Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TP.CẦN THƠ
SỞ TÀI NGUYÊN-
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 252/HD-STNMT

Cần Thơ, ngày 09 tháng 5 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC THỰC HIỆN HÀNH NGHỀ ĐO ĐẠC VÀ BẢN ĐỒ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Nghị định số 12/2002/NĐ-CP, ngày 27/01/2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ;
Căn cứ Quyết định số 05/2004/QĐ-BTNMT , ngày 04/05/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế đăng ký và cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ;
Căn cứ Quyết định số 720/1999/QĐ-ĐC, ngày 30/12/1999 của Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Địa Chính ban hành Quy phạm thành lập bản đồ Địa chính tỷ lệ 1/500, 1/1000, 1/2000, 1/5000, 1/10000 và 1/25000.
Căn cứ Thông tư số 29/2004/TT-BTNMT , ngày 01/11/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính;
Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BTNMT ngày 12/02/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ;
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng Đăng ký Đất đai theo Quyết định số 07/QĐ.STNMT, ngày 08/01/2007 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ;
Căn cứ tình hình hoạt động về đo đạc và bản đồ trên địa bàn TP.Cần Thơ;
Để đảm bảo việc thực hiện đúng Quy chế quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, nay Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ ban hành văn bản Hướng dẫn thực hiện hành nghề đo đạc và bản đồ trên địa bàn TP.Cần Thơ,

I. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN HÀNH NGHỀ ĐO ĐẠC - BẢN ĐỒ.

Đơn vị xin đăng ký hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép hành nghề đo đạc và bản đồ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Chịu sự kiểm tra giám sát về năng lực, kỹ thuật chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ.

Chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài chính, thuế v.v…

II. QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐO ĐẠC - BẢN ĐỒ.

1. Đo đạc và thành lập bản đồ, phải tuân thủ đúng theo Quy phạm thành lập bản đồ và ký hiệu bản đồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

2. Phải sử dụng hệ tọa độ VN-2000 trong công tác đo đạc và lập bản đồ. Trường hợp quá xa hệ tọa độ trên, thì được sử dụng toạ độ giả định.

Khi đo với tọa độ giả định, tọa độ Khu đo Dự án, Công trình phải phù hợp với tọa độ bản đồ địa chính dạng số đang sử dụng cho TP.Cần Thơ.

Khoảng cách trong khoảng phải đo dẫn từ điểm có tọa độ đến khu trích đo Dự án, Công trình được quy định như sau:

2.1 Đối với Khu vực Đô thị:

Khi đo các tỷ lệ bản đồ 1:500; 1:1000; 1:2000, kích thước không quá 1000m.

2.2 Đối với Khu vực Nông thôn:

Bản đồ tỷ lệ 1:500, kích thước không quá            1000m.

Bản đồ tỷ lệ 1:1000, kích thước không quá          1500m.

Bản đồ tỷ lệ 1:2000, kích thước không quá          3000m.

Bản đồ tỷ lệ 1:5000, kích thước không quá          6000m.

Mỗi khu đo phải sử dụng tối thiểu hai điểm tọa độ gốc. phải đo dẫn thực tế từ nơi có toạ độ, biểu hiện bằng bản tính, bình sai đường chuyền, sổ đo chi tiết.

3. Đo đạc theo ranh giới thực tế sử dụng đất, có sự chứng kiến của các hộ tứ cận và chính quyền địa phương.

Nếu chủ sử dụng, các hộ tứ cận không chịu ký biên bản xác định ranh giới thì cán bộ đo đạc cùng với địa phương tiến hành lập biên bản để ghi nhận.

4. Phải thể hiện đầy đủ các yếu tố quy hoạch, hành lang an toàn sông, lộ giới, hẻm giới, an toàn đường điện v.v...

5. Khi tiến hành đo đạc cần thông báo với UBND phường, xã nơi thi công để có sự phối hợp chặt chẻ hơn trong công tác.

6. Hiện nay trên địa bàn TP.Cần Thơ của 67 xã, phường, thị trấn đã có đầy đủ bản đồ địa chính gồm 02 loại:

Loại thứ nhất: là loại bản đồ địa chính 299 được thành lập từ năm 1990 đến năm 1995 có 44 xã.

Loại thứ hai: là loại bản đồ địa chính chính quy theo hệ toạ độ HN-72 và VN-2000 được thành lập từ năm 1995 đến năm 2005 có 23 xã, phường, thị trấn.

Với hai hệ thống hồ sơ địa chính nêu trên phục vụ cho công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận QSD đất đạt được 94,89% so với diện tích phải cấp. Do đó khi tiến hành đo đạc phục vụ cho các Dự án Khu dân cư, Công trình xây dựng v.v... , sản phẩm đo đạc - bản đồ còn là cơ sở cho việc quản lý, cập nhật về đất đai ở địa phương. Vì vậy khi thực hiện cần lưu ý như sau:

Số tờ bản đồ, số thửa đất, loại đất trong bản đồ của khu đo Dự án, Công trình xây dựng v.v… phải được cập nhật và trích từ số tờ bản đồ, số thửa đất của bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận QSD đất đang sử dụng đất của địa phương.

Sử dụng đúng số tờ, số thửa, loại đất trên bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận QSD đất đang quản lý và sử dụng tại Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các quận, huyện nơi có các Dự án, công trình xây dựng.

Các tờ bản đồ, các thửa đất phát sinh phải ghi rõ: “Được tách từ tờ bản đồ nào, thửa số mấy”.

Số tờ bản đồ, số thửa thêm dùng cho việc cấp giấy chứng nhận QSD đất, chuyển nhượng, chuyển mục đích, chỉnh lý biến động, giao đất, thu hồi đất v.v... Khi cập nhật tại phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng ĐKQSDĐ các quận, huyện chịu trách nhiệm về số tờ bản đồ, số thửa đã cho cập nhật.

III. QUẢN LÝ, KIỂM TRA HỒ SƠ ĐO ĐẠC - BẢN ĐỒ.

Mục đích của kiểm tra:

- Kiểm tra việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy phạm, quy định kỹ thuật, các văn bản có liên đến công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

- Phát hiện những sai sót trong quá trình đo đạc, để kịp thời loại bỏ các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và khắc phục các sai sót nhằm bảo đảm chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Xác nhận chất lượng, khối lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

1. Hồ sơ giao nộp để phục vụ công tác kiểm tra gồm:

- Quyết định, Lược đồ phê duyệt của Dự án, Công trình xây dựng (nếu có).

- Bản đề nghị đo đạc hoặc Hợp đồng đo đạc giữa Chủ đầu tư với đơn vị thực hiện đo đạc.

- Công văn đề nghị kiểm tra, thẩm định hồ sơ đo đạc và bản đồ (sản phẩm) do đơn vị thi công đo đạc thực hiện.

- Giấy phép hành nghề đo đạc và bản đồ, các hồ sơ liên quan của đơn vị đo đạc (đối với đơn vị trình hồ sơ lần đầu).

- Bản đồ của khu đo dự án, Công trình xây dựng (dạng giấy và File).

- Hồ sơ kỹ thuật thửa đất, bản mô tả ranh giới thửa đất (biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất), bảng tính, bình sai đường chuyền, sổ đo chi tiết, bảng thống kê chủ sử dụng đất, số thửa, diện tích, loại đất.

- Bản đồ thu nhỏ (Lược đồ giải thửa) khu đo Dự án, Công trình theo mẫu quy định, dành cho việc trình cấp thẩm quyền trong việc cấp đất, giao đất (Ghi rõ mục đích sử dụng đất của Dự án, Công trình).

- Hóa đơn, biên nhận mua thành quả tọa độ gốc, tài liệu, dữ liệu địa chính có chứng từ của cơ quan có thẩm quyền cung cấp số liệu gốc, trừ trường hợp tọa độ do Chủ đầu tư cung cấp cho đơn vị đo đạc.

Lưu ý trong hồ sơ giao nộp để kiểm tra:

1. File bản đồ (hoặc HSKT), khi đo vẽ chi tiết, có thể sử dụng các phần mềm chuyên dụng khác nhau, nhưng khi bàn giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thì phải chuyển về dạng thống nhất trên phần mềm Microstation (đuôi *.dgn).

- Mẫu hồ sơ Trích đo Địa chính (dùng để đo lẻ cho hộ gia đình, cá nhân).

- Mẫu hồ sơ kỹ thuật đất (dùng để đo đất Dự án, Công trình) theo Quy phạm thành lập bản đồ Địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

- Sơ đồ vị trí trong hồ sơ kỹ thuật đối với khu đo nằm trên trục đường giao thông thì không cần thể hiện.

Đối với khu đo không nằm trên trục đường giao thông thì phải thể hiện sơ đồ vị trí có đường dẫn để thuận lợi cho việc xác định vị trí, loại đất.

2. Bản đồ, hồ sơ kỹ thuật thửa đất của khu đo Dự án, Công trình, thực hiện theo Quy phạm thành lập bản đồ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Sau khi kiểm tra chất lượng sản phẩm của khu đo Dự án, Công trình, phòng Đăng ký Đất đai giữ lại 01(một) bộ hồ sơ để đưa vào lưu trữ.

2. Tổ chức thực hiện kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường:

Đơn vị thực hiện đo đạc các dự án, Công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về thành quả, chất lượng sản phẩm và độ chính xác của hồ sơ đo đạc theo hợp đồng đo đạc đã kýù.

Tuỳ theo tính chất và quy mô của từng Dự án, Công trình và trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ tiến hành kiểm tra như sau:

1. Kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Hướng dẫn này đối với các đơn vị đo đạc.

2. Kiểm tra nội, ngoại nghiệp một cách tổng quát theo quy mô của từng Dự án, Công trình, đối soát với hiện trạng thực tế và tính thống nhất của hồ sơ (Đúng hướng dẫn kiểm tra kỹ thuật, nghiệm thu công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ).

Khi tiến hành kiểm tra ngoại nghiệp (Đối chiếu với hiện trạng thực tế), Tổ kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường liên hệ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, nơi có Dự án, Công trình xây dựng để công tác kiểm tra có sự phối hợp chặt chẽ và có tính khách quan.

3. Kết quả kiểm tra thành quả đo đạc (tuỳ theo quy mô lớn nhỏ của dự án) được trả lại cho đơn vị đo đạc trong thời gian 05 ngày (năm ngày làm việc) kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Văn bản Höôùng dẫn này gửi đến các đơn vị có chức năng hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn TP.Cần Thơ, để thống nhất thực hiện chung. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị hoạt động đo đạc và bản đồ thông báo về Sở Tài nguyên và Môi trường, để được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện hơn./.

Đính kèm:

1- Mẫu Biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất.

2- Mẫu Hồ sơ trích đo địa chính (dùng để đo lẻ cho hộ gia đình, cá nhân).

3- Mẫu Hồ sơ kỹ thuật đất (dùng để đo đất Dự án, Công trình).

4- Mẫu bản đồ hiện trạng SDĐ.

5- Bảng thống kê chủ sử dụng đất, số thửa, diện tích, loại đất.

6- Phiếu ghi ý kiến kiểm tra (Mẫu số 1).

7- Biên bản kiểm tra chất lượng (Mẫu số 2).

 

 

Nơi nhận:
- UBNDTP; (để báo cáo)
- UBND các quận, huyện thuộc TPCT; (để biết)
- Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện;
- Văn phòng ĐKQSDĐ Sở và các quận, huyện;
- Trung tâm kỹ thuật TN&MT;
- Các đơn vị có chức năng hoạt động Đo đạc và Bản đồ
trên địa bàn TP.Cần Thơ;
- Lưu: VP Sở, ĐKĐĐ.

GIÁM ĐỐC