Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 763/HD-SXD

Quảng Bình, ngày 06 tháng 8 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG TIÊU CHÍ NHÀ Ở DÂN CƯ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Căn cứ Công văn số 66/BCĐXDNTM ngày 07/11/2011 của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình về việc Xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới và Kế hoạch số 30/KH-SXD ngày 6/01/2012 của Sở Xây dựng về Thực hiện tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Sở Xây dựng hướng dẫn Một số nội dung trong Tiêu chí nhà ở dân cư thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới như sau:

Nhà đạt tiêu chí nông thôn mới phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Diện tích nhà ở đạt từ 14 m2/người trở lên (Diện tích nhà ở là tổng diện tích ở (ăn, ngủ, sinh hoạt chung, phòng khách...) và diện tích phụ (bếp, phòng vệ sinh đối với nhà ở thiết kế khu vệ sinh tập trung, các hành lang, lối đi trong nhà).

2. Kết cấu của nhà: phải đảm bảo yêu cầu “3 cứng” (gồm nền cứng, khung cứng, mái cứng) và Niên hạn sử dụng công trình nhà ở từ 20 năm trở lên.

- Nền cứng: là mặt nền được đổ bê tông gạch vỡ, sạn ngang, đá dăm… với vữa xi măng #50 trở lên, dày >10cm; trên được láng vữa xi măng, lát gạch, lát đá… xung quanh nhà được xây bao bằng gạch, đá chẻ kết hợp vữa xi măng;

- Khung cứng: là khung nhà được lắp dựng bằng kết cấu gỗ (nhóm 1 - nhóm 3), kết cấu bê tông cốt thép, kết cấu gạch đá, kết cấu thép hoặc kết cấu kết hợp. Giải pháp kết cấu công trình đảm bảo chống gió bão, điều kiện địa chất và khí hậu vùng miền.

- Mái cứng: là mái được lợp bằng vật liệu ngói, tôn, Fibroximăng… và đảm bảo các yêu cầu: che mưa, che nắng, chống mưa hắt, chống thấm, chống dột, chống nóng, chống mối mọt.

3. Đảm bảo quy hoạch, bố trí không gian các công trình trong khuôn viên ở (gồm nhà ở và các công trình đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như bếp, nhà vệ sinh…) phải đảm bảo phù hợp, thuận tiện cho sinh hoạt đối với mọi thành viên trong gia đình; đồng thời các công trình đảm bảo yêu cầu tối thiểu về diện tích sử dụng;

- Bố trí các công trình hạn chế tối đa ảnh hưởng tới các hộ gia đình lân cận, đặc biệt là chuồng trại, nhà vệ sinh;

4. Có đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch, vệ sinh môi trường…. Giao thông đi lại từ chỗ ở phải kết nối với hệ thống giao thông chung của thôn, bản, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại cho người cũng như các phương tiện khác như xe thô sơ, xe máy…;

- Hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc….bố trí hợp lý với khuôn viên khu đất, đảm bảo mỹ quan và phù hợp với yêu cầu sử dụng;

- Đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống: Nước giếng, nước máy, nước mưa, nước tự chảy đã qua xử lý lắng lọc;

- Hệ thống thoát nước được tách riêng nước sinh hoạt và nước rửa từ các chuồng trại chăn nuôi. Có biện pháp thu gom, xử lý phân, rác, xác động thực vật; không được xả trực tiếp các chất thải xuống ao, hồ, kênh rạch;

- Nhà xí, chuồng nuôi gia súc tách riêng khỏi khu ở, đặt cuối hướng gió, cách nhà ở, đường đi chung và có cây xanh hoặc ao làm dải cách ly.

- Khu vệ sinh: Dùng bể xí tự hoại hoặc bán tự hoại; Hố xí hai ngăn cho khu vực khan hiếm nước.

5. Kiến trúc, mẫu nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của từng dân tộc, từng vùng, miền. Đảm bảo an toàn, bền vững, đảm bảo mỹ quan, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố; UBND các xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ các văn bản của Trung ương, của Tỉnh và Hướng dẫn của Sở Xây dựng để thực hiện việc đánh giá, phân loại./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã;
- Ban chỉ đạo CTMTQGXDNTM (b/cáo);
- VP điều phối CTMTQGXDNTM (để biết);
- Lưu VT, QLHĐXD.

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Quyết