Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN NĂM 2022

Thực hiện chủ đề hoạt động năm 2022 của Công đoàn Việt Nam về “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Hướng dẫn thực hiện chủ đề hoạt động công đoàn năm 2022, gồm một số nội dung sau:

I. CÁC CHỈ TIÊU

Thực hiện theo Quyết định số 4074/QĐ-TLĐ ngày 18/01/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

II. NỘI DUNG

1. Về chăm lo việc làm, đời sống

1.1. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trong đề xuất các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, các chính sách khôi phục việc làm, học nghề, tìm kiếm, tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Thực hiện kết nối kịp thời thông tin về cung - cầu lao động giữa các đơn vị trên cùng một địa bàn, giữa các địa bàn trong cùng một địa phương và giữa các địa phương ở những nơi có đủ điều kiện, giúp người lao động có việc làm và ổn định thu nhập.

1.2. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất nội dung xây dựng văn bản pháp luật có liên quan đến lao động, công đoàn. Trước mắt, tập trung vào Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật Việc làm (sửa đổi), tổng kết đánh giá, đề xuất chính sách trong sửa đổi Luật an toàn, vệ sinh lao động... Triển khai các hoạt động sửa đổi Luật Công đoàn.

Tham gia tích cực hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; tham mưu đề xuất chính sách tiền lương, tiền lương tối thiểu vùng đối với khu vực sản xuất kinh doanh; các cơ quan nhà nước, các hội đồng tại ngành, địa phương về các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

1.3. Trong chăm lo cho đoàn viên, người lao động

- Rà soát các chính sách hỗ trợ của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng do Covid-19.

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo phúc lợi, lợi ích đoàn viên, người lao động tại các cấp công đoàn theo hướng dẫn tại Chương trình 1734/CT-TLĐ ngày 14/11/2019 của Tổng Liên đoàn.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 127/KH-TLĐ ngày 24/8/2021 về tổ chức, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, dự kiến trong năm 2022 khởi công 8 dự án tại các địa phương.

1.4. Trong công tác tuyên truyền, giáo dục

- Tăng cường nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu việc làm của người lao động, tham gia thông tin kết nối cung - cầu để người lao động có việc làm; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

- Triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại doanh nghiệp đến năm 2030”, giúp công nhân không ngừng học tập, nâng cao trình độ, có việc làm bền vững, thu nhập ngày càng cao.

2. Phn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam

2.1. Tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Triển khai kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”:

- Rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ đã thực hiện, các mục tiêu nhiệm vụ còn lại cần tập trung chỉ đạo.

- Xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho từng nhiệm vụ, mục tiêu và thứ tự ưu tiên đối với từng nhiệm vụ, mục tiêu nhất là đối với các mục tiêu khó có khả năng hoàn thành; các nhiệm vụ chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế để tập trung chỉ đạo.

- Phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ.

2.2. Rà soát số lượng đoàn viên, củng cố, kiện toàn công đoàn cơ sở hiện có. Tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, tăng tỷ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân, lao động ở những nơi đã thành lập công đoàn, nhất là các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và những địa bàn tập trung đông doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Cơ bản hoàn thành cập nhật dữ liệu đoàn viên và đổi thẻ đoàn viên công đoàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Hướng dẫn việc triển khai thực hiện chủ đề năm; đôn đốc việc thực hiện, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, cụ thể:

+ Ban Quan hệ lao động chủ trì tổ chức thực hiện nội dung 1.1 và 1.3 của mục II.

+ Ban Chính sách - Pháp luật chủ trì tổ chức thực hiện nội dung 1.2. của mục II.

+ Ban Tuyên giáo chủ trì tổ chức thực hiện nội dung 1.4 của mục II.

+ Văn phòng chủ trì việc thực hiện mục I, nội dung 2.1 của mục II.

+ Ban Tổ chức chủ trì việc thực hiện nội dung 2.2. của mục II.

- Giao Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn tổ chức kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện chủ đề năm, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

2. Các Liên đoàn Lao động tnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn

Căn cứ hướng dẫn của Tổng Liên đoàn để cụ thể hóa, triển khai hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát đối với các cấp công đoàn trực thuộc.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Văn phòng, SĐT: 024.39424363 hoặc 024.39424720) để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ./.

 


Nơi nhận:
- Các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố;
- Các Công đoàn ngành TW và tương đương,
Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu: VT, VP.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Trần Thanh Hải