Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG XÂY DỰNG BÁO CÁO ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CẤP TỈNH, NGÀNH TRUNG ƯƠNG, CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY TRỰC THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 và Kế hoạch số 179/KH-LTĐ ngày 03/3/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc tổ chức đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định hướng một số nội dung xây dựng báo cáo của Đại hội Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn như sau:

I. YÊU CẦU CHUNG

- Báo cáo chính trị của Đại hội phải ngắn gọn, sát thực tiễn và nhiệm vụ chủ yếu, bố cục khoa học, có tính khái quát cao. Đánh giá khách quan, toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Công đoàn cấp tỉnh, ngành; kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ; chỉ ra những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả; phân tích những hạn chế, nguyên nhân, đặc biệt là những hạn chế, nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua. Tập trung đánh giá sâu về những chuyển biến và việc thực hiện một số chủ trương mới trong hoạt động công đoàn, kết quả các chương trình, đề án do Đại hội Đoàn XII Công đoàn Việt Nam và Đại hội công đoàn cấp tỉnh, ngành đề ra.

- Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới cần quán triệt quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TƯ ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết đại hội đảng bộ cùng cấp, định hướng báo cáo của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở phân tích và dự báo đặc điểm tình hình của ngành, địa phương, đơn vị, bám sát nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.

- Việc tổ chức xây dựng Báo cáo Đại hội công đoàn tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phát huy được sự tham gia đóng góp của đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn trực thuộc; có các đề xuất kiến nghị cụ thể đối với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Khuyến khích xây dựng chương trình, đề án cụ thể trình Đại hội, nhằm cụ thể hóa các giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội.

- Số liệu trong Báo cáo chính trị và Báo cáo thống kê tính trong 5 năm (2018, 2019, 2020, 2021 và 2022)

II. VỀ CHỦ ĐỀ, BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG BÁO CÁO CỦA BAN CHẤP HÀNH TẠI ĐẠI HỘI

1. Về chủ đề Đại hội

Chủ đề đại hội là những định hướng lớn, tư tưởng chỉ đạo mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn trong những năm tới (chủ đề có thể là tiêu đề hoặc đưa vào phần mở đầu của báo cáo). Việc lựa chọn chủ đề đại hội cần quán triệt một số nội dung: (1) Phải xuất phát từ tình hình thực tiễn, đặc trưng của lực lượng đoàn viên công đoàn chủ yếu và xu hướng, dự báo phát triển trong thời gian tới; (2) Thể hiện mục tiêu, trọng tâm xuyên suốt, động lực phát triển, chủ trương đột phá lớn trong nhiệm kỳ; (3) Đảm bảo ngắn gọn, súc tích, tập trung nêu bật những thành tố quan trọng nhất.

Việc lựa chọn chủ đề đại hội là không bắt buộc.

2. Về nội dung báo cáo

Báo cáo gồm các nội dung chủ yếu như sau:

Mở đầu: Nêu bối cảnh diễn ra đại hội.

Đánh giá tình hình công nhân, viên chức, lao động và việc thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn nhiệm kỳ qua

Trước hết cần làm rõ bối cảnh tình hình, đặc điểm của ngành, địa phương, đơn vị trong 5 năm qua; những diễn biến mới đáng lưu ý và ảnh hưởng của tình hình đó đối với hoạt động công đoàn.

- Đánh giá tình hình công nhân, viên chức, lao động

Tập trung phân tích, đánh giá về một số vấn đề chủ yếu của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động về: Số lượng, cơ cấu và chất lượng (cơ cấu, trình độ học vấn, nghề nghiệp, chính trị), lao động và việc làm, tiền lương, thu nhập và đời sống (vật chất, tinh thần), nhà ở và điều kiện sống, điều kiện làm việc, quan hệ lao động, tranh chấp lao động và đình công, tình hình tư tưởng, tâm trạng.

- Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ qua

Căn cứ nghị quyết, các chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội cấp mình và các chương trình hành động của Tổng Liên đoàn, cụ thể hóa chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp để kiểm điểm, phân tích và đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện từng nhiệm vụ (đánh giá rõ những chương trình, nghị quyết, đề án đã đề ra, nhiệm vụ nào thực hiện đạt kết quả tốt, những nhiệm vụ nào còn chưa phù hợp, không thực hiện được, nêu rõ lý do); những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm.

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Công đoàn nhiệm kỳ mới - Những đề xuất và kiến nghị

- Từ thực tiễn phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn của ngành, địa phương nghiên cứu xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cấp mình trong nhiệm kỳ 2023-2028; lưu ý chọn lựa, cụ thể hóa những định hướng lớn dự kiến trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã được Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn cho ý kiến phù hợp với tình hình thực tế tại ngành, địa phương, đơn vị.

- Đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn đối với chuyên môn, cấp ủy, Tổng Liên đoàn (có thể đưa thành báo cáo riêng).

3. Một số vấn đề cần lưu ý:

- Ngoài báo cáo chính của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện một số báo cáo chuyên đề cụ thể. Cần có phụ lục số liệu làm rõ kết quả kèm theo báo cáo.

- Để đại hội có nhiều thời gian dành cho đại biểu thảo luận, cần có báo cáo tóm tắt để trình bày tại đại hội, báo cáo chi tiết để đại biểu nghiên cứu tại đại hội và sau đại hội (không trình bày toàn văn báo cáo chi tiết tại Đại hội).

III. THẢO LUẬN, LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN

- Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội công đoàn đoàn cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp, Tổng Liên đoàn; nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, công đoàn cấp dưới, của cán bộ lão thành, các đồng chí nguyên là cán bộ công đoàn các thời kỳ, các nhà khoa học, cán bộ công đoàn và đoàn viên, người lao động.

- Việc thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện của Đại hội cấp cấp tỉnh, ngành phải được tiến hành nghiêm túc, trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, nội dung phải cụ thể; đồng thời qua thảo luận lựa chọn lĩnh hội cụ thể hóa vào văn kiện và nghị quyết Đại hội của cấp mình.

- Hình thức thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin: Tổ chức hội nghị, diễn đàn thảo luận để lấy ý kiến tập trung; tổ chức các diễn đàn trực tuyến; gửi văn kiện xin ý kiến đóng góp trực tiếp...

- Để việc thảo luận được tập trung, ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội cần xác định những nội dung trọng tâm, các vấn đề mới cần đặt ra đối với tổ chức và hoạt động công đoàn ở địa phương, ngành, đơn vị mình để thảo luận rộng rãi, yêu cầu cơ sở chuẩn bị tham luận tại Đại hội.

- Nội dung các bản tham luận tại đại hội không kể lể thành tích, cần chú trọng làm rõ những kinh nghiệm, giải pháp, mô hình mới, tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; những kiến nghị đề xuất. Các tham luận được đóng thành tập để lưu hành tại đại hội. Khuyến khích đại biểu phát biểu trực tiếp tại đại hội.

- Đối với các đơn vị có quy mô lớn, số lượng đại biểu dự đại hội đông có thể bố trí thời gian và địa điểm thích hợp chia các tổ thảo luận để thu được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu.

IV. VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC

1. Về Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành

Trên tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm túc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm tập thể của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các Ủy viên Ban Chấp hành; chỉ ra mặt được và hạn chế, yếu kém, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới. Một số thành tố cơ bản gồm:

- Tình hình số lượng, cơ cấu, biến động Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhiệm kỳ 2018-2023

- Kiểm điểm kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Cơ quan Công đoàn về ưu điểm, hạn chế trên các lĩnh vực: a) Quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của các cấp công đoàn; công tác phối hợp với chính quyền, đoàn thể, các cơ quan liên quan khác, b) Lãnh đạo triển khai, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2018-2023. c) Lãnh đạo, chỉ đạo đại hội công đoàn các cấp và chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ 2023-2028. d) Chỉ đạo hoạt động của Cơ quan công đoàn, các đơn vị trực thuộc (nếu có).

- Kiểm điểm lề lối làm việc, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành rõ ưu điểm, hạn chế.

- Kiểm điểm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của các đồng chí ủy viên Ban chấp hành rõ ưu điểm, hạn chế.

- Đánh giá chung và một số kinh nghiệm

2. Về Nghị quyết Đại hội

Nội dung nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, đảm bảo được tinh thần chỉ đạo của cấp ủy đảng cùng cấp, Tổng Liên đoàn và của Đại hội. Nghị quyết cần xác định các nội dung được thông qua tại Đại hội, gồm: Báo cáo chính trị; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành; tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội công đoàn cấp trên; ý kiến sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kết quả bầu Ban Chấp hành khoá mới và đại biểu đi dự Đại hội công đoàn cấp trên.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Các ban nghiệp vụ của Tổng Liên đoàn căn cứ chức năng nhiệm vụ và hướng dẫn này quán triệt Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cụ thể hóa trong quá trình xây dựng văn kiện trình Đại hội Công đoàn cấp tỉnh, ngành.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn

- Căn cứ Hướng dẫn này và những định hướng lớn dự kiến trình Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã được Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thông qua, xây dựng văn bản hướng dẫn và triển khai đối với các cấp công đoàn trực thuộc và công đoàn cơ sở phù hợp với thực tiễn của ngành, địa phương, cơ sở.

- Xây dựng dự thảo báo cáo Đại hội công đoàn; tổ chức cho đoàn viên, người lao động các cấp công đoàn trực thuộc nghiên cứu và góp ý vào dự thảo Báo cáo.

- Tổng hợp báo cáo đóng góp ý kiến của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động tại đại hội công đoàn cấp dưới; hoàn chỉnh báo cáo chính thức trình tại Đại hội Công đoàn cấp mình.

- Dự thảo Báo cáo Đại hội của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn gửi về Văn phòng Tổng Liên đoàn trước ngày 31/5/2023 (địa chỉ hộp thư: tonghoptld@gmail.com) kèm biểu số liệu (ban hành theo quyết định 1073/QĐ-TLĐ ngày 28/7/2020 về việc sửa đổi, bổ sung quy định về công tác thống kê của tổ chức Công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 1454/QĐ-TLĐ ngày 28/11/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam). Sliệu Báo cáo tính trong 5 năm (2018, 2019, 2020, 2021 và 2022) để phục vụ công tác xây dựng Báo cáo chính trị của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII và phục vụ công tác duyệt văn kiện Đại hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Phòng Tổng hợp, Văn phòng Tổng Liên đoàn; số điện thoại: 024.39424720, 024.39424363) để được giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Đoàn Chủ tịch TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW, CĐ Tổng Cty trực thuộc TLĐ;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu: Văn thư, Tổng hợp.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Trần Thanh Hải