Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2479/NHCS-TDSV

Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHO VAY VỐN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 92/2009/QĐ-TTG NGÀY 08/7/2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI THƯƠNG NHÂN HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI TẠI VÙNG KHÓ KHĂN

Để triển khai thực hiện Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn thực hiện cho vay vốn theo Quyết định này như sau:

I. MỘT SỐ NỘI DUNG ĐƯỢC HIỂU VÀ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT TRONG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN

1. Thương nhân hoạt động thương mại

Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

1.1. Thương nhân là tổ chức kinh tế bao gồm:

Doanh nghiêp nhà nước, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần, Hợp tác xã có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.

1.2. Thương nhân là cá nhân bao gồm:

- Thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế;

- Thương nhân là cá nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng vay vốn

- Là thương nhân (sau đây gọi tắt là người vay) hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn. Vùng khó khăn bao gồm các xã, phường, thị trấn được quy định tại danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

- Thương nhân hoạt động thương mại tại các xã thành lập sau khi Quyết định 30/2007/QĐ-TTg có hiệu lực, trên cơ sở chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

3. Điều kiện được vay vốn

Để được vay vốn người vay phải hoạt động thương mại thường xuyên ở vùng khó khăn và đáp ứng các điều kiện sau:

3.1. Đối với thương nhân là cá nhân:

Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được UBND cấp xã nơi thương nhân hoạt động thương mại xác nhận có hoạt động thương mại thường xuyên trên địa bàn.

3.2. Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế:

Phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được UBND cấp xã xác nhận là nơi thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên trên địa bàn. Trường hợp tổ chức kinh tế mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại vùng khó khăn phải có thêm Giấy phép hoạt động.

3.3. Có vốn tự có tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn vay cho hoạt động thương mại tại địa bàn vùng khó khăn.

3.4. Đối với thương nhân vay vốn trên 30 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo hướng dẫn của NHCSXH.

4. Vốn tự có bao gồm

4.1. Giá trị vật tư, nguyên vật liệu, hàng hóa, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi...

4.2. Giá trị quyền sử dụng đất mà người vay nắm giữ (xác định theo khung giá đất của địa phương có tham khảo giá thị trường). Trường hợp đi thuê là giá tiền thuê đã được thanh toán cho thời hạn thuê đất còn được sử dụng.

4.3. Giá trị tài sản trên đất (xác định theo giá thị trường), trường hợp đi thuê là giá tiền thuê đã được thanh toán cho thời hạn thuê tài sản còn được sử dụng.

4.4. Giá trị ngày công lao động mà người vay tham gia phương án sản xuất.

4.5. Việt Nam đồng, ngoại tệ, dư có các tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, giá trị các chứng chỉ có giá khác.

5. Thời hạn cho vay, gia hạn nợ, phân kỳ hạn trả nợ, trả lãi

5.1 Thời hạn cho vay:

a. Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay đến 12 tháng.

b. Cho vay trung hạn và dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay từ trên 12 tháng nhưng tối đa không quá 5 năm.

Nhưng thời hạn cho vay tối đa không quá thời hạn hoạt động còn lại theo Giấy phép hoạt động (nếu có).

5.2. Thời hạn gia hạn nợ:

a. Đối với cho vay ngắn hạn thời hạn cho gia hạn nợ tối đa là 12 tháng.

b. Đối với cho vay trung và dài hạn thời hạn cho gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn đã cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng.

5.3. Phân kỳ hạn trả nợ:

- Đối với các khoản vay ngắn hạn và cho vay theo hạn mức không phải phân kỳ hạn trả nợ.

- Đối với các khoản cho vay trung và dài hạn áp dụng loại cho vay từng lần phải phân kỳ hạn nợ, mỗi kỳ hạn nợ là 6 tháng hoặc 1 năm/lần.

5.4. Trả lãi tiền vay:

- Lãi tiền vay được trả theo định kỳ hàng tháng.

6. Loại cho vay

- Cho vay từng lần: Là loại cho vay mỗi lần vay vốn người vay và NHCSXH nơi cho vay thực hiện thủ tục vay vốn theo quy định và ký hợp đồng tín dụng (Sổ vay vốn).

- Cho vay theo hạn mức tín dụng: Là loại cho vay NHCSXH nơi cho vay và người vay thoả thuận một hạn mức tín dụng duy trì một khoảng thời gian nhất định (áp dụng đối với thương nhân là tổ chức kinh tế). Việc xác định hạn mức tín dụng căn cứ vào tổng giá trị hàng hóa luân chuyển trong kỳ trừ (-) vốn tự có của tổ chức kinh tế. Nhưng hạn mức tín dụng tối đa không quá 500 triệu đồng.

7. Mức cho vay

7.1. Đối với người vay là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế: mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng.

7.2. Đối với người vay là cá nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật: mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng.

7.3. Đối với người vay là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp: mức cho vay tối đa là 500 triệu đồng.

8. Phương thức cho vay

8.1. Đối với thương nhân là cá nhân, NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp đến người vay thông qua phương thức uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội như cơ chế uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đối với những nơi đã có Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động thì Tổ trưởng Tổ TK&VV tổ chức kết nạp người vay vào tổ để họ có đủ điều kiện vay vốn Ngân hàng.

Đối với những nơi chưa có Tổ TK&VV thì Ngân hàng nơi cho vay thoả thuận với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương chỉ đạo thành lập Tổ TK&VV tạo điều kiện cho người vay làm thủ tục vay vốn Ngân hàng.

8.2. Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp tại Hội sở Ngân hàng cấp tỉnh, cấp huyện.

9. Bảo đảm tiền vay

9.1. Mức cho vay đến 30 triệu đồng, thì người vay không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

9.2. Mức cho vay trên 30 triệu đồng đến 500 triệu đồng người vay phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của NHCSXH.

II. THỦ TỤC VÀ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ CHO VAY

1. Đối với thương nhân là cá nhân

1.1. Hồ sơ cho vay

1.1.1. Đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có chứng thực của UBND cấp xã hoặc công chứng);

- Thông báo nộp thuế khoán của cơ quan Thuế kỳ trước liền kề (bản sao có chứng thực của UBND cấp xã hoặc công chứng);

- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD);

- Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD);

- Biên bản họp Tổ TK&VV (mẫu số 10/TD);

- Sổ vay vốn.

1.1.2. Đối với thương nhân là cá nhân thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có chứng thực của UBND cấp xã hoặc công chứng);

- Tờ khai thuế hoặc Quyết toán thuế (bản sao có chứng thực của UBND cấp xã hoặc công chứng);

- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD);

- Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD);

- Biên bản họp Tổ TK&VV (mẫu số 10/TD);

- Sổ vay vốn.

- Hồ sơ bảo đảm tiền vay đối với trường hợp người vay vay trên 30 triệu đồng.

1.2. Quy trình cho vay

a. Người vay viết Giấy đề nghị kiêm phương án sử dụng vốn vay kèm bản sao các loại hồ sơ: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thông báo nộp thuế hoặc tờ khai nộp thuế (quyết toán thuế) gửi Tổ TK&VV.

b. Tổ TK&VV nhận hồ sơ của người vay, tiến hành tổ chức họp tổ để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên Giấy đề nghị vay vốn theo quy định của NHCSXH, đối chiếu với đối tượng vay vốn đúng với chính sách của Chính phủ. Nếu hồ sơ vay vốn chưa đúng thì hướng dẫn người vay làm lại thủ tục hoặc bổ sung phần còn thiếu. Sau đó lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD) kèm theo các giấy tờ quy định tại tiết a điểm 1.2 văn bản này trình UBND cấp xã xác nhận.

c. Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã trên Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD), Tổ trưởng Tổ TK&VV nộp bộ hồ sơ đến NHCSXH nơi cho vay để làm thủ tục phê duyệt.

d. Nhận được hồ sơ cho vay do Tổ TK&VV gửi đến, cán bộ NHCSXH nơi cho vay được Giám đốc phân công thực hiện kiểm tra đối chiếu tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ đề nghị vay vốn trình Trưởng phòng hoặc Tổ trưởng Tín dụng; Trưởng phòng hoặc Tổ trưởng Tín dụng có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ trình Giám đốc phê duyệt cho vay. Sau khi phê duyệt, NHCSXH nơi cho vay lập Thông báo kết quả phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD) gửi UBND cấp xã và hướng dẫn người vay lập Sổ vay vốn. Đối với trường hợp người vay vay trên 30 triệu đồng, cán bộ tín dụng được phân công hướng dẫn người vay lập hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định.

e. UBND cấp xã thông báo cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (đơn vị nhận uỷ thác) để tổ chức chính trị - xã hội cấp xã thông báo cho Tổ TK&VV, Tổ TK&VV thông báo cho người vay đến điểm giao dịch tại xã hoặc trụ sở NHCSXH nơi cho vay để làm thủ tục nhận tiền vay.

1.3. Tổ chức giải ngân, thu nợ, thu lãi

Việc tổ chức giải ngân, thu nợ, thu lãi được thực hiện như cho vay đối với hộ nghèo, người vay trực tiếp nhận tiền vay tại nơi quy định. Trường hợp người vay không trực tiếp nhận tiền vay, được uỷ quyền cho thành viên trong hộ lĩnh tiền vay nhưng phải có xác nhận của UBND xã.

Mỗi lần giải ngân, thu nợ, thu lãi kế toán ghi đầy đủ nội dung và yêu cầu người vay ký xác nhận tiền vay theo quy định.

1.4. Kiểm tra, giám sát và xử lý vốn vay

a. Tổ TK&VV

- Tổ TK&VV có nhiệm vụ kiểm tra điều kiện vay vốn của người vay khi nhận Giấy đề nghị vay vốn từ người vay để xác định đúng đối tượng được vay.

- Thường xuyên làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đôn đốc người vay trong Tổ TK&VV sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn cam kết; chứng kiến và kiểm tra các buổi giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi.

- Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ NHCSXH bàn bạc thống nhất ý kiến xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ bị rủi ro trình UBND cấp xã đề nghị xử lý.

b. Tổ chức chính trị - xã hội cấp xã

- Chỉ đạo và tham gia cùng Tổ TK&VV tổ chức họp tổ để bình xét công khai người vay có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện vay đưa vào Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD).

- Kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của người vay theo hình thức đối chiếu công khai (mẫu số 06/TD) và thông báo kịp thời cho Ngân hàng nơi cho vay về các trường hợp sử dụng sai mục đích, vay ké, bỏ trốn, chết, mất tích, bị rủi ro do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn…) để có biện pháp xử lý kịp thời. Phối hợp cùng NHCSXH và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn và hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan (nếu có).

- Chỉ đạo và giám sát Ban quản lý Tổ TK&VV trong việc thực hiện Hợp đồng uỷ nhiệm đã ký với NHCSXH.

c. NHCSXH nơi cho vay

- Thực hiện kiểm tra đối chiếu Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD) với Danh sách thành viên Tổ TK&VV (mẫu số 10/TD). Kiểm tra tính pháp lý của bộ hồ sơ vay vốn theo quy định.

- Định kỳ hoặc đột xuất, lãnh đạo NHCSXH mời các thành viên trong Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV, của người vay và của tổ chức hội cấp dưới trong việc chấp hành chính sách tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn của người vay.

- Tham gia xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ bị xâm tiêu, lập hồ sơ đối với các khoản nợ bị rủi ro (nếu có)…

2. Đối với thương nhân là tổ chức kinh tế

2.1. Hồ sơ cho vay

Bao gồm 3 loại hồ sơ sau: Hồ sơ pháp lý; Hồ sơ kinh tế; Hồ sơ vay vốn.

a. Hồ sơ pháp lý:

Tuỳ theo loại hình tổ chức kinh tế người vay gửi cho Ngân hàng các giấy tờ (bản sao có công chứng) sau:

- Điều lệ Doanh nghiệp, Điều lệ Hợp tác xã (trừ Doanh nghiệp tư nhân);

- Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị (nếu có), Tổng giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng;

- Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh. Trường hợp tổ chức kinh tế mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại vùng khó khăn phải có thêm Giấy phép hoạt động;

- Giấy phép hành nghề đối với các trường hợp hoạt động thương mại phải có giấy phép hành nghề (ví dụ: Kinh doanh Dược phẩm);

- Biên bản góp vốn, danh sách thành viên sáng lập (Công ty Cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh);

- Các giấy tờ về đăng ký mẫu dấu, chữ ký và mở tài khoản;

- Số lượng xã viên, danh sách Ban quản trị, Ban kiểm soát (đối với Hợp tác xã);

- Biên bản đã thông qua tại Hội nghị thành lập hợp tác xã (đối với Hợp tác xã).

b. Hồ sơ kinh tế:

- Kế hoạch sản xuất kinh doanh định kỳ;

- Báo cáo tài chính và kết quả thực hiện kinh doanh kỳ trước liền kề.

c. Hồ sơ vay vốn:

- Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/DNV&N);

- Dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (do người vay tự lập);

- Hồ sơ bảo đảm tiền vay theo quy định;

- Phiếu thẩm định, tái thẩm định (mẫu số 02/DNV&N);

- Thông báo phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD);

- Hợp đồng tín dụng (mẫu số 03/DNV&N);

- Biên bản kiểm tra sau khi cho vay (Mẫu số 06/DNV&N);

2.2. Quy trình cho vay

a. Người vay có nhu cầu vay vốn viết Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/DNV&N) có xác nhận của UBND cấp xã. Sau đó người vay nộp trực tiếp hồ sơ cho vay về NHCSXH nơi cho vay.

b. NHCSXH nơi cho vay sau khi nhận được Giấy đề nghị vay vốn (mẫu số 01/DNV&N) và các hồ sơ theo quy định tại tiết a, b điểm 2.1 mục 2 phần II văn bản này cán bộ tín dụng tiến hành thẩm định theo mẫu số 02/DNV&N.

c. Căn cứ vào kết quả thẩm định của cán bộ tín dụng, Trưởng phòng hoặc Tổ trưởng Tín dụng có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ hoặc thẩm định lại (nếu cần thiết) trình Giám đốc phê duyệt.

d. Nếu được phê duyệt cho vay, cán bộ tín dụng được phân công hướng dẫn người vay lập Hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định. Trường hợp không được vay, thì lập thông báo theo mẫu số 04/TD gửi người vay.

e. Sau khi hoàn thành thủ tục bảo đảm tiền vay theo quy định, người vay cùng NHCSXH lập Hợp đồng tín dụng (mẫu số 03/DNV&N). Người vay được lựa chọn và thỏa thuận với Ngân hàng áp dụng 1 trong 2 hình thức cho vay từng lần hoặc cho vay theo hạn mức tín dụng.

2.3. Giải ngân

Đối với đối tượng người vay là tổ chức kinh tế phải mở tài khoản tiền gửi tại NHCSXH nơi cho vay, để thực hiện các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và trả nợ Ngân hàng.

Người vay trực tiếp đến nhận tiền vay tại Ngân hàng. Trường hợp người vay không trực tiếp đến nhận tiền vay, được uỷ quyền cho thành viên khác bằng văn bản có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị.

Trường hợp giải ngân đối với cho vay từng lần: Ngân hàng tiến hành giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo yêu cầu của người vay.

Trường hợp giải ngân cho vay theo hạn mức: Mỗi lần nhận tiền vay người vay viết Giấy nhận nợ, tổng số tiền nhận nợ lần này cộng (+) dư nợ không được vượt quá hạn mức tối đa đã được phê duyệt. Ngân hàng trực tiếp giải ngân bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo yêu cầu của người vay.

2.4. Thu nợ, thu lãi tiền vay

Thu nợ gốc được thực hiện trực tiếp tại trụ sở NHCSXH nơi cho vay. Người vay nếu áp dụng loại cho vay theo hạn mức có thể trả nợ trực tiếp vào tài khoản tiền vay hoặc trích từ tài khoản tiền gửi để trả nợ hàng ngày hoặc theo chu kỳ kinh doanh thương mại.

Việc thu lãi được thực hiện theo tháng tại trụ sở NHCSXH nơi cho vay.

Mỗi lần thu nợ, thu lãi, kế toán NHCSXH nơi cho vay lập phiếu thu tiền, căn cứ vào chứng từ, kế toán ghi vào hồ sơ cho vay vốn lưu tại NHCSXH và hồ sơ người vay giữ theo đúng quy định.

2.5. Kiểm tra, giám sát và xử lý vốn vay

2.5.1. Nội dung kiểm tra, giám sát vốn vay

NHCSXH có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay và trả nợ của người vay, nhằm đôn đốc người vay thực hiện đúng và đầy đủ những cam kết đã thoả thuận trong Hợp đồng tín dụng, nội dung kiểm tra như sau:

a. Kiểm tra trước khi cho vay: Là việc thẩm định, tái thẩm định các điều kiện vay vốn theo quy định.

b.Kiểm tra trong khi cho vay: Là việc kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ cho vay và các yếu tố chứng từ; sự khớp đúng giữa Chứng minh thư nhân dân và người vay, giữa người nhận tiền và người có tên trên Giấy đề nghị vay vốn…

c. Kiểm tra sau khi cho vay:

- Kiểm tra sử dụng vốn vay theo mục đích đã ghi trong Hợp đồng tín dụng;

- Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

- Kiểm tra hiện trạng tài sản bảo đảm tiền vay với hồ sơ bảo đảm tiền vay (mẫu số 06/DNV&N).

d. Kết quả kiểm tra phải được ghi vào Biên bản kiểm tra sau khi cho vay để theo dõi và quản lý (mẫu số 06/DNV&N).

2.5.2. Xử lý vốn vay

NHCSXH căn cứ vào kết quả kiểm tra tuỳ theo mức độ vi phạm của người vay quyết định xử lý thu hồi nợ trước hạn hoặc chuyển nợ quá hạn và xử lý như sau:

a. Tạm ngừng cho vay: Trong các trường hợp người vay sử dụng vốn vay sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật.

b. Chấm dứt cho vay: Trong các trường hợp người vay vi phạm Hợp đồng tín dụng đã cam kết nhưng không khắc phục, sửa chữa; người vay ngừng sản xuất có thể dẫn đến phá sản; quá trình tổ chức lại sản xuất không xác định được người chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về quan hệ vay vốn và trả nợ ngân hàng.

c. Khởi kiện trước pháp luật:

- Người vay vi phạm Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay, đã được Bên cho vay thông báo bằng văn bản nhưng không khắc phục;

- Người vay có nợ quá hạn do nguyên nhân chủ quan nhưng không có biện pháp khả thi để trả nợ ngân hàng;

- Người vay có năng lực tài chính để trả nợ nhưng cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng theo thoả thuận;

- Người vay có hành vi lừa đảo, gian lận;

- Các vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục bảo đảm tiền vay

Thủ tục bảo đảm tiền vay theo thực hiện theo hướng dẫn bảo đảm tiền vay của NHCSXH tại văn bản số 2478/NHCS-TDSV ngày 04/9/2009 của Tổng giám đốc NHCSXH về việc Hướng dẫn thực hiện các biện pháp Bảo đảm tiền vay trong hệ thống NHCSXH.

4. Xử lý nợ đến hạn

a. Đến hạn trả nợ, người vay có trách nhiệm trả nợ gốc, lãi đầy đủ cho NHCSXH.

b. Điều chỉnh kỳ hạn nợ:

- Đối với khoản vay trung, dài hạn mức vay dưới 30 triệu đồng trường hợp người vay gặp khó khăn chưa trả được nợ gốc theo đúng kỳ hạn trả nợ thì được theo dõi vào kỳ hạn trả nợ tiếp theo (không chuyển nợ quá hạn của từng kỳ hạn).

- Đối với khoản vay trung và dài hạn mức vay từ trên 30 triệu đồng đến 500 triệu đồng, trường hợp người vay chưa trả nợ gốc đúng kỳ hạn đã cam kết thì trước 05 ngày phải có Giấy đề nghị điều chỉnh kỳ hạn nợ (mẫu số 08/DNV&N đối với tổ chức kinh tế, mẫu số 08/TD đối với người vay là cá nhân) gửi NHCSXH nơi cho vay. NHCSXH nơi cho vay xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ vào kỳ tiếp theo.

c. Gia hạn nợ: Trước 05 ngày của kỳ hạn trả nợ cuối cùng của thời hạn vay, người vay không trả được nợ do nguyên nhân khách quan phải có Giấy đề nghị gia hạn nợ (mẫu số 09/DNV&N đối với tổ chức kinh tế, mẫu số 09/TD đối với người vay là cá nhân) gửi NHCSXH nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ.

5. Chuyển nợ quá hạn

- Đến kỳ hạn trả nợ đối với người vay trên 30 triệu đồng, nếu không được Ngân hàng xem xét cho điều chỉnh kỳ hạn nợ thì chuyển số tiền đến hạn của kỳ hạn đó sang nợ quá hạn.

- Đến thời hạn trả nợ cuối cùng, người vay không trả được nợ, NHCSXH không chấp thuận cho gia hạn nợ thì chuyển dư nợ còn lại sang nợ quá hạn.

- Các trường hợp người vay sử dụng vốn sai mục đích, NHCSXH nơi cho vay thực hiện thu hồi nợ trước hạn hoặc chuyển sang nợ quá hạn toàn bộ số dư nợ gốc.

Khi thực hiện chuyển nợ quá hạn NHCSXH nơi cho vay thông báo đến người vay việc chuyển nợ quá hạn (mẫu số 05/DNV&N đối với tổ chức kinh tế, mẫu số 14/TD đối với người vay là cá nhân).

6. Xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan

Việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện theo quy chế xử lý nợ bị rủi ro trong hệ thống NHCSXH.

7. Lưu trữ hồ sơ cho vay

NHCSXH phải lưu giữ bộ hồ sơ cho vay theo quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Người được giao bảo quản hồ sơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để mất, thất lạc hoặc sửa chữa nội dung của hồ sơ.

7.1. Bộ phận tín dụng lưu giữ: Hồ sơ kinh tế của người vay.

7.2. Bộ phận kế toán lưu giữ: Hồ sơ pháp lý, hồ sơ vay vốn và các loại giấy tờ khác của người vay. Các giấy tờ về bảo đảm tiền vay của người vay được lưu giữ theo quy định của NHCSXH.

Đối với hồ sơ do kế toán lưu giữ, bộ phận tín dụng và các bộ phận khác cần sử dụng được sao chụp theo bản gốc khi có lệnh của Giám đốc hoặc người được ủy quyền.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác kế hoạch

Hàng năm, Ngân hàng cơ sở lập kế hoạch nhu cầu vốn cho vay đối với chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn gửi Ngân hàng cấp trên trực tiếp theo các quy định hiện hành của NHCSXH.

2. Hạch toán kế toán

Việc hạch toán về Tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được hạch toán theo dõi theo quy định của NHCSXH.

3. Chế độ báo cáo thống kê

Định kỳ vào ngày 07 hàng tháng, chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố lập và gửi báo cáo theo mẫu số 02.10/BCTDSV-TNVKK đính kèm văn bản này và bổ sung cột 29 và 30 trên Báo cáo phân loại dư nợ ủy thác (Mẫu 05/BCTD) về Hội sở chính NHCSXH.

4. NHCSXH tại các địa phương có các xã thuộc vùng khó khăn theo danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg có trách nhiệm báo cáo UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai thực hiện Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg và nội dung hướng dẫn của Tổng giám đốc tại văn bản này.

5. Tổ chức triển khai phổ biến nội dung Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg và tập huấn nghiệp vụ theo nội dung văn bản này tới cán bộ NHCSXH, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và cán bộ UBND cấp xã để triển khai chương trình cho vay đúng quy định.

6. Tham mưu cho UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác tổ chức tuyên truyền và công khai chủ trương, chính sách cho vay vốn đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg .

7. Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những điểm không hướng dẫn tại văn bản này, NHCSXH thực hiện theo nội dung Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.

Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo về Hội sở chính NHCSXH để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Chủ tịch HĐQT NHCSXH;
- Các thành viên HĐQT NHCSXH; (Để báo cáo)
- Các thành viên CGTV HĐQT NHCSXH;
- Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH các cấp;
- Hội LHPN Việt Nam;
- Hội ND Việt Nam; (Để phối hợp t/hiện)
- TW Đoàn TNCS HCM;
- Hội CCB Việt Nam;
- Tổng giám đốc;
- Các Phó Tổng giám đốc;
- Trưởng Ban Kiểm soát;
- Kế toán trưởng NHCSXH;
- Sở Giao dịch, NHCSXH các tỉnh, TP; (Để t/hiện)
- Các phòng, Ban tại Hội sở chính;
- Trung tâm Đào tạo;
- Trung tâm CNTT;
- Các PGD NHCSXH cấp huyện có các xã thuộc
VKK theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ;
- Website NHCSXH;
- Lưu VT, Phòng TDSV.

TỔNG GIÁM ĐỐC




Hà Thị Hạnh