Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1639/HD-UBND

Bến Tre, ngày 22 tháng 3 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

VỀ CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở; NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ ý kiến kết luận chỉ đạo của ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị sơ kết 7 tháng thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Thông báo số 403/TB-V01-P3 ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Văn phòng Bộ Công an);

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH BAN HÀNH, ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG

1. Mục đích

a) Khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy để chủ hộ gia đình và người đứng đầu các cơ sở sử dụng nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thực hiện, góp phần đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

b) Phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy và chữa cháy của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Đối tượng sử dụng

a) Lực lượng Công an các cấp; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; Điện lực và các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

b) Chủ hộ gia đình và người đứng đầu các cơ sở sử dụng nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

II. BIỆN PHÁP AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở

1. Việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện

a) Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật điện, đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy; chống quá dòng, chống quá tải và chống ngắn mạch điện theo quy định.

b) Lắp đặt thiết bị đóng ngắt, thiết bị bảo vệ (cầu dao, cầu chì, aptomat...) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng nhánh điện và thiết bị điện có công suất lớn (tủ lạnh, máy điều hòa, bình nóng lạnh...) ở vị trí thuận lợi để dễ dàng thao tác, bảo vệ an toàn khi có sự cố điện hoặc cháy, nổ xảy ra.

c) Chọn phương pháp lắp đặt, loại dây dẫn điện đáp ứng yêu cầu về khả năng tải dòng điện của dây dẫn và phù hợp với dòng điện lớn nhất đi trong dây dẫn ở chế độ làm việc bình thường. Sử dụng dây dẫn điện là loại có vỏ cách điện bảo đảm chất lượng, được cố định chắc chắn; không đặt trên bề mặt vật liệu dễ cháy, không luồn qua vách nhà, mái nhà làm bằng kim loại, vật liệu dễ cháy. Các mối nối dây dẫn điện đúng yêu cầu kỹ thuật, được quấn cách điện hoặc đặt trong hộp nối dây bảo đảm an toàn. Tiết diện dây dẫn điện phù hợp với tổng công suất chịu tải của nhà, của từng nhánh trong sơ đồ điện (dựa trên công suất của các thiết bị tiêu thụ điện sử dụng đồng thời), nhưng phải bảo đảm tiết diện tối thiểu theo tiêu chuẩn quy định.

d) Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện trong nhà ở để phát hiện, sửa chữa, thay thế kịp thời khi có dấu hiệu hư hỏng, sự cố.

đ) Không sử dụng đồng thời nhiều loại thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn trong cùng một ổ cắm; không cắm trực tiếp dây dẫn điện vào ổ cắm mà không có phích cắm.

e) Các thiết bị điện có khả năng tạo nhiệt bề mặt phải được đặt trên bệ làm bằng vật liệu không cháy; được cách ly khỏi các vật liệu, vật dụng liền kề (bằng vật liệu không cháy) hoặc bảo đảm khoảng cách đủ lớn cho phép tỏa nhiệt an toàn.

g) Luôn luôn có người trông coi khi sử dụng các thiết bị điện có nhiệt điện trở lớn (như bàn ủi, bếp điện, ấm điện, máy sấy tóc...), ngắt nguồn điện ngay sau khi không còn sử dụng; không treo, mắc, đặt các vật dụng lên trên đường dây dẫn điện; không sử dụng các vật liệu dễ cháy làm chụp đèn, chao đèn cho loại bóng đèn sợi đốt; kiểm tra, ngắt các thiết bị điện khỏi nguồn điện khi không có yêu cầu sử dụng.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt

a) Bố trí khu vực bếp đun, nấu riêng phù hợp, thông thoáng, an toàn, bảo đảm không dẫn đến nguy cơ gây cháy các vật liệu, hàng hóa, chất cháy liền kề. Nên bố trí khu vực bếp nấu bằng than, củi bên ngoài nhà ở.

b) Các bếp đun nấu phải được đặt trên bề mặt bằng phẳng, chắc chắn, bằng vật liệu không cháy; không được che chắn xung quanh bằng vật liệu dễ cháy. Khi sử dụng bếp đun nấu phải luôn có người trông coi và bảo đảm an toàn, không để dẫn đến nguy cơ gây cháy.

- Bếp sử dụng khí LPG (gas): Thường xuyên kiểm tra tình trạng của van khóa, dây dẫn và đóng van bình gas sau khi sử dụng; không sử dụng các bình gas mini đã qua sử dụng; bố trí bình gas đặt cách xa thiết bị điện. Khi phát hiện có mùi đặc trưng của khí gas phải giữ nguyên hiện trạng của hệ thống điện (không bật/tắt công tắc thiết bị điện vào thời điểm đó), không dùng ngọn lửa trần, không làm phát sinh tia lửa, phải mở tất cả các cửa để thoát khí gas, khóa ngay van bình gas và báo cho đại lý cung cấp gần nhất đến xử lý.

- Bếp điện: Lắp đặt, sử dụng dây dẫn, thiết bị bảo vệ phù hợp với công suất của bếp và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

- Bếp dầu: Không dùng xăng hoặc xăng pha dầu để đun bếp dầu; không rót thêm dầu vào bếp khi đang đun nấu; tắt bếp sau khi sử dụng.

- Bếp củi, bếp than: Giám sát, không được để tàn lửa, than nóng rơi ra xung quanh; dập hết lửa, than nóng sau khi sử dụng.

c) Nơi thắp nhang, đèn thờ cúng; nơi có phát sinh lửa, phát sinh nhiệt không được đặt liền kề với các loại vật liệu dễ cháy. Vách, trần, vật liệu trang trí ở khu vực này là loại vật liệu không cháy. Thường xuyên kiểm tra nơi cắm nhang và loại bỏ bớt các chân nhang cũ không để tàn nhang, ngọn lửa đèn bắt cháy. Khi đốt vàng mã, đốt nến phải cách xa các vật liệu dễ cháy, luôn luôn có người trông coi, giám sát. Không hút thuốc, bỏ tàn thuốc cháy dở ở nơi có vật liệu dễ cháy.

d) Việc đốt cỏ, đốt rác phải bảo đảm an toàn, chỉ thực hiện từ dưới chiều gió và luôn có người trông coi giám sát; đồng thời phải chuẩn bị sẵn lượng nước cần thiết để dập lửa trong trường hợp có dấu hiệu cháy lan và để dập hết tàn lửa sau khi thực hiện xong.

3. Việc quản lý, sử dụng chất, vật liệu dễ cháy

a) Bảo quản, quản lý, sử dụng các loại trang thiết bị, vật tư, vật liệu, hàng hóa làm bằng vật liệu dễ cháy trong nhà ở phải có khoảng cách an toàn với các nguồn lửa, nguồn nhiệt để bảo đảm không bị bắt cháy, không bị cháy do truyền nhiệt, bức xạ nhiệt.

b) Không dự trữ các loại hóa chất, chất lỏng có tính chất nguy hiểm cháy cao (như xăng, dầu, cồn...) trong nhà ở. Trường hợp thật cần thiết thì giảm đến mức thấp nhất trữ lượng; khi đó thiết bị chứa phải bảo đảm kín, chắc chắn và có giải pháp phù hợp, sao cho lượng hóa chất, chất lỏng rò rỉ không rơi vãi, chảy lan ra xung quanh; đồng thời, không được tồn chứa ở khu vực bếp nấu, khu vực có phát sinh lửa, phát sinh nhiệt.

c) Có biện pháp phòng ngừa cháy đối với các loại rác thải, phế phẩm, phế liệu từ vật liệu dễ cháy (như giấy, vải, nhựa, cao su...); thường xuyên dọn dẹp cỏ khô, rác khu vực xung quanh nhà ở để tránh gây cháy lan từ bên ngoài vào nhà.

d) Ôtô, xe máy, xe điện, các loại máy chạy bằng nhiên liệu cần có khu vực bảo quản bên ngoài nhà ở. Trường hợp phải để trong nhà thì bố trí khu vực riêng phù hợp; cách xa bếp đun nấu, nơi có phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt; không gây cản trở lối thoát nạn. Thường xuyên kiểm tra không để xảy ra tình trạng nhiên liệu bị rò rỉ. Phải luôn bảo đảm tắt công tắc điện của ôtô, xe máy, xe điện khi để trong nhà; phải luôn giám sát khi tiến hành sạc điện đối với xe điện.

4. Việc bảo đảm yêu cầu thoát nạn

a) Bảo đảm đường thoát nạn, lối thoát nạn để người bên trong gian phòng, ngôi nhà thoát nạn an toàn khi có cháy xảy ra.

b) Có tối thiểu 02 lối thoát nạn trực tiếp ra bên ngoài nhà và được bố trí phân tán. Trường hợp chỉ có 01 lối thoát nạn thì cần tăng cường các giải pháp phù hợp nhằm giúp người trong nhà phát hiện sớm khi có cháy và thoát ra ngoài an toàn, như: thiết bị cảnh báo cháy sớm (hệ thống báo cháy tự động, đầu báo cháy tự động cục bộ), trang bị thiết bị cứu hộ cá nhân (mặt nạ lọc độc, phòng độc; quần, áo chống cháy...), thiết bị chữa cháy tự động (bình chữa cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động...).

c) Có thể sử dụng cửa sổ như lối ra khẩn cấp, khi đó cửa sổ phải thông thoáng hoặc có cơ cấu đóng, mở khung cửa sổ thuận lợi; có thể sử dụng lối ra ban công, lô gia, lối lên mái nhà như lối thoát nạn dự phòng, nếu bảo đảm từ nơi đó thoát ra khỏi ngôi nhà một cách an toàn.

d) Hạn chế lắp cửa cuốn, cửa trượt trên lối thoát nạn; trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì phải có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay (thiết bị quay tay) để mở cửa khi mất điện.

đ) Dự kiến vị trí để tập kết khi người bên trong nhà thoát ra ngoài trong trường hợp xảy ra cháy nhằm xác định được những người thật sự thoát ra an toàn.

e) Đối với nhà ở thường xuyên khóa từ bên trong phải quy định chỗ để chìa khóa sao cho dễ lấy, dễ phân biệt bảo đảm khi cần thiết có thể sử dụng được ngay.

g) Không được bố trí bất cứ vật tư, tài sản, hàng hóa, vật dụng gây cản trở đường, lối thoát nạn.

5. Việc trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy

a) Tự trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy trong nhà ở phù hợp với đặc điểm, điều kiện hoạt động của hộ gia đình.

b) Bình chữa cháy phải luôn sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức, được bố trí ở các vị trí dễ thấy, dễ lấy; phù hợp nhất (như: gần lối ra vào phòng, cầu thang, hành lang và lối đi...).

c) Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy đã trang bị; hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình biết sử dụng các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy đã được trang bị.

6. Thực hiện trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy theo quy định

a) Chủ hộ gia đình thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thành viên cùng sinh sống, hoạt động tại nhà ở thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ tại nhà ở; phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

b) Các thành viên cùng sinh sống, hoạt động tại nhà ở tìm hiểu, chấp hành đầy đủ quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy; tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy.

III. BIỆN PHÁP AN TOÀN PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH

Thực hiện các biện pháp an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở theo khuyến cáo tại Phần II Hướng dẫn này. Đồng thời, lưu ý thực hiện thêm các biện pháp sau:

1. Việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện

a) Hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh được lắp đặt tách riêng với hệ thống điện của khu vực nhà ở, đảm bảo hết giờ sản xuất, kinh doanh dễ dàng ngắt toàn bộ hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh mà không ảnh hưởng đến hệ thống điện khu vực nhà ở.

b) Khi bên trong nhà có bảo quản, sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ thì sử dụng thiết bị điện là loại an toàn cháy, nổ; thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong kho phải được khống chế chung bằng thiết bị đóng ngắt tự động và đặt bên ngoài kho.

c) Không lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện làm quá tải hệ thống điện của nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt

a) Không sử dụng ngọn lửa trần; thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt trong khu vực sản xuất, kinh doanh. Nếu yêu cầu sản xuất, kinh doanh bắt buộc phải sử dụng thì phải bố trí ở khu vực riêng bảo đảm khoảng cách an toàn đến các loại vật liệu, hàng hóa, chất cháy và luôn có người trông coi, giám sát, đồng thời bố trí sẵn sàng dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập cháy kịp thời ngay khi mới phát sinh.

b) Các hoạt động hàn điện, hàn hơi phải do người có chuyên môn kỹ thuật theo quy định thực hiện; khi tiến hành hàn, cắt hoặc khi sử dụng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt phải có biện pháp che, chắn, cách li bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

c) Lắp đặt các biển cấm lửa, cấm hút thuốc phù hợp ở những nơi tập trung nhiều vật liệu, hàng hóa, chất dễ cháy.

3. Việc quản lý chất, vật liệu dễ cháy

a) Sắp xếp, bảo quản vật liệu, vật tư, hàng hóa phải gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra; theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm, cùng phương pháp chữa cháy giống nhau; phải tạo ra lối thoát nạn thuận tiện, bảo đảm việc sơ tán người và hàng hóa nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy.

b) Vật tư, hàng hóa để trên bục, kệ, giá hoặc xếp chồng đống phải được xếp vững chắc, gọn gàng; có lối đi ngang, dọc bảo đảm hợp lý thuận tiện, không gây cản trở lối đi, lối thoát nạn của gian phòng, ngôi nhà.

c) Loại trừ được những điều kiện có thể dẫn đến tự cháy do phát sinh nhiệt, do tác dụng phản ứng hóa học... (không xếp hàng hóa gần bóng đèn, gần dây dẫn điện; các hàng hóa kỵ nhau sát gần nhau...).

d) Không xếp để hàng hóa dễ cháy (giấy, vải, nhựa, bông, polyme tổng hợp...) ở chân cầu thang hoặc buồng gần cầu thang.

4. Thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói

a) Luôn duy trì số lượng, kích thước lối thoát nạn bảo đảm thoát nạn kịp thời và không bị cản trở nhằm bảo vệ người trên đường thoát nạn, tránh những tác động các yếu tố nguy hiểm của đám cháy như nhiệt độ, khói, khí độc... Trong thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh thì các cửa thoát nạn không được khóa, đóng.

b) Có giải pháp ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sản xuất, kinh doanh với khu vực để ở, với cầu thang bộ chung của ngôi nhà, với lối thoát nạn trực tiếp ra bên ngoài từ tầng 1 (bằng tường ngăn cháy, vách ngăn cháy).

5. Việc trang bị hệ thống, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy

a) Trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan.

b) Bố trí bình chữa cháy tự động (bình chữa cháy hoạt động theo nguyên lý tự động được treo hoặc đặt trong khu vực cần bảo vệ) ở khu vực sản xuất kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy không thường xuyên có người hoặc người không thể đi vào được phù hợp với diện tích bảo vệ và chiều cao treo của từng loại bình.

c) Có phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn (biển thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn) trên lối thoát nạn ở những chỗ nguy hiểm cho sự di chuyển của người, ở gian phòng sản xuất không có ánh sáng tự nhiên. Đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn được lắp đặt, bố trí trên các cửa ra, vào, cầu thang thoát nạn, lối rẽ trên đường thoát nạn để chiếu sáng, chỉ dẫn lối đi và dễ quan sát.

d) Trang bị phương tiện chữa cháy thô sơ (phuy, bể chứa nước, chứa cát; xô, thùng, câu liêm, chăn sợi, thang...) và được bố trí trong khu vực phù hợp với yêu cầu sử dụng để chữa cháy. Trang bị tối thiểu một bộ dụng cụ phá dỡ thông thường (kìm cộng lực, cưa tay, búa, xà beng) cho khu vực sản xuất, kho.

6. Máy móc, thiết bị, công nghệ; biển hiệu, biển quảng cáo

a) Các máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất kinh doanh (như máy trục, lò sấy, máy trộn...) phải bảo đảm mỗi thiết bị có quy trình vận hành, bảo dưỡng sửa chữa hoặc bản hướng dẫn sử dụng riêng, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của từng loại; có người chịu trách nhiệm chính để quản lý vận hành.

b) Các thiết bị, dây chuyền công nghệ khi vận hành có sử dụng các chất lỏng, chất khí dễ cháy nổ thì phải thường xuyên kiểm tra độ kín của thiết bị, công nghệ đó.

c) Lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo ngoài nhà (nếu có) phải đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy, không cản trở lối thoát nạn, không che khuất lối thoát nạn dự phòng qua ban công, lô gia...

7. Nội quy, biển báo, biển cấm

a) Có nội quy đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ ở khu vực sản xuất, kinh doanh.

b) Có biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp.

IV. TRÁCH NHIỆM TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG

1. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung Hướng dẫn này và kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện trách nhiệm tại khoản 4, 5 Mục IV của Hướng dẫn này.

2. Các sở, ban ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Hướng dẫn này đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nắm, thực hiện.

3. Các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến nội dung Hướng dẫn này trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài của địa phương.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, kiểm tra việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Hướng dẫn này của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan thông tin, tuyên truyền của địa phương.

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Hướng dẫn này đến các hộ gia đình và các cơ sở sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm quản lý; chỉ đạo lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các hộ gia đình và các cơ sở sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện nội dung Hướng dẫn này.

6. Điện lực tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tuyên truyền, phổ biến các biện pháp đảm bảo an toàn điện, an toàn phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng điện đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan triển khai đến các đối tượng để nắm, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- C07 - Bộ Công an (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh (thực hiện);
- Các Sở, ban ngành tỉnh (thực hiện);
- Điện lực tỉnh (thực hiện);
- Đài PTTH, Báo Đồng Khởi (thực hiện);
- UBND các huyện, thành phố (thực hiện);
- UBND các xã, phường, thị trấn (thực hiện);
- Phòng: NC, KT, TH, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Cảnh