Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 389/ĐKVN-VAR

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN LẮP ĐẶT HỆ THỐNG CAMERA

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN QUY TRÌNH TRÊN DÂY CHUYỀN KIỂM ĐỊNH.

Căn cứ Quyết định số 26/2008/QĐ-BGTVT ngày 04/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Căn cứ Thông tư số 22/2009/TT-BGTVT ngày 06/10/2009 của Quy định về Thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Căn cứ văn bản số 6858/BGTVT-ATGT ngày 24/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/08/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn việc lắp đặt Hệ thống camera giám sát thực hiện kiểm định xe cơ giới trên dây chuyền như sau:

1. Mục đích sử dụng

Hệ thống camera giám sát thực hiện kiểm định xe cơ giới (sau đây được gọi là Hệ thống camera giám sát) được lắp đặt để Lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Trung tâm) và khách hàng trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình kiểm định của đăng kiểm viên; Phòng Kiểm định xe cơ giới kiểm tra phát hiện, đề xuất xử lý các hành vi sai phạm như bỏ hạng mục, công đoạn kiểm tra, kiểm định sai quy trình và các sai phạm khác.

2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Áp dụng cho các Trung tâm trong việc lắp đặt, sử dụng, báo cáo và lưu trữ hình ảnh do Hệ thống camera giám sát ghi nhận.

Làm căn cứ cho việc kiểm tra, xử lý các hành vi sai phạm trong công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ sử dụng trong Hướng dẫn này được hiểu như sau:

- Camera analog: Tín hiệu hình ảnh thu được từ camera là tín hiệu analog, được truyền qua đường cáp đồng trục tới Đầu ghi hình kỹ thuật số (DVR). Đầu ghi hình kỹ thuật số (DVR) có chức năng chuyển đổi tín hiệu analog sang dạng tín hiệu số.

- Camera kỹ thuật số (Camera IP): Tín hiệu hình ảnh thu được từ camera là tín hiệu kỹ thuật số. Mỗi camera IP có 1 địa chỉ riêng trên mạng để có thể kết nối, xem, và điều khiển được từ xa.

4. Yêu cầu kỹ thuật của Hệ thống camera

Hệ thống camera bao gồm các cụm chính sau:

- Camera giám sát (Camera analog và đầu ghi kỹ thuật số hoặc camera IP);

- Đường truyền (mạng Lan, Internet).

Yêu cầu kỹ thuật cụ thể của Hệ thống camera nêu tại phụ lục I kèm theo hướng dẫn này.

5. Lắp đặt

5.1. Vị trí lắp đặt: camera lắp trong nhà kiểm định, đảm bảo giám sát được thao tác kiểm định trên dây chuyền, không bị ngược sáng, không bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết.

5.2. Số lượng: Mỗi dây chuyền tối thiểu phải có 01 camera.

5.3. Khi lắp đặt mới hoặc thay thế thì các Trung tâm phải trang bị camera IP.

5.4. Lộ trình lắp đặt: Xem tại phụ lục II kèm theo hướng dẫn này.

6. Sử dụng, lưu trữ

- Khi trung tâm hoạt động hệ thống phải được kết nối với mạng để cơ quan quản lý kiểm tra, kiểm soát. Đối với Trung tâm sử dụng camera IP phải đảm bảo địa chỉ IP liên tục kết nối với máy chủ Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Thường xuyên duy trì hoạt động của hệ thống camera trong khi kiểm định. Kịp thời khắc phục các sự cố hư hỏng. Báo cáo về Cục Đăng kiểm Việt Nam - Phòng Kiểm định xe cơ giới trong trường hợp không khắc phục được kịp thời.

- Băng ghi hình hoạt động của các dây chuyền phải được lưu trữ liên tục theo trình tự tối thiểu 30 ngày; các hình ảnh không được chỉnh sửa.

7. Trách nhiệm thực hiện

7.1 Trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm

- Triển khai, lắp đặt hệ thống camera theo lộ trình quy định.

- Bố trí đủ màn hình và đưa hình ảnh trực tiếp ra phòng chờ của khách hàng.

- Chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, quản lý, lưu trữ các hình ảnh do camera ghi nhận và báo cáo cơ quan chức năng theo yêu cầu. Trong trường hợp phát hiện có sai phạm phải xem xét xử lý và kịp thời báo cáo.

7.2 Trách nhiệm của Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới

- Kiểm tra, giám sát, duy trì hoạt động của hệ thống.

- Hỗ trợ các Trung tâm trong việc cấu hình, cài đặt hệ thống camera.

- Bảo mật pasword của các Trung tâm.

- Kiểm tra khi phát hiện các sai phạm qua các hình ảnh của camera ghi được, báo cáo Cục trưởng để kịp thời xử lý.

8. Tổ chức thực hiện

Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới, Giám đốc các Trung tâm và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, thực hiện Hướng dẫn này.

 

 

Nơi nhận:
- Các Trung tâm đăng kiểm (để t/h);
- Bộ GTVT (để b/c);
- TT Lê Mạnh Hùng (để b/c);
- Lưu VP, VAR.

CỤC TRƯỞNG




Trịnh Ngọc Giao

 

PHỤ LỤC I

YÊU CẦU KỸ THUẬT ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CAMERA GIÁM SÁT

1. Camera

1.1. Camera Analog

- Phải có kèm theo đầu ghi kỹ thuật số chuyển đổi sang tín hiệu số, có đặc tính kỹ thuật cơ bản:

+ Số kênh Video tùy chọn theo số lượng camera (4, 8 hoặc 16 kênh), kết nối được với modem ADSL;

+ Hệ Video: PAL/NTSC;

+ Dạng nén hình ảnh truyền qua mạng: H.264, JPEG, MPEG4;

+ Khôi phục hệ thống: Hệ thống mất nguồn điện tự động khôi phục khi có nguồn điện trở lại;

- Kết nối được với các camera, đường truyền;

- Có ổ cứng lưu trữ hình ảnh kiểm định trên dây chuyền liên tục tối thiểu trong 30 ngày;

- Các Trung tâm sử dụng đầu ghi kỹ thuật số phải xem được hình ảnh bằng chương trình “Video Server E” cài đặt tại Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc giám sát qua camera.

1.2 Camera IP

- Kết nối với đường truyền;

- Có chức năng quay qua lại, trên dưới và zoom (PAL/TILT/ZOOM);

- Độ phân giải hình ảnh: Từ 352 x 288 điểm ảnh trở lên;

- Chuẩn nén hình: MPEG4/JPEG;

- Sử dụng đầu ghi kỹ thuật số chuyên dụng hoặc máy tính để lưu trữ hình ảnh do camera IP ghi lại quá trình kiểm định trên dây chuyền liên tục tối thiểu trong 30 ngày;

2. Đường truyền và các thiết bị kết nối

2.1. Tại Trung tâm đăng kiểm:

- Đường truyền cáp quang tốc độ tối thiểu 8Mbps (Megabit/giây);

- Modem router có chức năng chuyển dịch địa chỉ mạng (NAT) và dịch vụ cập nhật địa chỉ IP động (DYNDNS);

2.2. Tại Cục Đăng kiểm Việt Nam:

- Đường truyền cáp quang tốc độ tối thiểu 32Mbps;

- Modem router Draytek V3300;

- Đăng ký tài khoản của dịch vụ cập nhật địa chỉ IP động để tạo tên miền kết nối đến camera tại các Trung tâm;

- Lắp đặt màn hình quan sát việc kiểm định của các Trung tâm;

- Máy chủ để quản lý.

3. Phần mềm sử dụng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam

- Phần mềm Video Server E để kết nối với các đầu ghi kỹ thuật số của camera analog;

- Trình duyệt web cài đặt các phần bổ trợ để xem từng loại camera IP tương ứng.

 

PHỤ LỤC II

LỘ TRÌNH LẮP ĐẶT HỆ THỐNG CAMERA

- Có 20 Trung tâm đã trang bị Hệ thống camera: 2501S; 5003V; 5004V; 5005V; 5006V; 5007V; 6004D; 6102S; 6104D; 6501S; 6901V; 7201S; 7202D; 7501S; 7701S; 7702S; 7901S; 7902S; 9301S; 9401V. Trong đó có 08 Trung tâm đã trang bị Camera IP là 2501S; 5004V; 6501S; 7202D; 7501S; 7701S; 7702S; 9301S.

- Giai đoạn I: Đến hết tháng 6 năm 2012 các Trung tâm có công suất bình quân năm 2011: 45 xe/ngày (trong phụ lục III) triển khai xong hệ thống theo mô hình giám sát camera qua đường truyền internet.

- Giai đoạn II: Đến hết tháng 9 năm 2012 các Trung tâm có công suất bình quân năm 2011: 35 xe/ngày (trong phụ lục III))

- Giai đoạn III: Đến hết tháng 12 năm 2012: Các Trung tâm còn lại.

Khuyến khích các Trung tâm lắp đặt, nâng cấp camera sớm hơn lộ trình quy định trên đây.

 

PHỤ LỤC III

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ TRANG BỊ HỆ THỐNG CAMERA THEO LỘ TRÌNH

Giai đoạn I : Tất cả các đơn vị thuộc địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (5001S; 5002S; 5003S), Hải Phòng, Đà Nẵng và các đơn vị: 1401S; 1701S; 1801S; 1901V; 2001S; 3401S; 3501S; 3601S; 3701S; 4301S; 4701D; 4702D; 4901S; 6001S; 6101S; 6103D; 6201S; 7001S; 7401S; 7602D; 7701S; 8102D; 8103D; 8801S; 9801S.

Giai đoạn II : Các đơn vị: 3801S; 4302S; 6002S; 6701S; 6801S; 7601S; 8601S; 9201S; 9901S.

Giai đoạn III: Tất cả các Trung tâm còn lại.