VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/HD-VKSTC | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2019 |
HƯỚNG DẪN
LẬP YÊU CẦU TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ GỬI VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TRUNG QUỐC
Kính gửi: | - Vụ 1, 2, 3, 4, 5, 6, Cục 1 Viện kiểm sát nhân dân tối cao; |
Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc được thực hiện trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự năm 1998 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 của Việt Nam. Thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp giữa hai nước thời gian qua cho thấy, nhiều yêu cầu tương trợ của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng Việt Nam gửi đi Trung Quốc bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc từ chối thực hiện hoặc đề nghị bổ sung thông tin để thực hiện, làm kéo dài thời gian thực hiện tương trợ, ảnh hưởng tới tiến độ và thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. Trên cơ sở kết quả Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 2 tổ chức trong thời gian 27 đến 29/11/2019 tại Quảng Ninh, Việt Nam, để việc thực hiện tương trợ được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc lập Yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi Trung Quốc như sau:
Yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi Trung Quốc tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 18, 19 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Mẫu số 01 và 02 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành (có mẫu gửi kèm theo), trong đó cần lưu ý một số điểm sau:
1. Mục đích ủy thác tư pháp: nêu cụ thể, chi tiết mục đích ủy thác theo từng nội dung yêu cầu phía Trung Quốc thực hiện để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ phía Trung Quốc đánh giá đầy đủ tính cần thiết của việc thực hiện tương trợ cho phía Việt Nam. Ví dụ: yêu cầu phía Trung Quốc hỗ trợ xác minh lý lịch tư pháp, tiền án tiền sự của công dân Trung Quốc nhằm mục đích gì hay dùng để làm gì.
2. Nội dung vụ án và các tình tiết liên quan: nêu cụ thể, chi tiết nội dung của vụ án, đặc biệt là hành vi và quá trình phạm tội; vai trò của từng đồng phạm tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội (nếu có); nêu rõ ràng họ tên, địa chỉ bằng tiếng Trung Quốc và các thông tin nhân thân khác của bị can và đối tượng liên quan đến việc thực hiện nội dung tương trợ; tiến trình tố tụng và giai đoạn tố tụng của vụ án mà phía Việt Nam đang giải quyết, tư cách tố tụng của các cá nhân được yêu cầu lấy lời khai, bị can có đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào không; đối với yêu cầu tương trợ có liên quan đến việc xác minh tài khoản ngân hàng, cần cung cấp đầy đủ thông tin về tài khoản ngân hàng cần xác minh.
3. Trích dẫn điều luật có thể áp dụng: trích dẫn đầy đủ toàn bộ nội dung của điều luật quy định về tội danh và hình phạt có thể áp dụng trong vụ án hình sự mà phía Việt Nam đang giải quyết.
4. Nội dung yêu cầu: nêu rõ ràng từng nội dung yêu cầu phía Trung Quốc thực hiện, tránh tình trạng nêu nội dung yêu cầu quá nhiều, phạm vi dàn trải nhưng không cung cấp đủ thông tin chi tiết để phía Trung Quốc thực hiện yêu cầu tương trợ cho phía Việt Nam.
5. Tài liệu kèm theo yêu cầu: cung cấp bản sao Hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác thể hiện thông tin nhân thân của cá nhân liên quan đến yêu cầu. Trong trường hợp không thu thập được những giấy tờ đó, cần nêu rõ trong văn bản Yêu cầu tương trợ để tránh việc phía Trung Quốc yêu cầu bổ sung những tài liệu này. Ví dụ: Cơ quan điều tra của Việt Nam không thu thập được Hộ chiếu, chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác của đối tượng liên quan đến yêu cầu.
6. Ngôn ngữ: yêu cầu tương trợ tư pháp gửi Trung Quốc và các tài liệu đính kèm là văn bản do Cơ quan, tổ chức Việt Nam ban hành bằng tiếng Việt cần được dịch sang tiếng Trung Quốc (phổ thông, giản thể) có công chứng, bảo đảm chất lượng dịch thuật để các cơ quan có thẩm quyền phía Trung Quốc có thể hiểu được nội dung yêu cầu của phía Việt Nam và tổ chức thực hiện.
7. Thời hạn mong muốn thực hiện yêu cầu: đề nghị các Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong nước lập yêu cầu tương trợ sớm và đề ra thời hạn hợp lý để phía Trung Quốc có thể thực hiện được; Tránh tình trạng sắp hết thời hạn điều tra vụ án hình sự mới lập yêu cầu tương trợ tư pháp gửi đi và đề nghị phía Trung Quốc thực hiện và cung cấp kết quả trong thời hạn quá ngắn.
Trên đây là hướng dẫn việc lập Yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi Trung Quốc, đề nghị các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát các cấp phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp tổ chức thực hiện thống nhất nhằm nâng cao chất lượng công tác tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Viện kiểm sát địa phương phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (thông qua Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự) để được hướng dẫn./.
| KT. VIỆN TRƯỞNG |
- 1 Nghị quyết 07/NQ-CP năm 2018 về phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục do Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 6599/BTP-PLQT năm 2017 về thống nhất áp dụng quy định tại Điều 15 Hiệp định tương trợ tư pháp với Nga do Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Công văn 7304/VPCP-QHQT năm 2014 về đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Luật tương trợ tư pháp 2007
- 5 Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam - Trung Hoa
- 1 Công văn 7304/VPCP-QHQT năm 2014 về đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 6599/BTP-PLQT năm 2017 về thống nhất áp dụng quy định tại Điều 15 Hiệp định tương trợ tư pháp với Nga do Bộ Tư pháp ban hành
- 3 Nghị quyết 07/NQ-CP năm 2018 về phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục do Chính phủ ban hành