Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
SỞ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/HD-SNV

Đà Nẵng, ngày 11 tháng 01 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN 04 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TẠI TỔ DÂN PHỐ, THÔN

Để thực hiện tốt quy chế của UBND thành phố về tổ chức và hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sau khi thống nhất với Công an thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ hướng dẫn một số nội dung thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm tại tổ dân phố, thôn, cụ thể như sau:

I. QUẢN LÝ CƯ TRÚ

1. Về quản lý địa bàn, quản lý dân cư

a) Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn theo dõi chặt chẽ, kịp thời, chính xác từng nhà, từng hộ, từng người đang cư trú tại tổ dân phố, thôn và ghi chép chi tiết vào sổ danh sách nhân khẩu, hộ khẩu (không phân biệt nhân khẩu thường trú và nhân khẩu tạm trú);

b) Thường xuyên phối hợp với cảnh sát khu vực, công an viên để nắm và tiếp nhận những thông tin về tình hình hộ khẩu, nhân khẩu và kịp thời bổ sung, điều chỉnh những thay đổi của từng hộ gia đình, từng nhân khẩu trong sổ quản lý nhân hộ khẩu;

c) Theo dõi, phát hiện và phản ánh với cảnh sát khu vực, công an viên khi có người lạ đến cư trú trên địa bàn tổ dân phố, thôn (kể cả Việt kiều, người nước ngoài, người đến thăm người thân ở lại dài ngày) để cảnh sát khu vực, công an viên hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú.

2. Về quản lý tạm trú, lưu trú

a) Hướng dẫn, phối hợp kiểm tra và tổ chức tiếp nhận việc lưu trú của nhân dân để thông báo đến cảnh sát khu vực, công an viên; thường xuyên nắm được số lượng người đến tạm trú, lưu trú, số người tạm vắng; qua đó phát hiện người lạ mặt, người nghi vấn hoặc có biểu hiện bất thường khác đến địa bàn, những người đi vắng lâu ngày không rõ lý do nay xuất hiện, những người đến ở không đăng ký tạm trú, lưu trú để kịp thời thông báo và phối hợp với cảnh sát khu vực, công an viên kiểm tra xử lý;

b) Báo cáo tiếp nhận thông tin lưu trú và báo cáo định kỳ theo quy định.

II. GIỮ VỮNG AN NINH TRẬT TỰ, PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM

1. Nắm tình hình có liên quan đến an ninh trật tự

a) Việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định về an ninh trật tự của thành phố và chính quyền địa phương đối với nhân dân trên địa bàn tổ dân phố, thôn;

b) Những tin tức, dư luận và tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình trong tổ dân phố, thôn đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, công an phường, xã;

c) Các biểu hiện hoạt động của bọn tội phạm, các điểm, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội trên địa bàn tổ dân phố, thôn;

d) Tình hình học sinh bỏ học, thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình, bạo lực học đường;

đ) Mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, tình hình tranh chấp dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.

Nắm tình hình trên và báo cáo theo quy chế với hợp với công an phường, xã, cảnh sát khu vực, công an viên để xử lý.

2. Tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân phòng chống tội phạm

a) Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân bảo vệ và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định về công tác đảm bảo an ninh trật tự của địa phương; tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và các phong trào khác do các cơ quan cấp trên phát động;

b) Tuyên truyền về âm mưu thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm để nhân dân cảnh giác, phòng ngừa;

c) Hướng dẫn cho nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm pháp luật, những vụ việc, hiện tượng nghi vấn có liên quan đến an ninh trật tự;

d) Thông qua các buổi sinh hoạt tổ dân phố, thôn nhắc nhở hoặc đưa ra kiểm điểm những trường hợp vi phạm về an ninh trật tự.

3. Xử lý tình hình vụ việc liên quan

a) Báo cáo kịp thời các vụ việc, hiện tượng có liên quan đến an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn, theo quy chế phối hợp giữa cảnh sát khu vực, công an viên và tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn;

b) Tổ chức hòa giải hoặc phối hợp tổ chức hòa giải ngay các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để kéo dài dẫn đến tình hình phức tạp và phát sinh tội phạm.

4. Công tác quản lý, giáo dục người vi phạm về an ninh trật tự

Nắm, theo dõi các diễn biến hoạt động của những người vi phạm về hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội và phản ánh cho lực lượng chức năng để phối hợp xử lý.

5. Xây dựng tổ dân phố, thôn đạt tiêu chí “An toàn về an ninh trật tự”

Tổ chức thực hiện theo Quyết định số 9138/QĐ-UBND ngày 06/11/2012 của UBND thành phố ban hành Bộ tiêu chí công nhận tổ dân phố, thôn, phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và hướng dẫn của UBND phường, xã.

III. GIÚP NHAU GIẢM NGHÈO

1. Trong theo dõi, giám sát công tác giảm nghèo

a) Nắm thông tin về hoàn cảnh, nguồn thu nhập, điều kiện sống cơ bản của các hộ gia đình;

b) Xác định hộ nghèo, theo dõi diễn biến nghèo (số hộ thoát nghèo, các hộ mới rơi vào diện nghèo, nguyên nhân nghèo), tìm hiểu yêu cầu của các hộ nghèo;

c) Rà soát và xác định danh sách hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo, thoát nghèo;

d) Định kỳ 6 tháng, năm, chủ trì họp tổ dân phố, thôn để thông qua danh sách dự kiến hộ nghèo, hộ thoát nghèo.

2. Giải thích về chính sách đối với người nghèo hoặc giới thiệu cho người nghèo những thủ tục liên quan đến các dịch vụ hỗ trợ giảm nghèo.

3. Vận động các hộ gia đình có điều kiện trong tổ dân phố, thôn giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh để thoát nghèo.

4. Thông tin về chủ trương, chính sách của địa phương về giảm nghèo; định hướng, trao đổi, bàn bạc với người dân, quyết định về kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai nhiệm vụ giảm nghèo của tổ dân phố, thôn.

5. Vận động cộng đồng tham gia hỗ trợ người nghèo trong tổ dân phố, thôn; đại diện cho lợi ích của người dân tại các cuộc họp, hội nghị của phường, xã.

IV. GIỮ GÌN TỐT VỆ SINH MÔI TRƯỜNG VÀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔ THỊ TẠI ĐỊA BÀN DÂN CƯ

1. Tổ chức tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường và nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; lồng ghép thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố; đảm bảo đạt các tiêu chí “Tổ dân phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”; thực hiện dân chủ, công khai trong việc bình chọn “Gia đình văn hóa” hàng năm.

2. Duy trì và phát huy có hiệu quả các phong trào của tổ dân phố, thôn liên quan đến vệ sinh môi trường như: “Tổ dân phố không rác”, “Thôn không rác”, “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”…

3. Tuyên truyền và vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh trong giao tiếp, ứng xử ở cộng đồng dân cư, nơi công cộng; hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, giữ gìn trật tự đô thị, trật tự vỉa hè, an toàn giao thông.

4. Chú ý nắm tình hình thực trạng cống rãnh, nền đường, điện chiếu sáng trong khu dân cư và đề xuất chính quyền cơ sở cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng đảm bảo điều kiện sinh hoạt đi lại của người dân trên địa bàn.

Trên đây là một số nội dung thực hiện 04 nhiệm vụ trọng tâm tại tổ dân phố, thôn. Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 897/HD-SNV ngày 23/5/2013 của Sở Nội vụ. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để phối hợp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND thành phố (để b/c);
- UBND thành phố (để b/c);
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy;
- Công an thành phố;
- Các Sở: LĐ-TB và XH, VHTT và DL, TN và MT;
- Quận ủy, huyện ủy; UBND các quận, huyện;
- Công an các quận, huyện;
- Các phòng: Nội vụ, LĐ-TB và XH, VH-TT, TN và MT;
- Đảng ủy, UBND các phường, xã;
- HĐND các xã;
- Tổ dân phố, thôn;
- Lưu: VT, XDCQ.

GIÁM ĐỐC




Đặng Công Ngữ