Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/HD-LĐLĐ

 TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 9 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG XÂY DỰNG BÁO CÁO ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ VÀ CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRỰC THUỘC LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Thông tri số 10-TT/TU ngày 18/4/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XII nhiệm kỳ 2023-2028; Kế hoạch số 30/KH-LĐLĐ ngày 05/5/2022 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố về việc tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2023-2028, Liên đoàn Lao động Thành phố hướng dẫn một số nội dung xây dựng báo cáo của Đại hội Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc như sau:

I. YÊU CẦU:

Báo cáo chính trị của đại hội phải ngắn gọn, sát thực tiễn và nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị, bố cục khoa học, có tính khái quát cao; phải bám sát các yêu cầu của Thông tri số 10-TT/TU ngày 18/4/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XII nhiệm kỳ 2023-2028, đánh giá đúng thực trạng phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn của đơn vị, phân tích những hạn chế, nguyên nhân, đặc biệt là những hạn chế, nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Thành phố, Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp mình; kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ; kết quả thực hiện các chương trình do Đại hội Công đoàn Thành phố và Đại hội Công đoàn cấp mình đã đề ra; tập trung đánh giá về những chuyển biến trong công tác chỉ đạo, điều hành và việc thực hiện một số chủ trương, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả của đơn vị.

Xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ mới phải trên cơ sở dự báo sát, đúng tình hình, nhận thức rõ thời cơ và thách thức, đồng thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, định hướng phát triển phong trào công nhân và hoạt động công đoàn đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; các chương trình đột phá và chương trình trọng điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025 và đến 2030, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; nghị quyết đại hội đảng bộ cùng cấp, định hướng báo cáo của Đại hội XII Công đoàn Thành phố và bám sát nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.

Báo cáo chính trị của đại hội công đoàn đơn vị phải tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo, định hướng của cấp ủy cùng cấp, Liên đoàn Lao động Thành phố; phát huy dân chủ, trí tuệ của đông đảo cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia góp ý; có các đề xuất kiến nghị cụ thể đối với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và Liên đoàn Lao động Thành phố. Khuyến khích xây dựng các chương trình để trình tại đại hội, nhằm cụ thể hóa các giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội.

Số liệu trong Báo cáo chính trị và Báo cáo thống kê tính trong 5 năm (2018, 2019, 2020, 2021 và 2022).

II. VỀ CHỦ ĐỀ, BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG BÁO CÁO CỦA BAN CHẤP HÀNH TẠI ĐẠI HỘI

1. Về chủ đề đại hội: (Việc lựa chọn chủ đề đại hội là không bắt buộc)

Chủ đề đại hội là những định hướng lớn, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn trong những năm tới (chủ đề có thể là tiêu đề hoặc đưa vào phần mở đầu của báo cáo). Việc lựa chọn chủ đề đại hội cần quán triệt một số nội dung: (1) Phải xuất phát từ tình hình thực tiễn, đặc trưng của lực lượng đoàn viên công đoàn chủ yếu của đơn vị và xu hướng, dự báo phát triển trong thời gian tới; (2) Thể hiện mục tiêu, trọng tâm xuyên suốt, động lực phát triển, chủ trương đột phá lớn trong nhiệm kỳ; (3) Đảm bảo ngắn gọn, súc tích, tập trung nêu bật những thành tố quan trọng nhất.

2. Về nội dung báo cáo

Báo cáo gồm các nội dung chủ yếu như sau:

Mở đầu: Nêu bối cảnh diễn ra đại hội.

Đánh giá tình hình công nhân, viên chức, lao động và việc thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn cấp mình trong nhiệm kỳ vừa qua.

Tập trung phân tích, đánh giá về một số vấn đề chủ yếu của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động về: Số lượng, cơ cấu và chất lượng (cơ cấu, trình độ học vấn, nghề nghiệp, chính trị), lao động và việc làm, tiền lương, thu nhập và đời sống (vật chất, tinh thần), nhà ở và điều kiện sống, điều kiện làm việc, quan hệ lao động, tranh chấp lao động và đình công, tình hình tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, người lao động

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua, Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Thành phố.

Căn cứ nghị quyết, các chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội cấp mình và các chương trình hành động của Liên đoàn Lao động Thành phố, cụ thể hóa chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp để kiểm điểm, phân tích và đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện từng nhiệm vụ (đánh giá việc thực hiện những chương trình, nghị quyết, chỉ tiêu đã đề ra; những chỉ tiêu không đạt được phải nêu rõ nguyên nhân); những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm.

* Báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chương trình:

- Chương trình số 04/CTr-LĐLĐ ngày 02/4/2019 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố về nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018 - 2023.

- Chương trình số 07/CTr-LĐLĐ ngày 14/12/2020 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố về xây dựng nguồn lực công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025.

- Chương trình số 08/CTr-LĐLĐ ngày 31/12/2020 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố về xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới - Những đề xuất và kiến nghị

Từ thực tiễn phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn của đơn vị, nghiên cứu xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cấp mình trong nhiệm kỳ 2023-2028 phù hợp với chủ trương, Nghị quyết của cấp ủy Đảng cùng cấp; Phương hướng, nội dung, chương trình hoạt động của nhiệm kỳ mới phải đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động, phù hợp với thực tế của từng đơn vị để tham gia giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động.

Trọng tâm, tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đa dạng hóa các hình thức tập hợp người lao động; nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội về luật pháp, chính sách liên quan đến giai cấp công nhân, người lao động; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng đoàn viên, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong đoàn viên và công nhân lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự tiêu biểu, có năng lực vận động công nhân, người lao động và người sử dụng lao động, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Lưu ý:

Cần có phụ lục số liệu làm rõ kết quả kèm theo báo cáo.

Để đại hội có nhiều thời gian dành cho đại biểu thảo luận, cần có báo cáo tóm tắt để trình bày tại đại hội, báo cáo chi tiết để đại biểu nghiên cứu tại đại hội và sau đại hội (khuyến khích đơn vị không trình bày toàn văn báo cáo chi tiết tại Đại hội).

III. THẢO LUẬN, LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN:

Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội công đoàn cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp, Liên đoàn Lao động Thành phố; nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, công đoàn cơ sở, của các cán bộ lão thành, các đồng chí nguyên là cán bộ công đoàn của đơn vị qua các thời kỳ, cán bộ công đoàn và đoàn viên, người lao động.

Hình thức thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội có thể thực hiện dưới nhiều hình thức: tổ chức hội nghị, tọa đàm, gửi văn kiện xin ý kiến đóng góp trực tiếp, hội nghị trực tuyến, qua trang thông tin điện tử và fanpage của đơn vị...

Để việc thảo luận được tập trung, ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội cần xác định những nội dung trọng tâm, các vấn đề mới cần đặt ra đối với tổ chức và hoạt động công đoàn của đơn vị mình để thảo luận rộng rãi, yêu cầu đại diện công đoàn cơ sở chuẩn bị tham luận tại đại hội.

Nội dung các bản tham luận tại đại hội hạn chế báo cáo thành tích, cần chú trọng làm rõ những kinh nghiệm, giải pháp, mô hình mới, tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; những kiến nghị đề xuất. Các tham luận được đóng thành tập để lưu hành tại đại hội. Khuyến khích đại biểu phát biểu trực tiếp tại đại hội.

Đối với các đơn vị có quy mô lớn, số lượng đại biểu dự đại hội đông có thể bố trí thời gian và địa điểm thích hợp chia các tổ thảo luận để thu được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu.

IV. MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC:

1. Về Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành

Trên tinh thần tự phê bình và phê bình, cần nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm tập thể của ban chấp hành, ban thường vụ; chỉ ra mặt được và hạn chế, yếu kém, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới. Báo cáo gồm:

- Tình hình số lượng, cơ cấu, biến động ban chấp hành, ban thường vụ nhiệm kỳ vừa qua.

- Kiểm điểm kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành, ban thường vụ về ưu điểm, hạn chế trên các lĩnh vực; a) Quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của các cấp công đoàn; công tác phối hợp với chính quyền, đoàn thể, các cơ quan liên quan khác, b) Lãnh đạo triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ vừa qua. c) Lãnh đạo, chỉ đạo đại hội công đoàn các cấp và công tác chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ 2023-2028. d) Chỉ đạo, điều hành hoạt động tại đơn vị và Nhà Văn hóa Lao động trực thuộc (nếu có).

- Kiểm điểm lề lối làm việc, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, làm rõ ưu điểm, hạn chế.

- Kiểm điểm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của các đồng chí ủy viên ban chấp hành, làm rõ ưu điểm, hạn chế.

- Đánh giá chung và một số kinh nghiệm.

2. Về Nghị quyết đại hội

Nội dung nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, đảm bảo được tinh thần chỉ đạo của cấp ủy đảng cùng cấp, Liên đoàn Lao động Thành phố và của đại hội. Nghị quyết cần xác định các nội dung được thông qua tại đại hội, gồm: Báo cáo chính trị; Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành; tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Công đoàn Thành phố; ý kiến góp ý sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kết quả bầu ban chấp hành khóa mới và đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn Thành phố.

Trên đây là Hướng dẫn xây dựng Báo cáo của Đại hội Công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Văn phòng Liên đoàn Lao động Thành phố để được hướng dẫn.

 


Nơi nhận:
- Tổng LĐLĐ Việt Nam “để b/c”;
- Ban Dân vận Thành ủy “để b/c”;
- Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố “để b/c”;
- Các ban chuyên đề, VP Ủy ban Kiểm tra;
- CVP, PCVP, NCTH;
- Công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc toàn diện LĐLĐ Thành phố “để thực hiện”;
- Lưu VT.

TM. BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Trần Đoàn Trung