nhận, quản lý, bảo trì và khai thác:

a) Hệ thống đường huyện;

b) Hệ thống đường đô thị có bề rộng mặt đường bằng và nhỏ hơn 7,5m (có danh sách kèm theo) và các tuyến đường do các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng;

c) Các đường đô thị lớn hơn 7,5m trong khu dân cư do Sở Giao thông Công chính ủy thác.

3. UBND các phường, xã trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác:

a) Hệ thống đường xã, đường thôn;

b) Hệ thống đường kiệt, hẻm.

4. Đường chuyên dùng, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố do các chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì.

Công tác tiếp nhận bàn giao công trình thuộc lĩnh vực giao thông công chính trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông Công chính sẽ có quy định riêng.

II. CÔNG TÁC CẤP GIẤY PHÉP TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG CÔNG CHÍNH:

1. Điều kiện, thủ tục cấp các loại giấy phép:

Tuân thủ nội dung quy định tại Điều 12, 13, 14, 15, 16 của Quy định quản lý, khai thác, sử dụng đường bộ và hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định 151/2005/QĐ-UBND ; Điều 6, 7, 8, 9, 11 của Quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định số 152/2005/QĐ-UBND và nội dung Quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 04/2006/QĐ-BGTVT .

2. Thẩm quyền cấp các loại giấy phép:

2.1. Sở Giao thông Công chính Đà Nẵng cấp các loại giấy phép sau:

a) Giấy phép tạm thời sử dụng một phần hành lang an toàn đường bộ hoặc đường bộ trên các tuyến đường thuộc Sở quản lý vào mục đích sử dụng:

- Các dịch vụ công cộng, quảng cáo, buồng điện thoại;

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên truyền.

b) Giấy phép tạm thời sử dụng một phần hành lang an toàn đường bộ hoặc đường bộ trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố vào mục đích sử dụng; Trạm đỗ xe taxi, điểm đỗ ôtô du lịch tạm thời, trạm chờ xe buýt.

c) Giấy phép thi công chỉnh trang hoặc gia cố vỉa hè; hạ bó vỉa hè (trên các tuyến đường thuộc Sở quản lý) được cấp trong các trường hợp được cho phép hạ bó vỉa làm lối lên xuống giữa lòng đường và hè phố.

d) Giấy phép thi công các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị như: điện chiếu sáng công cộng, điện phục vụ cho sản xuất và thắp sáng, cung cấp năng lượng, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, bảng tin; trồng cây xanh công cộng, cây bóng mát hoặc cây xanh cách ly.

e) Giấy phép thi công cho các trường hợp công trình phải lắp đặt trên những tuyến đường qua địa bàn hai quận, (huyện).

g) Giấy phép thi công các công trình sửa chữa, cải tạo nâng cấp đường bộ.

h) Giấy phép thi công mở đường ngang đấu nối vào đường bộ dạng khai thác.

2.2. Lực lượng Thanh niên xung kích thành phố:

Cấp các loại Giấy phép tạm thời sử dụng một phần hành lang an toàn đường bộ hoặc đường bộ trên các tuyến đường thuộc Sở Giao thông Công chính thành phố quản lý vào mục đích sử dụng:

a) Tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng;

b) Các dịch vụ buôn bán nhỏ;

c) Trông giữ xe đạp, xe máy.

3.3. UBND các quận, huyện cấp các loại giấy phép thuộc các tuyến đường được phân cấp quản lý, gồm:

a) Giấy phép tạm thời sử dụng một phần hành lang an toàn đường bộ hoặc đường bộ gồm:

- Tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng;

- Các dịch vụ công cộng, quảng cáo, buồng điện thoại;

- Các dịch vụ buôn bán nhỏ;

- Trông giữ xe đạp, xe máy;

- Tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội, tuyên truyền.

b) Giấy phép thi công chỉnh trang hoặc gia cố vỉa hè; hạ bó vỉa bỏ được cấp trong các trường hợp được cho phép hẹ bó vỉa làm lối lên xuống giữa lòng đường và hè phố.

c) Giấy phép thi công các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị như: điện chiếu sáng công cộng, điện phục vụ cho sản xuất và thắp sáng, cung cấp năng lượng, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, bảng tin; trồng cây xanh công cộng, cây bóng mát hoặc cây xanh cách ly.

d) Giấy phép thi công các công trình sửa chữa, cải tạo nâng cấp đường bộ.

e) Giấy phép thi công mở đường ngang đấu nối vào đường bộ đang khai thác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Mẫu các loại đơn và giấy phép:

Thống nhất theo các phụ lục kèm theo hướng dẫn này.

2. Cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận hồ sơ, giao giấy biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả giấy phép, thời gian xem xét và cấp phép thực hiện đúng quy trình của Đề án Cải cách thủ tục hành chính của đơn vị đã được phê duyệt. Trường hợp không giải quyết được phải nêu rõ lý do và trả lời bằng văn bản cho người có nhu cầu cấp giấy phép.

b) Nhân viên trực tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra ngay, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và đúng theo quy định phải hướng dẫn và trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân bổ sung theo nội dung biên bản làm việc kèm theo hướng dẫn này.

3. UBND các quận, huyện có trách nhiệm:

a) Hoàn thiện về bộ máy tổ chức, trình độ cán bộ, trang thiết bị và dự trù kinh phí để phục vụ cho công tác tiếp nhận bàn giao các công trình giao thông công chính theo phân cấp tại Quyết định số 151, 152/QĐ-UBND .

b) Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác và cấp các loại giấy phép trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền và báo cáo định kỳ hàng tháng về Sở Giao thông Công chính thành phố (thông qua Phòng Quản lý Giao thông Đô thị).

c) Chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện việc tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác trên các tuyến đường được phân cấp quản lý và thực hiện việc quản lý nhà nước trên địa bàn xã, phường theo quy định hiện hành.

4. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Giao thông Công chính thành phố có trách nhiệm tiếp nhận và trả hồ sơ đúng quy định hiện hành.

5. Phòng Quản lý Giao thông Đô thị - Sở Giao thông Công chính thành phố có trách nhiệm tham mưu tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác và cấp các loại giấy phép trên các tuyến đường được phân cấp quản lý; tổ chức lớp tập huấn chuyên môn về công tác quản lý đô thị thuộc lĩnh vực ngành GTCC quản lý đến cán bộ cấp xã, phường nhằm tăng cường công tác quản lý sau khi phân cấp.

6. Lực lượng Thanh niên xung kích thành phố có trách nhiệm tổ chức cấp các loại giấy phép theo phân cấp và báo cáo định kỳ hàng tháng về Sở Giao thông Công chính thành phố (thông qua Phòng Quản lý Giao thông Đô thị).

7. UBND các xã, phường có trách nhiệm:

a) Tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác các tuyến đường được phân cấp quản lý.

b) Tiếp nhận quản lý và bảo vệ mốc lộ giới của các cơ quan quản lý đường bộ bàn giao.

c) Quản lý sử dụng đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông đường bộ; xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ trên các đường được phân cấp quản lý.

d) Lập kế hoạch kinh phí duy tu hàng năm trình UBND quận, huyện và tổ chức thi công công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất (kể cả hành lang an toàn đường bộ và các công trình phụ trợ khác) các tuyến đường được phân cấp quản lý,

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định pháp luật về đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

8. Công ty Quản lý sửa chữa Công trình giao thông Đà Nẵng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Lập hồ sơ dự toán mốc lộ giới gửi Sở Giao thông Công chính trình UBND thành phố xin kinh phí thực hiện.

b) Chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức và thực hiện cắm mốc lộ giới xác định phạm vi đất dành cho đường bộ và bàn giao cho UBND các xã, phường quản lý, bảo vệ;

b) Quản lý, bảo trì đường bộ, bao gồm: theo dõi, kiểm tra, duy tu sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất các hư hỏng công trình đường bộ; duy trì tình trạng kỹ thuật của đường, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và năng lực thông qua của đường.

c) Tuần tra, kiểm tra thường xuyên phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và báo cáo đề xuất kịp thời với chính quyền địa phương (quận, huyện, phường, xã); Thanh tra Sở Giao thông Công chính để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

d) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tiến độ thi công của tổ chức, cá nhân thi công trong suốt quá trình thi công và báo cáo định kỳ bằng văn bản về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thi công.

đ) Kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thi công trong suốt thời gian thi công các công trình trên đường bộ đang khai thác theo quy định hiện hành.

9. Thanh tra Sở Giao thông Công chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân thi công trong suốt thời gian thi công.

10. Tiến độ và nội dung bàn giao:

a) Tiến độ bàn giao các tuyến đường theo phân cấp quản lý và khai thác sử dụng giữa Sở Giao thông Công chính với các quận huyện như sau:

- Quận Hải Châu và Thanh Khê: từ ngày 01 – 15 tháng 3 năm 2006.

- Quận Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn: từ ngày 15 – 30 tháng 3 năm 2006.

- Quận Sơn Trà và Cẩm Lệ: từ ngày 01 – 10 tháng 4 năm 2006.

- Huyện Hòa Vang: từ ngày 11 – 15 tháng 4 năm 2006.

b) Nội dung bàn giao:

Nguyên tắc bàn giao là bàn giao theo nguyên trạng hiện tại của từng tuyến đường, bàn giao phần hồ sơ văn phòng trước, phần hiện trường bàn giao sau với các nội dung như sau:

- Những tuyến đường, công trình theo tuyến do Sở Giao thông hoặc các đơn vị của thành phố làm chủ đầu tư bàn giao cho Sở trước ngày 01/02/2006 có hồ sơ hoàn công do Phòng QL GT ĐT Sở quản lý: Phòng QL GT ĐT Sở bàn giao hồ sơ hoàn công hoặc bản photocopy hồ sơ hoàn công và các văn bản liên quan khác nếu có.

- Những tuyến đường, công trình theo đường do UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư: bàn giao danh mục đường kèm theo các thông số kỹ thuật dưới dạng bản thống kê tổng hợp hiện trạng của đường.

- Những tuyến đường xây dựng trước năm 1997 và không có hồ sơ hoàn công: bàn giao danh mục đường kèm theo các thông số kỹ thuật dưới dạng bản thống kê tổng hợp hiện trạng của đường.

- Những tuyến đường được phân cấp trước đây cho các địa phương quản lý không thuộc hạng mục bàn giao của Hướng dẫn này.

c) Những tuyến đường, công trình thuộc các tuyến đường đang đầu tư, cải tạo nâng cấp đang xây dựng chưa hoàn thành và chưa bàn giao đưa vào quản lý khai thác theo phân cấp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án liên hệ bàn giao trực tiếp cho các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định và gửi 01 bộ hồ sơ hoàn công (kèm theo đĩa CD được lưu giữ theo thư mục) về Sở Giao thông Công chính (qua Phòng QL Giao thông Đô thị) để theo dõi, lưu trữ.

Trên đây là nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung của Thông tư, các Quyết định và Công văn nêu trên tại địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân phản ánh về Sở Giao thông Công chính Đà Nẵng để nghiên cứu, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND thành phố “Để báo cáo”;
- Bộ GTVT “Để báo cáo”;
- Cục Đường bộ VN “Để báo cáo”;
- Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở “Để thực hiện”;
- UBND các quận, huyện “Để phối hợp thực hiện”;
- UBND các xã, phường “Để phối hợp thực hiện”;
- Sở Tư pháp “Để biết”;
- Sở Nội vụ “Để biết”;
- Sở Tài chính “Để biết”;
- Các Sở: XD; TN&MT; BCVT; CN; DL “Để biết”;
- Lưu: VT, PQLGTĐTh.

GIÁM ĐỐC




Đặng Việt Dũng